ICG : Vụ khủng bố chưa từng có trong 30 năm nội chiến Sri Lanka
Hôm nay nghỉ lễ Phục Sinh, chỉ có tờ Le Figaro ra mắt và bắt kịp thời sự, chạy tựa "Lễ Phục Sinh đẫm máu ở Sri Lanka".
Cảnh sát làm việc tại hiện trường vụ nổ nhà thờ Saint Sébastien ở Negombo, Sri Lanka. Ảnh chụp ngày 22/04/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Le Monde ra từ hôm trước nhấn mạnh đến hiện tượng "Tự tử trong ngành cảnh sát : Tình trạng khẩn cấp". Libération số cuối tuần đăng ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris với mái vòm và tháp nhọn được tô màu đỏ, chơi chữ "Một công trường ‘sacré’" - vừa có nghĩa là thiêng liêng, vừa có nghĩa là gai góc.
Le Figaro dành 4 trang báo và bài xã luận cho vụ khủng bố ở Sri Lanka. Ông Alan Keenan, giám đốc dự án Sri Lanka của tổ chức phi chính phủ International Crisis Group (ICG) nhận xét đó là "Bạo lực chưa từng có trong suốt 30 năm nội chiến" của đất nước này.
Trong thời kỳ quân chính phủ phải chống lại phe nổi dậy "Những con hổ Tamoul" (1983-2009) với bạo lực của cả hai phía, vẫn không có vụ tấn công nào làm cho nhiều người chết đến như thế. Cảnh sát đã bắt giữ một số nghi can, cho biết những kẻ khủng bố mang bom tự sát, và nếu như vậy thì có thể nghĩ đến một nhóm Hồi giáo cực đoan chưa được biết đến tại Sri Lanka, thay vì Phật giáo.
Tuy nhiên lâu nay đất nước này chưa có vụ tấn công nào từ Hồi giáo vào những cộng đồng khác, đặc biệt là vào người Công giáo. Còn sự hiện diện của Al Qaeda hay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ? Chỉ có mỗi một gia đình Sri Lanka đi sang Syria chiến đấu cách đây vài năm, nhưng Hồi giáo cực đoan từ nước ngoài gần đây cũng có những nhóm nhỏ đến Sri Lanka. Lực lượng duy nhất có thể tấn công tự sát là Những con hổ Tamoul. Tuy nhiên theo chuyên gia Keenan thì tổ chức này không có khả năng tấn công quy mô lớn. Hơn nữa, rất nhiều nạn nhân hôm qua là người Tamoul theo đạo Công giáo, một cộng đồng có cảm tình với tổ chức Những con hổ Tamoul.
Vụ khủng bố khiến sự kiện "Urbi et orbi" - Giáo hoàng ban phép lành cho Thành phố Roma và Toàn thế giới - nhuốm màu tang tóc. Từ balcon Đại giáo đường Thánh Phêrô, nhìn xuống thảm hoa muôn màu mà hàng năm giới kinh doanh hoa Hà Lan vẫn biếu để trang trí, Giáo hoàng Francis đầy xúc động. Ngài bày tỏ tình yêu thương đối với cộng đồng Công giáo, tuyên bố : "Tôi giao phó trong tay Thiên Chúa những người đã ra đi một cách bi thảm, và cầu nguyện cho những người bị thương và tất cả những ai đang khổ đau vì thảm kịch".
Tại Paris, ở nhà thờ Saint-Eustache, niềm vui Phục Sinh cũng bị lung lay bởi vụ khủng bố ở Sri Lanka. Khoảng hai mươi lính cứu hỏa đến dự lễ, đã được Đức ông Aupetit xướng tên từng người để vinh danh trong vụ chữa cháy Nhà thờ Đức Bà.
Còn tại Mosul, Iraq, đó là một "Lễ Phục Sinh không có người Công giáo". Họ không còn sống tại thành phố này từ năm 2014, khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tràn vào thảm sát người dân. Một trong những tín đồ hiếm hoi từ vùng Kurdistan ở Iraq trở về cho Le Figaro biết, khi quay lại, gia đình ông được hàng xóm vui vẻ chào mừng. Tuy nhiên có hai người trong số họ đã lấy cắp tất cả vật dụng trong nhà ông, nên nay ông rất muốn mua được một căn nhà ở khu khác "để khỏi phải chào hỏi những người này mỗi buổi sáng".
Trong bài xã luận "Thời của tử đạo", Le Figaro ghi nhận, trong đêm thứ Bảy rạng Chủ nhật vừa qua, tại Pháp có 4.251 người đã được rửa tội trong lễ Vọng Phục Sinh - trong trang phục màu trắng tinh tuyền, họ chọn lựa theo Công giáo. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, ở tận Sri Lanka, hàng trăm người thiệt mạng vì một loạt vụ nổ. Những tín đồ đã bị giết chết trong các thánh đường ở Colombo, Negombo và Batticaloa lúc đang mừng lễ Chúa Phục Sinh. Tờ báo so sánh, 4.300 cũng là con số những người Công giáo trong năm 2018 trở thành nạn nhân ở Nigeria, Pakistan, Ấn Độ… và nhắc nhở, cần phải ý thức rằng, chúng ta đang sống trong "thời tử đạo".
Tranh cãi vô nghĩa về mạnh thường quân Nhà thờ Đức Bà Paris
Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn luôn là mối quan tâm của các báo Pháp. Libération dành đến 13 trang báo, phân tích các khó khăn kỹ thuật, những tranh cãi về tháp chuông, về món tiền đóng góp của các mạnh thường quân… và kết luận, việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris có vẻ không êm ả.
Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà gây xúc động lớn lao, thư từ tới tấp gởi về các báo, khiến Le Monde dành hẳn một trang báo lớn cho những trích đoạn cảm động nhất ; bên cạnh đó là hai trang để các chuyên gia tiếp tục bình luận.
Nhà văn Frédéric Lenoir cho biết rất xúc động trước hai sự trùng hợp hôm xảy ra hỏa hoạn. Trước hết là sự kiện này xảy ra ngay trong Tuần Thánh, khi người Công giáo kỷ niệm Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Vô số người theo đạo đã rất xúc động khi ngôi giáo đường bị ngọn lửa thiêu cháy, như hình ảnh Chúa đã phải chịu khổ nạn. Trùng hợp thứ hai là vụ cháy Nhà thờ Đức Bà xảy ra đúng lúc tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị đọc bài diễn văn quan trọng về cuộc tranh luận toàn quốc.
Đối với nhà văn Lenoir, chỉ có thể vui mừng trước việc các gia đình Arnault, Bettencourt và Pinault tặng hàng trăm triệu đô la để tái thiết. Và chỉ ở Pháp mới có thể xảy ra những tranh cãi xung quanh hành động hào phóng này. Điều nghịch lý là đa số người Pháp đều mong muốn trở nên giàu có, nhưng họ lại ghét người giàu. Dù động cơ là gì đi nữa, đóng góp của các tỉ phú là hữu ích, hơn nữa họ đã từ chối việc được giảm thuế đối với món tiền đóng góp. Tuy nhiên sẽ đáng tiếc nếu lịch sử chỉ ghi nhận những mạnh thường quân lớn. Theo ông, nếu thời Trung Cổ người ta khắc tên lên những chiếc chuông, thì nay nên làm danh sách trên mạng để không bỏ quên một người nào đã đóng góp cho việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà.
Trên Libération, tổng giám mục địa phận Paris, Đức ông Michel Aupetit cũng cho rằng lẽ nên không nên có cuộc tranh cãi về các mạnh thường quân. Nhà thờ Đức Bà không phải là công trình dành cho người giàu, rất nhiều người không khá giả gì cũng đã đóng góp, và các nhà tỉ phú hẳn cũng có những quỹ để trợ giúp người nghèo. Ngài nhắc lại những hoạt động của Giáo hội để giúp những người cùng khổ, trong đó có quỹ của Nhà thờ Đức Bà, hoạt động tương trợ vào mỗi mùa đông hàng năm : các giáo đường ở thủ đô Paris đều mở cửa để đón tiếp những người vô gia cư.
Diễn viên hài trở thành tổng thống, Ukraine mở ra một trang mới bất định
Về Ukraine, thông tín viên Le Figaro tại Kiev nói về "Chiến thắng đáng nể của diễn viên hài Zelensky". Với chiến dịch tranh cử trong thời đại kỹ thuật số và chống hệ thống cũ, diễn viên này hôm qua đã đánh bạt tổng thống mãn nhiệm Petro Porochenko.
"Làn sóng Zelensky" theo tác giả, cho thấy tinh thần dân chủ của người dân Ukraine. Được bầu lên năm 2014 với tỉ lệ 55% số phiếu, với khát vọng thay đổi hẳn xã hội, ông Petro Porochenko lại quá nhấn mạnh đến cuộc chiến ở miền đông để điều hành như một "hetman" tức thủ lãnh kozak thời xưa, quên rằng dân chúng luôn có thể sử dụng quyền trừng phạt của mình.
Zelensky từ lâu đã thắng cuộc chiến hình ảnh, và hôm qua tại phòng phiếu ở Kiev, trước đông đảo báo chí nhà sản xuất chương trình truyền hình tiếp tục nhắc lại những từ ngữ mê hoặc như "đấu tranh chống tham nhũng và kết thúc chiến tranh". Tuy nhiên cũng có một chút màu xám : cảnh sát ập vào trụ sở chiến dịch vận động vì Zelensky giơ rõ phiếu bầu trước ống kính truyền hình – một điều bị cấm theo luật bầu cử. Ứng cử viên triển vọng nhất đành phải nộp phạt 5.100 hryvnias (170 euro).
Kênh truyền hình 1+1 đứng thứ nhì Ukraine và tài khoản Instagram có 4 triệu người theo dõi là các "vũ khí hủy diệt" của Zelensky, đánh tan mọi quy tắc tranh cử không chỉ ở Ukraine mà cả ở Châu Âu. Sự giống nhau giữa thực tế và kịch bản bộ phim truyền hình nhiều tập của Zelensky và ê-kíp thật đáng kinh ngạc.
Trên màn ảnh nhỏ, ông đóng vai Vasyl Holodborodko, một giáo sư dạy sử ở Kiev, bỗng trở thành ứng cử viên tổng thống sau khi kịch liệt chống đối hệ thống chính trị với các thế lực tài phiệt. Các học sinh lén quay video và đăng trên YouTube, tiến hành quyên góp để tài trợ tranh cử. Ba năm sau khi viết kịch bản giống như một điềm báo này, có đến 45% cử tri dưới 25 tuổi đã bầu cho Zelensky trong vòng đầu !
Tuy nhiên những tập tới của bộ phim vẫn còn đầy ẩn số, và đất nước Ukraine một lần nữa lại mở ra một trang mới hãy còn trắng tinh.
Venezuela : Thành phố dầu lửa điêu tàn
Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, Le Monde có bài phóng sự về "Cabimas, thời suy tàn của dầu lửa Venezuela". Thành phố nhỏ nằm bên bờ hồ Maracaibo ở miền tây Venezuela, trung tâm khai thác dầu trước đây giàu có giờ đã trở nên điêu tàn, đồng thời với sự sụt giảm sản lượng dầu của nước này.
Trong tháng Ba, Venezuela mỗi ngày chỉ sản xuất được 732.000 thùng dầu so với thời trước là 3,5 triệu rưỡi thùng. Không chỉ thiết bị xuống cấp, nhân viên bỏ đi, còn là vấn đề dầu lửa bị rò rỉ, buôn lậu. Tại thành phố Cabimas, người ta nhìn thấy những tiệm buôn đã đóng cửa, những mặt tiền bị phá để cướp bóc, những căn nhà không người ở, các giếng dầu bị bỏ hoang…
Một kỹ sư làm việc cho tập đoàn dầu lửa nhà nước PDVSA nói với nhà báo Pháp, với thâm niên 15 năm, lương tháng của ông chỉ có 15 đô la. Người kỹ sư cho biết : "95% nhân viên còn làm việc cho PDVSA muốn Maduro phải ra đi. Sếp của tôi đã sang Iraq cách đây hai ngày, ông ấy sẽ lãnh lương 9.000 đô la, còn tôi thì không nói được tiếng Anh và còn con gái tôi ở đây". Ở Cabimas, điện nước thỉnh thoảng mới có vì cơ sở hạ tầng xuống cấp, các cuộc biểu tình và đàn áp diễn ra hàng ngày, điều đó có thể thấy rõ nơi những con đường vẫn còn hằn dấu các vỏ xe bị đốt cháy.
Thụy My
Sáu người chết, tám người bị thương, hai nghi can bị bắt. Trên đây là kết quả một vụ nổ súng trong Trung tâm Văn hóa Hồi giáo tại Québec, Canada, vào tối Chủ nhật 29/01/2017. Theo các nhân chứng, hai kẻ bịt mặt nổ súng vào khoảng 50 tín đồ đang cầu nguyện, cả hai nghi can đã bị bắt.
Cảnh sát phong tỏa Trung tâm Văn hóa Hồi giáo Québec sau vụ nổ súng tối 29/01/2017 - REUTERS/Mathieu Belanger
Theo AFP, vụ tấn công xảy ra vào lúc 19 giờ 30 chủ nhật vào lúc buổi cầu nguyện cuối cùng trong ngày kết thúc. Các nhân chứng kể lại, một trong hai kẻ bịt mặt, có giọng nói người Quebec.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên án "hành động khủng bố chống tín đồ đạo Hồi tại một nơi thờ phượng và tịnh tâm".
Đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ tấn công đẫm máu nhắm vào một đền thờ Hồi giáo ở Canada mà số tín đồ được thẩm định hơn một triệu người.
Mùa hè vừa qua, Trung tâm Văn hóa Hồi giáo Québec từng là nạn nhân của một hành động khiêu khích thù oán. Vào đúng mùa chay Ramadan, một đầu heo được ném vào cửa của Trung tâm trong khi nhiều truyền đơn "bình luận về vụ việc" được phân phát trong thành phố.
Thị trưởng Québec, Régis Labeaume, trong xúc động, kêu gọi tinh thần liên đới của người dân Québec như là phản ứng "hiệu quả nhất trước thảm nạn không thể hiểu được như thế này tại thành phố yên bình" của Canada.
Tú Anh