Trọng Thành, RFI, 02/03/2021
Hôm 01/03/2021, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc tập trận kéo dài một tháng tại Biển Đông. Theo truyền thông chính thức Trung Quốc, cuộc tập trận gần eo biển Quỳnh Châu (Qiongzhou), nằm giữa Hoa lục và đảo Hải Nam, diễn ra trong bối cảnh Hải quân Hoa Kỳ cũng như Hải quân Pháp sẽ có nhiều hoạt động trong thời gian tới tại khu vực này.
Chính quyền Trung Quốc không nêu rõ chi tiết các cuộc tập trận, nhưng Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo đại diện cho quan điểm cứng rắn của chính quyền Trung Quốc, cho biết cụ thể là các cuộc tập trận được tổ chức trong một khu vực có bán kính 5 km ở Biển Đông, phía tây bán đảo Lôi Châu. Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc, thứ Sáu, 26/02, đã thông báo lệnh cấm tàu bè ra vào khu vực tập trận.
Hoàn Cầu Thời Báo lưu ý tập trận diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ "bắt đầu thường xuyên tiến hành các hoạt động trinh sát tại các vùng ven biển của Trung Quốc, cũng như khảo sát môi trường thủy văn ở Biển Đông". Quân đội Pháp cũng đã cử một tàu tấn công đổ bộ và một tàu khu trục nhỏ, dự kiến sẽ quá cảnh Biển Đông hai lần, trong thời gian tới. Hoàn Cầu Thời Báo nhấn mạnh là, theo lộ trình trong báo cáo của trang Navynews.com, các tàu chiến của Pháp có kế hoạch đi qua eo biển Quỳnh Châu, một vùng biển nằm giữa bán đảo Lôi Châu (Leizhou), tỉnh Quảng Đông, và đảo Hải Nam, mà theo Hoàn Cầu Thời Báo là vùng biển "nội địa" của Trung Quốc.
Báo chí Việt Nam đưa tin đồng loạt về cuộc tập trận kéo dài một tháng của quân đội Trung Quốc tại vùng biển phía tây Vịnh Bắc Bộ. Báo Thanh Niên có bài chỉ trích "Trung Quốc liên tục tập trận gây bất ổn ở Biển Đông". Báo mạng Việt Nam nói trênphỏng vấn nhiều chuyên gia Hoa Kỳ về quân sự và hàng hải.
Trả lời báo Việt Nam, ông Timothy R. Heath, chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Viện tư vấn chiến lược quân sự RAND, nhận định : "Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận lần này nhằm trả đũa việc Mỹ hợp tác cùng các đồng minh như Pháp, để tiến hành nhiều hoạt động ở Biển Đông". Tiến sĩ Patrick Cronin, chủ tịch Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu Hudson, nhận xét là cùng với việc trao cho lực lượng Hải cảnh quyền hạn nổ súng vào tàu nước ngoài kể từ đầu tháng 2/2021, đợt tập trận tháng Ba này "cho thấy Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự và bán quân sự ở Biển Đông. Điều đó dường như hoàn toàn trái ngược với điều mà Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng muốn đóng góp vì lợi ích chung".
Tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm đối phó với các tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh, đặc biệt tại Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế, là một chủ trương của Hoa Kỳ và các đồng minh từ nhiều năm nay.
Trọng Thành
**********************
Minh Anh, RFI, 02/03/2021
Trang mạng thông tin Militarytimes.com ngày 01/03/2021 dẫn lời một chuyên gia Mỹ cho rằng Bắc Kinh dường như đang tăng cường khả năng phóng tên lửa hạt nhân đời mới từ các hầm ngầm, cho phép cải thiện khả năng phản ứng kịp thời với bất kỳ một cuộc tấn công hạt nhân.
Ông Hans Kristensen, một nhà phân tích thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, chuyên theo dõi về năng lực hạt nhân Mỹ, Nga và Trung Quốc, cho biết các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy dường như Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng 11 hầm ngầm từ cuối năm 2020 tại một bãi thử tên lửa rộng lớn gần Jilantai, miền trung bắc Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã cho xây 5 hầm ngầm tại khu vực đó.
Mười sáu hầm ngầm do ông Kristensen xác định sẽ bổ sung cho hệ thống 18-20 hầm mà Trung Quốc hiện đang sử dụng cho tên lửa liên lục địa (ICBM) đời cũ DF-5. Tuy nhiên, trên trang blog của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, ông Kristensen cũng nêu rõ "ngay cả khi Trung Quốc có tăng gấp đôi hay gấp ba số lượng ICBM, đó cũng chỉ là một phần nhỏ so với số lượng Mỹ và Nga hiện đang nắm giữ. Không quân Hoa Kỳ vượt xa các đối thủ với 450 kho chứa, trong đó có đến 400 hầm ngầm. Nga có khoảng 130 hầm đang hoạt động".
Cũng theo ông Kristensen, những hầm chứa mới được phát hiện rất có thể là dùng để cất giấu ICBM DF-41, thế hệ tên lửa liên lục địa mới của Trung Quốc có thể bắn tới vùng Alaska và phần lớn lục địa Mỹ và được chế tạo bằng nhiên liệu rắn, cho phép người điều khiển chuẩn bị nhanh hơn để phóng tên lửa so với DF-5.
Hiện Lầu Năm Góc từ chối bình luận về những phân tích của chuyên gia Kristensen. Nhưng trong một báo cáo thường niên được công bố hồi mùa hè năm 2020 về các diễn biến quân sự của Trung Quốc, bộ Quốc Phòng Mỹ từng khẳng định "chính sách hạt nhân của Trung Quốc là ưu tiên duy trì một lực lượng hạt nhân có thể sống sót được sau một cuộc tấn công đầu tiên và có đủ sức mạnh đáp trả để gây ra thiệt hại đáng kể cho kẻ thù".
Bộ Quốc Phòng Mỹ sẽ báo cáo về các hành động khiêu khích của Trung Quốc
Ngày 01/03/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Lloyd J. Austin, giao nhiệm vụ cho Lực lượng Đặc nhiệm về Trung Quốc có 4 tháng để ra báo cáo về những "hành động khiêu khích của Trung Quốc", để có thể vạch ra những hành động cụ thể nhằm thích ứng, đối phó với các "thách thức từ Trung Quốc".
Trang mạng thông tin Defenseworld.net cho biết, tham gia cuộc họp ngày hôm qua có các đại diện bộ Quốc Phòng, bộ Tham mưu liên quân, các lực lượng quân sự, ban chỉ huy tác chiến và cơ quan tình báo Mỹ.
Minh Anh