Ông Vương Nghị "nhắc" Việt Nam cảnh giác trước sự can thiệp từ bên ngoài
RFA, 11/09/2021
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói hai nước Việt Nam và Trung Quốc cần kiềm chế các hoạt động đơn phương ở Biển Đông, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời nhắc nhở Việt Nam nên cảnh giác trước sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Ông Vương Nghị nói những điều này trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hôm 10/9, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố hôm 11/9.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 10/9/2021 - AFP
Theo thông báo, ông Vương Nghị nói hai quốc gia nên trân trọng hòa bình rất khó khăn mới đạt được và sự ổn định ở khu vực Biển Đông, cảnh giác trước sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.
Theo báo chí Nhà nước Việt Nam, tại cuộc gặp, hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ởBiển Đông ; thúc đẩy các cơ chế đàm phán, hợp tác đạt tiến triển thực chất, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm, phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ cũng như đẩy nhanh hoàn thiện để ký kết hiệp định mới về hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc bộ.
Chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Việt Nam diễn ra vào khi Trung Quốc đang tiến hành phong tỏa một phần khu vực Biển Đông trong hai ngày 9 và 10 tháng 9 để phục vụ cho các cuộc tập trận bắn đạn thật và tập trận đổ bổ chiếm đảo, theo thông báo từ Cục Hàng hải Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post cho biết việc Trung Quốc công bố video cuộc tập trận mới đây ở Biển Đông là để nhằm đáp trả việc Mỹ điều tàu chiến USS binfold đi vào vùng biển gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa hôm 8/9 vừa qua.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn.
Thời gian qua, Trung Quốc cũng liên tục gửi các tàu hải cảnh, tàu cá và tàu nghiên cứu vào các vùng đặc quyền kinh tế, thêm lục địa của các quốc gia láng giềng bao gồm Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của quốc gia này.
Tuy nhiên, Trung Quốc luôn gọi các hoạt động duy trì tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực Biển Đông là gây mất hòa bình và ổn định trong khu vực.
******************
Anh Vũ, RFI, 11/09/2021
Hãng tin Reuters, hôm 11/09/2021, dẫn thông cáo bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho hay, trong cuộc gặp với các quan chức Việt Nam, ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Bắc Kinh và Hà Nội cam kết tránh có những hành động đơn phương liên quan đến vấn đề Biển Đông làm gia tăng bất đồng và căng thẳng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và phó thủ tướng Việt Nam, Phạm Bình Minh tại Hà Nội. Ảnh minh họa, chụp ngày 01/04/2018 © AP
Hôm 10/09/2021, phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, ông Vương Nghị đã khẳng định hai nước cam kết giữ gìn hòa bình và ổn định đã có như hiện nay trên Biển Đông, đồng thời luôn chống lại hành động can thiệp của các thế lực bên ngoài.
Bắc Kinh vẫn luôn khẳng định có chủ quyền lịch sử trên phần lớn vùng Biển Đông, trong khi các nước láng giềng cũng như Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế đều cho rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mà Trung Quốc là một bên tham gia.
Tháng trước, liên tiếp các lãnh đạo Ngoại giao, quốc phòng và phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có các chuyến công du Việt Nam và một số nước trong vùng. Tất cả đều tuyên bố phản bác các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như lên án những hành động chèn ép lấn lướt của Bắc Kinh đối với các láng giềng Châu Á.
Tại Hà Nội, ngày hôm qua, Ủy viên Quốc vụ, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc và phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đã chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt –Trung, một sự kiện thường niên, nhằm "thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển …», theo truyền thông Việt Nam.
Cùng ngày, Việt Nam thông báo, được Trung Quốc tặng thêm 3 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19. Tổng cộng Bắc Kinh đã viện trợ cho các nước Đông Nam Á 5,7 triệu liều vac-xin do Trung Quốc sản xuất.
Sau Việt Nam, ông Vương Nghị lần lượt tới các nước Cam Bốt, Singapore và Hàn Quốc.
Anh Vũ
********************
VOA, 11/09/2021
Trung Quốc và Việt Nam nên kiềm chế các hành động đơn phương liên quan đến Biển Đông có thể làm phức tạp tình hình và phóng đại những tranh chấp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, dẫn lời nhà ngoại giao cao cấp Vương Nghị phát biểu với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh.
Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị đã hội đàm với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh trong chuyến thăm Việt Nam, bộ cho biết trong một phát biểu ngày thứ Bảy.
Chuyến thăm của ông Vương tới Việt Nam, một phần trong chuyến công du Đông Nam Á kéo dài một tuần của ông, diễn ra khoảng hai tuần sau chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới khu vực này.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói trong cuộc hội kiến Đại sứ Trung Quốc chỉ vài giờ trước chuyến thăm của bà Harris rằng Việt Nam không liên kết với nước này để chống lại nước khác.
Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết vùng Biển Đông, nhưng các nước láng giềng và Mỹ nói rằng yêu sách đó không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một bên kí kết.
Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh chồng lấn lên với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Đài Loan. Hàng ngàn tỉ đôla thương mại hàng năm đi qua tuyến đường thủy này, nơi cũng có các ngư trường phong phú và các mỏ khí đốt.
Ông Vương nói rằng hai nước nên trân trọng hòa bình và ổn định khó khăn lắm mới đạt được ở Biển Đông và cảnh giác với sự can thiệp của các thế lực ngoài khu vực, phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh nói trong một phát biểu của chính phủ rằng điều quan trọng là hai nước tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các nhận thức chung ở cấp cao, quản lý các bất đồng, tránh làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng tranh chấp và cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở các vùng biển tranh chấp, phát biểu của Chính phủ Việt Nam cho biết thêm.
Việt Nam cho biết Trung Quốc sẽ tặng thêm 3 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong năm nay, nâng tổng số vaccine Trung Quốc viện trợ cho nước này lên 5,7 triệu liều.
Cùng với chuyến thăm của ông Vương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam ngày thứ Bảy đã có cuộc gặp với người tương nhiệm Nhật Bản Nobuo Kishi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kishi sau khi đảm nhiệm chức vụ này vào năm ngoái, hãng tin Kyodo đưa tin.
Nhật Bản và Việt Nam đã kí một thỏa thuận cho phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật Bản sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này để "thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong các vùng biển khu vực", Kyodo cho biết.
Thỏa thuận này được kí vào năm ngoái trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tới Việt Nam.
"Nhật Bản sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Việt Nam để bán các tàu của Lực lượng Phòng vệ", Kyodo dẫn lời ông Kishi nói.
Hai bộ trưởng cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không, Kyodo đưa tin.
Theo Reuters
Thu Hằng, RFI, 10/09/2021
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-12/09/2021 để đồng chủ trì với phó thủ tướng Phạm Bình Minh phiên họp lần thứ 13 của Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang vất vả chống dịch và rất nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, viện trợ vac-xin cho Hà Nội.
Vac-xin Trung Quốc. © Reuters - Dado Ruvic
Theo phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt ngày 09/09, Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc vẫn tổ chức họp hàng năm để lãnh đạo và các ban ngành liên quan của hai nước thảo luận về các vấn đề, khó khăn và biện pháp liên quan. Tuy nhiên, trong phiên họp lần thứ 13 này, vấn đề hợp tác phòng chống Covid-19, trong đó có việc Bắc Kinh viện trợ vac-xin và thiết bị y tế, cũng sẽ được thảo luận.
Đại dịch Covid-19 cũng là chủ đề của cuộc hội đàm trực tuyến ngày 09/09 giữa bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long và chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mã Hiểu Vỹ (Ma Xiaowei). Chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, theo website của Bộ Y tế Việt Nam, như "tổ chức triển khai xét nghiệm trên diện rộng, bảo đảm chất lượng xét nghiệm", "giám sát chủ động tại các khu vực có nhiều nguy cơ như các cơ sở y tế, khu vực xuất nhập cảnh và lấy mẫu xét nghiệm những người làm việc ở khu vực này".
Chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ cũng đưa ra đề xuất nâng cấp quan hệ với Hà Nội từ "toàn diện" lên thành "chiến lược". Ông Vương Nghị sẽ gặp đồng nhiệm Bùi Thanh Sơn, chào xã giao các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Trang Global Times cho biết Việt Nam nằm trong số 4 nước láng giềng (Cam Bốt, Singapore và Hàn Quốc) trong vòng công du của ông Vương Nghị từ ngày 10-15/09. Ngoài chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, ngoại trưởng Trung Quốc còn đề cập đến hợp tác phát triển, thúc đẩy dự án cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Thu Hằng
************************
Trung Quốc hứa viện trợ thêm ba triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam
RFA, 11/09/2021
Nhân chuyến thăm Việt Nam hôm 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công bố Trung Quốc sẽ viện trợ thêm cho Việt Nam ba triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, đưa tổng số liều vắc-xin ngừa Covid mà Bắc Kinh viện trợ cho Việt Nam lên 5,7 triệu liều.
Các lọ vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm (Trung Quốc) - Reuters
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết, ngoài số địa phương của Trung Quốc cũng viện trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế cho các địa phương ở Việt Nam.
Cũng trong ngày 10/9, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định phê duyệt có điều kiện vắc-xin Hayat-Vax cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đây là vắc-xin của hãng Sinopharm được đóng gói và xuất xưởng ở các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), và là vắc-xin thứ bảy được phê duyệt khẩn cấp ở Việt Nam cho phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, khác với vắc-xin Vero Cell của Sinopharm sản xuất ở Trung Quốc, vắc-xin Hayat-Vax không nằm trong danh sách vắc-xin được dùng khẩn cấp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Trước đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội vào ngày 24/8, ngay trước thềm chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba cũng cho biết Bắc Kinh sẽ viện trợ cho Việt Nam hai triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19.
Ngoài số vắc-xin được Trung Quốc viện trợ chính thức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhận năm triệu liều vắc-xin Vero Cell đặt mua của hãng Sinopharm của Trung Quốc.
Nhiều người dân Việt Nam thời gian qua cho biết họ không muốn sử dụng vắc-xin Trung Quốc vì không tin vào hiệu quả và chất lượng các loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất.