Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việc Bắc Kinh điều một giàn khoan khổng lồ đến Biển Đông đang gây quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu mới giữa Việt Nam và Trung Quốc tại một vùng biển được xem là rất giàu tài nguyên dầu khí.

gian1

Ảnh minh họa : Một giàn khoan dầu khí trên biểnJoe Raedle/Getty Images/AFP

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 25/09/2019, trích dẫn một bài viết trên trang mạng Trường An Kiếm (Chang An Jian) của Ủy Ban Chính Pháp Trung Ương Trung Quốc, cho biết là Bắc Kinh vừa đưa một giàn khoan dầu hỏa nước sâu xuống hoạt động tại Biển Đông. Theo tờ báo Hồng Kông, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 (Haiyang Shiyou 982) đã bắt đầu hoạt động từ hôm 21/09 tại một vùng biển sâu đến 3.000 m ở Biển Đông.

Hải Dương 982, cao bằng một tòa nhà 10 tầng, là giàn khoan lớn nhất và hiện đại nhất trong số các giàn khoan cùng loại tại Trung Quốc, có thể khoan ở độ sâu đến 9.000 m.

Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan mang tên Hải Dương Thạch Du 982 xuống Biển Đông khiến người ta nhớ lại vụ giàn khoan Hải Dương 981 mà Bắc Kinh đưa vào thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, làm dấy lên phản ứng dữ dội từ phía Hà Nội. Người dân Việt Nam vào lúc đó xuống đường biểu tình rầm rộ phản đối Trung Quốc, và đã xảy ra các vụ bạo động nhắm vào các công ty Trung Quốc ở Việt Nam.

Tờ International Business Times của Mỹ hôm qua nhận định là có hai yếu tố giải thích hành động lần này của Trung Quốc. Thứ nhất là Bắc Kinh muốn tranh giành nguồn dầu khí tại Biển Đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này. Thứ hai, là Bắc Kinh không bao giờ tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng như Việt Nam, thậm chí đã bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng không chấp nhận việc Việt Nam hợp tác với các nước khác trong các dự án thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Theo lời chuyên gia người Hàn Quốc Yun Sun, Giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện chính sách Stimson, Washington, việc đưa giàn khoan Hải Dương 982 đến Biển Đông rất có thể không chỉ là nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, mà còn nhằm phá hoại nỗ lực của Việt Nam cùng thăm dò và khai thác dầu khí với các nước khác.

Về phần Alan Chong, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, ông tin rằng Hà Nội sẽ kháng cự mạnh hơn nếu Trung Quốc khiến Việt Nam tức giận với việc triển khai giàn khoan mới.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng 9 vừa qua, bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã cảnh báo về những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng ở vùng Biển Đông đang tranh chấp. Tuy ông Phạm Bình Minh không nêu tên Trung Quốc, nhưng đây có thể được là lời cảnh cáo trực tiếp nhắm vào Bắc Kinh.

Theo nhận định của International Business Times, việc điều giàn khoan Hải Dương 982 đến Biển Đông cũng nhằm gởi một thông điệp đến Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đang củng cố sự kiểm soát của họ trên các vùng biển tranh chấp, xem đây là "mặt trận thứ hai" trong cuộc đối đầu với Mỹ. Giáo sư khoa học chính trị Herman Kraft, Đại học Philippines cho rằng Bắc Kinh cũng muốn gửi đến Manila thông điệp là họ sẵn sàng thăm dò dầu khí chung nếu Philippines bỏ qua một bên phán quyết 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực.

Theo một số chuyên gia, hành động của Trung Quốc cũng là nhằm gia tăng kiểm soát quần đảo Trường Sa, nơi mà họ có thể tiến hành một chiến dịch quân sự dưới vỏ bọc thăm dò dầu khí và điều này tạo cho họ một lợi thế chiến lược so với Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 02/10/2019

Published in Diễn đàn

Tổng thống Philippines cảnh báo về nguy cơ xung đột tại Biển Đông (RFA, 31/05/2019)

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines bày tỏ quan ngại được cho là hiếm với phía Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

xungdot1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai Châu Á lần thứ 25 ở Toyko, Nhật Bản hôm 31/5/2019 AFP

AFP loan tin ngày 31 tháng 5 dẫn phát biểu của ông Rodrigo Duterte tại một diễn đàn kinh tế ở Tokyo rằng bản thân ông yêu Trung Quốc ; thế nhưng liệu có đúng khi một nước tuyên bố chủ quyền trọn cả một đại dương.

Tổng thống Philippines thúc giục cần có tiến triển trong việc đi đến ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông- COC. Ông nói rõ bản thân lấy làm buồn và bối rối chứ không giận giữ vì không thể làm được gì ; ông chỉ hy vọng Trung Quốc sớm đi đến ký kết COC.

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines lập luận rằng càng để lâu thì nguy cơ vùng biển này trở thành điểm xung đột càng lớn thêm. Ông nhắc lại Pháp, Anh và Hoa Kỳ cũng có động thái đưa ra phép thử tại vùng biển đang có tranh chấp này.

Từ khi lên làm tổng thống Philippines, ông Duterte theo đuổi chính sách thân thiện với Trung Quốc, khác hẳn với người tiền nhiệm Benigno Aquino. Mục tiêu của ông Duterte nhằm thu hút đầu tư và tăng cường mậu dịch với Trung Quốc.

********************

Người Việt Nam bị quân du kích thân cộng sản ở Philippines tấn công (RFA, 31/05/2019)

Một xe chở người Việt Nam và một số khách du lịch nước ngoài vừa bị quân du kích thân cộng sản ở Philippines tấn công hôm 30/5 ở khu vực miền nam Philippines, tuy nhiên không có ai bị thương vong. Hãng tin BenarNews, một nhánh của Đài Á Châu Tự Do, loan tin này dựa theo các nguồn tin chính phủ và của lực lượng du kích.

xungdot2

Hình minh họa. Hình chụp hôm 30/7/2017 : quân du kích thuộc Quân Đội Nhân Dân Mới (NPA) ở vùng núi Sierra Madre, phía đông Manila AFP

BenarNews trích lời Trung tá Ronald Illana thuộc tiểu đoàn bộ binh thứ 8 cho biết, nhóm du kihcs quân thuộc lực lượng Quân đội Nhân dân Mới (NPA), một nhánh của Đảng Cộng sản Philippines, đã nổ mìn khi chiếc xe tải của quân đội chở 11 người đi xuống núi sau khi rời thị trấn Impasug-ong ở tỉnh Bukidnon.

Ông Illana cho biết đã có 8 lính chính phủ bị thương bao gồm cả người chỉ huy trong vụ tấn công, trong khi các tin tức địa phương cho biết có 3 quân du kích địa phương bị thương.

Giới chức Philippines không cung cấp chi tiết về tên những người nước ngoài trên xe. Tuy nhiên, hãng tin Philippines cho biết trong số này có người mang quốc tịch Việt Nam, Myanmar, Indonesia và Malaysia.

Đại tá Edgardo de Leon, chỉ huy Lữ đoàn 403 quân đội Phi cho biết những du khách này vừa đến thăm một ngôi làng để tìm hiểu về cộng đồng bản địa, và cách thức mà họ duy trì các truyền thống văn hóa của mình. Những người này đã qua đêm tại làng trước khi rời đi vào buổi sáng ngày 30/5 và bị tấn công. Vụ đọ súng sau đó diễn ra khoảng 40 phút.

NPA đã xác nhận vụ tấn công qua làn sóng đài phát thanh địa phương nhưng không đưa thêm chi tiết nào.

Xung đột giữa quân đội chính phủ Philippines và quân du kích thân cộng sản đã diễn ra từ những năm 1960 đến nay và được coi là cuộc nổi dậy kéo dài nhất ở khu vực Châu Á.

Published in Châu Á