Trung Quốc cấm đền chùa kinh doanh vì tiền (BBC, 24/11/2017)
Chính phủ Trung Quốc vừa ra một chỉ thị nghiêm cấm các cá nhân và tổ chức xây chùa thờ Phật và đền của đạo Lão để kiếm tiền và 'xâm hại danh tiếng' tôn giáo.
Trung Quốc ra chỉ thị về việc hạn chế kinh doanh thương mại 'ngoài luồng' của đền chùa
Theo trang China Daily hôm 24/11/2017 thì một văn bản do Ban Tôn giáo Quốc vụ viện (nội các) của Trung Quốc cùng 12 cơ quan khác, gồm cả Tổng cục Du lịch Quốc gia, đã công bố lệnh cấm trên.
Các chùa của Phật giáo và đền theo đạo Lão được hưởng quy chế 'phi lợi nhuận', vì thế, mọi hoạt động kiếm lời quá mức là trái phép.
Không bán hương giá cao và đặt hòm 'công đức'
Các đền chùa chỉ được phép hoạt động kinh doanh như in ấn sách báo tôn giáo, bán hàng lưu niệm nhằm chi tiêu vào việc bảo trì cơ sở của mình hoặc làm từ thiện.
Việc cúng dường vào 'hòm công đức' sẽ bị hạn chế tại Trung Quốc
China Daily cũng trích lời Đại sư Thích Học Thành, Chủ tịch Hội Phật giáo Quốc gia, Trung Quốc nói rằng : "rất nhiều hoạt động kinh doanh của các chùa, các hội nhóm Phật giáo diễn ra trái tôn chỉ của Hội" mà ông lãnh đạo.
Theo BBC Tiếng Trung, chỉ thị này nhắm vào nhiều đền chùa tự xây và hoạt động "ngoài luồng".
Vị đại sư, đại biểu Quốc hội, nguyên trụ trì Đại Bi Viện, cũng nói :
"Nhiều nhân viên các đền chùa buộc người dân phải mua hương với giá đắt quái dị chỉ để chứng tỏ họ sùng kính đạo Phật.
"Như thế, người đi chùa sẽ nghĩ hóa ra mọi chùa chiền đều như vậy và uy tín của các ngôi đền hoạt động có phép cũng bị ảnh hưởng".
Lãnh đạo Hội Phật giáo Quốc gia Trung Quốc phê phán việc 'bán hương giá cao'
Chỉ thị của chính phủ Trung Quốc cấm cả việc đặt ra thùng 'công đức' thu tiền.
Liên quan đến du lịch, Trung Quốc sẽ cấm việc khai thác "điên rồ" các danh lam thắng cảnh vì tiền và làm xấu hình ảnh đất nước, theo China Daily.
Tường thuật BBC Tiếng Trung cho hay theo các báo ở Trung Quốc, một số điểm như núi Nga Mi ở Tứ Xuyên, chùa Phổ Đà ở Chiết Giang, chùa Cửu Hoa ở An Huy và một số điểm khác bị cho là "tranh thủ làm ăn" kinh doanh du lịch liên quan đến Phật giáo.
***************
Thương mại Trung-Triều giảm mạnh vì trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (VOA, 24/11/2017)
Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Triều Tiên giảm xuống mức 334,9 triệu đôla trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 2, cùng lúc nhập khẩu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, theo các số liệu công bố hôm 23/11.
Một xe hàng Triều Tiên tại cửa khẩu với tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc (ảnh tư liệu, 9/2017)
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các biện pháp chế tài cứng rắn mới đã làm giảm trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với nước láng giềng bị cô lập.
Theo số liệu của hải quan, tổng kim ngạch giảm gần 20% từ mức của tháng 9 và thấp hơn nhiều so với con số 525,2 triệu đôla một năm trước.
Dữ liệu này là của toàn bộ tháng đầu tiên kể từ khi các lệnh cấm mới nhất của Liên Hiệp Quốc bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/9, cấm Bình Nhưỡng bán than, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản ra nước ngoài.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mua hàng hóa trị giá 90,75 triệu đôla từ Triều Tiên vào tháng 10, giảm mạnh từ mức 145,8 triệu đôla trong tháng 9, và là mức thấp nhất trong số liệu thống kê của chính phủ từ tháng 1/2014, số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay.
Xuất khẩu đã giảm xuống 244,2 triệu đôla, mức thấp nhất kể từ tháng 2. Mức này cũng thấp hơn so với con số 266,4 triệu đôla trong tháng 9 và 286,9 triệu đôla trong tháng 10 năm ngoái.
Liên Hiệp Quốc ước tính lệnh cấm mới nhất, được áp đặt sau hai cuộc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa vào tháng 7, sẽ làm giảm 1/3 lợi tức từ xuất khẩu hàng năm trị giá 3 tỷ đôla của Triều Tiên.
Dữ liệu này cũng có thể khẳng định lập trường mạnh mẽ của Bắc Kinh rằng họ thực hiện nghiêm ngặt các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Reuters
********************
Trung Quốc chỉ trích hành động đơn phương sau chế tài đối với Triều Tiên (VOA, 23/11/2017)
Trung Quốc hôm thứ Tư chỉ trích "những chế tài đơn phương và thẩm quyền pháp lý vươn dài" của các chính phủ khác sau khi Washington trừng phạt các công ty Trung Quốc bị cáo buộc buôn bán với Triều Tiên.
Người dân xem tin tức trên tivi với hình ảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un tại Ga Tàu Seoul ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 21 tháng 11, 2017.
Bắc Kinh đang "thực thi đầy đủ" các chế tài của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liên quan tới việc Triều Tiên theo đuổi công nghệ hạt nhân và phi đạn, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói. Ông cho biết Trung Quốc sẽ hợp tác với các chính phủ có "bằng chứng vững chắc".
"Về nguyên tắc, chúng tôi phản đối những chế tài đơn phương và thẩm quyền pháp lý vươn dài," ông Lục nói trong một cuộc họp báo thường kỳ. "Mỹ luôn biết rõ lập trường của Trung Quốc".
Ông Lục không đưa ra chỉ dấu nào cho thấy liệu Bắc Kinh có thể có hành động đáp trả hay không.
Trung Quốc là nguồn thương mại, năng lượng và viện trợ chính của Triều Tiên, do đó sự hợp tác của Trung Quốc là thiết yếu để thi hành các chế tài nhắm mục tiêu buộc Bình Nhưỡng ngừng phát triển hạt nhân và phi đạn.
Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Ba nói rằng các công ty bị cáo buộc làm ăn với Triều Tiên sẽ bị cấm không được nắm giữ tài sản ở Mỹ hoặc làm ăn tại Mỹ.
Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai loan báo Washington sẽ định danh Triều Tiên là nước bảo trợ khủng bố. Ông Trump đã hứa sẽ tăng cường chiến dịch "gây áp lực tối đa" lên Bình Nhưỡng với chế tài ở "mức cao nhất" từ trước tới nay.
Bắc Kinh đã thuận theo những chế tài mới nhất của Liên Hiệp Quốc vì ngày càng bất bình với chế độ Kim Jong-un. Nhưng họ bác bỏ việc cho phép các chính phủ hành động riêng lẻ và nói rằng bất kỳ biện pháp nào cũng nên tránh gây tổn hại cho người dân Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi một đặc sứ tới Bình Nhưỡng vào tuần trước trong điều được nhìn nhận là một nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ căng thẳng và để tránh những áp lực thêm nữa của Mỹ hối thúc Trung Quốc phải hành động.
Trung Quốc trước đó trong năm nay đã loan báo sẽ hạn chế cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên và cấm nhập khẩu hàng dệt may của nước này. Bắc Kinh đã yêu cầu các doanh nghiệp Triều Tiên hoạt động trên lãnh thổ của họ, một nguồn ngoại tệ quan trọng, phải đóng cửa trước đầu tháng 1 năm sau.