Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hayabusa-2 : Tìm hiểu nguồn gốc hệ Mặt trời

Covid-19 đe dọa mùa lễ tết cuối năm, chính trường Mỹ chuẩn bị sang trang, nước Pháp trong vòng xoáy bạo lực là những chủ đề chung trên báo Pháp hôm nay. Le Monde dành một trang cho công cuộc chinh phục không gian, với phi vụ thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc và nhất là thành quả đặc sắc của phi thuyền Hayabusa-2 của Nhật Bản với chuyến du hành 5,3 tỷ km.

hayabusa1

Ngày 05/12/2020, phi thuyền Hayabusa-2 của Nhật đã bay về Trái đất, thả dù hộp đựng mẫu mảnh bụi đá xuống vùng sa mạc Woomera, Úc, và bay tiếp vào vũ trụ.  Morgan Sette AFP

Trong bối cảnh tổng thống thứ 46 của Mỹ sắp bước vào Nhà Trắng, Le Monde ghi tựa trên trang nhất : Cuộc "tấn công" của Châu Âu vào các tập đoàn công nghệ số GAFA như Google, Amazon, Facebook và Apple. Trang quốc tế của nhật báo độc lập tường thuật "thất bại của Donald Trump trong mặt trận pháp lý""chiến tranh du kích của nhóm luật sư thân cận biến thành trò đùa". La Croix giới thiệu "Thế hệ Kamala Harris" và "đội ngũ lãnh đạo đa dạng" của Joe Biden. Nhật báo công giáo tiên đoán chiếc bẫy mà tổng thống tương lai phải tránh đó là không liên kết với cánh tả của đảng Dân chủ. Trong bối cảnh đại dịch, Les Echos chú ý đến quyết định của Joe Biden bổ nhiệm chưởng lý California làm bộ trưởng Y tế và bác sĩ Anthony Fauci làm cố vấn về Covid-19.

"Covid-19, kế hoạch bỏ phong tỏa vào ngày 15/12 bị đe dọa" là tựa báo động của Le Figaro và cũng là nhận định chung của các đồng nghiệp. Tình hình dịch ở các nước khác còn nghiêm trọng hơn : "Khắp Châu Âu, ngày càng có nhiều yêu cầu siết chặt phong tỏa", tựa của Les Echos. Trong hồ sơ khí hậu, nhật báo kinh tế cho biết tổng thống Pháp "chọn lá chủ bài năng lượng hạt nhân".

Hayabusa-2 : Diều hâu và thiên thạch Rồng

Trang khoa học của Le Monde hôm nay tường thuật về hai phi vụ thám hiểm không gian, phi vụ gần do Trung Quốc thực hiện và phi vụ xa do Nhật Bản tiến hành. Trung Quốc đang trên đường trở thành nước thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga, đem mẫu đất đá trên Mặt trăng về địa cầu. Ngoạn mục hơn, phi thuyền Hayabusa-2 của Nhật Bản lấy được mẫu bụi đá từ một thiên thạch nằm cách Trái đất 300 triệu cây số đem về an toàn, và tiếp tục cuộc hành trình thêm 13 năm nữa.

Phi thuyền Hằng Nga 5 của Trung Quốc đang trở về Trái đất với mẫu đất đá mặt trăng. Nếu vào được bầu khí quyển an toàn, phi vụ thành công, mục tiêu sắp đến của Trung Quốc sẽ là cực nam của Mặt trăng vào năm 2023, nơi có nước.

Trong khi đó, phi thuyền Hayabusa-2 của Nhật, khởi hành từ ngày 03/12/2014, đã quay trở lại Trái đất sau chuyến du hành dài 5,3 tỷ cây số, để thám hiểm một thiên thạch được đặt tên là Ryugu (Rồng) đường kính 900 mét, ở cách Trái đất 300 triệu cây số. Ngày 05/12/2020, "diều hâu" đã bay về Trái đất, thả dù hộp đựng mẫu mảnh bụi đá xuống vùng sa mạc Woomera, nước Úc, và bay tiếp vào vũ trụ.

Tìm hiểu lịch sử Thái Dương Hệ

Theo cơ quan không gian Nhật Bản JAXA, mẫu đá bụi (100 mg) sẽ được xử lý tại Úc, không để cho không khí trái đất, oxy và nước, tác động, trước khi chuyển về trung tâm nghiên cứu không gian Nhật vào trung tuần tháng 12.

Le Monde tìm hiểu chi tiết phi vụ tinh vi này : Lấy mẫu đất đá cũng là một kỹ thuật tinh xảo. Phi thuyền "diều hâu" (bằng tủ lạnh nhỏ), trang bị hai viên đạn, tiến gần thiên thạch, không đáp xuống, mà chỉ dùng một ống hút để hút bụi đá do viên đạn thứ nhất bắn ra với vận tốc 300 mét/giây. Động tác này diễn ra trong chớp mắt, chỉ có một giây đồng hồ. Hai mẫu đất đá được gom vào một hộp đặc biệt cách nhiệt và quang xạ.

Tại địa cầu, Nhật sẽ chi cho NASA của Mỹ 0,5%. Đổi lại, Mỹ sẽ cho Nhật 0,5% mẫu đất đá trên thiên thạch Bénou khi phi thuyền Osiris-Rex trở về vào năm 2023.

Chi tiết đặc sắc khác là 70% mẫu bụi đá của thiên thạch Gyuru sẽ được cất giữ cho thế hệ khoa học gia tương lai, khi nhân loại có dụng cụ đo lường, phân tích tinh vi hơn hiện tại. Phần còn lại sẽ được các khoa học gia hiện nay quan sát, phân tích tỉ mỉ trong khả năng có thể, để tìm hiểu lịch sử hình thành và tuổi "di tích" của hệ Mặt trời. Thiên thạch được xem là "ký ức" của khối hỗn mang pha lẫn khí và bụi cách nay 4,5 tỷ năm, lúc các hành tinh mới hình thành. Nhưng các hành tinh, trong quá trình hình thành, đã bị nhiệt độ cao làm mất đi nguồn gốc hóa học.

Trái đất cũng nhận được thiên thạch rơi xuống hàng ngày, nhưng các thiên thạch này khi xuyên qua khí quyển cũng bị biến đổi, không còn "nguyên gốc" như các thiên thạch ở tận cùng Thái Dương Hệ.

"Diều hâu-2" vừa là phi thuyền, vừa là một phi vụ. Phi vụ đã hoàn tất nhưng phi thuyền vẫn còn. Không có lý do gì để một bảo vật tan biến trong không gian. Sau khi thả dù bụi đá thu được ở Ryugu, Hayabusa-2 với nhiên liệu còn đầy sau chuyến du hành 5,3 tỷ km, tiếp tục bay trong 10 năm nữa : trước hết là quay nhiều vòng quanh Mặt trời để lấy đà và đều chỉnh quỹ đạo tiến về thiên thạch 1998KY26.

Theo chương trình, phi thuyền sẽ bay gần thiên thạch 2001CC21 và sau đó là Trái đất vào năm 2027 và 2028. Cuối cùng, vào năm 2031, diều hâu sẽ đến thiên thạch 1998KY26. Thiên thạch này rất nhỏ, quay chung quanh trục với vận tốc thật nhanh, nhanh đến mức cứ 10 phút là thấy mặt trời mọc một lần. Thế mà nó vẫn tồn tại là vì sao ? Tại sao lực ly tâm không làm nó tan biến ? Patrick Michel, chuyên gia thiên văn học Pháp có ý kiến tuyệt hay : Diều hâu còn một viên đạn chưa dùng, chỉ cần bắn một phát vào thiên thạch xem phản ứng ra sao ? Đó là một khối đồng nhất hay hỗn hợp đất đá ?

Covid-19 đe dọa Giáng Sinh 2020

Một trong những hiểm nguy đe dọa thế giới nói chung và nước Pháp nói riêng là dịch Covid-19. Mùa lễ cuối năm chắc chắn sẽ không vui, Libération bi quan.

Nhật báo thiên tả tô màu xám : Liệu có ăn Tết năm nay không ? Chính phủ Pháp chắc khó thi hành lời hứa nới nhẹ phong tỏa vào ngày 15/12.

Tại Ý, vào dịp lễ cuối năm, Giáng sinh và Giao thừa, ai ra khỏi làng sẽ bị phạt từ 400 euro đến 3.000 euro. Tại Đức, chính sách ngăn dịch dựa trên tinh thần trách nhiệm công dân và phong tỏa tương đối không mang lại kết quả mong muốn. Les Echos đồng điệu : Thủ tướng Đức sẽ triệu tập lãnh đạo các bang để hội ý. Định mức 50 người bị lây nhiễm mỗi ngày trên 100.000 dân không thực hiện được. Trong vòng một tuần, tỷ lệ này tăng gấp ba.

Le Figaro đưa một số lời khuyên để hạn chế rủi ro theo kinh nghiệm của các nước khác, nhưng không có biện pháp nào toàn vẹn : Tại Mỹ, người dân được khuyên không gặp bất kỳ ai trong hai tuần trước khi họp mặt gia đình.

La Croix cũng bi quan : Dịch bệnh không lùi lại nữa. Với các ca lây nhiễm mới còn quá nhiều, hơn 11.000 mỗi ngày, chỉ tiêu 5.000 của chính cơ quan y tế Pháp không thể đạt được vào tuần tới.

Vòng xoáy bạo lực

Hồ sơ nóng thứ hai đang gây âu lo cho cả chính phủ và dân chúng Pháp là tình trạng bạo lực cảnh sát và biểu tình bạo động chống bạo lực. Báo chí mọi xu hướng tìm căn nguyên nguồn cội và đồng lên án cả hai hình thức bạo lực này.

Le Figaro cho rằng lực lượng an ninh bất lực trước bạo lực của phe biểu tình. Những tay đập phá cướp của chuyên nghiệp ra tay rất nhanh, tấn công cửa hiệu xong là vất quần áo màu đen, bên trong là y phục "bảnh bao" của người thanh lịch, lẫn vào đám đông, qua mặt cảnh sát một cách dễ dàng.

Thế nhưng, chính phủ Pháp cũng có lỗi, thiếu quyết tâm chính trị : Quá dè dặt đối với những kẻ thách thức nhân viên công lực hơn là đối với công dân lương thiện.

Bầu cử Quốc hội Venezuela : Ai chiến thắng ?

Le Monde gửi đến độc giả một bài phân tích tinh tế. Đối lập kêu gọi tẩy chay, tỷ lệ vắng mặt 70%, tổng thống Maduro thay đổi địa điểm bỏ phiếu vào giờ chót, chạy vào một căn cứ quân đội để gọi là làm bổn phận công dân. Vào ngày bầu cứ, truyền hình nhà nước cố che đậy, nhưng không giấu được chuyện cử tri tham gia thưa thớt. Một nhà ngoại giao nhận định : Tương lai tổng thống Venezuela tùy thuộc vào quân đội hơn là vào cử tri.

Tú Anh

Published in Châu Á