Bắc Kinh tung video khen việc giúp Manila chống Covid-19 : Dân Philippines giận dữ (RFI, 27/04/2020)
Để ca ngợi sự giúp đỡ mà Trung Quốc đã dành cho Philippines trong công cuộc chống dịch Covid-19 và tình hữu nghị đoàn kết giữa hai nước, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã cho thực hiện và công bố hôm 24/04/2020 một videoclip âm nhạc bằng tiếng Hoa và tiếng Tagalog, ngôn ngữ chính của Philippines.
Một khu phố thủ đô Manila (Philippines) bị phong tỏa để chống dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 24/04/2020. Reuters - ELOISA LOPEZ
Thế nhưng clip video tuyên truyền mang tựa đề song ngữ Iisang Dagat (Hải Đích Na Biên), tạm dịch là "Một biển", đã bất ngờ bị rất nhiều người Philippines phản đối và đả kích, xem đấy là một âm mưu của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông trong đó có các vùng biển của Philippines.
Clip video tuyên truyền mang tựa đề song ngữ Iisang Dagat (Hải Đích Na Biên), tạm dịch là "Một biển"
Sau hai ngày lên Youtube : 135.000 "ghét" và 1.800 "thích"
Tính đến hết ngày 26/04, tức là hai hôm sau khi được tung lên mạng Youtube cũng như trang web của đại sứ quán Trung Quốc, clip video này đã thu hút được hơn 470.000 lượt người xem trên Youtube, và được gần 20.000 bình luận.
Về thái độ của người xem, clip này đã bị 135.000 phản ứng "ghét" (dislikes), so với vỏn vẹn 1.800 phản ứng "thích" (likes).
Bên cạnh đó còn có hàng ngàn bình luận giận dữ, điều mà theo báo mạng Philippines Inquirer, cũng được ghi nhận trên mạng Facebook hay trên tài khoản Twitter của con gái nữ danh ca Immelda Papin, một "nữ hoàng" ca khúc của Philippines đã tham gia video clip.
Theo thông tín viên nhật báo Singapore The Straits Times tại Manila, điều khiến nhiều người dân Philippines giận dữ chính là tựa đề của bài hát "Một biển" (lisang Dagat theo tiếng Tagalog), được dùng làm nền cho clip video, bị cho là hàm ý hợp thức hóa các yêu sách của Trung Quốc trên các vùng biển mà Philippines cho là thuộc chủ quyền của họ.
Clip bị cho là tuyên truyền cho ý đồ cướp vùng biển của Philippines
Trên Twitter, dân biểu Rufino Biazon, chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng tại Hạ Viện Philippines không che giấu thái độ bực tức : "Họ (tức là Trung Quốc) đã có thể chọn 'Iisang Mundo' (Một thế giới), hoặc 'Iisang Laban' (Một cuộc chiến), hoặc 'Iisang Adhikain' (Một mục tiêu). Thế nhưng không. họ lại chọn Iisang Dagat (Một biển), điều rõ ràng là không thích hợp với những tranh chấp chủ quyền đối lập nhau ở Biển Tây Philippines (tên Philippines đặt cho Biển Đông)".
Chính khách này tự hỏi "Nếu giờ đây ta nói "Hai Trung Quốc" thì sao ?"
Những lời bình luận trên YouTube, cũng rất gay gắt với Trung Quốc.
Một người tên Joel Tanangonan viết : "Trung Quốc là loại bạn giả vờ đưa tay phải ra bắt tay bạn, nhưng lại dùng tay trái để đánh cắp của bạn".
Cũng trên Youtube, một người dùng khác lấy tên là bà Angel Pulido, nói : "Chúng tôi không cần những bài hát cổ động. Chúng tôi chỉ muốn lấy lại đảo của chúng tôi mà thôi".
Còn người có tên Josh Acevedo thì liệt kê những gì mà ông thấy là việc làm sai trái của Trung Quốc, từ việc Hải Quân Trung Quốc có tình sách nhiễu ngư dân Philippines gần các đảo tranh chấp, cho đến việc các sòng bài trên mạng của Trung Quốc hoạt động tại Philippines, liên quan đến các vụ mại dâm, buôn người, trốn thuế.
Tiếng nói bênh vực rất ít
Trong số những bình luận cũng có một vài tiếng nói bênh vực Trung Quốc. Có người thì khẳng định tất cả những hành vi mô tả Trung Quốc là một kẻ xấu ở Đông Nam Á đều là "tin giả - fake news", Có người thì kêu gọi : "Im đi, đồ ngốc. Hãy thưởng thức bài hát và từ bỏ thái độ cay đắng đi".
Tuy nhiên nhìn chung, các phản ứng từ người Philippines đều không có thiện cảm đối với Trung Quốc.
Đây quả là một vố đau cho đại sứ quán Trung Quốc, vốn đã đầu tư rất nhiều vào công việc tuyên truyền này, với chinh đại sứ Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) viết lời cho bài hát, với những người hát bao gồm phía Trung Quốc là nhà ngoại giao Trung Quốc cùng với nam diễn viên Vu Bân (Yu Bin), và phía Philippines là nam ca sĩ Johnvid Bangayan, một người gốc Hoa, và nữ danh ca Imelda Papin rất nổi tiếng với những bản tinh ca thời thập niên 1970.
Nữ danh ca này đã bị rất nhiều người chỉ trích, người thì gọi bà là một "kẻ phản bội", đã tiếp tay cho một chiến dịch "tuyên truyền của Trung Quốc", người thì tự hỏi là bà đã nhận bao nhiêu tiền để làm việc đó.
Trọng Nghĩa
********************
Philippines : Bắc Kinh dùng viện trợ chống dịch Covid-19 để ngăn chặn các chỉ trích về Biển Đông ? (RFI, 27/04/2020)
Một chuyên gia về luật hàng hải Philippines, vào hôm nay 27/04/2020, cáo buộc Trung Quốc sử dụng việc trợ giúp các nước khác chống dịch Covid-19 để tránh né việc họ bị chỉ trích về những hành động lấn lướt liên tục ở Biển Đông. Lời cáo buộc đã lập tức bị ngoại trưởng Philippines đã bênh vực Trung Quốc và bác bỏ cáo buộc này.
Bãi cạn Scarborough. Ảnh chụp ngày 12/03/2016 và do Planet Labs cung cấp. 路透社
Theo ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng Hải và Luật Biển Philippines, Bắc Kinh đã lợi dụng lúc các quốc gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải đối phó với dịch bệnh để liên tiếp tung ra những thủ đoạn gia tăng quyền kiểm soát Biển Đông.
Trả lời kênh truyền thông Philippines ANC, chuyên gia này cho rằng “người ta có thể cho rằng (Trung Quốc) sử dụng hợp tác như một phương cách để ngăn chặn mọi chỉ trích, hoạt động chống lại các hành động của Trung Quốc ở Biển Tây Philipines (tên Philippines đặt cho Biển Đông)”, vì các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông diễn ra cùng một lúc với các hoạt động trợ giúp y tế và đề nghị hợp tác chống dịch.
Vào tuần qua, Bắc Kinh đã nhận được công hàm phản đối của Manila sau vụ một tàu Trung Quốc chĩa radar điều khiển súng về phía một tàu của Hải quân Philippines vào tháng Hai và tuyên bố những vùng của Philippines ở vùng biển tranh chấp đều thuộc về một tỉnh của Trung Quốc.
Theo ông Batongbacal, Manila đã chần chờ trong việc phản đối Bắc Kinh vì khi Trung Quốc có hành vi khiêu khích ở Biển Đông, chính quyền Philippines lại phải đẩy mạnh hợp tác với Bắc Kinh, chờ đợi Bắc Kinh gởi viện trợ và nhân viên y tế qua giúp đỡ, và “tất cả các thứ đó phải được làm xong trước khi họ thông báo tin là đã thực sự gởi công hàm phản đối.”
Đối với chuyên gia Batongbacal, sự cố tháng Hai giữa Hải Quân Philippines và một tàu chiến Trung Quốc là một bước leo thang chưa từng thấy trong lịch sử tranh chấp giữa hai nước, “một hành động gây hấn, một hành động tấn công ... tác hại nặng nề đến ngoại giao”. Theo ông, Trung Quốc dư biết đó là một điều sai trái nhưng vẫn làm.
Cáo buộc của ông Batongbacal đã lập tức bị ngoại trưởng Philippines bác bỏ. Trong một tin nhắn Twitter, ông Teodoro Locsin Jr. đã bênh vực Trung Quốc, cho rằng không có gì liên quan giữa chuyện Bắc Kinh giúp đỡ Philippines chống dịch Covid-19 với những gì diễn ra ở Biển Đông.
Trọng Nghĩa