Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 19 septembre 2018 13:57

Tỷ phú Nhật, kinh doanh ở Trung Quốc

Hành khách chuyến bay đầu tiên lên Mặt Trăng : Một tỷ phú Nhật Bản (RFI, 18/09/2018)

Tập đoàn vận tải không gian Space X, của Elon Musk, hôm qua, 17/09/2018, vừa tiết lộ tên tuổi của vị khách hàng đầu tiên của chuyến bay lên Mặt Trăng, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2023. Tỉ phú Yusaku Maezawa, người vốn có một cuộc sống âm thầm trước đó, đã quyết định mời 6 hoặc 7 nghệ sĩ đi cùng, với điều kiện là họ sẽ sáng tác ra các tác phẩm độc đáo, khi trở về Trái Đất.

typhu1

Tỉ phú Yusaku Maezawa. Reuters/Kim Kyung-Hoon/File Photo

Tỉ phú Nhật không cho biết ông đã trả bao nhiêu tiền cho chuyến đi đặc biệt này. Yusaku Maezawa tự coi mình là một người mơ mộng, bình thường. Thông tín viên Frederic Charles tường trình từ Tokyo :

"Đó là một con người đầy đam mê, một người đầy bí ẩn, chống lại các tập quán thủ cựu. Trước khi trở thành một trong các tỉ phú trẻ nhất thế giới, ông Yusaku Maezawa từng say mê môn trượt ván và rock Nhật Bản. Ông trở thành người đánh trống cho ban nhạc Switch Style, và ký hợp đồng với BMG Japan, nhà phát hành đĩa nhạc lớn nhất nước Nhật.

Khi đi cùng một người bạn gái 18 tuổi đến California, chàng trai đột ngột phải lòng âm nhạc và các loại mốt của nước Mỹ. Trở lại Tokyo, Yusaku Maezawa quên hẳn rock Nhật và môn trượt ván, và quyết định thành lập công ty Zozotown, phất lên nhờ nghề bán quần áo qua mạng.

Thế rồi, nhà sáng lập của công ty bán quần áo mốt trên mạng lớn nhất tại Nhật Bản mê nghệ thuật đương đại. Ông trở nên nổi tiếng vào năm 2017, khi bỏ ra 110 triệu đô la để mua một tác phẩm của họa sĩ người New York, Jean-Michel Basquiat. Tỉ phú Nhật đã mua rất nhiều tác phẩm của Picasso, Andy Warhol hay Roy Lichtenstein, và tự coi mình là một mạnh thường quân của thế kỷ 21.

Tuy nhiên, cho dù tài sản của nhà tỉ phú này tương đương với Donald Trump, và ông cũng có hẳn một tài khoản Instagram, Yusaku Maezwa vẫn là một người mà công chúng Nhật Bản đã không hề biết đến".

Trọng Thành

***************

Doanh nghiệp Châu Âu tố cáo nạn cạnh tranh bất bình đẳng ở Trung Quốc (RFI, 18/09/2018)

Trong báo cáo thường niên công bố hôm nay 18/09/2018, Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc tố cáo Bắc Kinh thiếu thiện chí trong việc mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài qua nạn phân biệt đối xử, những quy định không rõ ràng…mặc dù liên tục hứa hẹn cải cách.

typhu2

Chuyến tàu hàng từ Hamburg (Đức) quay về Vũ Hán, Hà Bắc (Trung Quốc) ngày 26/08/2018.China Daily via Reuters

Những chỉ trích trên đây được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đợt hai lên hàng Trung Quốc nhập khẩu. Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, ông Mats Harborn nhấn mạnh "gốc rễ của cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chính là do Bắc Kinh không chịu mở cửa hoàn toàn thị trường Hoa lục".

Bản báo cáo dài 400 trang nhận định, Trung Quốc đã có một số tiến bộ như giảm thuế hải quan, mở rộng thêm đôi chút trên thị trường tài chính và thiết bị y tế. Tuy nhiên các doanh nghiệp ngoại quốc vẫn phải cạnh tranh một cách bất bình đẳng tại Hoa lục.

Phòng Thương mại Châu Âu đại diện cho 1.600 công ty làm ăn tại Trung Quốc, tố cáo các tập đoàn quốc doanh chiếm độc quyền trong nhiều lãnh vực, và doanh nghiệp nước ngoài cũng không được tham gia thị trường đấu thầu của nhà nước do thiếu minh bạch và tùy tiện.

Đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc kế hoạch "Con đường tơ lụa mới", có đến 90% số hợp đồng rơi vào tay các công ty Trung Quốc. Luật an ninh mạng bắt đầu có hiệu lực từ năm 2017 đặc biệt bị đả kích, do quy mô dữ liệu bị kiểm soát không được quy định rõ ràng.

Cũng theo ông Harborn, chính quyền Bắc Kinh qua các động thái tái cấu trúc muốn làm cho các tập đoàn quốc doanh "lớn hơn và hiệu quả hơn", nhưng trên thực tế không có lợi lộc gì cho việc chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc.

Thụy My

Published in Châu Á