Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hội đồng bảo an đến thị sát trại tị nạn Rohingya tại Bangladesh (RFI, 29/04/2018)

Sau nhiều lần bị trì hoãn, phái đoàn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 29/04/2018 đến thăm các trại tị nạn của người Rohingya nằm dọc theo biên giới Bangladesh và Miến Điện, nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng người Rohingya.

myanmar1

Đại sứ Anh bên cạnh Liên Hiệp Quốc Karen Pierce an ủi một bé gái Rohingya tại trại tị nạn gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 29/04/2018 Reuters

Phái đoàn do đại sứ Koweit tại Liên Hiệp Quốc dẫn đầu gồm 26 nhà ngoại giao đến từ 15 quốc gia. Trong vòng 4 ngày, đại diện của Hội Đồng Bảo An lần lượt đến thăm các trại tị nạn người Rohingya, gặp thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina, gặp lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi và sau cùng là đến thực địa tại bang Rakhine.

Theo giải thích của đại sứ Koweit, mục đích chuyến đi này không nhằm "bôi xấu Miến Điện" mà là chứng tỏ thiện chí giải quyết cuộc khủng hoảng này, chủ yếu liên quan đến việc hồi hương người tị nạn Rohingya.

Ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành tổ chức Human Rights Watch cho rằng phái đoàn Hội Đồng Bảo An nên hối thúc Miến Điện thừa nhận tội ác của quân đội. Đồng thời, ông cũng chỉ trích thái độ thụ động của Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ này.

"Hội Đồng Bảo An phải nhìn nhận là người Rohingya sẽ không cảm thấy an toàn chừng nào chính phủ (Miến Điện) vẫn phủ nhận tội lỗi. Hội Đồng Bảo An phải thúc đẩy nước này hợp tác với các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc và mở cửa khu vực cho các nhà quan sát độc lập. (…)

Hơn nữa, chúng ta chưa bao giờ thử xem liệu Trung Quốc có thật sự sẽ bỏ phiếu phủ quyết hay không. Việc thiếu vắng một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An đã cho Miến Điện thấy rõ là họ vẫn có thể gây tội ác mà không bị trừng phạt".

Minh Anh

*******************

Miến Điện : Bạo lực tái phát ở miền Bắc, hàng nghìn người chạy lánh nạn (RFI, 28/04/2018)

Các cuộc đối đầu giữa quân đội Miến Điện và lực lượng nổi dậy lại bùng phát ngày 27/04/2018 ở miền bắc xa xôi của nước này. Một nhân viên của Liên Hiệp Quốc cho biết vài nghìn người dân đã phải chạy lánh nạn.

myanmar2

Ảnh minh họa : Cảnh người Rohingya di tản tránh bạo lực ở Miến Điện. Ảnh ngày 19/10/2017. Reuters/Jorge Silva

Phát biểu với AFP, ông Mark Cutts, giám đốc Văn phòng Điều phối Hoạt động Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), cho biết có thêm hơn 4.000 người đã phải sơ tán trong vòng ba tuần nay ở bang Kachin và rất nhiều người vẫn bị kẹt lại trong vùng xảy ra xung đột nằm ở cực bắc Miến Điện, giáp biên giới với Trung Quốc.

Văn phòng OCHA chưa kiểm chứng được thông tin cho rằng một số thường dân có thể bị thiệt mạng trong những cuộc giao tranh gần đây.

Ngoài hơn 4.000 phải sơ tán, còn phải kể đến 15.000 người bỏ xứ từ đầu năm 2018 và hơn 90.000 người đang sống trong các lán trại được dựng tại bang Kachin và Shan từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội chính phủ và Phong trào Kachin độc lập bị cắt đứt năm 2011. Các nhóm vũ trang thuộc tộc người thiểu số luôn đòi có thêm quyền tự trị và kiểm soát khu vực này.

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Bangladesh gặp người Rohingya

Ngày 28/04/2018, một phái đoàn của 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đến Cox Bazar, Bangladesh, nơi có khoảng 700.000 người tị nạn Rohingya đang lánh nạn. Theo dự kiến, phái đoàn Liên Hiệp Quốc sẽ thảo luận với chính quyền địa phương về cuộc khủng hoảng và thăm một số trại tị nạn ở đây vào Chủ Nhật 29/04.

Theo AP, ngoại trưởng Bangladesh Khurshed Alam đánh giá chuyến thăm của phái đoàn Liên Hiệp Quốc "rất quan trọng" để gia tăng sức ép đối với chính sách hồi hương người Rohingya của chính quyền Miến Điện.

Vào tháng 12/2017, Bangladesh và Miến Điện đã thống nhất về chương trình hồi hương của người Rohingya, bắt đầu từ tháng 01/2018, tuy nhiên quá trình này vẫn bị trì hoãn.

Thu Hằng

Published in Châu Á