Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Truyền hình Nhà nước Trung Quốc gian lận số người hâm mộ ?

Ba tờ báo lớn ra tại Pháp ngày 29/07/2020 đều chạy tựa trang nhất về quan hệ căng thẳng hẳn lên giữa Trung Quốc và phương Tây. Trong lúc La Croix và Le Figaro nhấn mạnh trên thái độ bất bình của phương Tây trước những hành vi ngày càng hung hăng, bất cần luật lệ của Trung Quốc, thì Le Monde đặt nghi vấn về hiện tượng trang Facebook bằng tiếng Pháp của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN có số lượng like cao kỷ lục, hơn gấp bội các trang của truyền thông Pháp ngữ khác.

gianlan0

Trung Quốc lãnh búa rìu của phương Tây từ hồ sơ Tân Cương đến Hồng Kông và cả nhũng cáo buộc lũng đoạn mạng xã hội Facebook bằng tiếng Pháp.  AP - Mark Schiefelbein

Nỗi lo về làn sóng dịch Covid-19 thứ hai cũng là một đề tài được rất nhiều tờ báo quan tâm, bên cạnh sự kiện gương mặt tiêu biểu cuối cùng của phong trào đấu tranh cho nữ quyền tại Pháp, nữ luật sư Gisèle Halimi, qua đời.

CGTN có đến 20 triệu like còn Le Monde chỉ được 4,6 triệu !

Về Trung Quốc, dưới tựa đề trang nhất "Tiếng nói của Bắc Kinh chen vào các mạng xã hội Pháp", bên trên một bức ảnh màu chụp buổi lễ ra mắt kênh quốc tế CGTN và trang web của đài truyền hình trung ương Trung Quốc vào năm 2016, Le Monde ghi nhận là kênh truyền hình Trung Quốc tự phô trương mình là phương tiện truyền thông Pháp ngữ được hâm mộ nhất trên Facebook.

Theo Le Monde, quả là một điều kỳ quái khi một đài truyền hình hầu như vô danh tiểu tốt như đài CGTN Pháp ngữ của Nhà nước Trung Quốc lại có trang Facebook có nhiều "like" hơn bất cứ phương tiện truyền thông bằng tiếng Pháp nào khác. Điều này khiến người ta tự hỏi phải chăng có sự thao túng để quảng bá cho quan điểm của Bắc Kinh.

Le Monde so sánh : Các tờ báo lớn ở Pháp, như bản thân tờ Le Monde chỉ có 4,6 triệu "like" ; Le Figaro 3,2 triệu, đài phát thanh France Inter 1,4 triệu và ngay cả đài truyền hình France 24 với thính giả quốc tế cũng chỉ có 9,3 triệu "like". Trong khi đó thì CGTN, với 20 triệu "like", đã đè bẹp các đối thủ để trở thành trang mạng Pháp ngữ nhiều "like" đứng hàng thứ tư trên thế giới, theo số liệu của trang chuyên trách Socialbackers.

Số "like" cao khả nghi khi so với video ít người xem, tin tức ít bình luận

Nhưng khi nói đến tên CGTN, thì có vẻ ít người biết đến. Điều này cũng dễ hiểu thôi, và Le Monde giải thích rõ ràng : Cho đến năm 2016, CGTN còn được gọi là CCTV và là một đài truyền hình rất ít được xem ở Pháp, với lượng khán giả khiêm tốn đến mức không được cơ quan Médiamétrie đưa vào bảng xếp hạng, bất kể việc đài này có những phương tiện to lớn, vì là đài quốc tế của nhà nước Trung Quốc, phát những phóng sự văn hóa, cũng như những thông cáo tố cáo nước ngoài can thiệp vào chính sách Trung Quốc.

Đối với Le Monde, phân tích các nội dung trên trang Facebook của CGTN, người ta thấy là các video rất ít được xem - trung bình chỉ khoảng 1000 lượt quan tâm, còn thông tin thì cũng rất ít được bình luận. Điều này cho thấy là lượng người xem thực thụ rất thấp.

Thao túng để nâng cao số lượng "like" một cách giả tạo ?

Khá năng này theo Le Monde rất lớn (vả lại phía Trung Quốc từ chối trả lời Le Monde trên vấn đề này). Tờ báo giải thích là trên Youtube, CGTN chỉ có khoảng hơn 100.000 người đăng ký theo dõi một chút, một con số không phù hợp chút nào so với người theo dõi có đăng ký trên Facebook.

Ngay cả phiên bản Pháp ngữ của kênh truyền thông Nga RT, rất năng động trên các mạng xã hội và rất được phong trào Áo Vàng Pháp ưa thích, cũng chỉ được 1,1 triệu "like" trên Facebook, tuy rằng thường xuyên thu hút được hàng trăm bình luận trên các bài đăng.

Le Monde nhận định mỉa mai : Thật ra các thông tin trên trang Facebook của CGTN cũng chẳng có gì đáng để bình luận. Ngoại trừ một vài hình ảnh động vật, vốn thường được đăng trên các trang mạng khác, chủ yếu là những bài tuyên truyền, chẳng hạn như ca ngợi thông minh nhân tạo là "sức bật mới cho phát triển kinh tế Trung Quốc" hay diễn giải những thông cáo của bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Cũng có nhiều bài đăng đi xa hơn, ca ngợi chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương, cho rằng "những lời tố cáo việc giam cầm người Duy Ngô Nhĩ chỉ là bịa đặt", trong lúc đường lối của Trung Quốc ở Tân Cương là "một đảm bảo cho nhân quyền trong vùng".

Bắc Kinh "trên ghế bị cáo" vì vấn đề Duy Ngô Nhĩ

Về Trung Quốc, hồ sơ nặng ký nhất được thấy trên tờ báo thiên hữu Le Figaro, với hàng tựa lớn ngay trang nhất : "Người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc dưới áp lực của quốc tế".

Trong hồ sơ dài 3 trang ở bên trong, Le Figaro đã nêu bật phản ứng càng lúc càng mạnh mẽ của phương Tây trước những hành vi thô bạo của Bắc Kinh, đặc biệt là của Pháp trong bài "Trại giam người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc trên ghế bị cáo", ghi nhận rằng Bắc Kinh ngày càng bị chỉ trích thẳng thừng và gay gắt về chính sách bị gọi là "diệt chủng" đối với người dân Hồi giáo ở Tân Cương.

Sau Hoa Kỳ và Anh Quốc, Pháp cũng cao giọng lên án chính sách đàn áp. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, vào ngày 21/07, chỉ trích những cách làm "không thể chấp nhận được", nêu bật trước Quốc hội Pháp "hệ thống đàn áp" của Bắc Kinh, tố cáo từ những trại giam cầm, cưỡng bức lao động, người mất tích, đến kiểm soát sinh để, vấn đề triệt sản. Ông còn tố cáo chế độ Trung Quốc "phá hủy di sản văn hóa và nhất là nơi thờ phụng" của người Duy Ngô Nhĩ.

Điểm đáng chú ý là ngoại trưởng Pháp đã đưa ra những lời tố cáo chi tiết hơn trước đây khi Paris còn thận trọng trên hồ sơ nhạy cảm này. 

Trung Quốc hung hăng, Châu Âu mất kiên nhẫn

Le Figaro đồng thời ghi nhận sự mất kiên nhẫn của Châu Âu trước hàng loạt hành vi coi thường luật lệ của Trung Quốc trong bài "Châu Âu ngày càng không chịu được những vi phạm của Bắc Kinh".

Tờ báo nhận thấy là Châu Âu đang thức tỉnh trước thảm cảnh người Duy Ngô Nhĩ. Tháng 12/2019, Nghị viện Châu Âu đã yêu cầu trừng phạt nhắm vào một số nhân vật Trung Quốc. Lần này thì Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu Bắc Kinh cho phép những nhà quan sát độc lập đến Tân Cương.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã lên tiếng tố cáo "những hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng", tiếp theo sau là tố cáo của ngoại trưởng Pháp Le Drian. Ngay cả bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire cũng lên án những hành vi không thể chấp nhận được ở Tân Cương. Do đó, Châu Âu không còn thể giữ thái độ chừng mực, thận trọng, mà phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, cao giọng trên mọi vấn đề đến từ Bắc Kinh.

Câu hỏi Le Figaro đặt ra là liệu Châu Âu có thể đi theo con đường của Hoa Kỳ, đã ra lệnh trừng phạt vào tháng 7 nhắm vào lãnh đạo Tân Cương "vi phạm nhân quyền" và đặt 11 công ty Trung Quốc trên danh sách đen, hay là Châu Âu vẫn tìm cách dung hòa, bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình với Trung Quốc ?

Nghi kỵ leo thang trong quan hệ với Trung Quốc

Báo La Croix cũng chú ý đến phản ứng của quốc tế đối với Trung Quốc, nêu bật trong hàng tựa chính trang nhất : "Nghi kỵ leo thang". Tờ báo tóm lược : Ngoại giao hung hăng, nghi ngờ hoạt động gián điệp… Ngày càng có nhiều quốc gia dân chủ phương Tây tỏ thái độ nghi kỵ đối với Trung Quốc.

Trong bài phân tích ở trang trong, tựa đề "Trung Quốc bị thất sủng ở phương Tây", tác giả Dorian Malovi, nhận thấy là dịch Covid-19 hay quyết định khống chế Hồng Kông đã làm dấy lên phản ứng quốc tế đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ hy vọng – nhưng vẫn hoài công – thành lập được một liên minh chống Bắc Kinh.

Trung Quốc đã trở thành kẻ thù số 1 ở phương Tây. Hơn sáu tháng sau dịch "virus Vũ Hán", chế độ của Tập Cận Bình đứng trước sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế. Hoa Kỳ đi đầu với các biện pháp trừng phạt, những ngày qua lại mở thêm "cuộc chiến lãnh sự quán".

Những nền dân chủ khác đã đi theo, với những mức độ khác nhau, ít ra là xét lại quan hệ với Trung Quốc, giờ đây bị xem như là một mối đe dọa.

Dân phương Tây cũng ngày càng ghét Trung Quốc

Thay đổi thái độ thật đột ngột, và chỉ trong một năm hình ảnh Trung Quốc ở bên ngoài đã xấu đi một cách chưa từng thấy. Tại Pháp, hơn 70% người được hỏi có cái nhìn xấu hơn về Trung Quốc so với lúc trước dịch virus corona. Tại Ý, nơi mà Trung Quốc đã đổ vào hàng tấn hàng trợ giúp vào tháng 4, thì 80% người được hỏi không nhìn Trung Quốc một cách tích cực.

Nhìn chung, dù Bắc Kinh đã tuyên truyền về trợ giúp y tế, ngoại giao khẩu trang, cách nhìn của dân Châu Âu về Trung Quốc đã xấu hẳn đi.

La Croix nhìn thấy trong đánh giá chung không mấy thiện cảm này, Châu Âu đang từ từ khép cửa đối với Hoa Vi. Sau một thời gian dài do dự, các quốc gia Châu Âu đã dần dần đi theo quan điểm của Mỹ, dựng rào cản trước các tập đoàn công nghệ Trung Quốc và Hoa Vi là tập đoàn đầu tiên chịu hậu quả.

Vinh danh Gisèle Halimi, gương đấu tranh vì nữ quyền

Nhật báo cánh tả Libération đã dành trang nhất có nền màu đen tuyền đăng ảnh tưởng niệm bà Gisèle Halimi, gương mặt tiêu biểu của phong trào đấu tranh cho nữ quyền tại Pháp, vừa qua đời hôm 28/07/2020, thọ 93 tuổi.

Trang nhất của Libération mang dòng tựa như lời từ biệt : "Gisèle Halimi, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục". Ở trang trong, dưới tựa đề "Gisèle Halimi, một người vì mọi người", Libération tán dương, với nhiều cuộc phỏng vấn, vị cố luật sư được xem là một gương mặt trọng tâm của cuộc đấu tranh cho quyền người phụ nữ, dấn thân cho việc hợp pháp hóa phá thai, đấu tranh chống thực dân.

Sự kiện thường được người ta nhắc đến là vào năm 1960, bà Gisèle Halimi đã đứng ra biện hộ cho một phụ nữ của mặt trận FLN Algeria bị bắt vì mưu toan khủng bố, bị tra tấn và bị lính Pháp hãm hiếp.

Libération nhắc lại Gisèle Halimi là người bạn từ lâu của một gương mặt nổi tiếng khác đấu tranh cho nữ quyền, cố bộ trưởng Simone Veil, đã ra đi năm 2017. Nét chung của hai người là lòng kiên trì, yêu chuộng tự do tuyệt đối, không khoan nhượng.

Đối với Libération, Gisèle Halimi ra đi là cả một mảng lịch sử đấu tranh cho nữ quyền của thế kỷ qua, mà bộ ba Simone de Beauvoir, Simone Veil và Gisèle Halimi đã ghi dấu ấn, đang khép lại.

Thất nghiêp hàng loạt đe dọa nước Pháp

Thời sự Pháp nổi bật trên trang nhất của báo Le Monde với hàng tựa chính "Tình trạng thất nghiệp hàng loạt tăng mạnh tại Pháp".

Theo Le Monde, số liệu thống kê do bộ Lao Động Pháp công bố hôm thứ Hai đầu tuần đã xác nhận thực tế theo đó đợt đại dịch Covid-19 tràn vào nước Pháp từ đầu năm đến nay quả đúng là đã gây nên cuôc khủng hoảng kinh tế.

Chỉ riêng trong tháng Sáu vừa qua, trên toàn lãnh thổ Pháp, đã có hơn 6 triệu người phải đi tìm việc làm, dù là người đang lao động hay đã thất nghiệp. Số người đăng ký xin việc mà không nhận được bất kỳ đề nghị nào có giảm khoảng 4,6%, nhưng vẫn rất đông, vì vẫn còn ở mức 4,2 triệu người.

Trong tình hình đó, cơ quan bảo hiểm thất nghiệp UNEDIC dự báo một tỷ lệ thất nghiệp lên đến 11% vào cuối năm 2020 này, tức là tăng gần 3 điểm so với năm ngoái 2019.

Các chuyên gia kinh tế được Le Monde phỏng vấn có phần hoan nghênh các biện pháp mà chính phủ vừa đề ra nhắm vào giới trẻ.

Xe Peugeot chống chọi tốt với dịch Covid-19

Trang nhất của Les Echos dĩ nhiên vẫn dành cho kinh tế với hàng tựa lớn : "PSA thách thức khủng hoảng".

Tập đoàn xe hơi Peugeot PSA của Pháp đã thành công giữ được lợi nhuận trong sáu tháng đầu năm, bất chấp cú sốc của dịch Covid-19. Tập đoàn chế tạo xe hơi đã có được khoản lời gộp 595 triệu euro trong sáu tháng qua, mặc dù số lượng xe bán ra giảm 46%.

Trả lời báo Les Echos, ông Carlos Tavares, lãnh đạo PSA, giải thích cách xử lý khủng hoảng của ông, nhận định là "khủng hoảng sẽ sàng lọc giữa các nhà chế tạo xe hơi" và PSA "dứt khoát ở lại Trung Quốc và đã bắt đầu giải quyết một phần vấn đề".

Covid-19 hạ gục cuộc hành hương đến thánh địa Mecca

Về đà lan rộng trở lại của dịch Covid-19 trên thế giới, Le Monde ghi nhận một vài sự kiện nổi bật :

Tại Saudi Arabia, nơi lễ hành hương thường niên tối quan trọng của người Hồi giáo thế giới về thánh địa Mecca sẽ bắt đầu từ hôm nay, 29/07, chính quyền đã phải giảm đáng kể số lượng khách. Từ 2,5 triệu người vào năm ngoái, năm nay thánh địa Mecca chỉ còn tiếp đón tối đa 10.000 người.

Số người đến hành hương như vậy chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, điều chưa từng thấy từ ngày Vương quốc Hồi giáo Saudi Arabia được thành lập từ năm 1932 đến nay.

Chính quyền Ryadh bị buộc phải giới hạn tối đa số khách hành hương vì không muốn 4 ngày hành hương trở thành dịp phát tán virus corona như điều đã xẩy ra tại Mulhouse, ổ dịch lớn tại miền đông nước Pháp hồi tháng Hai vừa qua, nhân một cuộc tập hợp của các tín hữu Tin Lành.

Còn tại Iran, trước diễn biến đáng lo ngại của dịch bệnh, với làn sóng lây nhiễm thứ hai đang bùng lên, giới nhân viên y tế đang kiệt quệ.

Mai Vân

Published in Châu Á