Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc và sự cám dỗ của mô hình Singapore

Nhân dịp diễn ra Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, tuần báo Courrier International đặt tựa trang bìa : "Trung Quốc : những đứa con của Tập Cận Bình" và dành hồ sơ 10 trang giới thiệu những phân tích trên các báo Châu Á về dấu ấn của "nhân vật số 1 Trung Hoa" trong lĩnh vực xã hội. Đáng chú ý là bài viết với tiêu đề "Sự cám dỗ từ mô hình Singapore", Le Courrier International trích dịch từ báo Lianhe Zaobao của Singapore.

mohinh1

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, tại Bắc Kinh, ngày 18/10/2017. Reuters/Aly Song

Những ngày qua, trước thềm diễn ra Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, người ta không ngừng đặt câu hỏi về tương lai của Trung Quốc. Kể từ Đại Hội Đảng lần thứ 18 hồi tháng 11/2012 tới nay, hai sự kiện trung tâm trong mọi cuộc thảo luận trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng (2021) và 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (2049). Từ nay tới đó, "ưu tiên của mọi ưu tiên" là cải cách hệ thống chính trị. Ngay cả khi chủ đề này như "cái gai trong mắt", Đảng cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ tìm cách né tránh. Từ thời Đặng Tiểu Bình, nhiều hướng cải cách đã được vạch ra, mang lại ít nhiều thành công.

Xét về các thành tựu, cần nói rõ là từ sau vụ đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc có đời sống chính trị ổn định, các nhà lãnh đạo đảng không gây ra việc gì có hại cho chế độ. Không có sự ổn định chính trị nói trên, không thể có những thành tựu kinh tế và xã hội như trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề nghiêm trọng và đòi hỏi các giải pháp cấp thiết. Trước Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, tham nhũng, lợi ích nhóm và sự can thiệp của quân đội vào công tác chính trị là các vấn đề lớn.

Trong bối cảnh đó, Đảng cộng sản Trung Quốc tiến hành thâu tóm quyền lực trung ương, rồi từ đó tung ra chiến lược quy mô lớn chống tham nhũng, đấu tranh chống lợi ích nhóm, một xu hướng vốn đang dần trở nên phổ biến không chỉ trong nội bộ đảng mà còn trong bộ máy hành chính và cả quân đội.

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất của việc thâu tóm quyền lực trung ương là nhằm tiến hành các cải cách. Vấn đề giờ đây là làm thế nào để hoàn thiện cải cách và đưa Trung Quốc thành một Nhà nước pháp quyền. Theo nghĩa rộng, cuộc cải cách này liên quan tới đảng cầm quyền, chính phủ, quân đội, nền kinh tế, xã hội và cả các mối liên hệ giữa các yếu tố trên. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền phải phù hợp với hoàn cảnh riêng của Trung Quốc, hơn nữa Bắc Kinh lại không muốn bắt chước một cách mù quáng mô hình của các nước khác.

Theo suy đoán của nhiều người, rất khó xảy ra chuyện Bắc Kinh theo mô hình của Moskva. Bởi vì tại nước Nga của tổng thống Vladimir Putin, quyền lực tập trung trong tay một cá nhân chứ không phải thuộc về một định chế. Trong khi đó, Trung Quốc lại muốn quyền lực trung ương do một định chế nắm giữ, chứ không do một cá nhân thâu tóm. Đó là điểm khác biệt giữa hai quốc gia.

Một số người khác cho rằng Trung Quốc có thể sẽ học theo mô hình của Đài Loan thời Tưởng Kinh Quốc 1978-1988, nói cách khác, đó là mô hình của phương Tây. Nhưng khả năng thay đổi hệ thống chính trị này cũng khó xảy ra vì nếu nhiều yếu tố cấu thành một chế độ chính trị (dân chủ trong nội bộ đảng, ban lãnh đạo đảng, sự tiến bộ đều đặn của tư tưởng dân chủ trong xã hội…) tiến triển từng bước, rất có thể sẽ đó sẽ là những bước tiến đầu của quá trình dân chủ hóa rộng rãi. Ở Đông Á, người ta thấy là dân chủ hóa, nếu có, thường là theo mô hình kiểu Mỹ. Đó chính là trường hợp của Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, nền kinh tế suy yếu của các nước này đã cho thấy hệ quả của mô hình dân chủ kiểu này tới xã hội.

Khả năng thứ ba là Trung Quốc học theo mô hình chính trị của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, "cha đẻ" của Singapore hiện đại. Đó chính là mô hình tiêu biểu nhất về tập trung quyền lực trung ương vào một định chế. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu đương nhiên là có nhiều quyền lực, nhưng ông đã không lạm dụng quyền lực để trở thành một nhà độc tài. Thủ tướng Singapore giai đoạn 1959-1990 đã biến mọi quyền lực mà ông có thành một thứ quyền lực mang tính định chế, dựa trên sự tôn trọng pháp luật. Và chỉ sau một thế hệ, Singapore từ một nước thuộc "thế giới thứ ba" đã vươn lên thành nước có nền kinh tế và xã hội phát triển, người dân có thu nhập cao.

Hiện nay, mặc dù Singapore cũng đang có những thay đổi về mặt chính trị, nhưng xã hội không phải đối mặt với nguy cơ bị rối loạn mạnh, nhờ tính vững chắc của các định chế, và chắc chắn Singapore sẽ tiếp tục dẫn đầu Châu Á. Còn về Trung Quốc, tác giả viết khẳng định nhiều yếu tố có thể sẽ dẫn dắt Bắc Kinh theo con đường của Singapore để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền thông qua tập trung quyền lực vào các định chế. Trên cơ sở đó, Trung Quốc sẽ có thể vươn lên thành một nền kinh tế trình độ cao và xây dựng hệ thống xã hội phát triển. 

Philippines : Mục tiêu tấn công mới của khủng bố Daesh

Vẫn về Châu Á, tuần báo L’Express quan tâm tới mối đe dọa khủng bố Daesh ở Philippines qua bài viết "Philippines : Đích ngắm mới của Daesh". Thông tín viên báo L’Express, Charles Haquet, cho biết 5 tháng sau vụ tấn công bất ngờ trên đảo Mindanao, mối đe dọa khủng bố vẫn chưa lắng, các trận chiến vẫn tiếp tục, nhiều chiến binh Hồi giáo vẫn còn đang lẩn trốn trên đảo, trong rừng rậm. Bộ trưởng quốc phòng Lorenzana lo ngại phiến quân Hồi giáo sẽ thực hiện các vụ tấn công tự sát.

Theo một quan chức quân đội Philippines, vụ tấn công vào thành phố Marawi hôm 23/05/2017 chỉ là bước đầu, tới đây sẽ còn nhiều làn sóng chiến binh tới từ Malaysia. Biên giới giữa Mindanao và Malaysia lại không được kiểm soát chặt chẽ. Và phần lớn các chiến binh nước ngoài, người Yemen, Saudi Arabia, Indonesia và Tchetchenia… sẽ xâm nhập vào Philippines qua ngả này. Và không có gì ngăn cản họ tấn công vào các đảo khác của Philippines.

Thêm vào đó, lợi dụng tình trạng lộn xộn trên đảo, lực lượng Hồi giáo cực đoan đang tìm cách tuyển mộ tân binh người Philippines, với mục tiêu thiết lập một vương quốc Hồi giáo "califat" ở tỉnh Bangsamoro, tỉnh duy nhất theo đạo Hồi tại quốc gia mà đa phần dân chúng theo đạo Thiên Chúa, biến vùng này thành nơi rút lui trú ẩn cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang bị đánh đuổi khỏi Iraq và Syria. Hồi giáo cực đoan trên đảo Mindanao đang tìm cách thuyết phục các thanh niên gia nhập Daesh, đổi lại họ được nhận số tiền tương đương 1650 euro và được Daesh trả lương 500 euro/tháng. Đói nghèo, thất nghiệp, sự thất vọng và tức giận đối với chính quyền sẽ đẩy hàng ngàn người Hồi giáo, thậm chí là cả người theo đạo Thiên Chúa, vào tay Daesh.

Một câu hỏi được đặt ra : Bằng cách nào các phiến quân có tiền để hoạt động ? Một nguồn tin quân sự Philippines cho biết nguồn tài chính đó tới từ các hoạt động buôn bán ma túy, nhưng một số nước vùng Vịnh cũng cung cấp tài chính cho khủng bố Hồi giáo ở Philippines bằng cách chuyển nhiều khoản tiền qua Western Union.

Những người "đi săn" tổng thống Trump

Tuần báo L’Obs quan tâm đến tổng thống Mỹ Donald Trump với bài viết "Những người "đi săn" tổng thống Trump". Thông tín viên báo L’Obs tại Mỹ, Philippe Boulet-Gercourt, cho biết có một nhóm công dân Mỹ đang mơ ước giải thoát Nhà Trắng khỏi ông Trump, người mà họ gọi là "một kẻ bịp bợm". Đội "thợ săn" này, người thì dành toàn bộ thời gian, người thì tranh thủ những lúc rỗi rãi ngoài thời gian đi làm kiếm sống, để theo dõi hoạt động của ông Trump suốt nhiều tháng nay. Và các tiết lộ của họ có thể khiến tổng thống Mỹ phải lo lắng. 

Những người đi săn Donald Trump, dù là luật sư, chủ nhà hàng, hay nghệ sĩ …, đều coi kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 08/11/2016 là "một cái tát trời giáng", "một cơn ác mộng". Họ đi tìm kiếm các quan hệ để thu thập thông tin và được tư vấn về tài chính, bất động sản, họ tự tiến hành điều tra. Họ "soi" mọi "ngõ ngách" trên các trang web, các tài liệu lưu trữ phủ đầy bụi trong kho của nhiều thành phố, từng công ty của nhà tài phiệt… để biết ông Trump đã "lách luật" thế nào. Có người đã phát hiện được cả mạng lưới những người hợp tác hay có quan hệ qua lại với tỷ phú Donald Trump từ nhiều quốc gia như Nga, Saudi Arabia…, thậm chí phát hiện ra các kỹ thuật rửa tiền của một số sân golf, sòng bạc của ông Trump.

Một số người, một cách kín đáo, cung cấp thông tin cho báo giới hay nhà chức trách để họ tiếp tục điều tra sâu rộng hơn nếu cần. Một số người lại tỏ ra thận trọng hơn, không chia sẻ thông tin rộng rãi, nhất là với FBI vì họ tin rằng FBI đã từng "thông đồng" với nhà tài phiệt trước khi ông Trump bắt đầu sự nghiệp chính trị. 

Khi con người làm Trái Đất rung chuyển

Trong lĩnh vực khoa học, tuần báo Courrier International giới thiệu bài viết đăng trên tạp chí khoa học Nature : "Khi con người làm Trái Đất rung chuyển". Từ khai thác mỏ tới cho tới khai thác khí ga và dầu lửa, các hoạt động của con người khiến các mảng kiến tạodịch chuyển, gây sức ép lên lớp vỏ trái đất, dẫn tới các vụ động đất tại nhiều nơi trên thế giới, và tại các địa hình khác nhau.

Các nhà địa chất học đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu liên quan đến tất cả các vụ động đất có nguy cơ xảy ra do hoạt động của con người gây ra. Mục tiêu là để hiểu về các nguy cơ trên và phòng ngừa tốt hơn. HiQuake là cơ sở dữ liệu lớn nhất, gồm dữ liệu về 728 trận động đất hoặc dư chấn có thể là do con người gây ra trong vòng 149 năm qua, từ năm 1868 tới nay. Phần lớn có cường độ nhẹ, 3-4 độ trên thang Richter. Tuy nhiên, cũng có những trận động đất mạnh có sức tàn phá rất cao, chẳng hạn trận động đất mạnh 7,8 độ Richter vào tháng 04/2015 ở Nepal. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters hồi năm 2015 cho thấy có mối liên hệ giữa hoạt động bơm nước từ tầng nước ngầm lên với vụ động đất này.

Trong số 728 vụ động đất và dư chấn nói trên, 31% liên quan đến các hoạt động khai thác mỏ, các vụ sạt lở đường hầm nói chung, gần 23% liên quan tới các hoạt động bơm rút nước từ mạch nước ngầm hoặc bơm nước đã qua sử dụng ngược trở lại lòng đất, 15% các trận động đất là hậu quả của các hoạt động khai thác khí ga và dầu lửa. Chỉ khoảng 4% có liên quan tới các vết nứt gãy do thủy điện gây ra. Một số dư chấn khác có nguồn gốc từ việc xây dựng các tòa cao ốc hoặc các vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất.

Trong cơ sở dữ liệu HiQuake, việc các nhà khai thác khí ga và dầu lửa bơm nước ngược trở lại vào lòng đất ngày càng gây nhiều trận động đất. Kỹ thuật này được sử dụng đặc biệt nhiều hồi đầu những năm 2000, nhất là ở Oklahoma và nhiều vùng khác của Hoa Kỳ.

Đường : "thuốc độc" được bán tràn lan

Trong lĩnh vực sức khỏe, tuần báo Le Point chạy tựa trang nhất "Sự thật về đường" và dành 17 trang bên trong để giới thiệu nghiên cứu của các nhà khoa học về đường "giấu mặt" trong các loại thực phẩm bày bán trên thị trường, cũng như các lời khuyên của các chuyên gia để vừa thỏa mãn khẩu vị, vừa hạn chế được tác hại của chế độ ăn quá nhiều đường đối với sức khỏe con người.

Đường được gọi là "vàng trắng", nhưng cũng là "kẻ thù số 1 của cộng đồng", là một loại "bột trắng", "một chất độc gây nghiện" có những "tác hại lâu dài tới sức khỏe người dùng tương tự như rượu, chẳng hạn chứng trầm cảm, bệnh xơ gan…".

Giáo sư vi sinh vật học Didier Raoult, giám đốc Viện nghiên cứu IHU Méditerranée Infection tại Marseille, miền nam nước Pháp, cho biết sức tiêu thụ đường đã bùng nổ từ một thế kỷ rưỡi qua. Đường bắt đầu trở thành một mặt hàng tiêu dùng phổ biến từ giữa thế kỷ XIX. Công nghệ chiết xuất từ củ cải đường đã cho phép tăng sản lượng đường. Theo ước tính, vào năm 1850, người Pháp tiêu thụ 1kg đường/người/năm. Từ 35 năm trở lại đây, con số này là 35kg/người/năm. Phần lớn đường mà chúng ta hấp thụ không phải là do chúng ta cho thêm vào mà là do nhà sản xuất cho vào sản phẩm trong quá trình chế biến. Đường có mặt trong mọi sản phẩm : từ rau củ đóng hộp (đậu, cà rốt, ngô…), cho tới thực phẩm chế biến từ thịt, thức ăn chế biến sẵn, và đương nhiên là đồ uống ngọt.

Việc cho quá nhiều đường vào thực phẩm đã gây ra nhiều hậu quả : con người hấp thụ quá nhiều calorie, hệ vi sinh vật trong cơ thể bị biến đổi. Nhiều công trình nghiên cứu từ thế kỷ XIX về sự tiến hóa của hệ vi sinh vật trên răng của con người từ thời đồ đồng tới nay cho thấy đã có sự thay đổi lớn với sự xuất hiện thêm của nhiều loại vi khuẩn và tỉ lệ sâu răng cũng cao hơn nhiều. Hệ tiêu hóa của con người cũng bị đường làm biến đổi mạnh mẽ, bất kể đó là đường glucose hay đường fructose. Đặc biệt, đường fructose dường như có liên quan đến bệnh tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ không phải do rượu. Gan nhiễm mỡ do ăn quá nhiều đường là nguyên nhân gây bệnh xơ gan và ung thư gan nhiều không kém gan nhiễm mỡ do uống nhiều rượu. Mối liên hệ giữa đường và bệnh béo phì cũng đã được chứng minh.

Theo giáo sư Didier Raoult, điều đáng chú ý là hầu như các tập đoàn lớn về chế biến thực phẩm đều tung ra các chiến dịch cung cấp thông tin bảo vệ sức khỏe dựa trên mối lo của người tiêu dùng, chẳng hạn về các sản phẩm biến đổi gien hay thuốc trừ sâu, diệt cỏ, trong khi đó, loại độc dược được bán tràn lan với số lượng lớn lại là đường được thêm vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến.

Phần lớn các chuyên gia về sức khỏe cộng đồng đều cho rằng đường là kẻ thù lớn thứ hai, chỉ sau thuốc lá. Đường được tiêu thụ quá nhiều đã trở thành một đại dịch, mà cho đến giờ, vẫn chưa có dấu hiệu tạm ngưng.

Thùy Dương

Published in Châu Á