Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc điều tra do các liên đoàn lao động Mỹ thúc đẩy nhắm vào các nhà máy đóng tàu Trung Quốc có khả năng sẽ dẫn đến trả đũa.

ship1

Một xưởng đóng tàu ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong nỗ lực kiềm chế sự thống trị về sản xuất của Trung Quốc, Mỹ đang kêu gọi các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư vào ngành đóng tàu đang bị bao vây của Mỹ.

Tháng trước, Mỹ đã bắt đầu điều tra ngành công nghiệp đóng tàu do Trung Quốc thống trị, một động thái gây thêm áp lực cho Trung Quốc khi cuộc thương chiến giữa hai nước vượt ra ngoài công nghệ và lan sang lĩnh vực chế tạo.

Sau khi 5 liên đoàn lao động nộp đơn kiến nghị, vào ngày 17/4, Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), đã công bố cái gọi là cuộc điều tra 301 nhắm vào các hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực thiết bị hàng hải, hậu cần, và đóng tàu. Một phiên điều trần công khai sẽ được tổ chức vào ngày 29/5 sắp tới. Đây là cuộc điều tra theo ngành đầu tiên của chính quyền Biden trên cơ sở Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974 – một công cụ cho phép chính phủ Mỹ thực thi các hiệp định thương mại và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia vi phạm các quy tắc của thương mại quốc tế.

Phát biểu từ trụ sở Liên đoàn Công nhân Thép ở Pittsburgh vào ngày công bố điều tra, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Đại diện Tai xem xét tăng gấp ba thuế quan đối với thép và nhôm Trung Quốc cho đến khi hoàn thành đợt đánh giá kéo dài bốn năm. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành đóng tàu đối với an ninh quốc gia, và rằng chính quyền của ông đang nghiêm túc xem xét kiến nghị của các liên đoàn lao động, liên quan đến việc liệu chính phủ Trung Quốc có đang sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh để giúp các công ty đóng tàu của nước này hạ giá tàu hay không.

"Chúng tôi đã nghe thấy các bạn", Biden nói. "Và nếu chính phủ Trung Quốc thực sự đang sử dụng các chiến thuật không công bằng nhằm làm suy yếu cạnh tranh thương mại tự do và công bằng trong ngành vận tải biển, tôi sẽ hành động".

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng nước này "kiên quyết phản đối" cuộc điều tra của Mỹ, xem nó là một "sai lầm chồng chất". "Bản kiến nghị đã diễn giải sai các hoạt động thương mại và đầu tư thông thường thành hoạt động gây tổn hại đến an ninh quốc gia và lợi ích doanh nghiệp của Mỹ, đồng thời đổ lỗi cho Trung Quốc về các vấn đề công nghiệp của Mỹ. Nó thiếu cơ sở thực tế và đi ngược lại kinh tế học thông thường".

ship2

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Cảng Baltimore vào ngày 10/11/2021. Các liên đoàn lao động thường có ảnh hưởng lớn lên chính trị Mỹ trong những năm bầu cử.

Mỹ đã bắt đầu có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong năm 2024, khi bối cảnh tranh chấp kinh tế và thương mại ngày càng căng thẳng với hàng loạt cáo buộc, điều tra, và trừng phạt. Cuộc đàn áp mới nhất nhắm vào TikTok, nền tảng mạng xã hội và chia sẻ video thuộc sở hữu của Trung Quốc. Một đạo luật vừa được Biden ký duyệt đã yêu cầu công ty mẹ ByteDance bán TikTok trong vòng 270 ngày. Nếu không, Mỹ sẽ cấm ứng dụng này.

Áp lực ngày càng đè nặng lên Trung Quốc không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật số mà còn lan sang cả lĩnh vực chế tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến các công nghệ then chốt như chất bán dẫn và xe điện. Vào ngày 21/02, Nhà Trắng đã tăng cường tập trung vào an ninh hàng hải, với việc Biden trao cho Bộ An ninh Nội địa quyền chống lại các mối đe dọa mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Công việc này bao gồm các chỉ thị nhắm vào các cần cẩu cảng do Trung Quốc sản xuất, vốn chiếm gần 80% lượng cần cẩu hoạt động tại các cảng của Mỹ và bị cáo buộc gây ra rủi ro an ninh mạng đáng kể.

Giữa bối cảnh căng thẳng này, Tập đoàn Công nghiệp Nặng Chấn Hoa Thượng Hải, một công ty nhà nước Trung Quốc và là nhà sản xuất cần cẩu cảng hàng đầu thế giới, đang thấy mình đứng giữa tâm bão địa chính trị. Một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ cáo buộc một số cần cẩu do Trung Quốc sản xuất tại các cảng của Mỹ có chứa modem di động không có giấy tờ, một cáo buộc bị Chấn Hoa Thượng Hải phủ nhận.

Tác động ngắn hạn tối thiểu

Một quản lý cấp cao trong ngành đóng tàu nói với Caixin rằng cuộc điều tra các công ty đóng tàu Trung Quốc dự kiến sẽ không tác động đến ngành này trong ngắn hạn, vì các công ty đã lên kế hoạch sản xuất trong vòng 3 đến 4 năm tới. Tuy nhiên, ông nói, những tác động lâu dài của căng thẳng địa chính trị có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, và đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc.

ship3

Trung Quốc thống trị thị trường tàu chở hàng. Lượng đơn hàng mới mà các nhà đóng tàu Trung Quốc nhận được tính đến tháng 4/2024. Nguồn : Clarksons Research.

Yang Jianrong, cố vấn cấp cao của chính phủ Thượng Hải, nhấn mạnh với Caixin về mức độ phức tạp ngày càng leo thang của các tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, chỉ ra sự chuyển hướng từ các vấn đề cục bộ sang các chiến thuật hành chính rộng hơn, quyết liệt hơn. Trong năm bầu cử Mỹ hiện tại, ông dự đoán thách thức sẽ tiếp tục gia tăng ở cả cấp độ pháp lý và thực tế, đồng thời khuyên Trung Quốc và các công ty Trung Quốc tăng cường đối thoại, đổi mới, và mở rộng trên toàn cầu.

Trong năm bầu cử, sức ảnh hưởng của các công đoàn lao động thường tăng cao, Susan Schwab, cựu Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với Caixin. Bà cũng chỉ ra bản chất bất thường của cuộc điều tra 301 mới, được tiến hành nhiều thập kỷ sau khi ngành đóng tàu thương mại của Mỹ mất khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Các liên đoàn lao động đệ trình kiến nghị điều tra bao gồm Liên đoàn Công nhân Thép Mỹ ; Hiệp hội Công nhân Cơ khí và Hàng không Vũ trụ Quốc tế ; Hội Huynh đệ Quốc tế Thợ nồi hơi, Thợ đóng tàu, Thợ rèn và Người hỗ trợ ; Hội Huynh đệ Quốc tế Thợ điện ; và Cục Thương mại Hàng hải, AFL–CIO (MTD).

Hiệp hội Các nhà sản xuất Hàng hải Quốc gia, đại diện cho các nhà đóng tàu Mỹ, đã không tham gia vào kiến nghị điều tra. Zhao Yifei, giáo sư và người đứng đầu nhóm nghiên cứu ngành vận tải biển tại Đại học Giao thông Thượng Hải nhận xét, sự vắng mặt của hiệp hội thương mại này phản ánh sự suy giảm kéo dài hàng chục năm qua của ngành đóng tàu Mỹ và số lượng thành viên ít ỏi của nó.

Mỹ đã mất sức mạnh đóng tàu như thế nào ?

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã dần trở thành nước đóng tàu lớn nhất thế giới. Theo Clarksons Research, một công ty dữ liệu hàng hải, vào năm 2023, Trung Quốc chiếm một nửa sản lượng đóng tàu toàn cầu, tiếp theo là Hàn Quốc ở mức 26% và Nhật Bản ở mức 14%.

ship4

Ngành đóng tàu Trung Quốc bùng nổ nhiều thập kỷ sau sự suy thoái của ngành đóng tàu Mỹ. Lượng tàu giao hàng năm. Nguồn : Clarksons Research.

Mỹ chiếm chưa đến 0,1% sản lượng đóng tàu thế giới. Zhao cho biết, các công ty đóng tàu của Trung Quốc và Mỹ chưa bao giờ cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Theo ông, sự suy thoái của ngành đóng tàu Mỹ bắt đầu từ trước những năm 1990, không phụ thuộc vào sự trỗi dậy của các nhà máy đóng tàu Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc, trong năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn một nửa số tàu biển mới sang Châu Á, tiếp theo là Châu Âu với tỷ lệ 9,1%, và Châu Mỹ Latinh với tỷ lệ 8,9%. Xuất khẩu sang Mỹ chỉ tương đương khoảng 5% sản lượng.

Mỹ là cường quốc đóng tàu trong giai đoạn hai cuộc thế chiến. Sự suy giảm của ngành đóng tàu Mỹ trên thị trường toàn cầu một phần là do các biện pháp bảo vệ đã có từ lâu, chẳng hạn như Đạo luật Jones, được thông qua năm 1920. Luật này yêu cầu các tàu tham gia vận tải hàng hóa nội địa phải được đóng tại Mỹ, thuộc sở hữu của công ty Mỹ, và có thuỷ thủ đoàn là công dân Mỹ – tất cả dẫn đến chi phí cao hơn và giảm động lực cạnh tranh toàn cầu.

Đến những năm 1980, với việc loại bỏ trợ cấp dưới thời chính quyền Reagan, năng lực đóng tàu của Mỹ đã giảm mạnh, dẫn đến việc nhiều nhà máy đóng tàu phải đóng cửa và thị phần toàn cầu bị giảm sút. Theo Viện Hải quân Mỹ, nước này thậm chí đang thiếu năng lực đóng tàu để bảo trì hoặc sửa chữa chính đội tàu Hải quân của mình.

ship5

Tàu mới được đóng ở đâu ? Thị phần đóng tàu toàn cầu tính đến cuối năm 2023. Nguồn : Clarksons Research

Trong một cuộc họp báo ngày 19/04, Lâm Kiếm, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố rằng nhiều nghiên cứu khác nhau của Mỹ cho thấy các công ty đóng tàu của nước này đã mất lợi thế cạnh tranh từ nhiều năm trước do bảo hộ quá mức, trong khi sự tăng trưởng của ngành công nghiệp Trung Quốc là nhờ đổi mới công nghệ và tham gia cạnh tranh trên thị trường, cũng như hệ thống sản xuất phát triển hoàn chỉnh và thị trường nội địa rộng lớn. "Đổ lỗi cho Trung Quốc về những tai ương công nghiệp của Mỹ là thiếu cơ sở thực tế và thường thức kinh tế", ông nói.

Kiến nghị của các liên đoàn lao động Mỹ kêu gọi thu phí cảng đối với các tàu do Trung Quốc đến cập cảng Mỹ và thành lập một quỹ phục hồi ngành đóng tàu để hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước.

Trong số hơn 10.000 tàu chở hàng do Trung Quốc sản xuất được nhà cung cấp dữ liệu hàng hải Lloyd’s List Intelligence theo dõi, chỉ có 9% cập cảng Mỹ tính đến ngày 18/03 năm nay.

Một số công ty nói với Caixin rằng ngay cả khi Mỹ áp đặt thuế trừng phạt đối với các công ty đóng tàu Trung Quốc, tác động dự kiến sẽ hạn chế.

Theo Zhao, nếu phí cập cảng được áp dụng đối với các tàu do Trung Quốc đóng, kế hoạch của các chủ tàu có thể bị ảnh hưởng. Trong khi đó, chi phí gia tăng sẽ chủ yếu do các chủ tàu quốc tế gánh chịu, những người sẽ phản đối mức phí, hoặc dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn cho các doanh nghiệp Mỹ, ông nói.

Thông lệ phổ biến giữa các chủ hàng quốc tế về việc đăng ký tàu của mình tại các thiên đường thuế, thay vì ở quốc gia của chủ tàu, cùng với xu hướng thuê tàu thay vì sở hữu chúng hoàn toàn, đã làm phức tạp đáng kể nhiệm vụ của Mỹ trong việc xác định quốc gia đóng tàu và chủ tàu. Sự phức tạp này khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc thu phí cập cảng một cách hiệu quả.

Các chuyên gia ngành hàng hải đã bày tỏ lo ngại về phí cập cảng Mỹ được đề xuất cho các tàu do Trung Quốc sản xuất. Dù điều tra 301 thường dẫn đến việc đánh thuế, nhưng luật hiện hành tại Mỹ không nêu rõ việc áp dụng các khoản phí như vậy, khiến yêu cầu của các liên đoàn lao động trở nên gây tranh cãi về mặt pháp lý, theo Zhang Chen, luật sư cấp cao tại Công ty Luật Doanh Khoa Bắc Kinh.

Ngoài ra, khoản thuế còn có thể làm trầm trọng thêm lạm phát – một kịch bản mà Biden có lẽ muốn tránh do những tác động chính trị và kinh tế của nó, Zhang nói.

Để đối phó với các khoản thuế mới tiềm năng, Bộ Thương mại Trung Quốc đã chủ động hợp tác với các nhà máy đóng tàu lớn trong nước để đánh giá tác động và biện pháp đối phó, bao gồm cả việc thành lập một nhóm pháp lý chuyên môn. Zhao gợi ý rằng Trung Quốc nên tăng cường đối thoại với các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ như Walmart để giảm thiểu khả năng chi phí vận tải đường biển tăng đột biến.

Cựu Đại diện Schwab cho rằng nếu cuộc điều tra dẫn đến việc USTR áp dụng phí đối với các tàu do Trung Quốc sản xuất cập cảng Mỹ, Trung Quốc có thể phản đối các biện pháp này là phân biệt đối xử, và có khả năng sẽ đưa vấn đề này ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Luật sư Zhang cho biết, nếu Trung Quốc kháng cáo, rất có thể WTO sẽ nhận ra rằng cuộc điều tra 301 vi phạm các quy định của WTO. Nhưng trên thực tế, WTO không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế để can thiệp vào các biện pháp thuế quan của Mỹ.

Ai sẽ được hưởng lợi ?

Trong nỗ lực kiềm chế sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo, Mỹ đang lôi kéo các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản và Hàn Quốc, kêu gọi họ đầu tư vào ngành đóng tàu đang bị bao vây của Mỹ.

Vào tháng 2, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro đã gặp gỡ các giám đốc các công ty đóng tàu hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thu hút đầu tư của họ vào các cơ sở đóng tàu thương mại và hải quân ở Mỹ. Trong chuyến thăm Đông Á, Del Toro đã đến nhà máy đóng tàu Yokohama của Tập đoàn Công nghiệp Nặng Mitsubishi của Nhật Bản và các nhà máy đóng tàu của Hanwha Ocean và HD Hyundai của Hàn Quốc.

Theo Thời báo Kinh tế Hàn Quốc, hội đồng quản trị của Hanwha Ocean đã chấp thuận thành lập một công ty cổ phần ở Mỹ để mua cổ phần của các nhà máy đóng tàu và các công ty dịch vụ bảo trì ở nước ngoài.

Tuy nhiên, việc phục hồi ngành đóng tàu của Mỹ sẽ đòi hỏi phải thu hẹp khoảng cách công nghệ với các đối thủ Châu Á, và khắc phục tình trạng thiếu chuyên môn trong nước, Zhao nói.

Vincent Valentine, nhà kinh tế vận tải tại Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc, cho biết các công ty đóng tàu Nhật Bản và Hàn Quốc có lẽ sẽ hưởng lợi từ các biện pháp trừng phạt nhắm vào các tàu do Trung Quốc đóng, nhưng khả năng họ mang lại nguồn vốn và công nghệ cần thiết cho một quốc gia thiếu lao động và thiếu đơn đặt hàng là rất thấp.

Li Rongqian, Du Zhihang & Denise Jia

Nguyên tác : "U.S. takes aim at China shipbuilding, an industry it lost decades ago", Caixin/Nikkei Asia, 11/05/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/05/2024

Published in Diễn đàn

Tham vọng của ngành đóng tầu Trung Quốc khiến quốc tế lo ngại

Trong bài viết "Tại Trung Quốc, các tập đoàn đóng tầu chạy hết công suất", nhật báo kinh tế Les Echos nói về tham vọng quân sự hàng hải của Bắc Kinh, đằng sau hai tập toàn lớn là CSSC và CSIC, để đạt tầm thế giới.

thamvong1

Tầu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 11/12/2016 ở biển Bột Hải (Bohai). Reuters/Stringer

Hải quân Trung Quốc có tham vọng trở thành một trụ cột mới của quốc gia, thông qua cuộc tập trận rầm rộ hồi tháng 04/2018 mà chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện với tư cách tổng tư lệnh tối cao. Cuối tuần qua, một lần nữa, Hải quân Trung Quốc khẳng định tham vọng này khi diễn tập chung với Malaysia và Thái Lan tại eo biển Malacca.

Và đằng sau tham vọng này, theo Les Echos, là cả một ngành công nghiệp được huy động, đặc biệt là hai tập đoàn đóng tầu của Nhà nước : CSSC (China State Shipbuilding Corporation, miền nam Trung Quốc ) - chuyên về hoạt động dân sự và CSIC(China Shipbuilding Industry Corporation, đông bắc Trung Quốc) - chủ yếu thiên về hàng hải quốc phòng. Chủ ý của Bắc Kinh là để cả hai tập đoàn hoạt động song song nhằm thúc đẩy cạnh tranh giữa hai bên và như vậy, sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Năm 2017, tổng doanh thu của cả hai tập đoàn tương đương 65 tỉ euro, trong đó 18,7 tỉ thuộc lĩnh vực đóng tầu dân sự và quân sự. Chỉ trong vòng 15 năm, vị thế của các xưởng đóng tầu của Trung Quốc đã tăng một cách kinh ngạc, hiện đang ngấp nghé vị trí hàng đầu thế giới của các tập đoàn Hàn Quốc (Daewoo, Samsung và Hyundai).

CSSC hiện trở thành xưởng đóng tầu dân sự lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Hyundai. Có vẻ như nhiều nhà quan sát đã lầm khi cho rằng "Trung Quốc phải mất nhiều năm để có thể đóng được các loại tầu phức tạp", theo ông Philippe Louis-Dreyfus, chủ tịch hội đồng giám sát tập đoàn Louis-Dreyfus Armateurs. Hợp đồng giữa Carnival và CSSC năm 2017 là một bằng chứng với 2 tầu du hành lớn (croisière), cùng với 7 tầu chở chất đốt lỏng dung lượng 170.000 m3 cho công ty MOL của Nhật Bản.

Dĩ nhiên, trong lĩnh vực hàng hải quốc phòng, Nhà nước Trung Quốc vẫn là khách hàng chính nhằm phục vụ tham vọng gia tăng sức mạnh quân sự trong khu vực và trên trường quốc tế. Hai tập đoàn đóng tầu Trung Quốc cũng nhận được nhiều hợp đồng về trang thiết bị hàng hải đòi hỏi trình độ cao hơn, như hợp đồng cung cấp 3 tầu ngầm với Thái Lan và 4 tầu tuần tra cho Malaysia đều được ký vào năm 2017. Cũng nhờ được Nhà Nước ủng hộ mạnh mẽ, các tập đoàn này còn đưa ra những lời chào hàng hấp dẫn trên khắp thế giới, từ Brazil, Achentina đến Pakistan hay thậm chí cả Ba Lan.

Các nhà đóng tầu Châu Âu bắt đầu cảm thấy sức ép của Trung Quốc. Chỉ cách đây ít lâu, họ còn là bá chủ ngành xuất khẩu tầu chiến, giờ thời thế đã thay đổi. Một nhà công nghiệp cho rằng "trình độ của các nhà đóng tầu Trung Quốc được nâng cấp sẽ giúp họ cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn Châu Âu trong tương lai gần".

Đe dọa này sẽ thành hiện thực khi chính phủ Trung Quốc đang có ý định hợp nhất hai tập đoàn CSIC và CSSC nhằm chiếm lĩnh vị trí số 1 thế giới. Nếu dự án thành hiện thực, tập đoàn hợp nhất của Trung Quốc sẽ đạt gấp hai lần doanh thu của cả ba tập đoàn Hàn Quốc Hyundai Heavy Industries, Daewoo Shipbuilding và Samsung Heavy Industries.

Hoạt động độc lập để bớt phụ thuộc vào nước ngoài

Như vậy, tham vọng của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu. Trả lời Les Echos, nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel, trợ lý giám đốc chương trình Châu Á, Viện European Council on Foreign Relations, đánh giá : "Chưa bao giờ Trung Quốc lại gần sát đến một ngành công nghiệp độc lập như vậy".

Sau cuộc khủng hoảng vịnh Đài Loan 1995-1996, Trung Quốc đầu tư đáng kể vào ngành công nghiệp vũ khí để giảm dần phụ thuộc vào các hệ thống của Nga. Trung Quốc hiện chỉ phụ thuộc vào nước ngoài để nuôi dưỡng chiến lược canh tân của họ, thông qua chuyển giao công nghệ. Để quân đội Trung Quốc đạt được "tầm cỡ thế giới" vào năm 2050, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ : "công nghệ là khả năng chiến đấu trung tâm".

Bắc Kinh hiện hài lòng về những gì họ tự sản xuất được : tầu hộ tống, tầu khu trục… Giờ họ nhắm đến đến việc sản xuất tầu sân bay trực thăng và những thế hệ tầu ngầm hạt nhân mới. Không chỉ dừng trong khu vực, Trung Quốc muốn bảo vệ lợi ích ở nước ngoài và chinh phục các thị trường mới.

Bắc Triều Tiên kêu cứu vì bệnh lao

Bệnh lao đang hoành hành tại Bắc Triều Tiên. Đây là chủ đề chính của một bộ phim tài liệu mà đạo diễn người Mỹ gốc Hàn Hein Sara Seok được phép ghi hình tại quốc gia khép kín nhất thế giới. Qua đó, Bình Nhưỡng thừa nhận cần trợ giúp nhân đạo khẩn cấp và hy vọng Liên Hiệp Quốc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.

Theo tường thuật của nhật báo công giáo La Croix, bộ phim được mở đầu với hình ảnh của một người đàn ông gần như không còn đủ sức để thở, nhọc nhằn lê từng bước và được cô con gái, cũng mắc bệnh lao, vác trên vai để đưa đến một trung tâm điều trị bệnh lao của hội Eugene-Bell. Hội từ thiện của Mỹ có 13 trung tâm điều trị tại Bắc Triều Tiên và chăm sóc khoảng 1.500 bệnh nhân mắc bệnh lao với chi phí điều trị là 5.000 euro cho mỗi đợt điều trị kéo dài 18 tháng. Tuy nhiên, số bệnh nhân được hội Eugene-Bell điều trị chỉ chiếm 20% tổng số bệnh nhân tại Bắc Triều Tiên (7.500 người) và những người không được điều trị chỉ nằm chờ chết.

Khi cho phép quay những cảnh này, dường như Bắc Triều Tiên đang thay đổi chiến lược, chủ ý cho thế giới biết tình hình nhân đạo khó khăn, và trở nên nghiêm trọng hơn do những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc năm 2016.

Từ vài tháng qua, tình hình nhân đạo khẩn cấp được nhiều tổ chức phi chính phủ Mỹ đánh động vì họ không được quyền đến Bắc Triều Tiên từ năm 2016. 40% người dân thiếu ăn và 25% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Bản thân nhiều tổ chức của Liên Hiệp Quốc (PAM, Unicef) cũng gặp khó khăn trong việc quyên góp dù vấn đề nhân đạo không nằm trong danh sách trừng phạt đơn phương, hoặc của Liên Hiệp Quốc.

Brexit : Đàm phán đi vào ngõ cụt

Chỉ chưa đầy sáu tháng là đến ngày Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, vậy mà, cả hai bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận chung hậu Brexit sau thượng đỉnh đầy trắc trở ngày 17/10/2018.

Đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) với Cộng Hòa Ireland hoặc một liên minh hải quan tạm thời vẫn là trở ngại chính. Do không muốn mất liên minh của đảng DUP, một đảng nhỏ Bắc Ireland, thủ tướng Anh Theresa May từ chối lập "lưới an ninh" tạm thời do phía Liên Hiệp Châu đề xuất.

Nhật báo Le Monde đăng bài phóng sự "Tại Bắc Ireland, bài toán nan giải của Brexit", đề cập đến những băn khoăn của người dân Anh Quốc sống dọc đường biên và nỗi lo tình trạng bất ổn trở lại. Họ có lý vì theo Le Monde, "chỉ còn chưa đầy sáu tháng, lo ngại về các cuộc đàm phán gặp thất bại vẫn rất rõ nét". Le Figaro đưa tin "Brexit : một thượng đỉnh bị "no deal" (không có thỏa thuận) ám ảnh". Les Echos cùng chung nhận định : "Tại Bruxelles, các nước Châu Âu trước ngõ cụt Brexit".

Vẫn theo Les Echos, Đức chuẩn bị tinh thần cho vụ ly dị với Anh không đạt được thỏa thuận. Liên hiệp các doanh nghiệp ngành thương mại Đức cho biết kịch bản này sẽ tiêu tốn vài tỉ euro cho các doanh nghiệp nước này.

Tổng thống Pháp Macron thừa nhận "vụng về"

Hai tuần chờ đợi để có được chính phủ mới, với 8 tân bộ trưởng, tổng thống Emmanuel Macron đã trấn an công luận Pháp trong bài phát biểu tại điện Elysée và được truyền hình tối 16/10/2018.

Một số nhật báo đã trở lại chủ đề này, ví dụ theo Le Monde, tổng thống Macron thừa nhận một số vụng về. Xã luận của Le Figaro khẳng định vở kịch dài về cải tổ nội các cho thấy "sự trục trặc" bên trong. Trong bài phát biểu, tổng thống Macron vừa muốn trấn an, nhưng lại thể hiện băn khoăn, lo lắng. Ông cũng khẳng định đã lắng nghe những lời chỉ trích, nhưng bài xã luận của Le Figaro đặt câu hỏi là ông Macron nghe ai ? Nguyên thủ Pháp phải nhanh chóng tìm được cách để kết nối với người dân và ông chỉ còn một giải pháp duy nhất : đó là hành động.

Nạn ấu dâm : Khi nào Giáo hội Pháp mới ăn năn ?

Nhiều nhân vật nổi tiếng người Pháp và người Công giáo đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra nghị viện về tình trạng ấu dâm trong Giáo hội Pháp. Tuy nhiên, lời kêu gọi đã bị các thượng nghị sĩ của Ủy ban Luật pháp bác bỏ. Đây là chủ đề trên trang nhất và mục "Sự kiện" của nhật báo Libération.

Theo xã luận của Libération, Pháp đã bỏ lỡ cơ hội để thể hiện đã sẵn sàng dỡ bỏ lớp lá chắn nặng nề buộc các nạn nhân im lặng. Lý do được đưa ra là không được dùng Giáo hội làm vật tế thần vì lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên cũng xảy ra trong các hiệp hội thể thao, trường học và những nơi khác. Đúng là Giáo hội không phải là nơi duy nhất liên quan đến vấn nạn này, nhưng tại sao Giáo hội lại không đứng ra làm gương ? Lý do thứ hai là không nên chính trị hóa và gây tranh luận một chủ đề vô cùng tế nhị.

Paris và vùng Ile-de-France làm sạch nước sông Marne và sông Seine

Ngày 18/10/2018, thành phố Paris và chính phủ Pháp công bố 26 địa điểm được dự kiến cải tạo thành nơi bơi lội được trong khuôn khổ dự án Grand Paris (Paris mở rộng). Tổng chi phí cho dự án là 1,2 tỉ euro.

Theo Les Echos, "Paris mở rộng : sông Marne sẽ được làm sạch để bơi lội được vào năm 2022 và sông Seine vào năm 2025". Thế Vận Hội 2024 là động lực giúp đẩy nhanh dự án trên.

Thu Hằng

Published in Châu Á