Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bắc Kinh muốn áp đặt "mô hình Trung Hoa" : Các nền dân chủ phải đoàn kết

Đại dịch Covid vẫn là chủ đề trang nhất của nhiều báo Pháp. Le Monde chú ý đến việc chính phủ đang xem xét thực hiện tiêm chủng bắt buộc với nhân viên y tế. "Covax, Châu Phi vẫn chờ đợi", La Croix lo ngại chương trình vac-xin của Liên Hiệp Quốc chậm triển khai tại các nước nghèo. Nhật báo kinh tế Les Echos hoan hỉ với việc kinh tế Pháp đang nối lại với mức tăng trưởng trước đại dịch.

mohinh1

một triển lãm về 100 năm kỷ niệm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh. Reuters – Thomas Peter

Tuy nhiên, chủ đề lớn có mặt ở hầu hết các báo vẫn là Đảng cộng sản Trung Quốc, vừa kỷ niệm 100 năm thành lập hôm 01/07/2021. "Nước Trung Hoa cộng sản muốn làm bá chủ thế giới" là tựa trang nhất của Le Figaro thiên hữu. Hồ sơ chính của Le Figaro nhan đề : "Tập Cận Bình biểu dương cho sức vươn lên "không thể đảo ngược" của Trung Quốc…", như một tín hiệu rõ ràng gửi đến Washington, vốn đã thường xuyên mô tả Bắc Kinh, như một "đối thủ chính trị và kinh tế".

Từ nhiều tháng nay, chính quyền Trung Quốc triển khai chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để quảng cáo cho dịp kỉ niệm. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh đến "đại thắng" trong cuộc chiến chống dịch, được tin tưởng là đã khiến cho uy tín của Đảng cộng sản trong xã hội Trung Quốc tăng vọt. Lịch sử "cách mạng Trung Quốc" cũng được quảng bá rầm rộ, đặc biệt với thành công trong 40 năm phát triển kinh tế, đưa đất nước ra khỏi tình trạng "chậm phát triển". Tuy nhiên, toàn bộ những hậu quả thảm khốc của các chính sách của Đảng cộng sản, như chính sách Đại nhảy vọt (1958), Cách mạng Văn hóa (1966), khiến hàng chục triệu người chết, đã hoàn toàn bị lơ đi.

Thế "bị đẩy vào chân tường" và lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ

Đặc biệt đáng sợ là tham vọng thống trị thế giới của Bắc Kinh. Xã luận Le Figaro, với tựa đề "Từ lời nói đến hành động", chỉ ra một số nét lớn trong chủ trương của chế độ "cộng sản" Trung Quốc. Quyết tâm thống trị thế giới của Đảng cộng sản Trung Quốc "dựa trên việc hợp nhất Đảng với toàn xã hội, và tất cả được vận hành theo "mô hình Trung Quốc", tự coi như là kết hợp những gì tinh túy nhất của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa tư bản nhà nước với chủ nghĩa dân tộc".

Nhưng theo Le Figaro, đằng sau vẻ ngoài thân thiện để "quyến rũ thế giới", với tuyên truyền về một tương lai mà "các bên cùng thắng", Đảng cộng sản Trung Quốc đang bắt đầu biến tham vọng "thống trị thế giới" thành hành động.

"Hồng Kông gần như bị đặt trong vòng kiểm soát, (…) áp lực quốc tế đã không giúp nới lỏng ách cai trị người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hoạt động bành trướng tại Biển Đông vẫn tiếp tục". Từ Trung Á đến Châu Phi, "các con đường tơ lụa mới" của Tập Cận Bình đang dần dần bao vây Châu Âu. Đảng cộng sản Trung Quốc đặt mục tiêu "tái thống nhất" Đài Loan trong thời gian tới, như một "chiến tích", cho phép Tập Cận Bình trở thành "lãnh đạo suốt đời".

Le Figaro nhấn mạnh là tham vọng như trên của chế độ Trung Quốc đã "đẩy cộng đồng quốc tế vào chân tường, buộc phải lựa chọn giữa một bên là chiến tranh khu vực, thậm chí toàn cầu, và bên kia là chấp nhận một hệ thống toàn trị". Theo Le Figaro, trước mối đe dọa rõ ràng này, "lời kêu gọi đoàn kết các nền dân chủ của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cần được lắng nghe".

Liên Âu hiện không có khả năng buộc Trung Quốc phải dè chừng

Cũng về việc đoàn kết giữa các nền dân chủ, La Croix có chùm hai bài nhận định. Trong hai ý kiến được nêu ra, nhà Trung Quốc học François Godement, Viện Montaigne, tỏ ra lo ngại nhiều hơn về chính sách của Liên Âu.

François Godement khẳng định Liên Âu hiện đang hoàn toàn ở vào thế yếu và thiếu chiến lược đối phó với Trung Quốc. Chính sách tách biệt các lĩnh vực "cạnh tranh chiến lược", "xung đột hệ thống" khỏi "hợp tác trong một số lĩnh vực có lợi ích chung" là phù hợp với các chính quyền tiền nhiệm của Tập Cận Bình. Trên bình diện "chiến lược", cho đến nay Liên Âu vẫn bị cầm chân trong các giới hạn cũ, và "không đủ khả năng khiến Trung Quốc lo ngại, do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sự vắng mặt của một chiến lược kinh tế Châu Âu thống nhất, và khả năng quân sự giới hạn ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương". Liên Âu tin tưởng khối 27 nước có thể trở thành "mô hình cho một thế giới đa cực, dựa trên các quy tắc và thương lượng", nhưng đây không phải là cái Trung Quốc cần đến. Phối hợp với Mỹ và Nhật Bản là căn bản.

Đảng cộng sản 100 năm nô dịch : Khác biệt giữa Tập và Mao

Nhật báo thiên tả Libération cũng dành ba bài viết trong số này cho Đảng cộng sản Trung Quốc, với tựa phụ của trang nhất : "Đảng cộng sản Trung Quốc : 100 năm nô dịch". Bài "Trung Quốc : Một thế kỷ của tư tưởng Mao" nói rõ : "dịp một trăm năm kỷ niệm này chính là dịp để Đảng cộng sản biểu dương sự thống trị của Đảng đối với xã hội và với nền kinh tế của một đất nước, mà kể từ 8 năm nay, đã hoàn toàn bị Tập Cận Bình khống chế".

Tuy nhiên, Mao và Tập thống trị xã hội, nhưng theo các phương thức có nhiều điểm khác nhau. Libération có bài phỏng vấn Chloé Froissart, nhà Trung Quốc học và giáo sư khoa học về chính trị. Bài phỏng vấn, mang tiêu đề "Đảng hút hết tinh túy của Nhà nước ở mọi cấp", so sánh hai chế độ Mao và Tập. Bên cạnh những điểm chung của Mao – Tập (lối cai trị Đảng lãnh đạo toàn diện, thao túng hoàn toàn Nhà nước, dùng truyền thông như là công cụ truyền bá quan điểm của Đảng), các khác biệt - thậm chí các đối lập - nổi rõ.

Chế độ Tập Cận Bình "hết sức lo sợ" sự trỗi dậy của một phong trào Mao mới (hay tân Mao-ít), khi nhiều sinh viên chịu ảnh hưởng tư tưởng Mao, đã tham gia phong trào bãi công của công nhân ở miền nam Trung Quốc, năm 2018. Mao chủ trương "đấu tranh giai cấp", "cách mạng không ngừng" ; Tập dựa vào "chính quyền kỹ trị, và một hệ thống luật pháp hợp thức hóa quyền lực tuyệt đối của Đảng - Nhà nước". Nhiều nghiên cứu về "đấu tranh giai cấp" bị cấm.

Về ý thức hệ chính thống của Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay, theo nhà chính trị học Chloé Froissart, trên thực tế, chẳng còn gì là tư tưởng của Mác, một chế độ đã trở nên "rất tư bản", chế độ của "giới tinh hoa", nơi "các tầng lớp dân chúng nghèo khổ bị loại ra khỏi các chính sách xã hội, các phong trào xã hội bị cấm đoán".

Những trí thức không phó mặc vận mệnh Trung Hoa cho Tập Cận Bình

Khác với Libération Le Figaro, Le Monde lưu ý đến những khía cạnh khác trong xã hội Trung Quốc, nơi Đảng cộng sản không thể lãnh đạo toàn diện, qua bài "Vận mệnh của Trung Quốc và Tập Cận Bình, bộ óc tối cao". Bài viết của nhà báo Frederic Lemaitre, gửi về từ Bắc Kinh đưa độc giả đến với những gương mặt trí thức xuất chúng gần như ly khai với hệ thống toàn trị, nhưng lại sống ngay trong lòng chế độ. Từ đạo diễn Vương Binh (Wang Bing), tác giả của cuốn phim tài liệu nổi tiếng "Những linh hồn chết" (2018), dài 9 giờ, về những nạn nhân thời Mao, đến sử gia Tần Huy (Qin Hui), cựu giáo sư Đại học Thanh Hoa, tác giả cuốn khảo cứu về sự cáo chung của vương triều nhà Thanh và cuộc cách mạng Tân Hợi 1911. Tác phẩm "Moving Away from the Imperial Regime" (Thoát khỏi đế chế) được bán rất chạy, nhưng ngay lập tức bị chính quyền Trung Quốc cấm. Đạo diễn Vương Binh không thể có phim được chiếu tại Trung Quốc, sử gia Tần Huy buộc phải về hưu sớm.

Đạo diễn Triệu Lượng (Zhao Liang) - người nổi tiếng với bộ phim Khiếu kiện (2009), về những khổ ải của những người dân thường, nạn nhân của các bất công ở địa phương, hy vọng tìm công lý tại Bắc Kinh – vừa hoàn thành bộ phim : I Am So Sorry (dự liên hoan phim Cannes, Pháp, năm 2021). Phim bị cấm tại Trung Quốc. Hay ông Khâu Chí Kiệt (Qiu Zhijie) (họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim trên mạng), giảng dạy tại Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh, là một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, cũng đồng thời là tác giả của "Bản đồ nghệ thuật và Trung Quốc sau 1989", đề cập đến hàng loạt chủ đề nhạy cảm, trong đó có "biến cố Thiên An Môn".

Với nhiều trí thức, vận mệnh của Trung Quốc không thể phó thác cho lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình. Theo nhà nghiên cứu David Ownby, giảng viên đại học Canada, người thường chuyển dịch các khảo cứu quan trọng tại Trung Quốc, trên trang blog Reading the China Dream, cho dù "các trí thức (Trung Quốc) không thể nói lên tất cả những gì họ muốn, nhưng điều này không có nghĩa là họ không thể bày tỏ gì". Bài viết của Le Monde khép lại với nhận định, "nhiều chỉ dấu cho thấy… nước Trung Quốc của Tập Cận Bình không chỉ bằng lòng với việc sản xuất và tiêu thụ. Đất nước này cũng hoài nghi và phản kháng".

Pháp : Chính phủ tham vấn về tiêm chủng bắt buộc cho giới y tế

Le Monde chạy trang nhất chủ đề chính phủ Pháp lấy ý kiến về chủ đề hướng đến tiêm chủng bắt buộc với giới nhân viên ngành y tế. Cho đến nay, mới chỉ có 55% nhân viên ngành y tiêm chủng ít nhất một liều. Tại khu vực bệnh viện công (vẫn còn đến 30% chưa tiêm). Liên đoàn các bệnh viện Pháp yêu cầu chính phủ can thiệp, bởi với tốc độ hiện nay phải "hai năm" mới hoàn thành việc tiêm chủng cho ngành y, theo một số ý kiến phản đối.

Ngược lại, Nghiệp đoàn y tá quốc gia CFE-CGC phản đối việc quá chú trọng vào lĩnh vực này, vì điều này có thể tạo hình ảnh sai lầm trên truyền thông là giới y tế từ chối tiêm chủng.

Pháp nối lại với tăng trưởng trước dịch : Biến thể Delta không thực sự đáng ngại

Nhật báo kinh tế Les Echos hoan hỉ với triển vọng kinh tế Pháp năm nay sẽ đạt 6%, tức tương đương với mức trước khủng hoảng y tế, theo INSEE. Chính phủ ít lạc quan hơn khi đưa ra con số 5%. Theo phát ngôn viên chính phủ, yếu tố duy nhất có thể đe dọa thực sự tăng trưởng là biến thể Delta khiến dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn. Về mối đe dọa này, INSEE tỏ ra không lo ngại bằng chính phủ, với nhận định cho dù một số biện pháp siết chặt được áp đặt trở lại, ảnh hưởng sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều so với các lần phong tỏa trước.

Tranh cử tổng thống Pháp : Ba ứng cử viên cánh tả hàng đầu

Gần một năm trước bầu cử tổng thống Pháp, nhật báo thiên tả Libération dành hồ sơ chính hôm nay cho cuộc cạnh tranh giữa hàng loạt ứng cử viên tổng thống tiềm năng của cánh tả. Theo Libération, trong số rất nhiều ứng cử viên tổng thống tiềm năng, ba nhân vật nổi bật nhất là lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélanchon, lãnh đạo đảng Xanh Yannick Jadot và đô trưởng Paris, đảng Xã Hội, bà Anne Hidalgo. Trong hiện tại, theo một thăm dò dư luận, tỉ lệ cử tri ủng hộ một trong ba ứng viên cánh tả là rất thấp, Mélanchon 13%, Hidalgo 12% và Jadot 8%.

Thỏa thuận về thuế toàn cầu "quan trọng nhất" từ một thế kỷ

Trong lĩnh vực kinh tế, một tin vui được nhiều báo đăng tải là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) hôm qua, 01/07/2021, đạt đồng thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia. Theo Le Figaro, "một bước tiến khó khăn" đã đạt được hôm qua, với sự đồng ý của 130 thành viên OCDE, chiếm hơn 90% GDP toàn cầu. Trung Quốc, Nga ủng hộ chủ trương này. Le Figaro nhấn mạnh đến nỗi hổ thẹn của Châu Âu, khi hai thành viên, là Ireland và Hungary, đã bỏ phiếu chống.

Đức hoan nghênh "một bước tiến khổng lồ" hướng đến công bằng hơn về thuế. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Lemaire hoan hỉ, khi gọi đây là một "thỏa thuận về thuế quan trọng nhất từ một thế kỷ nay". Theo tổng thống Mỹ Joe Biden, "các công ty đa quốc gia giờ đây sẽ không còn có thể đối lập các nước này với nước kia nhằm hạ mức nộp thuế, để bảo vệ lợi ích của công ty mình, gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia các nước".

Thỏa thuận chống "tối ưu hóa thuế" (nói một cách khác là chống lách thuế dựa trên các quy định hiện hành vốn rất khác biệt giữa từng quốc gia) bao gồm hai phần chính. Phần thứ nhất cho phép phân bổ lại số lượng thuế tổng trị giá "hơn 100 tỉ đô la" một cách công bằng hơn, nhắm vào các tập đoàn có doanh thu quá 20 tỉ đô la/năm. Phần thứ hai, nhắm vào các tập đoàn có doanh thu trên 750 triệu euro, giới hạn khả năng thu hút đầu tư của "các thiên đường thuế", cho phép mang lại thêm 150 tỉ đô la hàng năm cho toàn thế giới.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Châu Á