Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Malaysia tố cáo phi cơ quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận

Thanh Phương, RFI, 02/06/2021

Vào cuối ngày 01/06/2021, ngoại trưởng Malaysia thông báo là chính phủ Kuala Lumpur sẽ ra công hàm ngoại giao phản đối việc phi cơ quân sự của Trung Quốc xâm nhập không phận của Malaysia. 

luoibo1

Một phi cơ in hình cờ Trung Quốc ở phía đuôi, ngày 31/05/2021  via Reuters – Royal Malaysian Air Force

Theo hãng tin AFP, ngoại trưởng Hishammuddin Hussein còn cho biết ông sẽ triệu đại sứ Trung Quốc lên để yêu cầu giải thích về hành động "xâm phạm chủ quyền" của Malaysia. 

Hôm qua, không quân Malaysia tố cáo 16 phi cơ vận tải quân sự của Trung Quốc ngày 31/05 đã dàn đội hình chiến thuật bay bên trên vùng Biển Đông và đã xâm nhập vào không phận Malaysia ở khu vực bang Sarawak trên đảo Borneo, Cụ thể, theo không quân Malaysia, các phi cơ quân sự nói trên đã bay đến Cụm bãi cạn Luconia (Luconia Shoals) hiện do Malaysia quản lý, nằm trên vùng Biển Đông, trước khi bay đến một khu vực chỉ cách bờ biển Sarawak 110 km. Sau khi đã cố bắt liên lạc nhưng không được hồi đáp, không quân Malaysia đã điều các chiến đấu cơ phản lực lên ngăn chận các máy bay của Trung Quốc.

Thông báo của không quân Malaysia nhấn mạnh, hành động của các phi cơ quân sự Trung Quốc là một mối "đe dọa" đối với chủ quyền của Malaysia, cũng như đối với an toàn hàng không, do đây là khu vực có mật độ giao thông hàng không dày đặc.

Theo AFP, đáp lại cáo buộc nói trên của Malaysia, một phát ngôn viên của sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur hôm nay 01/06 khẳng định 16 phi cơ quân sự của họ chỉ thực hiện một chuyến bay huấn luyện "bình thường", không "nhắm vào bất cứ quốc gia nào" và cũng không xâm phạm không phận của bất cứ nước nào.

Quan hệ giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh cho tới nay vẫn khá nồng ấm, nhưng vụ việc hôm thứ Hai (31/05) xảy ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trên vùng Biển Đông, mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ. Năm 2020, một tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc đã đối đầu trong suốt một tháng trời với một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia ngoài khơi đảo Borneo. 

Theo hãng tin CNA, liên minh đối lập Pakatan Harapan ở Malaysia hôm nay kêu gọi chính phủ Kuala Lumpur đề ra một "kế hoạch hành động rõ ràng" sau vụ phi cơ Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm không phận và đe dọa chủ quyền Malaysia.

Thanh Phương

**********************

Mỹ-Philippines : Biden muốn gặp Duterte bàn về thỏa thuận thăm viếng quân sự

Thụy My, RFI, 01/06/2021

Đài ABS&CBN News của Philippines hôm 31/05/2021 cho biết tổng thống Mỹ Joe Biden muốn gặp riêng đồng nhiệm Rodrigo Duterte. Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao với Philippines vào tháng Bảy tới và "hy vọng" Duterte sẽ gia hạn thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) giữa hai nước.

luoibo2

Tổng thống Joe Biden khen ngợi nữ học viên trường sĩ quan tuần duyên Philippines Daisy Anne Atayan tại Học viện Tuần duyên Hoa Kỳ, New London, Connecticut, ngày 19/05/2021.  AP - Andrew Harnik

Thỏa thuận VFA là khuôn khổ pháp lý cho nhiều thỏa thuận song phương khác, trong đó có Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng (MDT) giữa Hoa Kỳ và Philippines, quy định hai nước sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị tấn công vũ trang.

Hoa Kỳ là đồng minh quân sự duy nhất của Philippines. Hồi tháng Hai, ông Duterte nói rằng Washington phải "trả phí" nếu muốn duy trì VFA.

Theo ông Jose Manuel Romualdez, đại sứ Philippines tại Mỹ, dịp kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao sẽ là động lực cho một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Biden và Duterte. Tổng thống Mỹ cũng mong muốn trao đổi với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trước cuộc gặp thượng đỉnh tại Brunei vào tháng 11.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Philippines rất muốn duy trì thỏa thuận thăm viếng quân sự với Mỹ. Bộ trưởng Delfin Lorenzana tuyên bố VFA rất quan trọng để tăng cường năng lực của quân đội Philippines - vốn có nguồn lực hạn chế - thông qua hàng loạt cuộc tập trận chung hàng năm.

Quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và Philippines trở nên phức tạp từ khi tổng thống Duterte lên cầm quyền năm 2016 và công khai tỏ thái độ thân Trung Quốc. Nhưng từ tháng Ba, Manila phải nhiều lần lên tiếng phản đối sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại khu vực Đá Ba Đầu, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Duterte cũng bắt đầu nhắc đến quyết định của Tòa Trọng tài, tuy trước đây ông nói rằng phán quyết này chỉ là một tờ giấy lộn, có thể vứt vào sọt rác.

Thụy My

Published in Châu Á