Trong khi Ngũ Giác Đài không gây ồn ào khi tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra để khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông, tiến gần tới các đảo, bãi đá đang do Trung Quốc kiểm soát, thì Bắc Kinh lớn tiếng phản đối để theo các chuyên gia, biện minh cho sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng tranh chấp.
Hồi tuần trước, các giới chức Trung Quốc lên tiếng về cuộc tuần tra mới nhất của Mỹ, đưa tàu khu trục USS Hopper tiến vào phạm vị 12 hải lý cách bãi cạn Scarborough, vùng biển đang trong vòng tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila. Đây là lần thứ nhì trong mấy tháng gần đây mà Bắc Kinh, chứ không phải Washington, xác nhận một cuộc tuần tra của Hoa Kỳ trên Biển Đông.
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), nói rằng trong khi chính quyền của Tổng thống Trump có chính sách tiếp tục các cuộc tuần tra đều đặn trong khu vực nhưng không gây ồn ào, Trung Quốc lại sẵn sàng công khai các cuộc tuần tra đó "vì các mục đích quân sự riêng".
Bà Bonnie Glaser nói :
"Khó có thể đi tới kết luận nào khác hơn. Ngay cả khi Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra, theo tôi chính quyền của Tổng thống Trump chưa thực sự xác định là sẽ bỏ qua hành vi nào của Trung Quốc trong Biển Đông, và những gì mà chính quyền Trump tuyệt đối không chấp nhận, Bắc Kinh dường như hiểu điều đó và nắm ngay lấy để khai thác".
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong các tuyên bố chính thức nhấn mạnh :"Trung Quốc sẽ có các biện pháp cần thiết để quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình" trong vùng biển giàu tài nguyên này.
Một số nhà ngoại giao trong khu vực và các nhà phân tích an ninh tin rằng các biện pháp đó bao gồm triển khai thêm lực lượng, đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa các cơ sở đã được mở rộng trên khắp quần đảo Trường Sa.
Trong khi các giới chức Mỹ không trực tiếp nêu tên Trung Quốc khi bình luận về việc này, cho rằng các cuộc tuần tra tự do hàng hải chỉ là những hoạt động thường lệ để khẳng định nhu cầu cần tôn trọng luật pháp quốc tế, thì Bắc Kinh nhanh chóng quy cho Washington là kẻ "khiêu khích".
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm thứ Hai 22/1 tố cáo Hoa Kỳ là phá rối hòa bình và hợp tác và "có hành động khiêu khích một cách vô trách nhiệm", và viện lẽ đó để nói rằng Trung Quốc giờ phải củng cố sự hiện diện của mình trên tuyến hàng hải có tính chiến lược này.
Bãi cạn Scarborough của Philippines bị Trung Quốc phong tỏa hồi năm 2012, đây chính là động lực đã khiến Philippines đưa Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế để nhờ tòa án này ở La Haye phân xử vụ tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Tòa án Quốc tế xử thắng cho Manila trước những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc, tuy nhiên từ khi lên cầm quyền chính phủ Philippines do ông Duterte lãnh đạo không những không khai thác thành công đáng kể này mà còn tỏ ra hết sức hòa hoãn và hợp tác với Trung Quốc.
Trong khi đa số các nhà phân tích và các nhà ngoại giao trong khu vực tin rằng Trung Quốc vẫn muốn tránh xung đột với hải quân Hoa Kỳ vốn là một lực lượng hùng mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc, song Bắc Kinh đang dồn nỗ lực để cắt ngắn khoảng cách đó.
Biển Đông do đó vẫn là một điểm nóng, có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào.
*****************
Cả Bộ trưởng quốc phòng của Nga và Hoa Kỳ đều có chuyến thăm Việt Nam gần như cùng một lúc để thảo luận về hợp tác quốc phòng về chiến lược cũng như thông thương vũ khí.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (thứ hai bên trái)đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu (thứ hai bên phải) hôm 31/1/2018. AFP
Hai chuyến đi này có ý nghĩa gì ? Cuộc gặp giữa các bên mang thông điệp quan trọng nào ?
Nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp, từ Singapore dành cho RFA cuộc phỏng vấn.
RFA : Xin chào Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp. Theo ông, chuyến viếng thăm Việt Nam của hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Nga diễn ra trong cùng một tuần, có thể nói là cách nhau chỉ một ngày, có những ý nghĩa gì đặc biệt ?
Hà Hoàng Hợp : Đây là câu hỏi rất thú vị. Trước đây thì Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch có đi Nga, sau đó mấy tuần thì đi Mỹ. Sau khi trở về thì có thỏa thuận là Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ cùng đến Việt Nam tuần này.
Sự tương đồng của hai chuyến đi này là gì ? Mỹ với Nga muốn giúp Việt Nam, muốn hợp tác tốt với Việt Nam để Việt Nam có điều kiện phát triển quốc phòng Việt Nam tốt hơn, có đủ năng lực tự vệ, bởi vì nền quốc phòng Việt Nam không nhằm vào tấn công, nhằm vào tự vệ thôi.
Sự khác biệt giữa Mỹ và Nga là chỗ này : Người Nga không muốn người Mỹ đụng vào vấn đề Biển Đông. Còn người Mỹ thì cam kết rằng can dự vào vấn đề Thái Bình Dương. Cụ thể hơn là chiến lược Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Thái Bình Dương (IndoPacific). Như vừa rồi Mỹ có giúp đỡ Việt Nam, Philippine, Indonesia và một số nước khác nữa về trang thiết bị tàu tuần tra ven biển, và họ sẵn sàng cung cấp các loại thiết bị tốt nhất cho các nước ở Đông Nam Á.
Với Việt Nam thì Nga cũng có những động tác như vậy, nhưng Nga có lợi ích của Nga ở Việt Nam vì Nga có mấy liên doanh về dầu khí. Nga phải có trách nhiệm cùng với Việt Nam, đặc biệt là hải quân Việt Nam để bảo vệ các điểm khai thác dầu và khí ở biển Việt Nam.
Đó là một trong những mục tiêu rất cụ thể của Bộ trưởng Quốc phòng Nga đến Việt Nam lần này.
RFA : Qua nhận định của ông thì Nga và Mỹ có hai mục tiêu khác nhau khi đến thăm Việt Nam lần này ?
Hà Hoàng Hợp : Vâng. Nhưng hai mục tiêu không trái ngược nhau, đều muốn giúp cho Việt Nam có năng lực quốc phòng tốt hơn.
RFA : Liên quan đến hợp tác quốc phòng về chiến lược cũng như thông thương vũ khí, có sự khác biệt nào giữa hai chuyến viếng thăm ?
Hà Hoàng Hợp : Việt Nam là một khách hàng mua vũ khí và thiết bị quân sự truyền thống của Nga. Khoảng 14 năm nay Việt Nam chủ yếu nhập các loại vũ khí chủ yếu từ Nga, như máy bay phản lực chiến đấu, máy bay vận tải, tên lửa phòng không…Gần đây là tàu ngầm. Sắp tới là các thiết bị phục vụ cho đơn vị mới thành lập ở Việt Nam là đơn vị tác chiến không gian mạng.
Việt Nam chưa thể có cách nào thay đổi cơ cấu nhập khẩu hoặc giảm đi mua sắm quốc phòng từ phía Nga cả vì người ta đang dùng quen.
Đối với Mỹ thì như chúng ta biết phía Mỹ sẵn sàng bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam. Mỹ cũng nhiều lần hỏi ý Việt Nam như radar hiện đại, một số thiết bị dùng trong hải quân…nhưng Việt Nam cho đến nay chưa ký hợp đồng gì với phía Mỹ cả. Nhưng chắc chắn trong thời gian tới sẽ có một số hợp đồng mua sắm quốc phòng.
RFA : Ông Mattis trả lời với báo chí trước chuyến đi đến Châu Á rằng "Chúng ta đều có chung vùng Thái Bình Dương - một đại dương với cái tên có ý nghĩa là hòa bình - chúng tôi muốn thấy nó tiếp tục yên bình, để tất cả quốc gia đang sinh sống và sử dụng nó có thể tiếp tục thịnh vượng", trong lúc đó, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang lớn dần trong khu vực, những điểm này có thể được cho là chuyến viếng thăm của ộng Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đến Việt Nam là một thông điệp về vấn đề hợp tác quốc phòng trong tương lai giữa hai quốc gia sẽ được tăng cường ?
Hà Hoàng Hợp : Nhận định như thế chắc chắn là đúng. Vì khi Bộ trưởng Quốc phòngNgô Xuân Lịch thăm Mỹ thì hai bên đã thỏa thuận và ký kết với nhau đối với tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh quốc phòng. Trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động và chiến lược để tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông, nói cụ thể hóa hơn là Trung Quốc đắp ngoài biển những đảo nhân tạo, vẫn tiếp tục trang thiết bị với những đảo đó, vẫn tăng cường trang bị vũ khí cho các đơn vị của Trung Quốc có thể đang và sẽ hiện diện ở Biển Đông, thì việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm Việt Nam và cả Indonesia thì nó là tái khẳng định chính sách của Mỹ về sự hiện diện của Mỹ trong chiến lược không thay đổi.
Trước hết là để đảm bảo và để giúp các nước Đông Nam Á này có được sự đoàn kết cũng như năng lực đảm bảo tiến trình tạo hòa bình cho khu vực. Nói đúng hơn là các nước trong khu vực hợp tác với Mỹ và các nước khác, kể cả với Trung Quốc để đảm bảo kiến trúc an ninh của khu vực, đặc biệt ở Biển Đông.
Lời cảnh báo không có ý nghĩa
RFA : Hoàn Cầu Thời Báo hôm 22/1 cho rằng chuyến công du của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đến hai nước lớn trong Khối ASEAN là Indonesia và Việt Nam với mối quan tâm mạnh mẽ đến Biển Đông, và đánh tiếng rằng nếu Hoa Kỳ không ngưng những hành động bị Bắc Kinh cho là ‘kích động’ tại Biển Đông thì Trung Quốc sẽ quân sự hóa các đảo tại đó. Ông bình luận thế nào về lời đe dọa này ?
Hà Hoàng Hợp : Trung Quốc đưa ra một lời cảnh báo như thế là không đúng. Bởi vì nếu không có sự hiện diện của Mỹ hay Nga hay Nhật hay Ấn Độ thì Trung Quốc cũng đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông này. Lời cảnh báo của người Trung Quốc thông qua tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng không có ý nghĩa gì nhiều lắm, chỉ là nhắc lại lời trước đây đã từng nói.
Nhưng quan trọng nhất là hãy nhìn vào hành động của họ, hành động ấy chứng tỏ họ quân sự hóa tất cả. Chi phí quân sự 12 năm nay mỗi năm tới hơn 100 tỷ. Năm 2017 là 160 tỷ. Điều ấy nói lên quá trình quân sự quá ở Trung Quốc cũng như quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc buộc tất cả những nước ở khu vực Biển Đông này, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia phải chi phí quân sự cao hơn để mà cũng cố năng lực tự vệ, phòng thủ của mình.
RFA : Dự đoán của ông sau khi chuyến thăm Việt Nam của hai vị Bộ trưởng quốc phòng kết thúc ?
Hà Hoàng Hợp : Chuyến thăm của Nga sẽ không có nhiều ảnh hưởng lắm, vì nước Nga quan hệ song phương với Việt Nam từ trước đến nay tập trung vào vũ khí và trang thiết bị. Những cái này không thay đổi trong vài năm tới.
Việt Nam là một nước sử dụng tín dụng người Nga cấp cho Việt Nam để đưa vào vũ khí, cho đến nay vẫn là duy nhất. Một vài nước khác thì chỉ là trên lời nói thôi.
Cho nên ảnh hưởng của chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga đến Việt Nam không lớn lắm. Chuyến thăm này chủ yếu nhằm vào hợp tác quốc phòng Việt Nam với Nga chủ yếu ở phần trang thiết bị và vũ khí thôi. Không có thay đổi gì về chiến lược. Ở nước Nga tất cả những quyết định của an ninh quốc phòng, chiến lược không thuộc thẩm quyền của ông Bộ trưởng Quốc phòng, mà thuộc quyền của Tổng thống Nga và Hội đồng An ninh quốc gia Nga.
Chuyến thăm của ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam sẽ có một tác động tích cực đối với việc khích lệ VIệt Nam cũng như các nước tronng Asian, đặc biệt những nước có tranh chấp ngoài biển là cũng cố niềm tin, chuẩn bị tốt hơn về năng lực phòng thủ và cũng là tín hiệu quan trọng nói với nước lớn phía Bắc là Trung Quốc là không thể làm gì vượt qua nền tảng pháp luật quốc tế.
Đó là ý nghĩa quan trọng của chuyến viếng thăm của ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
RFA : Xin cảm ơn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
********************
Việt Nam và Nga lập kế hoạch tập trận chung (RFI, 23/01/2018)
Hà Nội và Moskva quyết định củng cố thêm quan hệ hợp tác quân sự nhân chuyến công du Việt Nam của bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Theo hãng tin Nga TASS, phát biểu tại Hà Nội ngày 23/01/2018, bộ trưởng quốc phòng Nga xác nhận hai nước đã xây dựng kế hoạch hợp tác quân sự và tập trận chung kéo dài trong ba năm 2018-2020.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội. Ảnh ngày 23/01/2018. ReutersKham
Theo ông Sergei Shoigu, hai bên đã nhất trí như trên trong cuộc hội đàm vào hôm nay giữa ông và chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.
Trong cuộc gặp trước đó với đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch, hai bên đã thảo luận các bước cần thiết để thực hiện thỏa thuận đã được tổng thống Nga và chủ tịch Việt Nam đồng ý.
Ông Shoigu cho biết : "Chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch cho ba năm tới từ 2018 đến 2020 liên quan đến lĩnh vực hợp tác quân sự và các hoạt động chung khác trong đó có các chương trình gặp gỡ và tập trận".
Còn trong cuộc tiếp xúc với tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ông Shoigu đã ghi nhận là kế hoạch hợp tác Nga-Việt đã quy định "nhiều cuộc tập trận ở nhiều cấp", và phía Nga hy vọng rằng kế hoạch "sẽ được ký kết trong tương lai gần".
Như để nhấn mạnh đến đà phát triển tốt của quan hệ quân sự Nga-Việt, vào lúc bộ trưởng quốc phòng Nga ghé thăm, Hải Quân Việt Nam đã tiếp nhận thêm một chiếc hộ tống hạm tên lửa Gepard 3.9. Đây là chiếc thứ tư và cuối cùng được giao cho Việt Nam trong khuôn khổ hợp đồng đặt mua vào năm 2012.
Chuyến công du Việt Nam của ông Shoigu cũng diễn ra một hôm trước lúc Việt Nam đón tiếp bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, sẽ từ Indonesia qua Việt Nam trong khuôn khổ một vòng công du Đông Nam Á.
Mai Vân
********************
Moscow và Hà Nội đang xây dựng kế hoạch hợp tác quân sự cho năm 2018-2020, bao gồm các cuộc tập trận chung giữa hai nước. Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội ngày 23/1.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Ngoài vấn đề hợp tác quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu nói nước Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc trang bị và sử dụng vũ khí tại Syria với các quốc gia đối tác.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói thêm rằng nhiều nước Đông Nam Á đang muốn mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga. Đây là hệ thống mà Nga đang sử dụng để bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim và quân cảng Tartus tại Syria.
Sau cuộc hội đàm với tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đã đến "chào xã giao" Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo VnExpress.
Nguồn tin này nói "Hợp tác quân sự giữa Việt Nam - Liên bang Nga đã diễn ra nhiều năm nay, mang tính chất truyền thống và không nhằm chống lại nước thứ ba nào".
Những năm gần đây, Việt Nam đã mua của Nga nhiều khí tài quân sự mới, trong đó có 6 tàu ngầm lớp Kilo (Varshavyanka) và tàu hộ vệ tên lửa Gepard.
Hà Nội là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Nga đến ba nước Đông Nam Á là Myanamar, Lào, Việt Nam.
Chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu được kỳ vọng sẽ mang về cho nước Nga nhiều hợp đồng bán vũ khí lớn.
Tại Myanmar, ông Shoigu đã đem về cho Nga hợp đồng bán 6 tiêm kích Su-30 cho Tập đoàn Sukhoi.
Sau Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Việt Nam sẽ tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Hà Nội từ ngày 24 tới 26/1.
****************
Mỹ - Indonesia thắt chặt thêm quan hệ quốc phòng (RFI, 232/01/2018)
Viếng thăm Indonesia trong hai ngày 22 và 23/01/2018, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tái khẳng định ý muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng với một quốc gia Đông Nam Á được cho là ngày càng sẵn sàng khẳng định chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (P) tiếp bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Jakarta. Ảnh ngày 23/01/2018. Reuters
Trước cuộc họp với lãnh đạo Indonesia, ông Mattis nêu lên khả năng hợp tác rộng rãi hơn trên biển, với việc phía Jakarta có dự định mua chiến đấu cơ F-16, mà hợp đồng có thể lên hàng tỷ đô la.
Bộ trưởng Mỹ khẳng định với nhà báo đi cùng với ông rằng Indonesia là "một đối tác rất chiến lược", vì là nước dân chủ lớn của thế giới, đông dân cư Hồi giáo nhất và là một quần đảo với hơn 17.000 đảo, do đó có một vùng biển chiến lược rộng lớn.
Hoa Kỳ theo ông sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển hợp tác hàng hải với Indonesia, một trục bản lề giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Indonesia có va chạm với Trung Quốc tại vùng biển xung quanh đảo quần đảo Natuna, bắt ngư dân Trung Quốc đánh cá vùng này. Tháng 7/2017, Jakarta đã đổi tên vùng biển chung quanh quần đảo này thành Biển Bắc Natuna. Điều này được xem là hành động đầy ý nghĩa trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Mattis cũng nhắm vào Trung Quốc khi nói thêm Hoa Kỳ muốn bảo đảm là những nước lớn hơn không áp đặt ý muốn lên những nước nhỏ hơn.
Theo chương trình dự kiến ông Mattis đã gặp ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi sau khi đến Jakarta hôm qua và gặp một số lãnh đạo Indonesia, trong đó có tổng thống Joko Widodo vào hôm nay, 23/01/2018.
Theo phía Indonesia hai bên sẽ còn thảo luận về mở rộng hợp tác chống khủng bố.
Jakarta còn chờ đợi ông Mattis giúp bãi bỏ trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với lực lượng đặc biệt Kopassus, của Indonesia do vấn đề vi phạm nhân quyền, liên quan đến Đông Timor trong những năm 1990.
Biển Đông : Bắc Kinh hài lòng về ý kiến của bộ trưởng quốc phòng Indonesia.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 22/01/2018, cho biết là Trung Quốc hoan nghênh đánh giá mới đây của bộ trưởng quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu về tình hình Biển Đông.
Trong phát biểu tại diễn đàn Raisina Dialogue 2018 tại New Delhi tuần qua, bộ trưởng quốc phòng Indonesia thẩm định là tình hình Biển Đông đã bớt căng thẳng và cần phải duy trì hiện trạng. Theo ông, Indonesia đánh giá cao thiện chí của Trung Quốc và muốn cùng làm việc để tăng cường kiến trúc an ninh khu vực.
Mai Vân
***********************
Quân đội Philippines bất bình vì Manila "nhũn nhặn" trước Bắc Kinh (RFI, 22/01/2018)
Sau khi Bắc Kinh lên tiếng phản đối chiến hạm Mỹ USS Hopper xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc khi đi qua vùng biển của bãi Scarborough, phủ tổng thống Philippines hôm 21/01/2018 lại tuyên bố là Manila sẽ không để bị lôi kéo vào tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là một tuyên bố lạ lùng vì bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc dùng sức mạnh giành quyền kiểm soát.
Bãi cạn Scarborough - Wikipedia
Theo hãng tin Mỹ AP, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, Harry Roque Jr. nói rằng : "Hoa Kỳ có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình" và Philippines "không muốn can dự vào một chuyện riêng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc" trong vùng tranh chấp Biển Đông.
Trong bối cảnh chính Manila cũng khẳng định chủ quyền tại vùng bãi đá Scarborough không người ở và đã bị Trung Quốc chiếm lấy từ năm 2012, tuyên bố của phát ngôn viên Philippines đã thể hiện một thái độ dửng dưng với chủ quyền quốc gia bị Trung Quốc tranh chấp.
Tuy nhiên, tuyên bố đó lại phù hợp với chủ trương của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là sưởi ấm quan hệ với Trung Quốc, thường lên tiếng chỉ trích chính sách an ninh của Hoa Kỳ. Ông đã từ chối kế hoạch tuần tra hỗn hợp ở Biển Đông, cũng như những cuộc tập trận chung với Mỹ có thể làm phật lòng Bắc Kinh.
Người tiền nhiệm của ông Duterte là cựu tổng thống Benigno Aquino, thì luôn ủng hộ sự hiện diện thường xuyên của Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc và đã đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra trước Tòa Trọng Tài Quốc Tế vào năm 2013 và đã được phán quyết thuận lợi. Trung Quốc đương nhiên là không công nhận kết luận của tòa án năm 2016, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên đại bộ phận Biển Đông dựa trên những yếu tố lịch sử
Khi lên cầm quyền, ông Duterte đã gác phán quyết quốc tế qua một bên, không yêu cầu Trung Quốc tuân thủ ngay, nhưng hứa sẽ đặt vấn đề với Bắc Kinh, vào một thời điểm vẫn chưa xác định, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Trong lúc phủ tổng thống Philippines phản ứng nhẹ nhàng trước tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng Biển Đông, bộ trưởng quốc phòng Philippines Delphin Lorenzana lại có tuyên bố khác. Theo ông, Mỹ đã không báo trước cho Philippines biết về hoạt động của tàu Mỹ gần Scarborough, và Manila cũng không có tiếng nói đối với những gì Mỹ làm tại Biển Đông.
Tuy nhiên, ông khẳng định là không hề có bất kỳ quan ngại nào về các hoạt động trên Biển Đông của tàu Mỹ, chừng nào đó là những chuyến qua lại vô hại vì theo ông "luật quốc tế cho phép điều đó kể cả trong lãnh hải quốc gia".
Một phát ngôn viên của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, hôm 20/01 xác định rằng chiến dịch của chiếc USS Hopper "không nhắm một quốc gia nào và cũng không nhằm mục tiêu chính trị nào" mà chỉ nhằm "cho thấy quyết tâm bảo vệ quyền tự do sử dụng hợp pháp vùng biển và không phận được luật quốc tế đảm bảo cho mọi quốc gia".
Quân đội Philippines không muốn "nhún nhường" Trung Quốc
Trên vấn đề Biển Đông, phản ứng có thể nói là trái chiều của bộ quốc phòng Philippines so với phủ tổng thống nước này đã được báo mạng Hồng Kông Asia Times nêu bật ngày 15/01/2018 vừa qua trong bài "Quân Đội Philippines vùng lên trên vấn đề Biển Đông", thẩm định rằng bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lại bất đồng với cách tiếp cận nhè nhẹ của chính phủ nước ông để đối phó với tham vọng trên biển của Trung Quốc.
Theo tác giả bài viết, những hành động đơn phương của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, trong đó có việc tăng cường bồi đắp đảo nhân tạo đã làm dấy lên tranh luận gay gắt, ngay cả tại những quốc gia bạn bè của Bắc Kinh như Philippines, nơi mà giới phụ trách quốc phòng, đã công khai thắc mắc về hiệu quả của thái độ có vẻ nhún nhường của chính quyền dân cử đối với Trung Quốc.
Vào thời ông Rodrigo Duterte làm chủ tịch ASEAN vào năm ngoái 2017, Hiệp Hội Đông Nam Á cho là tình hình Biển Đông nói chung ổn định, tức là không cần phải đối đầu hay chỉ trích hoạt động của Trung Quốc, cho dù Việt Nam đã vận động để toàn khối có một câu trả lời chung cứng rắn hơn.
Chính quyền Duterte vẫn luôn nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp là giải quyết giữa các quốc gia liên can trên cơ sở song phương - một quan điểm rập khuôn theo Bắc Kinh – qua đó làm nản ý chí muốn can thiệp của các tác nhân bên ngoài và cộng đồng quốc tế. Manila cũng bỏ qua, không sử dụng phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế.
ASEAN còn khẳng định là đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông, được đưa ra thảo luận từ hai thập niên nay, là phương cách tốt nhất để xử lý tranh chấp ở Biển Đông.
Thế nhưng, theo Asia Times, trong lúc mà các nhà ngoại giao ASEAN và Trung Quốc thương lượng bộ khung cho những quy tắc chung thì Bắc Kinh, một lần nữa, lại thay đổi thực tế trên biển.
Năm ngoái 2017, Trung Quốc đã tăng tốc phát triển các đảo ở những nơi tranh chấp, bồi đắp thêm 290.000 mét vuông, đồng thời triển khai thiết bị quân sự tiên tiến tại những nơi đó, với nào là radar, phi đạo, nào là kho vũ khí.
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc sắp sửa hoàn tất các căn cứ hải quân và không quân thực thụ ở Trường Sa và Hoàng Sa, mở đầu cho việc áp đặt một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Trung Quốc không những không phủ nhận ý muốn đơn phương sửa đổi diện mạo vùng đang tranh chấp, mà thậm chí còn tự hào tuyên bố là các hoạt động bồi đắp, xây dựng và triển khai cơ sở quân sự được tiến hành một cách "thỏa đáng".
Với ông Duterte, Philippines đã tìm kiếm một quan hệ tốt hơn với Trung Quốc, với hy vọng đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được và hòa bình ở Biển Đông.
Trước những báo cáo về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo năm ngoái, phát ngôn viên phủ tổng thống Harry Roque vẫn lập luận là chính phủ Philippines "tin tưởng thiện chí của Trung Quốc" ; vốn đã "cam kết không tiến hành bồi đắp các thực thể mới" trong khu vực, nhất là ở những nơi mà Philippines đòi chủ quyền...
Phản đối Trung Quốc qua kênh ngoại giao và cải thiện hạ tầng cơ sở Thị Tứ
Tuy nhiên, Asia Times ghi nhận là tại Philippines "một số bộ phận chính quyền đã ngày càng cảm thấy bất bình, đặc biệt là trong giới sĩ quan cao cấp của quân đội".
Ngược lại với các tuyên bố của phủ tổng thống, luôn luôn tìm cách giảm nhẹ hay phủ nhận các báo cáo về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, tại những nơi mà Philippines khẳng định chủ quyền, bộ trưởng quốc phòng Delfin Lorenzana đã có lời lẽ gay gắt hơn.
Ngày 08/01, ông Lorenzana thông báo Philippines sẽ phản đối qua kênh ngoại giao nếu báo cáo về hoạt động xây dựng và quân sự hóa của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở Trường Sa được xác minh, cho thấy là Bắc Kinh đã nuốt lời cam kết.
Phủ tổng thống Philippines đã có ngay phản ứng, nhấn mạnh rằng việc gởi văn kiện phản đối là trách nhiệm của bộ Ngoại Giao, chứ không phải là việc của bộ quốc phòng hay bộ trưởng Quốc Phòng.
Trong quá khứ thì giới lãnh đạo quân đội cũng từng công khai thúc đẩy chính quyền có thái độ cứng rắn hơn. Ông Lorenzana từ trước đến giờ luôn chủ trương quan hệ có chừng mực với Trung Quốc, ông hoan nghênh đối thoại nhưng trên thế mạnh và với sự thận trọng.
Ở vị trí đứng đầu bộ Quốc Phòng, ông Lorenzana đã kiên trì bày tỏ quan ngại về điều mà ông cho là các hoạt động mờ ám của Trung Quốc ở vùng biển của Philippines.
Để vị thế của Philippines thêm mạnh mẽ, ông Lorenzana cũng đã thông báo là kế hoạch cải thiện cơ sở ở đảo Thị Tứ sẽ được tiến hành sớm năm nay. Khi được hỏi về khả năng Trung Quốc chống đối kế hoạch này, bộ trưởng Philippines cho biết : "Tôi không nghĩ rằng họ sẽ phản đối" khi mà "mục tiêu của Philippines ở đấy mang tính chất hòa bình". Và kế hoạch ở Thị Tứ "chắc chắn sẽ được tiến hành"
Còn tùy thuộc vào Mỹ …
Tuy nhiên, nhiều điều còn tùy thuộc vào đồng minh của Philippines là Hoa Kỳ, sẽ làm gì trong những tháng tới đây.
Đối với Mỹ, Trung Quốc là mối đe dọa ngày lớn cho tự do hàng hải và hàng không trên tuyến đường thương mại quan trọng của thế giới. Theo chiến lược an ninh mới của tổng thống Mỹ Donald Trump, "các nỗ lực xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông của Trung Quốc đe dọa tự do thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và làm suy yếu sự ổn định khu vực".
Tài liệu chiến lược đó cũng tố cáo Bắc Kinh "thiết kế một chiến dịch hiện đại hóa quân sự nhanh chóng nhằm hạn chế, không cho Mỹ tiếp cận khu vực Biển Đông, để cho Trung Quốc tự do tung hoành ở đó", với nguy cơ "làm giảm thiểu chủ quyền của nhiều nước ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Tuy nhiên, theo Asia Times, vấn đề là Hoa Kỳ không còn được coi là cường quốc hàng đầu sẵn sàng bảo đảm an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Các quốc gia vùng đang lo lắng chờ xem chính quyền Mỹ rốt cuộc có đưa ra một chiến lược chặt chẽ cho Biển Đông trong năm thứ hai nhiệm kỳ của ông Trump hay không, hay là vẫn bị các điểm nóng khu vực khác và các vấn đề nội bộ nước Mỹ làm cho phân tâm, phó mặc cho các đồng minh và các đối tác như Philippines rơi vào vòng định đoạt của Trung Quốc.
Mai Vân