Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dân quân biển của Hải Nam là lực lượng chuyên nghiệp nhất (RFA, 24/06/2019)

Lực lượng dân quân biển Hải Nam là lực lượng chuyên nghiệp nhất của Trung Quốc, được nhận trợ cấp rộng rãi nhằm hưởng ứng thực hiện các hoạt động tại vùng Quần đảo Trường Sa.

asia1

Một người Philippines biểu tình ở Manila hôm 18/6 giương khẩu hiệu phản đối Trung Quốc sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên biển. AFP

Mạng báo Philippines Star của Philippines vào ngày 24 tháng 6 dẫn Báo cáo thường niên mới nhất của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trình Quốc hội Mỹ như vừa nêu.

Báo cáo nêu rõ chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào cuối năm 2016 có chỉ thị đóng 84 tàu cá dân quân cỡ lớn với mạn tàu được gia cố chịu lực và có trang bị vũ khí. Lực lượng dân quân vũ trang Hải Nam được tuyển dụng từ các cựu chiến binh và được trả lương độc lập ngoài việc đánh cá. Đây được cho là phù hợp với chính sách Phát triển Quân đội và An ninh 2019 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Theo báo cáo, Lực lượng dân quân vũ trang Hải Nam đóng vai trò quan trọng trong một số chiến dịch quân sự và cưỡng chế trên biển từ phía Trung Quốc trong những năm qua, bao gồm vụ cản trở tàu USNS Impeccable của Mỹ tại Biển Đông vào năm 2009, vụ căng thẳng ở bãi Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc năm 2012, vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, và vụ đột kích ở vùng nước gần quần đảo Senkaku năm 2016.

Ông Gregory Poling, giám đốc nhóm chuyên gia cố vấn của chương trình Sáng kiến Minh Bạch Hàng hải Châu Á thuộc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC có nhận định vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines gần bãi Cỏ Rong hôm 9/6 vừa qua là kết quả của việc Bắc Kinh biến hàng trăm tàu cá Trung Quốc trở thành lực lượng dân quân.

Lực Lượng Dân Quân Vũ Trang Biển trực thuộc Lực Lượng Dân Quân Nhân Dân Trung Quốc, là lực lượng vũ trang dự bị. Tuy nhiên, lực lượng này tham gia đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng chế trên biển nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu.

********************

Việt Nam, Indonesia thúc đẩy đàm phán phân định ranh giới vùng Đặc quyền Kinh tế chồng lấn (RFA, 24/06/2019)

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo thống nhất sẽ thúc đẩy các đàm phán về phân định ranh giới vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước ở Biển Đông.

asia2

Indonesia đánh đắm một tàu cá Việt Nam hôm 4/5/2019 - AFP - Hình minh họa.

The Jakarta Post hôm 24/6 cho biết lãnh đạo hai nước vừa có cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok, Thái Lan, hồi cuối tuần qua để thảo luận về vấn đề này.

The Jakarta Post trích lời bà Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia hôm 22/6 cho biết thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo đã diễn ra rất lâu và cả hai bên tuyên bố rằng những nỗ lực để giải quyết đàm phán nên được đẩy nhanh, nếu không hai bên sẽ gặp phải những vụ việc như đã xảy ra.

Việt Nam và Indonesia hiện vẫn còn một vùng chồng lấn chưa đàm phán xong ở gần vùng đảo Hòn Cau của Việt Nam ở phía Đông Nam, và gần đảo Natuna của Indonesia.

Vào năm 2003, sau 30 năm đàm phán, hai bên cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về phân chia vùng thềm lục địa nhưng vẫn chưa thể thống nhất về phân chia vùng EEZ.

Nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam gần đây đã bị phía Indonesia bắt giữ và đánh chìm với cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng nước của Indonesia gần Natuna. Tuy nhiên, những ngư dân mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết họ chỉ đánh bắt cá ở vùng nước được Biên phòng Việt Nam cho phép.

Theo Bộ Ngư Nghiệp Indonesia, kể từ năm 2014 đến nay, nước này đã đánh đắm 488 tàu cá nước ngoài trong đó có 276 tàu cá Việt Nam.

Hôm 27/4 vừa qua, Indonesia đã bắt giữ 2 tàu cá Việt Nam cùng 12 ngư dân sau một vụ đụng độ giữa tàu kiểm ngư của Việt Nam và tàu Hải quân Indonesia.

******************

Đã có 24 người chết trong vụ sập tòa nhà do Trung Quốc xây ở Campuchia (RFA, 24/06/2019)

Vụ sập một tòa nhà cao 7 tầng do Trung Quốc xây dựng ở thành phố Sihanoukville, Campuchia hôm 22/6 đã khiến ít nhất 24 người tử vong. Cảnh sát thành phố cho truyền thông biết thông tin này hôm 24/6.

asia3

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân ngày 23/6/2019, một ngày sau khi một tòa nhà đang xây dựng bị sập ở Sihanoukville. AFP

Ngoài số người tử vong đến nay đã lên đến 24, số người bị thương cũng đã lên đến 30 người. Hiện tại công tác cứu hộ chỉ mới đưa được khoảng 75% gạch đá từ đống đổ nát ra ngoài.

Theo thông báo của cảnh sát Campuchia, đã có 3 người Trung Quốc và một người Campuchia bị bắt giữ.

New York Times trích lời ông Yun Min, tỉnh trưởng tỉnh Preah Sihanouk cho biết tòa nhà được xây dựng mà không có những giấy phép thích hợp. Người chủ Trung Quốc đã được cảnh báo hai lần về những vấn đề nghiêm trọng về công trình và đã được lệnh phải ngừng xây nhưng một số người vẫn tiếp tục xây.

Sihanoukville từng là một làng chài trước khi trở thành địa điểm du lịch. Người Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào thành phố này những năm gần đây với hơn 100 sòng bạc và hàng chục khách sạn cùng khu nghỉ dưỡng sang trọng đã và đang được xây dựng .

Chỉ trong 3 năm, từ 2016 đến 2018, chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã đầu tư vào tỉnh Preah Sihanouk khoảng 1 tỉ USD.

Những công trình do Trung Quốc xây dựng ở Việt Nam thời gian qua cũng gặp phải nhiều chỉ trích do vấn đề chất lượng và an toàn. Nhiều tổ chức và cá nhân ở Việt Nam mới đây đã ký một tuyên bố chung kêu gọi chính phủ Việt Nam không cho phép các nhà thầu Trung Quốc tham gia xây dựng dự án cao tốc Bắc Nam vì lý do chất lượng và an toàn.

Published in Châu Á