Anh Vũ, RFI, 28/08/2021
Đáp trả vụ khủng bố tại Kabul, quân đội Mỹ ngày 27/08/2021 đã sử dụng máy bay không người lái tấn công trả đũa tiêu diệt một lãnh đạo của nhóm thánh chiến Daesh tại Afghanistan. Cùng lúc, Washington báo động có nhiều khả năng xảy ra tấn công khủng bố mới tại sân bay Kabul.
Mỹ trả đũa bằng drone trên lãnh thổ Afghanistan sau loạt khủng bố tự sát gần phi trường Kabul hôm 26/08/2021. Ảnh vệ tinh chụp sân bay quốc tế Hamid Karzai - Satellite image ©2021 Maxar Technologies/AFP/File
Theo hãng tin Reuters, sau vụ đánh bom khủng bố hôm thứ Năm bên cạnh sân bay Kabul làm 92 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ, tổng thống Joe Biden đã tuyên bố "trả đũa" nhóm khủng bố. Hôm 27/08/2021 quân đội Hoa Kỳ đã thực thi mệnh lệnh, tấn công tiêu diệt một lãnh đạo của Daesh tại tỉnh Nangarhar, phía đông Afghanistan, gần biên giới với Pakistan.
Lầu Năm Góc khẳng định đã hạ được mục tiêu, tuy không cho biết cụ thể danh tính của lãnh đạo Daesh bị tiêu diệt cũng như nhân vật này có liên quan trực tiếp đến vụ đánh bom khủng bố gần sân bay Kabul hôm 26/08/2021 hay không. Một lãnh đạo của bộ tộc tại Jalalabad thủ phủ tỉnh Nangarhar xác nhận có 3 người chết và 4 người bị thương trong vụ tấn công trên.
Theo quân đội Mỹ, vụ không kích do máy bay không người lái Reaper, cất cánh từ một căn cứ trong vùng Cận Đông tiến hành. Tên lửa đã nhằm trúng mục tiêu là một xe chở lãnh đạo của Daesh và một trong số cộng sự của nhân vật này. Vụ tấn công không gây thiệt hại cho thường dân.
Vài giờ sau đòn tấn công trả đũa này, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ, John Kirby đã báo động khả năng lại xảy ra tấn công khủng bố tại sân bay Kabul, trong khi các đợt di tản đang sắp sửa kết thúc. Washington kêu gọi các kiều dân Mỹ tránh xa "ngay lập tức" khu vực xung gần phi trường Kabul. Mặc dù có báo động, tình hình tại sân bay Kabul vẫn rất hỗn loạn. Trước cửa sân bay vẫn có hơn 5.000 người chờ đợi được vào bên trong sân bay để chạy khỏi Afghanistan.
Theo Bộ Quốc Phòng Mỹ, đã có 111.000 người được di tản trong 2 tuần qua. Nhiều nước, trong đó chủ yếu ở Châu Âu như Tây Ban Nha, Thụy Sĩ hay Pháp đến tối qua 27/08/2021 đã thông báo chấm dứt chiến dịch di tản, trong khi thời hạn cuối cùng quân Mỹ rút toàn bộ khỏi Afghanistan đi đang tới gần.
Anh Vũ
***********************
Anh Vũ, RFI, 27/08/2021
Sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 26/08/2021 trước cửa vào sân bay Kabul, quân đội Mỹ tham gia chiến dịch di tản người Afghanistan vẫn tiếp tục bị đe dọa, bởi những vụ tấn công khác của Tổ Chức Nhà nước Hồi giáo có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tổng thống Mỹ hứa truy quét Daesh. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây bắt đầu chấm dứt chiến dịch di tản từ Kabul.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo ngày 26/08/2021 tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, về vụ khủng bố ở Kabul, Afghanistan, khiến 13 lính Mỹ thiệt mạng. AP - Evan Vucci
Tướng Frank McKenzie, chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Afghanistan cho biết, sau 2 vụ đánh bom hôm qua, quân đội Mỹ được đặt trong tình trạng báo động có thể xảy ra các vụ tấn công khác của IS, không loại trừ tấn công bằng rốc-két vào sân bay hay dùng xe gài thuốc nổ. Tướng Mỹ cho biết Taliban có cộng tác chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ về các nguy cơ khủng bố.
Phát biểu trước báo giới chiều qua tại Nhà Trắng, tổng thống Joe Biden hứa tiếp tục truy lùng thủ phạm vụ tấn công, đồng thời ông ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng soạn thảo ngay các kế hoạch đáp trả.
Tổng thống Mỹ ra lệnh các công sở Hoa Kỳ treo cờ rũ đến ngày 30/08 để tưởng niệm các binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ khủng bố hôm qua.
Thông tín viên RFI tại Washington Loubna Anaki tường trình :
"Đúng là một bài phát biểu khó khăn đối với ông Joe Biden. Ông đã nhiều lần rưng rưng nước mắt. Nhất là khi ông gửi lời chia buồn đến gia đình các binh sĩ bị thiệt mạng. Ông đã nhắc tới việc mất mát người con trai của mình vì bệnh ung thư nhưng cũng là người lính đã phục vụ tại Iraq. Ông Biden nói : " Tôi hiểu điều các vị cảm nhận được. Nó giống như ta bị cuốn chìm vào trong một cái hố đen".
Tổng thống Biden cũng đưa ra một thông điệp cứng rắn đối với những kẻ nhận trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố hôm qua, chi nhánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan. " Chúng ta sẽ không quên, chúng ta sẽ không tha thứ", tổng thống Mỹ hứa và nhấn mạnh "chúng ta sẽ truy lùng và bắt những người đó phải trả giá"
Tổng thống cho biết cụ thể đã yêu cầu các chỉ huy quân sự lên các kế hoạch về khả năng trả đũa các lãnh đạo hoặc cơ sở của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan.
Trước diễn văn của tổng thống không lâu, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan bảo đảm rằng chiến dịch di tản tiếp tục như dự kiến. Ông khẳng định đang chuẩn bị các phương án đối phó với khả năng có các cuộc tấn công trong những ngày tới. Tướng McKenzie còn cho biết ông vẫn liên lạc thường xuyên với Taliban để họ tăng cường an ninh".
Ngay sau các vụ đánh bom tại Afghanistan, hôm qua, 26/08, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã triệu tập một cuộc họp các thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An để bàn về tình hình hỗn loạn ở Afghanistan, nhất là nguy cơ khủng bố và khủng hoảng nhân đạo tại nước này. Các quốc gia nhất loạt lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tại Kabul.
Anh Vũ
***********************
Thu Hằng, RFI, 27/08/2021
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đứng ra nhận trách nhiệm hai vụ tấn công tự sát và xả súng gần sân bay Kabul, Afghanistan, chiều tối 26/08/2021. Số nạn nhân loạt khủng bố tiếp tục tăng, với 85 người chết và hơn 160 người bị thương, theo thống kê tạm thời ngày 27/08. Đây cũng là loạt tấn công đẫm máu nhất vào quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan từ năm 2011, vì có đến 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Ảnh chụp màn hình thông cáo của nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan nhận là tác giả vụ khủng bố ở Kabul, Afghanistan, ngày 26/08/2021. © Copyright 2021 The Associated Press. All rights reserved.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), một chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo khẳng định một trong số chiến binh của lực lượng khủng bố này đã đến sát gần "quân nhân Mỹ khoảng 5 mét" trước khi kích hoạt đai thuốc nổ. Ngoài 13 quân nhân Mỹ tử vong còn có 18 người khác bị thương, theo thông báo của Lầu Năm Góc. Phía quân Taliban cũng có ít nhất 28 người thiệt mạng và 52 người bị thương.
Một cựu quan chức Afghanistan cho AFP biết "trong số các nạn nhân còn có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Đa số người dân choáng váng, hoảng sợ". Một số đoạn video trên mạng xã hội cho thấy nhiều thi thể nằm trong một kênh nước. Xe cấp cứu liên tục chở người bị thương đến các bệnh viện ở thủ đô, thậm chí, một số người bị thương được chở bằng xe cút-kít công trường.
Đặc phái viên RFI Vincent Souriau thuật lại tình hình ở Kabul :
"Tối hôm qua (26/08) sau hai vụ tấn công khủng bố, có thể cảm thấy áp lực rất lớn đang đè nặng, đặc biệt là đối với phe Taliban, vì trên nguyên tắc, Taliban là lực lượng duy trì an ninh ở Kabul, họ nắm giữ các trạm gác được cho là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố.
Họ rất căng thẳng và bị bồi thêm một vụ nổ khác trong đêm. Chúng tôi nghe thấy rõ tiếng nổ đó dù ở cách xa sân bay vài kilomét. Sau đó, người phát ngôn của Taliban đã nhanh chóng trấn an trên mạng xã hội rằng : "Không có gì phải lo sợ". Vẫn theo nhân vật này, vụ nổ mới là do quân đội Mỹ phá hủy một phần thiết bị trước khi rút đi.
Hoa Kỳ nói là có kế hoạch, được thiết kế để tiến hành lúc nguy kịch. Nhưng trên thực tế, có một điểm yếu lớn ngay từ đầu cuộc khủng hoảng này là phải hộ tống được hàng trăm người từ trung tâm thành phố đến sân bay. Cho đến nay, họ vẫn sử dụng xe buýt để chở. Nhưng những chiếc xe này rất dễ bị tấn công, vì khi dừng lại ở cửa vào sân bay, những xe này phải xếp hàng chờ kiểm tra an ninh, để quân nhân Mỹ rà dưới gầm từng xe. Việc này cần thời gian và chính trong lúc này, những kẻ thánh chiến tận dụng để tấn công.
Tôi chưa quay lại sân bay từ tối hôm qua (26/08), nhưng tôi cho rằng lực lượng Mỹ thắt chặt hơn biện pháp kiểm tra an ninh".
Từ ngày 15/08, khi Taliban chiếm được Kabul, các nước phương Tây đã di tản hơn 100.000 người khỏi Afghanistan. Hai nước Anh và Tây Ban Nha thông báo chấm dứt hoạt động sơ tán ngày 27/08.
Trước đó, Pháp cũng cho biết chấm dứt các chuyến bay đưa người di tản khỏi Afghanistan vào tối 27/08, nhưng không loại trừ khả năng kéo dài chiến dịch di tản đến sau thời điểm này, theo lời Quốc vụ khanh đặc trách các vấn đề Châu Âu Clément Beaune sáng nay. Đức cũng thông báo đã đưa hết quân nhân và nhân viên ngoại giao của nước này khỏi Afghanistan vào ngày 26/08. Còn Úc đã hồi hương những quân nhân cuối cùng chỉ một ngày trước khi xảy ra loạt tấn công khủng bố sân bay Kabul.
Thu Hằng
**********************
Thu Hằng, RFI, 27/08/2021
Những lời báo động của Mỹ và nhiều nước Châu Âu về nguy cơ khủng bố ở sân bay Kabul đã thành hiện thực. Tối 26/08/2021, tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan IS-K đã nhắm vào đám đông hàng nghìn người chờ được di tản để gieo rắc kinh hoàng. Lực lượng Taliban cũng lên án loạt tấn công này.
Quân Taliban canh gác bên ngoài sân bay Kabul, Afghanistan sau các vụ khủng bố ngày 26/08/2021. AP - Wali Sabawoon
Trả lời đài RFI, nhà nghiên cứu Pháp Adam Baczko, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI), trường Khoa học chính trị Sciences Po Paris, cho rằng có lẽ phương Tây và lực lượng Taliban sẽ hợp tác để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, đặc biệt sau khi Mỹ và phương Tây rút hết quân khỏi Afghanistan :
"Giữa các nước phương Tây và lực lượng Taliban có chung bận tâm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo từng dụ dỗ nhiều chiến binh của Taliban đào ngũ. Taliban rất lo lắng về sự xuất hiện của quân khủng bố ở Afghanistan, tương tự như các nước phương Tây.
Chúng ta từng thấy có nhiều lần hợp tác kỳ lạ trên thực tế giữa quân đội của chế độ trước đây, quân Taliban và lực lượng Hoa Kỳ để oanh kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Qua đó có thể thấy là trong trường hợp mà hai bên phần nào có chung lợi ích, thì không phải là không thể có những kiểu hợp tác giữa quân Taliban và lực lượng tình báo phương Tây.
Với thời gian, các nước phương Tây cần và họ có một số vũ khí để gây sức ép với Taliban, trong khi lực lượng này cũng cần đến sự trợ giúp của quốc tế và muốn được công nhận. Ngược lại, Taliban tuy có năng lực trên thực địa nhưng cũng ở thế yếu, yếu hơn là chúng ta hình dung khi họ lên nắm quyền. Tôi không đi vào chi tiết, nhưng họ sẽ phải gánh rất nhiều trách nhiệm, phải đáp ứng nhu cầu và trông đợi của người dân. Vì vậy, hiện họ đang ở thế yếu mà phương Tây có thể khai thác".
Thu Hằng