Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Singapore khai mạc Triển Lãm-Hội Thảo quốc tế về an ninh biển (RFI, 16/05/2017)

Hôm 16/05/2017, Triển Lãm và Hội Thảo về an ninh biển quốc tế hai năm một lần mang tên IMDEX Asia 2017 đã mở ra tại Singapore và kéo dài 3 ngày, với sự tham gia kỷ lục của gần 30 nước trên thế giới, 230 tập đoàn công ty chế tạo vũ khí, 28 chiến hạm đến từ 20 quốc gia, và các quan chức Hải Quân của hơn 40 nước.

dna1

Các chiến hạm của Singapore, Trung Quốc và Pháp biểu diễn trong căn cứ hải quân CHangi, Singapore ngày 15/05/2015, nhân khai mạc sự kiện IMDEX Asia 2017. ROSLAN RAHMAN / AFP

Theo truyền thông Singapore, IMDEX Asia 2017 bao gồm hai vế, vế thương mại với cuộc triển lãm các loại thiết bị Hải Quân từ chiến hạm, vũ khí, cho đến các loại công nghệ học tiên tiến khác, và vế hội thảo bàn về các vấn đề an ninh trên biển.

Ngay từ hôm qua, nhân lễ kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng hải quân, Singapore đã tổ chức một buổi lễ phô diễn hải quân quốc tế, với sự tham gia của 16 chiến hạm Singapore, 28 tàu chiến khác đến từ 20 nước khác. Có đến 30 tư lệnh và phó tư lệnh hải quân, tư lệnh lực lượng cảnh sát biển và hơn 40 tướng lĩnh từ 44 quốc gia về Singapore quan sát sự kiện này. Việt Nam đã cử tàu hộ vệ trang bị tên lửa dẫn đường Lý Thái Tổ đến tham gia phô diễn.

Trong số các nước Đông Nam Á, Hải Quân Singapore luôn được xếp vào hàng mạnh nhất. Vào hôm nay, nước chủ nhà đã loan báo đặt mua thêm hai tàu ngầm tấn công của Đức để bổ sung cho hạm đội tàu ngầm của mình, hiện đã có 4 chiếc đang hoạt động, 2 chiếc đang được đóng. Dù là quốc gia không có tranh chấp trên Biển Đông, Singapore rất cần đến một lực lượng Hải Quân hùng hậu nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải được cho là có giá trị sống còn đối với Singapore.

Tư lệnh Hải Quân Mỹ muốn có thêm tàu để đối phó cạnh tranh

Có mặt tại Singapore để tham gia các sự kiện, đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ vào hôm nay đã xác định rằng trước tình hình tranh đua ngày càng tăng giữa các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc, Mỹ cần phải cấp tốc tăng cường lực lượng Hải Quân của mình.

Theo hãng tin Anh Reuters, tuyên bố của ông Richardson được đưa ra một hôm trước khi Hoa Kỳ công bố Sách Trắng về Tương Lai Hải Quân Mỹ, trong đó nêu bật nhận định : "Những nước thách thức lợi ích của Mỹ đang tiến với tốc độ nhanh hơn. Để duy trì được sức cạnh tranh, Mỹ phải hành động ngay, phải có một hạm đội to lớn hơn và hiện đại hơn ngay trong thập niên 2020, chứ không phải là chờ đến thập niên 2040".

Trọng Nghĩa

************************

Biển Đông : Manila sẵn sàng đồng khai thác với Bắc Kinh và Hà Nội (RFI, 16/05/2017)

dna2

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Davao, Philippines ngày 16/05/2017. MANMAN DEJETO / AFP

Vừa đi thăm Bắc Kinh trở về, ngày hôm nay 16/05/2017, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẵn sàng cùng thăm dò khai thác tài nguyên Biển Đông với Trung Quốc và Việt Nam.

Theo AFP, trả lời báo chí về khả năng Philippines hợp tác với Trung Quốc và Việt Nam để cùng thăm dò Biển Đông, ông Duterte nói đơn giản : "Nếu có thể có được một cái gì đó mà không bị chút phiền hà nào thì tại sao không ?". Tuy nhiên ông cũng nói thêm là một thỏa thuận như vậy phải "công bằng và cân đối".

Ông Duterte không đả động đến Malaysia và Brunei, hai nước tranh chấp khác trong khu vực.

Trong thời gian gần đây, tổng thống Philippines đương nhiệm đã thúc đẩy trở lại ý muốn đồng khai thác, trung thành với ý hướng hòa hoãn với Trung Quốc, cải thiện quan hệ kinh tế , chính trị và cả quân sự với Bắc Kinh, trái với người tiền nhiệm Aquino.

Về hồ sơ Biển Đông, ông Duterte xác nhận rằng ông không có ý định gây sức ép lên Trung Quốc liên quan đến phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc theo đường 9 đoạn.

Tổng thống Philippines ca tụng lãnh đạo Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình, và thủ tướng Lý Khác Cường mà ông đã gặp trong chuyến đi Bắc Kinh vừa qua, đánh giá đấy là những người "hào phóng", "tiến bộ" và "thành thật".
Đối với ông Duterte, chuyến đi Trung Quốc vừa qua là một cơ may cho Manila vì Philippines đã được thêm nhiều đầu tư và trợ giúp từ Bắc Kinh.

Trọng Nghĩa

************************

Hồng Kông : Những người tị nạn giúp Snowden có nguy cơ bị trục xuất (RFI, 16/05/2017)

dna3

Gia đình ông Supun Thilina Kellapatha, người tị nạn Sri Lankan từng giúp Edward Snowden lẩn trốn năm 2013 tại Hồng Kông. Ảnh chụp hôm 13/12/2016. Anthony WALLACE / AFP

Một nhóm người tị nạn đã giúp đỡ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden lẩn trốn tại Hồng Kông, đang đứng trước nguy cơ bị trục xuất sau khi chính quyền từ chối bảo vệ họ. Luật sư của những người này hôm qua 15/05/2017 cho biết như trên.

Những người tị nạn Philippines và Sri Lanka nghèo khổ đã giúp Edward Snowden trốn tránh, sau vụ cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) phát tán hàng loạt tài liệu mật làm chấn động thế giới. Snowden đã rời khỏi khách sạn ở Hồng Kông, ẩn nấp trong những căn nhà chật hẹp của họ, được lo ăn uống và canh gác trong vòng hai tuần lễ. Câu chuyện này chỉ được tiết lộ vào năm ngoái.

Từ nhiều năm qua, những người tị nạn trên đây vẫn hy vọng chính quyền Hồng Kông sẽ hợp thức hóa tình trạng của họ. Tuy nhiên cơ quan di trú hôm qua nhận định "không có cơ sở chắc chắn" là họ sẽ bị trấn áp nếu quay về nước. Trước đó nhóm người này cho biết họ đã bị chính quyền Hồng Kông truy hỏi rất kỹ về mối quan hệ với Edward Snowden.

Luật sư Robert Tibbo nói quyết định của cơ quan di trú Hồng Kông là "hoàn toàn vô lý". Ông cho biết chỉ còn không đầy hai tuần nữa là các gia đình này có nguy cơ bị trục xuất, trong khi họ có thể bị bỏ tù khi hồi hương và con cái sẽ bị đưa vào các cơ sở xã hội.

Hồng Kông không ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn và cũng không chấp nhận cho tị nạn, tuy nhiên bị ràng buộc bởi Công ước Liên Hiệp Quốc chống tra tấn. Hiện nay tại Hồng Kông có khoảng 11.000 người tị nạn đã sống bên lề xã hội nhiều năm ròng rã, với hy vọng mong manh là hồ sơ sẽ được chấp nhận.

Thụy My

Published in Châu Á