Trọng Nghĩa, RFI, 26/10/2020
Hôm 26/10/2020, Quốc hội Thái Lan mở phiên họp bất thường do các cuộc biểu tình đòi dân chủ, vào lúc mà những người phản kháng dự trù tập hợp trước đại sứ quán Đức, như là một cử chỉ mới để thách thức quốc vương Maha Vajiralongkorn, vị vua thường xuyên lưu trú Đức.
Theo một thông cáo của Quốc Hội, phiên họp kéo dài hai ngày nhằm thảo luận về một số cuộc tập hợp bị xem là "bất hợp pháp", nhưng không bàn về các yêu sách của những người biểu tình. Theo giới quan sát, điều này sẽ khiến cho căng thẳng gia tăng. Họ cho rằng, chính quyền Bangkok chỉ đang tìm cách tranh thủ thời gian, vào lúc các cuộc biểu tình tiếp diễn, như tường trình của thông tín viên Carol Isoux từ Bangkok :
Hàng ngàn người biểu tình lại tập hợp ở trung tâm thủ đô Bangkok tại khu vực các cửa hàng lớn, sau khi hết hạn tối hậu thư đòi thủ tướng Prayuth Chan-O-Cha phải từ chức. Phong trào biểu tình dường như không giảm cường độ, những nhà hoạt động lớn tuổi hơn nay sát cánh với các sinh viên. Trước thái độ của chính quyền dứt khoát không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào, họ thề là sẽ đấu tranh cứng rắn hơn.
Một người biểu tình nói : Nếu họ vẫn phớt lờ chúng tôi, thì chúng tôi sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo của các cuộc biểu tình, để xem họ có vẫn từ chối lắng nghe hay không. Thủ tướng cuối cùng rồi cũng phải hiểu rằng chính ông phải từ chức và phải rời khỏi nước.
Mặc dù đa số các lãnh đạo đã bị bắt giam, phong trào vẫn tự tổ chức. "Mọi người đều là lãnh đạo", đó là một trong những khẩu hiệu của các cuộc tập hợp mà trong đó bất cứ ai muốn đều có thể cầm lấy loa phóng thanh để phát biểu.
Cho tới nay quốc vương Thái vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về các yêu sách cải tổ nền quân chủ, nhưng ông đã công khai cám ơn một nhà hoạt động theo phe Hoàng gia chống lại các sinh viên biểu tình. Những người biểu tình dự trù vào cuối ngày sẽ tập hợp trước đại sứ quán của Đức, quốc gia mà quốc vương lưu trú thường xuyên nhất. Quốc hội mở phiên họp bất thường sáng nay để thảo luận về các phương cách đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trọng Nghĩa
************************
Tú Anh, 25/10/2020
Phong trào dân chủ tại Thái Lan kêu gọi tiếp tục phản kháng. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra tại thủ đô Bangkok trong ngày Chủ nhật sau khi thủ tướng Chan-O-Cha tuyên bố không từ chức, bất chấp "tối hâu thư" của thanh niên sinh viên Thái. Tại Lào, cộng đồng mạng cũng bắt đầu kêu gọi tự do ngôn luận.
Phong trào đòi cải cách chính trị tại Thái Lan kêu gọi biểu tình tại Bangkok vào trưa Chủ nhật 25/10/2020.
Hôm sau, thứ Hai sẽ có một cuộc tuần hành đến sứ quán Đức, một động thái thách thức vua Maha Vajiralongkorn. Đức là nơi quốc vương Thái Lan thường xuyên lưu ngụ nhiều hơn là quan tâm đến việc nước.
Chiều thứ Bảy, thủ tướng Chan-O-Cha khẳng định ông "không từ chức" sau khi phong trào dân chủ kỳ hạn cho ông ba ngày để ra đi.
Theo AFP từ Bangkok, một trong số một chục thủ lãnh phong trào vừa được thả, Jatupat, bí danh là "Pai Dao Din" ngay lập tức kêu gọi tiếp tục biểu tình. Quốc vương Thái Lan chưa bình luận gì về tình hình hiện nay nhưng trong một hành động hiếm hoi ông khen ngợi một người bảo hoàng cầm chân dung cúa phụ vương đối mặt với đoàn biểu tình "hành động can đảm".
Trong khi đó, chính phủ Chan-O-Cha dường như không có một phương án hợp lý. Pháp ngôn viên chính phủ một mặt tuyên bố "thông hiểu nguyện vọng" của giới trẻ, một mặt kêu gọi "tìm giải pháp qua Nghị Viện". Quốc hội Thái được triệu tập khóa họp bất thường kể từ thứ Hai.
AFP cho rằng vì các thượng nghị sĩ do chính phủ bổ nhiệm, trong đó nhiều người là quân nhân cho nên khó có thể họ từ bỏ đặc quyền.
Liên minh Trà Sữa lan đến Lào ?
Được gợi ý từ phong trào tranh đấu ở Hồng Kông, Thái Lan qua Liên minh Trà-Sữa Milk-Tea-Alliance, cộng đồng mạng ở Lào tung từ khóa #IfPoliticsWereGood trên Twitter đòi cải cách dân chủ.
Theo Asia News hôm 24/10/2020, hàng trăm ngàn tin nhắn tràn ngập các mạng xã hội tại Lào trong những ngày qua chỉ trich chế độ Cộng sản Lào. Họ kêu gọi tự do ngôn luận, thay đổi chính trị, tố cáo chống chính quyền tham nhũng và tình trạng nghèo khó.
Chính quyền Lào bị công kích "sử dụng không đúng tiền thuế của dân". Cụ thể là trường học thiếu ngân sách với hệ quả nhiều học sinh phải bỏ học trong khi con cái lãnh đạo được đưa sang nước ngoài du học. Cộng đồng mạng ở Lào cũng tố cáo chính sách kinh tế ưu đãi thành phần đặc quyền đặc lợi và làm hại môi trường.
Liên minh Trà Sữa hình thành từ tháng Tư năm nay lan dần ra các nước Châu Á với các thành viên từ Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, theo Le Monde.
Tú Anh
**********************
Tú Anh, RFI, 22/10/2020
Tại Thái Lan, "tình trạng khẩn cấp tăng cường", cấm mọi cuộc tập hợp chính trị quá bốn người, chấm dứt kể từ hôm nay, 22/10/2020. Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha thông báo quyết định này như là một cử chỉ thiện chí nhượng bộ phong trào dân chủ.
Thủ tướng Thái Lan Chan-O-Cha quyết định rút sắc lệnh "khẩn cấp" kể từ trưa hôm nay : "Tất cả các biện pháp đặc biệt trói buộc trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp tăng cường bị bãi bỏ".
Trong thông điệp toàn quốc được truyền hình chiều 21/10/2020, thủ tướng Thái Lan giải thích đây là một cử chỉ thiện chí nhằm "xoa dịu tình hình", trước khi kêu gọi phong trào phản kháng giải quyết bất đồng qua con đường Quốc hội thay vì ngoài đường phố. Quốc hội Thái được triệu tập phiên bất thường vào thứ Hai tới.
Tình trạng "khẩn cấp tăng cường" được ban hành cách nay một tuần, vào ngày 15/10/2020, sau vụ đoàn xe của hoàng hậu Suthida bị một nhóm sinh viên biểu tình đưa ba ngón tay lên thách thức. Sắc luật cấm mọi cuộc tập hợp chính trị quá bốn người, cho phép cảnh sát toàn quyền muốn bắt bất kỳ ai, cũng như xóa các thông điệp trên mạng bị xem là có nội dung "đe dọa an ninh quốc gia".
Tuy nhiên, phong trào dân chủ, với đa số là thanh niên sinh viên, vẫn tiếp tục xuống đường mỗi ngày để đòi thủ tướng Chan-O-Cha từ chức, yêu cầu tu chính Hiến Pháp bị xem là quá ưu đãi quân đội và tiến xa hơn nữa là cải cách chế độ quân chủ.
Theo AFP, không có gì bảo đảm là thủ tướng Thái, lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính, thuyết phục được phong trào dân chủ.
Chiều hôm qua, khoảng 7000 người đã tập họp gần trụ sở chính phủ, bất chấp tình trạng khẩn cấp còn hiệu lực. Một người biểu tình cho biết phong trào sẽ tiếp diễn.
Tú Anh
Phong trào đấu tranh đòi thay đổi thường đi đôi với giới trẻ. Lòng nhiệt huyết, tính năng động và khát vọng thay đổi xã hội là đặc tính của người trẻ khắp nơi.
Người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Thammasat University, Pathum Thani, phía bắc Bangkok. Dòng chữ trên mặt là "Hãy chấm dứt nó với thế hệ này", 10 tháng Tám, 2020.
Từphong trào đấu tranh cho quyền dân sự tại Mỹ vào thập niên 1960, đến phong trào sinh viên Trung Quốc đưa đến biến cố Thiên An Môn năm 1989, rồi cuộc cách mạng Xuân Ả Rập vào đầu thập niên 2010. Gần đây là Phong trào Dù vàng I và II vào năm 2014 và 2019 của Hồng Kông [1].
Nhưng ngọn lửa truyền cảm hứng từ hàng triệu người trẻ tại Hồng Kông trong hơn một năm qua có lẽ đã đi vào lịch sử từ khi Bắc Kinh thông qua Luật An ninh Quốc gia. Tạp chí Economist cho rằng vào năm 2014 lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc chờ cho đến khi nào những người biểu tình kiệt lực, nhưng chính họ đã mất kiên nhẫn vào năm 2020 [2]. Chỉ một ngày sau khi Luật An ninh Quốc gia được ban hành, nhiều người đã bị bắt, và cuối tháng 7, bốn sinh viên Hồng Kông tuổi 16 đến 21 bị giam cầm vì "kích động ly khai" trên mạng xã hội.
Nhưng có một ngọn lửa khác đang lan rộng kế bên Việt Nam.
Hơn hai tuần qua, nhiều cuộc biểu tình của giới trẻ Thái Lan diễn ra khắp nước.Ngày 18 tháng Bảy, hàng ngàn giới trẻ Thái tham dự cuộc biểu tình do Phong trào Giới trẻ Tự do (Free Youth Movement-FYM) tổ chức tại Tượng đài Dân chủ [3]. FYM đưa ra ba đòi hỏi, gồm giải tán quốc hội, chấm dứt sách nhiễu bởi chính quyền đối với những ai đang sử dụng tự do bày tỏ, và thay đổi hiến pháp hiện đang có lợi cho chính quyền [4].
Người dân Thái có nhiều lý do để bất mãn với tình trạng quốc gia hiện nay. Tình trạng kinh tế Thái Lan hiện nay khá bi đát, mặc dầu đa số người Thái cho biết họ chưa muốn Thái Lan mở cửa cho khách du lịch vì sợ tái nhiễm dịch. Nền kinh tế của Thái phụ thuộc nhiều vào kỹ nghệ du lịch hàng năm, thu hút 40 triệu khách đến nước này, chiếm 15% tổng sản lượng quốc gia GDP ; năm này cao lắm chỉ còn khoảng 8 triệu khách du lịch [5]. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào tháng Bảynhận định, tác hại của Covid-19 lên kỹ nghệ du lịch sẽ làm Thái Lan mất 9% GDP, tương đương với 37 tỷ bảng Anh, tức gần 49 tỷ Mỹ kim [6]. Bao nhiêu người dân Thái nương tựa vào kỹ nghệ này, nay không có việc gì để làm. Trong suốt thời gian chống đại dịch Covid-19, 40 ngàn người Thái đã bị phạt vì vi phạm giờ giới nghiêm.
Tuy bất mãn với cung cách quản lý đại dịch Covid-19 và nền kinh tế suy thoái, thanh niên sinh viên Thái có những lý do sâu xa hơn trong các cuộc biểu tình này.
Giới trẻ Thái càng ngày càng bất mãn với cung cách lãnh đạo phi dân chủ của cựu tướng quân đội Thái, Prayut Chan-o-cha. Ông Prayut đã trở thành Thủ tướng Thái sau cuộc bầu cử vào ngày 24/03/2019, mà mãi đến cuối tháng 5/2019 mới công bố kết quả. Ông Prayut cũng chính là vị tướng cầm đầu cuộc đảo chánh tháng 5/2014 truất phế một chính quyền do dân bầu ra [7].
Phong trào Giới trẻ Tự do và mạng lưới của họ đã đứng đầu các cuộc biểu tình hơn 2 tuần qua. Họ phản đối cung cách điều hành thất bại về chính trị lẫn kinh tế của chính phủ Prayut. Họ đã lên án về tình trạng nhiều người chết và mất tích dưới thời của Prayut. Giới trẻ Thái Lan xuống đường kêu gọi sự thay đổi sâu rộng. Họ muốn một nền dân chủ đích thực, không phải trên giấy tờ.
Tổ chức Luật sư cho Nhân quyền Thái (Thai Lawyers for Human Rights/TLHR) cho biết, có ít nhất 75 thông báo kế hoạch biểu tình trên 44 tỉnh thành để ủng hộ những yêu cầu của các phong trào giới trẻ tự do [8]. Nhiều cuộc biểu tình không diễn ra vì gặp những khó khăn, trong đó có sự đe dọa trừng phạt từ chính quyền Thái. Những cuộc biểu tình đã diễn ra thì các lãnh đạo đứng ra tổ chức đang bị chính quyền Thái điều tra. Một phần bị xem là vi phạm luật khẩn cấp về Covid-19 đang còn hiệu nghiệm hiện nay và, phần khác, vì các nhà hoạt động đang gây chia rẽ quốc gia và làm nhục quốc trưởng/hoàng đế Thái [9].
Biểu tình là điều hết sức bình thường đối với người dân Thái từ trước đến nay, nhưng đây là một trong những lần hiếm hoi mà họ đụng đến hoàng đế Maha Vajiralongkorn và kêu gọi giới hạn quyền lực của nhà vua trong nền quân chủ lập hiến để người dân có các quyền và tự do thật sự.
Chủ Nhật ngày 2/8 vừa qua, giới trẻ Thái Lan đã tổ chức một hoạt động đầy ý nghĩa và sáng tạo. Phong trào giới trẻ Thái Lan kêu gọi người trẻ viết xuống những hy vọng và ước mơ của mình, muốn một nước Thái Lan như thế nào trong 10 năm tới [10]. Họ treo một băng rôn lớn với hàng chữ "10 năm chúng ta lãng phí, 10 năm chúng ta muốn" treo trước toà nhà Bưu điện Lớn (Grand Postal Office). Họ kêu gọi tất cả viết xuống những suy nghĩ của mình và bỏ vào phong thư. Các lá thư này được đưa vào viện Bảo tàng của Thường dân (the Museum of the Commoners) để 10 năm sau mở ra, vào năm 2030.
Có bạn viết : "Bạn có biết rằng ngày này cách đây 10 năm chúng ta đấu tranh chống độc tài. Tôi hy vọng rằng khi bạn đọc lá thư này, cuộc đấu tranh của chúng ta đã hoàn tất".
Một lá thư khác viết : Chúng tôi muốn thấy một sự thay đổi tốt hơn cho đất nước về mọi mặt ; thấy nền dân chủ phát triển trong tương lai,… và trên hết thấy được giá trị nhân bản, bởi vì khi một nhà nước không lắng nghe nguyện vọng của người dân, nhà nước đó không còn là một nhà nước nữa ; và bất cứ khi nào nhà nước gây khó khăn cho các cuộc đấu tranh của người dân, nhà nước đó đã làm mất đi hết chính nghĩa của mình.
Một lá thư nữa viết : Chúng tôi muốn thấy một nền dân chủ đích thực cho mọi công dân Thái. Đây là ý định của tất cả các tổ chức sinh viên đến với nhau vì tin tưởng mãnh liệt rằng dân chủ là một hệ thống mà mọi công dân trong đó hưởng được các quyền và tự do, và mọi người dân Thái sẽ được tự do.
Phong trào giới trẻ dự tính sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình đến giữa tháng Tám này.
Các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Thái sẽ đi về đâu thì hiện nay chưa rõ. Một trong những nhà hoạt động chính trị kỳ cựu tại Thái, anh Sirawith Seritiwat, người từng bị trù dập nhiều lần dưới sự cai trị của quân đội Thái, cho rằng phong trào cần phải tìm cách truyền cảm hứng để số đông tham gia [11]. Chỉ khi nào số đông, thuộc đủ mọi lứa tuổi tại Thái, tham gia đủ thì mới tạo được thay đổi. Anh Sirawith cho rằng, người Thái không quen yêu cầu đòi hỏi những gì họ muốn trong đời của họ, mặc dầu phần lớn biết vấn đề là gì nhưng lại không làm gì cả ngoại trừ than phiền. Anh Sirawith cho rằng, muốn số đông người Thái tham gia thì phải tìm hiểu nguồn gốc văn hóa Thái, tìm ra họ tin tưởng điều gì, tìm hiểu những gì thật sự thu hút họ, và áp dụng các điều này vào trong phong trào của mình.
Điều đáng nói là đa số người dân Thái đồng tình và ủng hộ các cuộc biểu tình của giới trẻ ngay trong lúc lệnh giới nghiêm của luật khẩn cấp còn hiệu lực, theo cuộc khảo sát mới nhất với 1.250 người trên 18 tuổi [12]. Có 54% ủng hộ, trong đó 34,72% mạnh mẽ ủng hộ và muốn thấy sự thay đổi tốt hơn, trong khi 19,28% cũng đồng ý và cho rằng giới trẻ chỉ muốn thấy công lý và dân chủ thành công.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 11/08/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Erin Blakemore, "Youth in Revolt : Five Powerful Movements Fueled by Young Activists ", National Geographic, 23 March 2018.
2. "Many Hong Kongers are considering emigration ", The Economist, 1 August 2020.
3. "Hàng ngàn người tụ tập ở Bangkok phản đối chính phủ Thái Lan ", VOA Tiếng Việt, 19 July 2020 ; "Students lead mass protest against dictatorship at Democracy Monument ", Prachatai, 20 July 2020.
4. Tassanee Vejpongsa, "After Mass Protest, Thailand’s Pro-Democracy Activists Look to Keep Momentum ", The Diplomat, 20 July 2020.
5. "Thailand’s economic outlook ‘worst in Asia’ : analysts ", Bangkok Post, 7 July 2020.
6. Jack Taylor, "'This island will be in trouble' : Tourism workers brace for £37bn blow to Thailand's travel economy ", The Telagraph, 30 July 2020.
7. "DFAT Country Information Report ", Department of Foreign Affairs and Trade, 10 July 2020.
8. Thai Lawyers for Human Rights, "Two weeks after youth groups began to free themselves : Their call to end harassments backfired ", Prachatai English, 4 August 2020.
9. "Govt official files royal defamation complaint over Harry Potter protest speech ", Prachatai English, 5 August 2020.
10. "Young people mail their hopes and dreams to the future ", Prachatai English, 2 August 2020.
11. Chatchai Mongkol, "Sirawith Seritiwat : Anti-dictatorship movement should be more inclusive, gain more support ", Prachatai English, 23 July 2020.
12. "Majority agree with youth demonstrations : Poll ", Bangkok Post, 2 August 2020.