Mỹ điều động máy bay do thám Bắc Triều Tiên, Trung Quốc (VOA, 26/05/2017)
Không lực Mỹ điều động máy bay do thám không người lái Global Hawk đến căn cứ không quân Yokota phía tây Tokyo để tăng cường do thám Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Hình máy bay do thám không người lái Global Hawk trên báo chí Đài Loan.
Trung tá Jeremy Fields, chỉ huy trưởng phi đoàn Global Hawk ngày 24/5 cho báo giới biết căn cứ nằm gần trung tâm Tokyo dễ dàng hơn cho việc đệ trình kế hoạch các chuyến bay cho Bộ Đất đai, Bộ Hạ tầng Cơ sở, Bộ Giao thông và Du lịch.
Ông không nói rõ các mục tiêu do thám, chỉ nói là không lực Mỹ có nhiều nhiệm vụ tại Thái Bình Dương, như là đối phó với khủng bố và hải tặc cũng như cứu trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, rõ ràng là những máy bay này được dùng để hỗ trợ cho việc do thám trên không và trên biển hiện đang được thực hiện để chống lại Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên đã liên tiếp phóng phi đạn đạn đạo và cũng đang đẩy mạnh việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Máy bay không người lái Global Hawk đạt đến độ cao khoảng 15.000 mét và bay được khoảng 36 giờ không cần tiếp liệu.
Năm chiếc Global Hawk được điều động đến Căn cứ Không quân Yokota từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam.
Bốn trong năm chiếc đã đến Yokota và 110 nhân viên đã được chuyển từ Guam đến căn cứ này.
Việc triển khai đến Yokota chỉ có tính cách tạm thời, từ giữa tháng 5 cho đến cuối tháng 10 trong khi chờ đợi sửa chữa đường bay của Căn cứ Không quân Misawa ở Aomori nằm ở cực bắc đảo Honshu.
Kể từ năm 2014, một số máy bay Global Hawk đặt căn cứ tại Guam được chuyển sang Căn cứ Không quân Misawa trong mùa hè để tránh thời tiết xấu như các cơn bão có thể ảnh hưởng đến kế hoạch bay.
Tuy nhiên, việc sửa đường bay tại Misawa giữa tháng 5 và tháng 7 đã đưa đến quyết định điều động Global Hawk đến Yokota lần đầu tiên.
Lực lượng Tự vệ Nhật Bản có kế hoạch mua ba chiếc Global Hawk theo Chương trình Phòng vệ Trung hạn trong giai đoạn 2014-2018.
(Nguồn Asahi Shimbun/Jiji)
******************
Mỹ muốn Australia giúp trong vấn đề Biển Đông (VOA, 26/05/2017)
Australia sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong kế hoạch về Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Trump để chống lại thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Điện Capitol ngày 25/4/2017.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Australian, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện nói việc tăng cường lực lượng hải quân sẽ được Hoa Kỳ và Australia thực hiện nhằm mục tiêu "hòa bình bằng sức mạnh" tại Thái Bình Dương.
Thượng nghị sĩ John McCain, tuần tới sẽ đến Australia để gặp Thủ tướng Malcolm Turnbull. Ông cho biết Australia sẽ đóng một vai trò lớn hơn theo chiến lược mới của Hoa Kỳ.
Ngân sách 2018 mà Tổng thống Trump đề nghị kêu gọi gia tăng chi tiêu quân sự lên thành 574 tỉ đô la, hơn năm ngoái 10%.
Thượng nghị sĩ McCain cũng hoan nghênh việc Thủ tướng Turnbull quyết định sử dụng 89 tỉ đô la để thay thế và tân trang hạm đội của Hải quân Hoàng gia Australia.
(Nguồn Daily Telegraph/The Australian)
*******************
Trung Quốc yêu cầu Nhật cẩn trọng về radar phòng thủ tên lửa (RFA, 25/05/2017)
Trung Quốc lên tiếng nói là Nhật Bản nên cẩn trọng trong kế hoạch sản xuất vũ khí của mình, sau khi có tin nói là Tokyo và Washington đang hợp tác để chế tạo một loại radar phòng thủ chống hỏa tiễn.
Mô hình hệ thống phỏng thủ THAAD Mỹ dự định dựng ở Nam Hàn - AFP photo
Nguồn tin trên nói với hãng Reuters rằng Nhật Bản đang bỏ tiền sản xuất loại radar theo kiểu trang bị của tàu chiến Aegis của Mỹ, nhưng sẽ được đặt trên đất liền. Và sở dĩ có kế hoạch này vì Nhật đang e ngại khả năng tấn công bằng hỏa tiễn của Bắc Hàn đang lên cao và có thể bắn bất cứ vị trí nào trên quần đảo Nhật Bản.
Nói với báo chí trong một cuộc họp báo hàng tháng, người phát ngôn bộ quốc phòng Trung Quốc nói rằng chuyện phòng thủ phải dựa trên lòng tin giữa các quốc gia, và sở dĩ Trung Quốc phải dè chừng những động thái quân sự của Nhật Bản vì quá khứ xâm lược của quốc gia này.
Cũng xin nhắc lại là Trung Quốc cũng cực lực phản đối việc lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc vì cho rằng hệ thống này có thể dò thám sâu bên trong nội địa Trung Quốc.
********************
Trung Quốc : Không sử dụng Vành Đai-Con Đường cho quân sự (RFA, 25/05/2017)
Trung Quốc không có ý định sử dụng sáng kiến Vành đai - Con đường cho mục đích quân sự hay gây ảnh hưởng đến các vấn đề quốc tế. Đó là tuyên bố được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra hôm 25 tháng 5.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón các lãnh đạo tham gia diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 14 Tháng 5 năm 2017. AFP photo
Nói tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Trung Quốc không tìm cách để lèo lái những vấn đề quốc tế hay gây ảnh hưởng và sẽ không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác.
Sáng kiến Vành đai - Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng và được coi như là một chính sách quan trọng mở rộng kết nối giữa Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.
Tại thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai Con đường diễn ra vào hồi giữa tháng này, Trung Quốc cam kết đầu tư 124 tỷ đô la cho kế hoạch, hứa là sẽ thúc đẩy con đường hòa bình và tự do thương mại.
Tuy nhiên tham vọng của Trung Quốc đã khiến một số nước lo ngại, đặc biệt là Ấn Độ và một số nước Châu Âu. Những nước này nghi ngờ Trung Quốc đang sử dụng kế hoạch này để tạo ảnh hưởng, thiết lập các cơ sở quân sự tại nước ngoài bằng việc xây dựng các cảng biển ở Pakistan, Sri Lanka và Hy Lạp.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cáo buộc này là không có căn cứ.