Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đàm phán kinh tế : Bắc Kinh dùng lá bài Kim Jong-un gây áp lực với Mỹ

Lợi tức cổ phần của CAC40 – nhóm 40 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Pháp – năm 2018 tăng kỷ lục, thủ tướng Pháp muốn ra luật mới để ngăn chặn tốt hơn nạn đập phá bên lề biểu tình và những ẩn số trong cuộc Tranh luận lớn toàn quốc, do tổng thống Pháp quyết định, để đáp ứng đòi hỏi của phong trào Áo Vàng, là một số chủ đề trang nhất các báo Pháp ngày 09/01/2019. Về thời sự quốc tế, chuyến đi "bất ngờ" của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến Bắc Kinh là một chủ đề trọng tâm.

damphan1

Chiếc xe được cho là chở lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trên đường phố Bắc Kinh, ngày 09/01/2019. Reuters/Florence Lo

Le Monde có bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề "Kim Jong-un một lần nữa đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho thượng đỉnh thứ hai với Trump". Chuyến công du Trung Quốc lần thứ tư trong vòng chưa đầy một năm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên bất ngờ vì nhiều lý do. Theo thông lệ, hiếm có một lãnh đạo Bắc Triều Tiên nào lại xuất ngoại vào dịp đầu năm mới.

Thời điểm bất ngờ này có thể được lý giải dưới nhiều góc độ khác. Đó là chuyến đi đã được dàn xếp để rơi đúng vào ngày đoàn đàm phán Hoa Kỳ đến Trung Quốc để thương lượng về các giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan kéo dài từ nửa năm nay.

Sự trùng hợp này có phải là ngẫu nhiên hay không ? Theo Le Monde, cho dù các lãnh đạo Trung Quốc cố gắng khẳng định rõ là không hề có liên hệ nào giữa hai hồ sơ này, chuyến công du của ông Kim Jong-un – dự kiến kéo dài 4 ngày theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA - rõ ràng đã phủ bóng lên cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới Trung Quốc lần thứ tư vào thời điểm khác thường này "cho phép Bắc Kinh nhắc lại với Hoa Kỳ là ông Donald Trump khó lòng bỏ qua vai trò của Trung Quốc trong hồ sơ Bắc Triều Tiên".

Thêm một yếu tố biểu tượng mang lại thế mạnh cho Bắc Kinh, đó là dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 35 (ngày 8/1) của lãnh đạo Bắc Triều Tiên trùng khớp với thời gian chuyến công du Trung Quốc. Điều này cho phép khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa hai chế độ Trung – Triều.

Trong những ngày gần đây, Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đang ráo riết chuẩn bị cho một thượng đỉnh lần thứ hai Trump-Kim, nhằm thúc đẩy thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên (báo chí Hàn Quốc cho biết một số cuộc gặp diễn ra tại Hà Nội). Tuy nhiên, quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng rất căng thẳng, bởi lập trường của hai bên hết sức cách biệt. Phía Mỹ đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân trước rồi mới gỡ bỏ trừng phạt. Bắc Triều Tiên đòi hỏi ngược lại.

Kim dùng Bắc Kinh chống lại Washington

Vẫn về chuyến đi của Kim Jong-un đến Trung Quốc, Le Figaro có bài nhận định : "Kim dùng Bắc Kinh chống lại Washington". Le Figaro dẫn lời của nhà chính trị học Thành Hiểu Hà (Cheng Xiaohe), đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, theo đó Bình Nhưỡng cần đến sự ủng hộ của Trung Quốc để một khi Bắc Triều Tiên có nhân nhượng, thì Bắc Kinh gây áp lực để Washington cũng phải làm tương tự. Còn chuyên gia Mỹ Harry Kazianis, Center for the National Interst, thì nhấn mạnh là trong lúc đàm phán Hoa Kỳ-Bắc Triều Tiên đang trong ngõ cụt, thì việc Bình Nhưỡng đe dọa xích gần lại với Trung Quốc có thể khiến Mỹ lo ngại.

Le Figaro cũng nhấn mạnh đến khả năng Trung Quốc dùng chuyến công du của Kim Jong-un để gây áp lực với Mỹ "một cách gián tiếp". Theo ông Thành Hiểu Hà, trong bối cảnh kinh tế đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại, đặc biệt do cuộc chiến tăng thuế của Mỹ, chuyến công du của Kim Jong-un rõ ràng mang lại lợi thế cho Bắc Kinh.

Về phần mình, Les Echos đưa ra một góc nhìn khác, qua bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Trung Quốc Triệu Thông (Zhao Tong), Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, với tựa đề "Bắc Triều Tiên tìm cách tranh thủ thế đối đầu gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc". Với chuyến công du này, lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, và nhờ đó mà Bình Nhưỡng hy vọng đạt được các kết quả có lợi trong những thương thuyết sắp tới với Mỹ. Tuy nhiên, theo Les Echos, việc lãnh đạo Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh vào dịp này, lần thứ tư trong chưa đầy một năm, cho thấy chế độ Kim Jong-un "hết sức phụ thuộc vào đồng minh trụ cột này".

Mỹ bỏ kế hoạch rút quân sớm, nhưng Trump lên án báo chí "bịa đặt"

Mỹ từ bỏ kế hoạch rút quân nhanh chóng là một chủ đề thời sự lớn khác được các báo quan tâm. Le Monde mô tả kỹ phản ứng một lần nữa gây bất ngờ của tổng thống Mỹ. Hôm 07/01, trên Twitter, ông Donald Trump lên án tờ New York Times đã "cố tình bịa ra một câu chuyện không chính xác về những ý định của tôi liên quan đến Syria". Tổng thống Mỹ bảo đảm là tuyên bố mới được đưa ra "không khác gì với các tuyên bố trước đó", cụ thể là quân đội Mỹ tại Syria sẽ rút quân với một tốc độ phù hợp, trong lúc vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại quân thánh chiến.

Le Monde dẫn lại các phát biểu của tổng thống Mỹ hôm 19/12/2018, việc lực lượng Mỹ ở Syria sẽ rút ngay, trở về nhà ngay, để cho thấy lập trường của ông Donald Trump thực ra đã thay đổi hoàn toàn. Le Monde cũng điểm lại những phản ứng dữ dội từ mọi phía, từ các đồng minh của Hoa Kỳ cũng như trong nội bộ chính quyền Mỹ, kể cả phe ủng hộ tổng thống, sau tuyên bố rút quân ngay tức khắc trước kỳ Noel. Đây là các áp lực đã buộc tổng thống Mỹ thay đổi lập trường.

Cuộc họp của cố vấn Mỹ với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bị hủy phút chót

Cũng về hồ sơ Syria, Le Figaro chú ý đến chuyến công du của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đến Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm một thỏa hiệp trong vấn đề người Kurdistan ở miền bắc Syria, lực lượng được coi là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống Daesh. Bài "Cuộc đọ sức Mỹ - Thổ về Syria" cho thấy quan hệ hai bên đang hết sức căng thẳng. Ông John Bolton tới Ankara vào tối thứ Hai, 7/1, nhưng cuộc gặp giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã bị hủy bỏ vào phút chót. Theo một nhật báo thân chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, thì lý do là lịch trình của tổng thống không cho phép.

Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, trong chặng dừng chân tại Israel, cố vấn John Bolton khẳng định 2.000 quân Mỹ ở vùng đông bắc Syria sẽ chỉ rút đi chừng nào mà Ankara bảo đảm an toàn cho lực lượng vũ trang YPG người Kurdistan. Ngay lập tức, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ đòi hỏi của phía Mỹ, tái khẳng định quan điểm coi YPG là tổ chức khủng bố. Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ là YPG phải bị loại trừ, để một vùng tự trị của người Kurdistan giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ không có cơ hội ra đời.

Người Kurdistan muốn Nga giúp

Về vấn đề người Kurdistan ở đông bắc Syria, Le Figaro có bài "Lực lượng Kurdistan quay sang Nga tìm kiếm hậu thuẫn", cho biết hiện tại một phái đoàn Kurdistan đang có mặt tại Moskva. Trước áp lực xâm lăng Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurdistan hiện nay nghiêng về phía chấp nhập quân đội Damascus trở lại kiểm soát khu vực Kurdistan, và tìm kiếm một mức độ tự trị đáng kể trong khuôn khổ Nhà nước Syria độc lập, một khi chiến tranh kết thúc. Để đạt được mục tiêu này, người Kurdistan phải có được sự ủng hộ của nước Nga, đồng minh chủ chốt của chính quyền Syria.

Pháp : Cuộc Tranh luận nhiều ẩn số

Thời sự nước Pháp với cuộc Tranh luận lớn toàn quốc, dự kiến khởi sự ngày 15/01/2019, là một chủ đề lớn khác. Cuộc tranh luận để đáp ứng các đòi hỏi của phong trào Áo Vàng là tựa trang nhất của nhật báo thiên hữu Le Figaro, với tựa đề "Tranh luận lớn : Những ẩn số của một cuộc thương thảo chưa từng có". Theo Le Figaro, trong cuộc họp hôm nay, chính phủ sẽ phải xác định rõ các khuôn khổ của cuộc Tranh luận, về mặt thời gian, cũng như về mặt nội dung, về mục đích và thành phần tham gia. Để tránh các hiểu lầm, tổng thống Macron sẽ gửi thư đến người Pháp ít hôm trước ngày khai mạc.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, cho dù chưa biết cuộc Tranh luận lớn này sẽ đi đến đâu, nhưng có một điều chắc chắn mà chính phủ Pháp muốn tránh là không thể để cuộc Tranh luận này là nơi bày tỏ quan điểm của "những người thất vọng với nguyên tắc phổ thông đầu phiếu", cũng có nghĩa là những người chống lại chính phủ hợp pháp hiện nay, như lời người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux.

Le Figaro cũng có bài xã luận mang tựa đề "Dễ bắt lửa", nhấn mạnh đến nguy cơ cuộc Tranh luận có thể làm trầm trọng thêm những rạn nứt trong xã hội Pháp hiện tại.

Tranh luận : "Hồi I" cho nền Cộng Hòa thứ 6

Cũng về cuộc tranh luận lớn toàn quốc, nhật báo thiên tả Libération có bài phỏng vấn thị trưởng thành phố Grenoble, Eric Piolle, với tựa đề "Cuộc thảo luận lớn cần phải là Hồi I của một tiến trình xây dựng Hiến pháp mới". Theo vị thị trưởng theo đảng Xanh này, thì tổng thống Pháp không nên bảo thủ với mô hình chính trị hiện tại, vốn đã tỏ ra "bất lực trước các khủng hoảng xã hội, môi trường, chính trị cũng như về Châu Âu", mà cần phải đặt nền móng cho một nền Cộng Hòa thứ 6, để thay thế cho nền Cộng Hòa đệ ngũ hiện nay.

"Áo Vàng" và Tranh luận toàn quốc : Hai cựu vô địch võ thuật gây tai tiếng

Liên quan đến cuộc Tranh luận lớn toàn quốc, theo kế hoạch của tổng thống, và những diễn biến xung quanh phong trào Áo Vàng, báo chí Pháp hôm nay dành nhiều giấy mực cho thông tin về hai nhân vật đặc biệt, đều là cựu vô địch võ thuật.

Người thứ nhất là bà Chantal Jouanno, một nhà vô địch karate, bộ trưởng Thể thao, được giao nhiệm vụ dẫn dắt cuộc Tranh luận toàn quốc. Nhân vật thứ hai là cựu vô địch quyền anh Christophe Dettinger, người nổi tiếng sau vụ hành hung hai hiến binh hôm thứ Bảy (05/01) bên lề các cuộc biểu tình của người Áo Vàng tại Paris, ngay trước ống kính truyền thông. Cựu vô địch quyền anh sau đó đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên các mạng xã hội, với hàng chục nghìn euro quyên góp ủng hộ. Theo báo 20 Minutes, cựu vô địch quyền Anh Christophe Dettinger đã nhận lỗi và trình diện cảnh sát, với lời thanh minh là đã có hành động bạo lực vì bức xúc, do thấy cảnh sát thô bạo với người biểu tình.

Le Figaro chế giễu quyết định bổ nhiệm cựu võ sĩ karate làm người dẫn dắt cuộc tranh luận toàn quốc, vốn rất tế nhị nói trên. Một vấn đề khác cũng khiến chính phủ bị phản đối mạnh trong trường hợp này là khoản lương 14.700 euro của nữ bộ trưởng Thể thao. Trước các chỉ trích đang gia tăng, bà Chantal Jouano đã quyết định không đảm nhiệm cương vị dẫn dắt tranh luận, để tránh tai tiếng cho chính phủ.

Về cựu vô địch quyền anh Christophe Dettinger hành hung hai hiến binh, Le Figaro cho biết sau chưa đầy 48 giờ, tiền quyên góp ủng hộ đã lên đến gần 120.000 euro (việc quyên tiền đã đình chỉ, sau khi bị nhiều chỉ trích từ chính phủ và các nghiệp đoàn cảnh sát. Ngược lại, các nghiệp đoàn cảnh sát tổ chức quyên tiền ủng hộ hai hiến binh bị hành hung). La Croix dành một bài xã luận mang tựa đề "Cuộc quyên tiền phi lý", lên án hành động khiến các giá trị bị đảo lộn một cách "đáng buồn" này, và lưu ý rằng người ta chỉ quyên tiền để ủng hộ các nạn nhân, chứ không phải một kẻ hành hung.

Xã luận Les Echos "Đấu sĩ quyền anh, cuộc quyên tiền và ý nghĩa của những điều đó với chúng ta" nhận xét : các hiện tượng này cho thấy "sự lộn tùng phèo" của các giá trị. Tờ báo thốt lên : "Trong hai tháng khủng hoảng vừa qua, nhiều thành lũy (bảo vệ các giá trị) đã bị tan vỡ. Bạo lực ngày càng được coi là chuyện bình thường, và nói một cách chính xác hơn, bạo lực xã hội được coi là lý do để biện minh cho bạo lực thể chất".

Nền dân chủ vận hành kém, nhưng 80% người Pháp tin vào dân chủ

Le Monde có bài phân tích về cuộc khủng hoảng sâu sắc tại Pháp mang tựa đề : "Sự rạn nứt của nền dân chủ". Bài viết nêu lên hai nhận định chính. Nhận định thứ nhất là ngày càng có nhiều người Pháp nhận thức là nền dân chủ hiện nay vận hành kém. Viện Cevipof vừa tiến hành một điều tra quan trọng thường niên, được thực hiện hồi tháng 12/2018, mà kết quả chính thức sẽ được công bố ngày 16/12. Một số thông tin sơ bộ từ cuộc điều tra này cho thấy có đến hơn 70% người Pháp đồng ý với quan điểm trên. Thậm chí có đến 85% cho rằng những người có trách nhiệm chính trị ít hoặc không quan tâm đến những người có suy nghĩ khác họ. Chỉ có hơn 28% tin vào tổng thống, 22% vào chính phủ, 23% vào Quốc Hội, và 9% vào các đảng phái chính trị.

Tuy nhiên, nhận định đáng chú ý thứ hai là, cho dù nền dân chủ đang suy yếu, vẫn có đến 80% người Pháp (nhiều hơn 2 điểm so với năm ngoái) tin tưởng là không có bất cứ thể chế nào tốt hơn dân chủ. Bất chấp việc thể chế chính trị hiện tại và các chủ thể của hệ thống này đang bị chỉ trích nặng nề, đại đa số người dân Pháp vẫn đặt niềm tin vào chế độ dân chủ. Theo Le Monde, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân là thách thức chủ yếu trong những tháng tới.

Trọng Thành

Published in Châu Á