Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp chuẩn bị thảo luận về dự luật thắt chặt nhập cư và nguy cơ Frexit

Sau cải cách hưu trí, chính sách về nhập cư, một hồ sơ nóng trên chính trường Pháp là chủ đề được nhiều báo Pháp số ra hôm 30/05/2023 quan tâm, bên cạnh cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề nợ công ở Mỹ.

nhapcu1

Dòng người xếp hàng xin tị nạn ở Paris, Pháp, ngày 21/12/2017. AP - Thibault Camus

Sau khi luật cải tổ chế độ hưu trí được ban hành, chính phủ Pháp tiếp tục đề xuất dự luật về chính sách nhập cư, dự trù đưa ra thảo luận vào mùa thu này. Dù chưa rõ nội dung cụ thể của dự luật, được cho là để thắt chặt nhập cư, nhưng chính phủ của Macron ngay từ giờ phải tìm cách "thỏa hiệp" với đảng Cộng hòa, để thông qua luật, như nhận định của Libération. Nhật báo thiên tả cho rằng mục đích của chính phủ Macron lần này, có lẽ là tìm cách không dùng đến điều 49.03 của Hiến pháp, cho phép thông qua luật mà không cần biểu quyết, như đã làm với luật cải tổ hưu trí.  

Trên thực tế, cánh hữu đã đưa ra một số đề xuất cho luật này, được đánh giá là rất "khắc nghiệt", như đưa vào Hiến pháp khả năng xóa bỏ hỗ trợ y tế của Nhà nước và hạn chế hợp pháp hóa quy chế định cư cho những người không có giấy tờ, làm việc trong những ngành có nhu cầu cao. Để có được lá phiếu ủng hộ từ cánh hữu, có thể chính phủ Macron sẽ đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn, nhất là với đề xuất cấp một loại thị thực đặc biệt cho lao động vốn không có giấy tờ, có thể làm việc trong những ngành thiếu hụt nhân lực mà có nhu cầu cao, được đưa ra vào mùa hè năm ngoái. Libération nhận định rằng dự luật về nhập cư có thể đánh dấu sự đoạn tuyệt trong chính sách của Macron từ trước đến nay : tự cho là nhân văn và nghiêm khắc.  

Le Monde dành hồ sơ lớn về chủ đề này, nêu ra tình trạng cực đoan hóa của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (Les Républicains), đang nghiêng dần về phe cực hữu khi đưa ra những nhận xét về tình trạng "nhập cư hàng loạt", "nhập cư không được kiểm soát" và "sự suy đồi của nước Pháp"… vốn là những từ mà phe cựu hữu sử dụng. Lãnh đạo của đảng Cộng hòa đã bày tỏ mong muốn sửa đổi Hiến pháp, để nước Pháp có quyền tự quyết định về vấn đề nhập cư và không liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu, như một hình thức Frexit (France exit, tương tự như Brexit). Đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (Rassemblement national) thì như mở cờ trong bụng vì sự chuyển hướng của đảng Cộng hòa củng cố lập trường phản đối nhập cư của đảng này cũng như tư tưởng cực đoan của chính khách Eric Zemmour.   

Xã luận Le Figaro chạy tựa "Cánh hữu vẫn còn đó", nêu ra lập trường ủng hộ thắt chặt chính sách nhập cư trong bối cảnh chính trường Pháp bị chia rẽ. Nhật báo cánh hữu nhấn mạnh Pháp cần phải hành động bất chấp những bất đồng trong Châu Âu, không có sự nhất quán về chính sách nhập cư. Le Monde giải thích tại sao cánh hữu của Pháp muốn noi theo mô hình Đan Mạch về chính sách nhập cư - cứng rắn nhất trong Châu Âu, rất "hiệu quả" trong việc cho hồi hương những di dân, một chính sách "mạnh ai nấy lo". Tuy nhiên trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy những di dân này quay trở lại nước của họ khi Đan Mạch ra lệnh trục xuất, nhiều người đến xin tị nạn tại các nước Châu Âu khác.   

Làm sao để giảm thải ô nhiễm từ nhựa

Các báo Pháp số ra hôm nay cũng chú ý đến tình trạng ô nhiễm nhựa, nhân cuộc họp về chủ đề này tại Paris, (bắt đầu từ ngày 29/05-02/06/2023) khi mà thế giới thải ra hơn 350 triệu tấn nhựa. Theo Le Monde, với sự tham gia của 175 quốc gia và khoảng 1500 nhà khoa học, cuộc họp này – vòng đàm phán thứ hai trong số 5 vòng - nhằm thiết lập hiệp ước nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa, cũng như thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và ủng hộ sử dụng các nguyên liệu dễ phân hủy, có thể tái sử dụng thay nhựa.   

Le Monde và La Croix đều cho rằng khó có thể đưa ra một hiệp ước đạt được đồng thuận của tất cả các bên. Ngoài vấn đề tài chính, quyết định nước nào sẽ là bên tài trợ, những nước nào sẽ áp dụng các biện pháp nhằm giảm ô nhiễm nhựa thì hiệp ước này còn vấp phải nhiều vật cản khác. Đầu tiên là Hoa Kỳ, một trong những nước tiêu thụ nhựa nhiều nhất đã lên tiếng phản đối tuân theo những bắt buộc toàn cầu của hiệp ước mà chỉ muốn dựa theo tinh thần tự nguyện. Bắc Kinh cũng có cùng lập trường với Washington. Ngoài ra, nhóm các nước xuất khẩu dầu khí như Saudi Arabia cũng khó có thể đưa ra đồng thuận về hiệp ước giảm ô nhiễm nhựa.  

Nếu như Le Monde nêu ra tình trạng một Ấn Độ chìm ngập trong rác thải thì La Croix đặt câu hỏi về tái chế nhựa ở Pháp, với tựa trang nhất "Làm sao thoát khỏi ô nhiễm nhựa ?" Theo nhật báo công giáo nhựa có mặt ở mọi nơi, trong quần áo, sản phẩm công nghệ, hay các loại đồ đóng gói, cho đến môi trường tự nhiên và thậm chí hiện diện cả trong nước sinh hoạt. Pháp đã có những cơ sở tái chế xay nhựa, nhưng lại chưa triệt để, không phân loại, do vậy nhựa tái chế thường là chất lượng không cao và sử dụng để sản xuất các loại vật phẩm như thùng rác hay chậu hoa. Nhật báo kinh tế Les Echos thì nêu ra những biện pháp tái chế nhựa đã có, nhưng chưa được thực thi hiệu quả, nhất là ở Pháp, tỉ lệ nhựa được tái chế chỉ chiếm 20%, thấp hơn so với mức chung Châu Âu là 35%.  

Libération thì trích dẫn nhận định của một hiệp hội gồm gần 50 quốc gia muốn chấm dứt ô nhiễm nhựa, cho rằng giải pháp không chỉ đơn giản là tái chế nhựa mà cần phải chấm dứt sử dụng, sản xuất nhựa.   

Một lãnh đạo "già nua" tiếp tục lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ 

Về kết quả bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử với 52% phiếu ủng hộ, hôm 28/05, tiếp tục nắm giữ vị trí lãnh đạo từ 20 năm qua, trong một bầu không khí cay đắng và có những cuộc đấu khẩu quá mức như nhận xét của Le Monde. Về phần mình La Croix nêu ra những thách thức mà tổng thống Erdogan 69 tuổi phải đối mặt, nhất là tình trạng lạm phát và làm sao để ổn định đồng tiền quốc gia. Theo nhật báo kinh tế Les Echos, ngay sau khi thông tin Erdogan tái đắc cử được đưa ra, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức thấp lịch sử. Trong phiên giao dịch hôm thứ Hai, 1 đô la đổi 20,5 lira.  

Với tựa đề "Tại Thổ Nhĩ Kỳ : Nỗi buồn từ phe đối lập Erdogan", phóng sự của Le Figaro mô tả sự bất lực, thất vọng cũng như khó hiểu của những người không bầu cho Erdogan. Bất chấp lạm phát, tham nhũng hay cách xử lý thiên tai một cách thảm hại của chính phủ, Erdogan vẫn giành được 52% phiếu ủng hộ. Cộng đồng người LGBT+ dường như mất hy vọng và lo sợ sẽ phải chịu nhiều phân biệt đối xử hơn trước thất bại của đối thủ của Erdogan, ông Kemal Kılıçdaroğlu, lãnh đạo phe đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, một người ủng hộ cộng đồng LGBT+.  

Xã luận của La Croix cho rằng Thổ Nhĩ Kì đang bước vào một giai đoạn không chắc chắn, dưới sự lãnh đạo của một tổng thống già nua. Ankara còn là một thách thức của Châu Âu. Mặc dù nằm trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO và có những liên kết chặt chẽ với Liên Hiệp Châu Âu nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một cường quốc trong khu vực, đã xoay trục, không hẳn là đứng về phe các nước phương Tây mà đi theo bước chân của Đế chế Otttoman.   

Trong bài đăng có tựa đề "Châu Âu vừa cam chịu vừa lo lắng", Le Figaro cho biết nhiều lãnh đạo Châu Âu đã gửi lời chúc mừng tới ông Erdogan, đi kèm với lời mời gọi tham gia xây dựng quan hệ mang tính xây dựng đối với Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là vấn đề về di cư và mối quan hệ của Ankara với Moskva. Sắp tới, hội nghị thưởng đỉnh của NATO sẽ là một phép thử thực sự vì Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối tư cách thành viên của Thụy Điển từ nhiều tháng qua. Nhật báo cánh hữu trích dẫn nhận định của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hi vọng cùng nhau vượt qua những thách thức, nhất là việc lập lại hòa bình ở Châu Âu và tương lai của Liên Minh Châu Âu – Đại Tây Dương cũng như vùng biển Địa Trung Hải. Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu thì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Âu không thể có mối quan hệ mang tính xây dựng mà không có cam kết từ chính quyền Ankara về quyền con người, nhà nước pháp quyền, luật pháp quốc tế hay ổn định trong khu vực.    

Vẫn về thời sự Châu Âu, hầu hết các báo đều quan tâm đến chính trường tại Tây Ban Nha, sau cuộc bầu cử cấp địa phương vừa qua. Theo Le Figaro, ngay sau thất bại trước cánh hữu, tổng thống Pedro Sanchez đã thông báo "giải tán Quốc hội", tổ chức bầu cử lập pháp sớm vào ngày 23/07 tới. Les Echos cho rằng điều này có thể tác động tới vị trí chủ tịch luân phiên tại Hội Đồng Châu Âu của Tây Ban Nha trong sáu tháng cuối năm 2023.  

Joe Biden đạt thỏa hiệp với đảng đối lập về việc nâng trần nợ công

Nhìn sang châu Mỹ, tình trạng nợ công của Hoa Kỳ cũng được nhiều báo quan tâm, khi chính phủ của Biden đang đứng trước nguy cơ không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công từ nay đến ngày 05/06. Theo xã luận Le Monde, bầu không khí kịch tính trong đàm phán nâng trần nợ công này không phải là mới mẻ nhưng khiến thị trường tài chính toàn cầu hồi hộp vì nếu đàm phán không suôn sẻ thì nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mất khả năng thanh toán, kéo theo một cuộc khủng hoảng về kinh tế, tài chính lớn. Tuy nhiên dù không có gì là chắc chắn nhưng khi nhìn lại lịch sử thì tình hình này không khiến chúng ta quá bi quan khi Hoa Kỳ đã nâng trần nợ công 78 lần từ năm 1960.   

Les Echos cho biết tổng thống Joe Biden và chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy thuộc phe đảng Cộng hòa đã đạt được thỏa hiệp vào cuối tuần vừa qua, về việc "giảm chi tiêu liên bang nhưng vẫn bảo đảm những chương trình thiết yếu". Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng vì cần phải đưa những biện pháp cụ thể vào một văn bản luật và được Quốc Hội biểu quyết thông qua trước ngày 05/06.  

Chi Phương

Additional Info

  • Author Chi Phương,
Published in Quốc tế

Tại Thái Lan, cảnh sát liên tục bố ráp quán bar, nhà hàng và những nơi công cộng trong mục đích không che giấu là truy tìm người khác màu da để trục xuất. Tình trạng này gây lo ngại cho những người đang xin tị nạn và đang bị các tổ chức nhân quyền lên án.

thai1

Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan O Cha (giữa) tại Bangkok. Ảnh tháng 9/2018.

Trả lời phỏng vấn AFP sau khi được bổ nhiệm, tân giám đốc cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn tuyên bố "nhiệm vụ của cơ quan là nhận diện trong số những người da sậm ai là người tốt và ai là kẻ bất hảo có xác suất phạm tội cao".

Lập luận của viên chức nhà nước về chiến dịch "X- Quang soi rọi những di dân bất hợp pháp" là "trục xuất kẻ xấu để bảo vệ ổn định quốc gia". Surachate Hakparn ám chỉ hai vụ lừa đảo mà thủ phạm là một băng nhóm người Ouganda và người Nigeria quyến rũ phụ nữ Thái Lan nhẹ dạ để lừa tình và lừa tiền.

Vấn đề ở đây là cảnh sát Thái không phân biệt được xấu với tốt. Một nhóm 70 công dân Pakistan theo đạo Thiên Chúa, vì bị nạn kỳ thị tôn giáo, phải chạy sang Thái Lan, và tuy có tư cách xin quy chế tị nạn, cũng bị cảnh sát bắt nhốt trong tháng 10 này.

Trước làn sóng bất bình của công luận từ sau vụ đảo chính 2014, chính quyền quân sự làm mọi cách để chứng tỏ họ là "cột trụ" bảo vệ "ổn định" quốc gia và do vậy, công khai cổ vũ cho chính sách kỳ thị màu da.

Trong một vụ bố ráp mà phóng viên AFP được mời tháp tùng, trước giờ xuất quân, một sĩ quan ra lệnh cho 75 cảnh sát viên : Đối tượng truy bắt là những người da sậm. Trước hết, chúng ta khám soát, sau đó xem hộ chiếu của họ.

Đơn vị cảnh sát chia nhau tuần tra các con đường trong khu phố Nana, đầy quán rượu thu hút đông đảo du khách về đêm. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, trong số 30 người bị câu lưu, phân nửa là người da đen, chỉ có một anh da trắng người Pháp bị bắt vì hút cần sa.

Sau "Black Eagle", Ó đen, năm 2017, chính sách trấn áp di dân nhập cư gia tăng với chiến dịch "Quang tuyến". Khoảng một ngàn người đã bị câu lưu, phần đông do visa du lịch hết hạn : đó là những người dân các nước láng giềng như Miến Điện và Cam Bốt tha phương cầu thực. Phần khác là những người Phi Châu, Pakistan, Afghanistan ôm hy vọng từ Thái Lan đi qua một nước Tây phương tìm cuộc sống mới, sau khi được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn.

Theo Human Rights Watch, trong "các mẻ lưới" của cảnh sát Thái, không thiếu người đã có quy chế tị nạn hay đang chờ xét cứu xét. Nhiều trẻ em bị đưa vào các nơi tạm cách ly không khác chi nhà tù.

Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi chính quyền Thái phải có một thể thức mới để quản lý công dân nước ngoài đến Thái Lan chỉ với mục đích du lịch hay đi làm, phải bỏ chế độ bất công "đồng hóa người tị nạn với kẻ có tội".

Tú Anh

Published in Châu Á