Hun Sen nghi ngờ Việt Nam sau khi lộ tin cựu đối lập ‘đi đêm’ với Hà Nội (VOA, 14/03/2018)
Thủ tướng Campuchia hôm 14/3 đặt câu hỏi về lòng trung thành của đồng minh lâu năm Việt Nam sau khi có thông tin cựu lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy từng bí mật đàm phán với một cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN với Australia. Ông Hun Sen nói ông sẽ yêu cầu lãnh đạo Việt Nam cung cấp thông tin về việc này.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Truyền thông Campuchia cho biết Thủ tướng Hun Sen đưa ra những phát biểu có phần giận dữ trên khi tham dự lễ khánh thành cầu Kompong Cham-Koh Pen hôm thứ Tư.
Ông Hun Sen nói các cuộc họp đều có ghi lại biên bản và ông sẽ tìm cách có được biên bản trên để tìm hiểu thêm về cuộc đàm phán bí mật giữa cựu lãnh đạo đối lập Rainsy và Ngoại trưởng Việt Nam.
"Nếu đồng minh Việt Nam thực sự trung thực với tôi, tôi sẽ yêu cầu cung cấp biên bản cuộc họp", Fresh News dẫn lời thủ tướng Campuchia nói.
Trước đó, hôm 12/3, một tài khoản Facebook đã đăng 3 tấm ảnh chụp cựu lãnh đạo Sam Rainsy của đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP, bị ông Hun Sen giải thể gần đây) bí mật đàm phán về vấn đề biên giới với Bộ trưởng Ngoại giao và các nhà ngoại giao cấp cao của Việt Nam tại Hà Nội và Tây Ninh vào năm 2003-2004.
Theo thông tin từ tài khoản trên, ông Sam Rainsy đã đồng ý với đề xuất của Việt Nam về một số vấn đề dọc theo biên giới Campuchia - Việt Nam mà trước đó đã bị Thủ tướng Hun Sen phản đối.
"Tại sao anh lại đàm phán bí mật ? Anh xúc phạm tôi giống như một con rối của Việt Nam à ?", Phnom Penh Post dẫn lời chất vấn của ông Hun Sen.
Thủ tướng Campuchia nói cựu lãnh đạo Rainsy đã hứa sẽ cấp quyền công dân cho những người Campuchia gốc Việt ở nước này, điều mà ông Hun Sen phản đối.
"Tôi sẽ hỏi người bạn Việt Nam của chúng ta xem liệu họ có thực sự trung thực với tôi và Campuchia hay không", ông Hun Sen nói thêm.
Tuần trước, ông Rainsy bị các quan chức chính quyền Campuchia buộc tội phản quốc vì một video năm 2013 cho thấy ông cam kết sẽ cho người Thượng sống ở các tỉnh đông bắc Campuchia một mức độ tự trị nhất định.
"Anh muốn cắt bỏ 4 tỉnh ư, đây không phải là chuyện nhỏ", Thủ tướng Campuchia nói trong bài phát biểu ngày 14/3. "Anh buộc tội Hun Sen cắt đất dâng Việt Nam, nhưng bây giờ chúng tôi đã thấy bộ mặt thật của anh".
Sự kiện này được đánh giá là chỉ dấu cho thấy sự đảo ngược vai trò của Thủ tướng Hun Sen và kẻ thù chính trị lâu năm của ông, khi chính quyền Hun Sen vốn do Hà Nội giúp lập nên và hai bên có mối quan hệ nồng ấm trong nhiều năm qua, trong khi cựu lãnh đạo Rainsy, ngược lại, thường có những phát biểu chống Việt Nam.
Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam và ông Rainsy đều không trả lời yêu cầu bình luận của Phnom Penh Post về vụ việc này.
*******************
Tổng thống Duterte sẽ rút Phi ra khỏi Tòa án Hình sự quốc tế (RFA, 14/03/2018)
Tổng thống Rodrigo Duterte vào hôm thứ Tư, ngày 14 tháng Ba thông báo Philippines rút khỏi hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Tổng thống Philippines trong một lần phát biểu hồi tháng 1/2017
Quyết định này đánh dấu sự thay đổi 180 độ gây choáng váng của ông Duterte, người đã nhiều lần thách đố ICC truy tố ông và nói sẵn sàng "ngồi tù rục xương" hoặc ra tòa để bảo vệ cuộc chiến chống ma túy của ông đã làm chết hàng ngàn người.
Trong một tuyên bố dài 15 trang, đề ngày 13/3, ông Duterte nói ông sẽ rút khỏi hiệp ước nền tảng của ICC, có tên "Đạo luật Rome", vì các quan chức của Liên Hiệp Quốc "tấn công vô căn cứ, chưa từng có và quá đáng", và vì các hành động của ICC mà ông cho là không tuân thủ trình tự tố tụng cũng như nguyên tắc suy đoán vô tội.
Ông Duterte nói : "Dường như có một nỗ lực có sự phối hợp của các báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc nhằm tô vẽ tôi như một kẻ vi phạm nhân quyền tàn nhẫn bị cáo buộc gây ra hàng ngàn vụ giết người bất chấp pháp luật".
Những người hay chỉ trích ông Duterte cho rằng động thái quay ngược 180 độ này cho thấy nhà lãnh đạo cứng rắn đang trong trạng thái hoảng loạn.
Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở ở London gọi việc rút khỏi ICC là "sai lầm" và "hèn nhát".
Theo luật của ICC, việc rút ra có hiệu lực sau một năm kể từ khi tòa nhận được thông báo. Philippines thuộc thẩm quyền của tòa vì nước này là một thành viên, việc rút ra không thể có tác dụng hồi tố đến thẩm quyền của tòa.
Chiến dịch trấn áp ma túy đẫm máu của ông Duterte đã gây ra báo động với quốc tế cũng như dẫn đến những chỉ trích gay gắt từ một số đại diện của Liên Hiệp Quốc, kể cả Cao ủy Nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein.
Cảnh sát nước này đã bác bỏ cáo buộc là họ giết người và che giấu tội. Họ cho biết họ đã giết khoảng 4.100 kẻ buôn bán ma túy trong các vụ đọ súng.
*****************
Duterte thông báo rút Phillipines khỏi Tòa án Hình sự quốc tế (RFI, 14/03/2018)
Hôm nay, 14/03/2018, tổng thống Rodrigo Duterte thông báo rút Philippines ra khỏi hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự quốc tế, tòa án hiện đang chuẩn bị điều tra về chính sách bài trừ ma túy của ông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh 24/11/2017. Reuters/Romeo Ranoco
Theo AFP, vào đầu tháng 2 vừa qua, Tòa án Hình sự quốc tế, trụ sở tại La Haye, đã thông báo mở một cuộc "xem xét sơ bộ" về chiến dịch bài trừ ma túy do tổng thống Duterte tiến hành tại Philippines. "Xem xét sơ bộ" là giai đoạn trước khi Tòa án Hình sự quốc tế quyết định tiến hành điều tra chính thức. Philippines là quốc gia Châu Á đầu tiên bị tòa án này "xem xét sơ bộ" như vậy.
Trong tuyên bố hôm nay, tổng thống Duterte đã chỉ trích hành động của Tòa án Hình sự quốc tế, cho rằng tòa án này đang bị sử dụng như là một "công cụ để chống phá Philippines".
Chiến dịch bài trừ ma túy do ông Duterte phát động ngay sau khi nhậm chức tổng thống đã khiến cộng đồng quốc tế rất lo ngại. Theo các số liệu chính thức, cho tới nay đã có hơn 4.000 người buôn ma túy và sử dụng ma túy bị cảnh sát Philippines bắn hạ. Theo các nhà hoạt động nhân quyền, con số người chết trên thực tế cao hơn gấp ba số liệu chính thức.
Vào tháng trước, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng đã đề cập đến tình hình nhân quyền của Philippines. Ngoại trưởng Iceland Gudlaugur Thor Thordarson đã kêu gọi Manila chấp nhận cho một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đến Philippines.
Đáp lại lời kêu gọi đó, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác, nhưng yêu cầu là Liên Hiệp Quốc phải tỏ ra công bằng.
Phát ngôn viên của ông Duterte lúc đó đã tuyên bố là Manila sẽ từ chối chuyến thăm của bà Agnes Callamard, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về các vụ hành quyết không qua xét xử, vì theo Manila, nhân vật này đã có thành kiến với Philippines