Ngoài vụ khủng hoảng Bắc Hàn, Trung Quốc còn gặp sức ép về mậu dịch của Hoa Kỳ, mà bên trong lại có một bài toán nghiêm trọng hơn cho kinh tế Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những hồ sơ rắc rối này.
Trước cuộc họp cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày 15 tháng 8 năm 2017. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chấp hành Nghị quyết Trừng phạt của Hột đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ đề nghị, hôm Thứ Hai 14, Bộ Thương Mại Bắc Kinh thông báo sẽ ngưng nhập khẩu than, quặng sắt, chì và thủy sản của Bắc Hàn. Nhưng hôm sau, cũng Bộ Thương Mại Bắc Kinh lại hăm dọa trả đũa Hoa Kỳ vì Tổng thống Donald Trump vừa chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ điều tra để xác định xem chính sách thương mại của Trung Quốc có làm doanh nghiệpMỹ bị thiệt hại về sở hữu trí tuệ hay không. Hai động thái trái ngược ấy khiến ta nên tìm hiểu thêm về quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông nghĩ sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong vụ này, tôi cho rằng chúng ta có một lúc khá nhiều vấn đề, trước hết là chuyện Bắc Hàn, sau đó là quan hệ buôn bán giữa kinh tế Trung Quốc với Hoa Kỳ, nhưng chìm sâu bên dưới còn có nhiều chỉ dấu đáng ngại hơn ngay trong nội tình Trung Quốc.
Trước hết, về vụ Bắc Hàn thì dư luận cho rằng kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm để tấn công Hoa Kỳ sẽ gây nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Bắc Hàn. Sự thật lại chẳng đơn giản như vậy và sau một tuần e ngại đại chiến, thế giới đã thở phào nhẹ nhõm. Vấn đề không là quan hệ giữa xứ Bắc Hàn nghèo đói và hung hăng với một siêu cường toàn cầu là Hoa Kỳ mà liên can tới sáu nước và chúng ta nên dùng "thuyết đấu trí" hay "game theory" thì hiểu ra những tính toán của từng nước mà dự báo tình hình. Trong cuộc đấu, ta thấy có sáu nước là Bắc Hàn, Nam Hàn, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả Liên bang Nga. Mối tương tác giữa các nước ấy mới có ảnh hưởng thật. Thứ hai, trong quan hệ đa diện ấy, Bắc Hàn, Trung Quốc và Hoa Kỳ muốn gì ?
Nguyên Lam : Nếu vậy, xin ông khởi sự từ ba quốc gia này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cả ba nước đều muốn tránh chiến tranh, kể cả Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên mà ta quen gọi là Bắc Hàn. Lãnh đạo xứ này vốn chẳng tin ai, từ Liên Xô thời xưa tới Trung Quốc hay Liên bang Nga ngày nay mà chỉ muốn chế độ tồn tại với giấc mơ thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự thống trị của mình. Họ đóng một lúc ba vở kịch là một chế độ hung đồ hiếu sát, có nền kinh tế kiệt quệ rất dễ sụp đổ và gieo họa cho lân bang là Trung Quốc và có lãnh đạo khùng điên khiến ai cũng sợ mà tránh gây hấn với một chế độ bất thường. Việc chế tạo võ khí hạch tâm theo đuổi từ mấy chục năm nay là để có thế mạnh nhằm thương thuyết với Hoa Kỳ sự tồn tại của chế độ rồi việc triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi bán đảo.
Nhưng giấc mơ thống nhất đó của Bắc Hàn lại khiến Bắc Kinh e ngại, vả lại, Nam Hàn là cường quốc bạn hàng của Trung Quốc và việc Mỹ duy trì quân đội tại Nam Hàn sau hiệp ước đình chiến năm 1953 là điều khó chịu cho Bắc Kinh mà họ chẳng làm gì được. Vì vậy, nếu Bắc Hàn gây hấn vừa đủ thì Bắc Kinh có thế đàm phán với Nam Hàn và Mỹ để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng nếu Kim Chính Ân làm quá thì Bắc Kinh cũng ngại. Các mục tiêu mâu thuẫn đó giải thích vì sao Bắc Kinh đồng ý với nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn và vừa tuyên bố là sẽ cho thi hành mà chưa chắc đã thật lòng. Nghịch lý ở đây là Bắc Kinh không muốn Bắc Hàn sụp đổ mà cũng chẳng muốn Bắc Hàn hung hăng quá mức.
Nguyên Lam : Thưa ông, còn Hoa Kỳ tính toán những gì về bán đảo Triều Tiên và cả cục diện Đông Á ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ Hoa Kỳ là siêu cường có thể quyết định về số phận của bán đảo mà còn có ba mục tiêu trong cả khu vực Đông Á : 1/ là tránh việc Bắc Hàn tiến hành và phổ biến võ khí hạch tâm qua nơi khác, là chế độ Hồi giáo hung đồ như Syria hay Iran hay các tổ chức khủng bố Hồi giáo ; 2/ duy trì tương quan lực lượng bấp bênh hiện nay để không xứ nào có thể thách đố quyền tự do lưu thông ngoài biển từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á ; và 3/ trấn an các đồng minh như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và nhiều nước Đông Nam Á về khả năng bảo vệ chiến lược của mình. Vì ba mục tiêu ấy, Hoa Kỳ phải chống một lúc hai việc là hỏa tiễn có đầu đạn hạch tâm của Bắc Hàn, lẫn ảnh hưởng lan rộng của Bắc Kinh, mà không gây ra rủi ro chiến tranh. Phải nói thêm là ông Donald Trump ra vẻ hung hăng không chỉ để răn đe Bắc Hàn mà còn nhắm vào Bắc Kinh và các chế độ Hồi giáo chống Mỹ.
Yếu tố mới là Chính quyền của ông lại giàng an ninh vào quan hệ kinh tế và dùng cả hai vế an ninh lẫn kinh tế làm đòn bẩy khi đàm phán với Bắc Kinh. Việc đòi trừng phạt Bắc Kinh tội vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ nằm trong hướng đó. Có lẽ ta đang chứng kiến màn đấu khẩu thay cho đấu lực trong khi Bắc Kinh vẫn thích chuyện buôn bán chui ! Vả lại, trước khi có Nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn thì Bắc Kinh đã đơn phương hạn chế việc nhập khẩu quặng sắt từ xứ này mà chẳng ngăn được Bắc Hàn cứ thử nghiệm võ khí tàn sát. Ta có thể suy ngẫm rằng Bắc Hàn không sợ vì sức ép của Bắc Kinh cũng chỉ là một màn kịch thôi và chính vì vậy Hoa Kỳ càng phải gây thêm áp lực kinh tế với Trung Quốc.
Tàu hàng Trung Quốc bị mắc cạn được chụp ngày 14 tháng 8 năm 2017.AFP
Nguyên Lam : Thưa ông, những áp lực đó từ phía Hoa Kỳ sẽ thể hiện ra sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới bên ngoài ít biết là Hoa Kỳ có một rừng luật lệ phức tạp về ngoại thương, nhưng chủ yếu lại cho Hành pháp lấy nhiều quyết định mà khỏi cần thông qua Quốc hội. Khi Chính quyền Trump quan niệm ngoại thương cũng là an ninh, Nội các của ông có thể vận dụng nhiều đạo luật cho phép trừng phạt mọi đối tác xâm phạm an ninh của Hoa Kỳ. Chuyện Bắc Hàn hiển nhiên là yếu tố an ninh, nhưng việc bảo vệ ngành thép của Mỹ cũng vậy, là điều có quy định trong một đạo luật thương mại mở rộng vào năm 1962 và đã được Chính quyền Trump viện dẫn để trừng phạt ngành thép của Trung Quốc.
Bây giờ, Nội các Donald Trump vừa viện dẫn khoản 301 trong đạo luật thương mại năm 1974 để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ. Lý do là Bắc Kinh bắt doanh nghiệp Mỹ mà liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc thì phải chia sẻ kiến năng về tổ chức kinh doanh, và nhất là loại công nghệ hay thuật lý tiên tiến, là high technology. Chính sách thương mại ấy giúp Bắc Kinh thủ đắc kỹ thuật của thiên hạ để có lợi thế cạnh tranh và gây thiệt hại cho Mỹ. Thành thử, lồng trong hồ sơ an ninh của Bắc Hàn ta còn thấy một nguy cơ khác là chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều thật ra Bắc Kinh cũng ngại và muốn tránh. Nhưng thà là chiến tranh mậu dịch hơn là chiến tranh hạch tâm ở gần biên giới của Trung Quốc !
Nguyên Lam : Như ông vừa phân tích thì các quốc gia theo đuổi một lúc nhiều mục tiêu nên bật ra nhiều tín hiệu đôi khi trái ngược khiến cho nước kia khó đoán và tất cả có thể nằm trong một cuộc đấu trí kinh tế để tránh đấu lực quân sự. Bây giờ, thưa ông, bước qua chuyện kinh tế thì ông thấy có chỉ dấu gì là đáng ngại trong nội tình của Trung Quốc ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ Bắc Kinh cứ thích buôn bán chui với chế độ hung đồ, chẳng ngờ là bị một mối nguy khác ở bên trong là hiện tượng "ngân hàng chui" hay shadow banking !
Một cách đơn giản thì khi ngân hàng cấp phát tín dụng, luật lệ ngân hàng đòi hỏi bút ghi các khoản nợ đó trong sổ sách ngân hàng, cụ thể là trong bảng kết toán tài sản, với một bên là tiền ký thác nhận vào và bên kia là tiền cho vay ra. Nhiều ngân hàng Trung Quốc đã sáng tạo để tránh luật, bằng cách cho vay ngoài sổ sách, là không bút ghi nghiệp vụ tín dụng hay đầu tư vào loại sản phẩm gọi là "quản lý tài sản". Vì vậy tôi mới gọi là ngân hàng chui. Lý do của họ là kiếm lời, nhưng lại gây rủi ro vì cho vay ra mà không có mức dự trữ ngự phòng tương ứng.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã bị một tai ách là có núi nợ quá lớn, bên trong có loại nợ xấu, là nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Nhưng trong loại ngân hàng chui thì tỷ trọng nợ ung thối còn cao gấp bội. Xưa nay, chẳng ai biết khối nợ ngoài sổ sách ấy lên tới bao nhiêu mà chỉ có thể phỏng đoán. Gần đây, Bắc Kinh ra lệnh khảo sát và công bố loại nợ ấy mà ta mới thấy nó cao gấp ba những dự đoán trước đây, có thể là bằng bốn ngàn tỷ đô la.
Nguyên Lam : Thưa ông vì sao chuyện ấy mới là một mối nguy đáng sợ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì thời lượng có hạn, tôi xin được giản lược trình bày cái chuỗi nhân quả như thế này và sẽ phân tích thêm vào một chương trình khác. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn kiếm lời trong lĩnh vực bất động sản và thiếu tiền thì đi vay, kể cả vay hệ thống ngân hàng chui. Lĩnh vực đó có kích thích khu vực xây dựng và tạo ra việc làm nhưng với tiền quá rẻ và vay quá dễ thì cũng thổi lên bong bóng đầu cơ. Bây giờ bóng bể thì giá nhà đất hay tài sản đầu tư đều sụt, các doanh nghiệp phá sản, ngân hàng mất nợ và kế tiếp sẽ là khủng hoảng tài chính lẫn suy trầm kinh tế, khi lãnh đạo chuẩn bị Đại hội khóa 19 vào vài tháng tới. Chuyện ấy còn nguy hơn vụ Bắc Hàn !
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này và xin hẹn một kỳ khác ta sẽ nói vệ hệ thống ngân hàng chui của Trung Quốc.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 17/08/2017
Vừa phải thúc đẩy tăng trưởng đồng thời phải cố tránh một cuộc khủng hoảng tài chính là bài toán khó đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Wall Street Journal.
Trong hai tháng đầu năm 2017, giá nhà tại đây tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh : Epoch Times.
Những rủi ro "sát sườn"
Theo báo cáo kinh tế 2017 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro tài chính ngày càng lớn trong khi các biện pháp mới nhằm bình ổn nền kinh tế không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Những rủi ro "sát sườn" nhất như dư thừa sản xuất công nghiệp nặng, bong bóng bất động sản và các thị trường tài sản khác, làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. OECD dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,3% năm 2018.
Nước này cũng đang trải qua thời điểm nhạy cảm khi vừa phải thúc đẩy tăng trưởng vừa phải cố tránh một cuộc khủng hoảng tài chính do nợ công tăng nhanh và sau nhiều năm duy trì các biện pháp kích thích kinh tế.
Đồng thời, mùa thu năm nay, Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ quyết định những nhân vật chủ chốt trong đội ngũ lãnh đạo khóa mới của nước này.
Theo báo cáo trên, Trung Quốc có thể sẽ cần tới hơn 3 năm để giải quyết tình trạng bong bóng bất động sản tại các thành phố nhỏ.
Trong hai tháng đầu năm 2017, giá nhà tại đây tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mức tăng của tháng 12/2016 là 16,8% so với cùng kỳ. Tình trạng tăng trưởng này vẫn kéo dài bất chấp những nỗ lực nhằm ngăn chặn đầu cơ bất động sản của chính quyền Bắc Kinh.
Nợ doanh nghiệp gia tăng, chủ yếu là của các công ty nhà nước, cũng là hiểm họa lớn đối với sự ổn định tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Đầu năm 2016, nợ doanh nghiệp của Trung Quốc tương đương với 170% GDP, cao hơn nhiều so với mức 100% cuối năm 2008. Đây cũng là mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn.
OECD không phải tổ chức đầu tiên đưa ra những cảnh báo như vậy. Giữa năm 2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đang là vấn đề nghiêm trọng và có chiều hướng xấu đi.
Tình hình này đòi hỏi chính quyền Bắc Kinh cần có những giải pháp kịp thời nếu muốn tránh những rủi ro hệ thống cho chính kinh tế nước này và toàn cầu.
Năm ngoái, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng các biện pháp kích thích tiền tệ và rót tiền đầu tư cơ sở hạ tầng.
Kêu gọi minh bạch
Năm 2016, tăng trưởng kinh tế nước này đạt 6,7%, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Mục tiêu nước này đặt ra cho năm 2017 là khoảng 6,5%. Theo OECD, việc bơm các gói kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn sẽ dẫn tới sự mất cân bằng trong dài hạn.
"Trung Quốc đã và đang có những cải cách đáng kể" và "cần nhiều hơn nữa", Alvaro Santos Pereira, một giám đốc của OECD nói.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu "đổi mới, sáng tạo" làm ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng, dù nỗ lực này không mấy hiệu quả. Nước này đã dành 2% GDP cho nghiên cứu và phát triển, nhiều hơn so với một số nước trong OECD, nhờ đó, lượng đăng ký sáng chế mới tăng vọt.
Tuy nhiên, đa phần những sáng chế này không có sự đổi mới sáng tạo và không giúp tăng năng suất lao động.
Theo OECD, mỗi ngày Trung Quốc có 15.000 công ty đăng ký mới, do đó cần có môi trường kinh doanh chuyên nghiệp hơn.
Ở nước này, hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hạn chế gây cản trở cho sự đổi mới, sáng tạo, bất chấp việc các tòa án đặc biệt được thành lập để bảo vệ bằng sáng chế, bản quyền và thương hiệu, báo cáo của OECD cho hay.
Theo giám đốc của Candy Intelligent Technology Co., một hãng sản xuất đồng hồ thông minh nhỏ ở nam Thâm Quyến, cho biết chính phủ cần trợ cấp, giảm thuế và tăng cường bảo vệ các doanh nghiệp sáng tạo nhỏ.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc hiện cực kỳ tồi tệ, cứ như chẳng có luật pháp gì cả", Zheng Hanbo, tổng giám đốc của Candy Intelligent, nhận xét.
Ngoài ra, việc thiếu cơ chế phá sản hiệu quả cũng là nhân tố cản trở sự sáng tạo và tăng trưởng lành mạnh của các doanh nghiệp, báo cáo trên nhận định.
OECD cũng kêu gọi Trung Quốc tăng sự minh bạch trong nhiều lĩnh vực, từ số liệu tài chính cho tới hoạt động doanh nghiệp, đồng thời có biện pháp bảo vệ sát sao hơn những người tố cáo hành vi bất lương của công ty.
Trung Quốc sẽ vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Năm ngoái, nước này chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng của toàn thế giới. Tuy nhiên, nước này cần tập trung giải quyết sự bất bình đẳng trong xã hội khiến nhiều người bị tụt lại phía sau, OECD nhận định.
Kim Tuyến
Nguồn : VnEconomy, 31/03/2017