Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quốc hội Pháp thảo luận về luật chống nạn cướp nội tạng tại Trung Quốc

Quốc hội Pháp thảo luận và bỏ phiếu dự luật chống nạn cưỡng bức lấy tạng tại Trung Quốc đúng ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Chính quyền kháng chiến chống giới tướng lãnh Miến Điện tăng cường vận động quốc tế công nhận. Ukraine rút dự luật gọi Nga là "nhà nước gây hấn" để thúc đẩy đàm phán. Album nhạc "Di sản Goldman" vinh danh sự nghiệp của Jean-Jacques Goldman, nhân vật được người Pháp yêu thích nhất, lặng lẽ ra mắt với dàn nghệ sĩ ít tên tuổi.

noitang0

Biểu tình ở Berlin, Đức, năm 2007 tố cáo hành vi cưỡng bức cướp nội tạng ở Trung Quốc. © Wikipedia

Tại Pháp, Trung Quốc tiếp tục bị lên án về các tội ác về nhân quyền. Ít ngày sau khi Quốc hội Pháp ra nghị quyết lên án tội ác "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ, hôm qua, 04/02/2022, đúng vào ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa đông ở Bắc Kinh, các dân biểu Pháp thảo luận về dự luật siết chặt quy định về "du lịch ghép tạng", với mục tiêu chống nạn cưỡng bức lấy nội tạng tại một quốc gia ngoài Châu Âu, để phục vụ cho nhu cầu ghép tạng của khách hàng Pháp. Đối tượng của luật này không có quốc gia nào khác hơn là Trung Quốc, cho dù Trung Quốc không bị chỉ đích danh trong dự luật.

Chủ trì dự luật là nữ dân biểu Frédérique Dumas, ủy viên Ủy Ban Đối Ngoại Quốc hội cựu thành viên đảng cầm quyền LREM, nổi tiếng là một tiếng nói lên án mạnh mẽ Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền. Dự luật của nữ dân biểu Dumas dựa trên các khảo sát của chuyên gia Mỹ Ethan Gutmann và "Liên minh quốc tế chấm dứt các hành động ghép tạng bất hợp pháp tại Trung Quốc" (End Transplant Abuse in China, ETAC).

Dựa trên các nhân chứng, khảo sát của các nghị sĩ và các điều tra của báo chí, chuyên gia Gutmann ước tính hàng năm có khoảng từ 25 nghìn đến 50 nghìn thanh niên người Duy Ngô Nhĩ (thiểu số theo đạo Hồi) bị chính quyền Trung Quốc cưỡng bức lấy tạng. Ông Gutmann cho biết đã xác định được tại vùng Aksu, khu tự trị Tân Cương, một tổ hợp bệnh viện - trại giam - lò thiêu xác, nơi việc cưỡng bức lấy tạng quy mô lớn diễn ra.

Đa số nạn nhân là "tù nhân lương tâm"

Người chủ trì dự luật nhấn mạnh là nếu như tại phần lớn các quốc gia, việc ghép tạng có nguồn gốc đáng ngờ xuất phát từ buôn bán "bất hợp pháp", thì riêng tại Trung Quốc, các hoạt động bất hợp pháp này "trực tiếp do chính quyền tổ chức", với nạn nhân chủ yếu là tù nhân, "đặc biệt là tù nhân lương tâm".

Ghép tạng được coi là một ngành công nghiệp sinh lời tại Trung Quốc. Theo một điều tra quốc tế về quy mô ghép tạng bất hợp pháp tại Trung Quốc, được báo chí Pháp trích dẫn, năm 2015 ước tính Trung Quốc có từ 60.000 đến 100.000 vụ ghép tạng, chứ không phải chỉ là 10.000, theo số liệu chính thức. Thông thường để được ghép tạng trên thế giới, thời hạn chờ đợi là trung bình 3 năm, riêng tại Trung Quốc, chỉ có vỏn vẹn hai tuần.

Dự luật chống ghép tạng bất hợp pháp được trình ra trước Quốc hội Pháp không được đảng cầm quyền ủng hộ, với lý do cho đến nay chưa có bằng chứng về "du lịch ghép tạng" giữa Pháp và Trung Quốc, và luật có thể gây trở ngại cho các hợp tác quốc tế hợp pháp của Pháp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cũng cho biết đang nỗ lực để xử lý vấn đề này trên quy mô quốc tế, đặc biệt thông qua công ước Compostelle của Hội Đồng Toàn Châu Âu về chống buôn bán nội tạng người bất hợp pháp, mà Quốc hội Pháp vừa phê chuẩn ngày 27/01.

Chính phủ kháng chiến Miến Điện tăng cường vận động quốc tế công nhận

Cuối tháng Giêng 2022, tròn một năm đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự của Aung San Suu Kyi, lực lượng kháng chiến chống tập đoàn quân sự tại Miến Điện tăng cường nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy quốc tế công nhận.

Tiếp theo cuộc gặp với ông Derek Chollet, cố vấn đặc biệt của ngoại trưởng Mỹ, ngày 27/01/2022, chính phủ của lực lượng kháng chiến chống độc tài quân sự (với tên gọi chính thức NUG - Chính phủ Đoàn kết Dân tộc) đã kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục "hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả" cho việc giải quyết khủng hoảng Miến Điện, khôi phục tiến trình dân chủ hóa. Báo mạng Miến Điện Irrawaddy dẫn lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ cho hay, cố vấn Derek Chollet "đã bày tỏ sự tri ân đối với sự lãnh đạo của NUG trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nổ ra do vụ đảo chính cách nay một năm".

Thông tín viên Carol Isoux từ Bangkok cho biết chính quyền kháng chiến Miến Điện đang nỗ lực thuyết phục các cường quốc dân chủ có "thái độ thực tế hơn", nhanh chóng công nhận NUG để lực lượng kháng chiến chống độc tài có được đủ hậu thuẫn từ bên ngoài :

"Nếu không có một sự công nhận chính thức đối với chính phủ đối lập Miến Điện từ phía các định chế quốc tế, thì chính quyền đối lập sẽ không có khả năng thực thi việc cứu trợ nhân đạo, mua vũ khí cần cho cuộc chiến chống tập đoàn quân sự.

Quyền bộ trưởng Bộ Tài nguyên của chính phủ chống tập đoàn quân sự, ông Maw Htun Aung, kêu gọi các quốc gia dân chủ có một thái độ thực tế hơn. Ông nói :

"Không thể thắng trong một cuộc chiến tranh chỉ với các tuyên bố thiện chí. Khi hoạt động trên bình diện quốc tế, chắc chắn là bạn cần phải được công nhận chính thức. Nếu không có điều đó, tài khoản ngân hàng của bạn có thể phong tỏa, toàn bộ việc xây dựng cơ sở hậu cần sẽ phải hoạt động trong bóng tối. Đúng là chính quyền đối lập hiện nay không có đủ nguồn lực để hỗ trợ các chiến binh trẻ trên chiến trường trong thời điểm hiện tại. Họ thất vọng là có lý, nhưng đây là do chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia dân chủ".

Một số định chế trên thế giới đã bắt đầu khởi sự tiến trình công nhận chính quyền dân sự Miến Điện. Đó là trường hợp của Thượng Viện Pháp. Tuy nhiên trong hiện tại, chưa có bất cứ một chính phủ nào chính thức công nhận chúng tôi".

Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện thành lập vào tháng 4/2021, với sự tham gia của nhiều dân biểu Quốc hội bị lật đổ, thuộc đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, các đồng minh thuộc các sắc tộc thiểu số và đại diện của phong trào phản kháng chống đảo chính. NUG đã thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF). Đến tháng 9/2021, PDF tuyên chiến với tập đoàn quân sự, đưa cuộc kháng chiến chống chính quyền quân sự lên tầm mức mới.

Hiện tại chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính phủ đối lập NUG Miến Điện, nhưng NUG đã nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao bán chính thức. NUG đã đặt trụ sở tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Cộng hòa Séc. Hôm 18/01, NUG thông báo lập trụ sở tại Hàn Quốc, quốc gia đầu tiên tại Châu Á. Báo Đức DW hôm 18/01 nhấn mạnh đến nỗ lực của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện vận động Cộng Hòa Séc ủng hộ quốc tế công nhận. Việc chính quyền Séc có thái độ dứt khoát với tập đoàn quân sự có ý nghĩa quan trọng, bởi Praha sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên Âu nửa cuối năm 2022, tiếp theo Pháp.

Kiev rút dự luật gọi Nga là "Nhà nước gây hấn" 

Về căng thẳng Nga - phương Tây xung quanh điểm nóng Ukraine, hôm 25/01/2022, chính quyền Kiev đã có một động thái khá bất ngờ : rút một dự luật liên quan đến vùng Donbass, miền đông, hiện do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Lý do : việc rút nội dung lên án Nga là quốc gia gây hấn, không ân xá phe ly khai, và cấm họ tham gia vào bầu cử Ukraine là điều kiện tiên quyết mà Nga và các nước phương Tây đặt ra để nối lại các đàm phán tìm giải pháp hòa bình, theo Công thức Normandie.

Thông tín viên Stéphane Siohan tường trình từ Kiev :

"Để tránh được chiến tranh, không gì hơn là ngồi vào bàn đàm phán. Ít nhất thì đây cũng là hy vọng mà ngành ngoại giao Pháp cố gắng trong tuần này, trong lúc một cuộc họp theo công thức Normandie - về thỏa thuận Minsk cấp cố vấn chính trị của lãnh đạo bốn nước Ukraine, Nga, Pháp và Đức - dự kiến sắp diễn ra.

Điện Elysée tổ chức cuộc họp này để cố gắng giúp cho "căng thẳng xuống thang" giữa Nga và Ukraine, trong lúc các nước Châu Âu vốn tham gia rất ít vào cuộc đối đầu giữa Washington và Moskva.

Về phía nước Pháp, Paris nhấn mạnh đến việc chính quyền Nga cần tỏ thiện chí, và chấm dứt chiến lược gây căng thẳng, nhưng bên Ukraine cũng đồng thời cần phải đóng góp phần mình. Cụ thể là chính quyền Kiev đã được yêu cầu rút lại một dự luật, mô tả nước Nga như một chính quyền "chiếm đóng".

Tuy nhiên, việc thực thi các thỏa thuận Minsk là một thách thức rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà từ bảy năm nay, việc thực thi các thỏa thuận này đã thất bại một cách có hệ thống. Trên thực tế, các thỏa thuận này thiên về quan điểm của Nga, đòi hỏi Kiev công nhận quyền tự trị của lực lượng ly khai tại vùng Donbass, ân xá các lực lượng này, và cho phép họ tham gia vào bầu cử Ukraine. 

Tuy nhiên, theo một thăm dò dư luận mới đây, 55% người Ukraine từ chối nguyên tắc "hòa bình bằng mọi giá", tức có các nhân nhượng lớn với Moskva, và chỉ có 17% dân Ukraine là ủng hộ việc nhân nhượng nước Nga láng giềng".

Việc Kiev nhân nhượng chưa chắc giúp mang lại kết quả thực sự. Tại Châu Âu, có nhiều lo ngại về việc Moskva "giương bẫy" tại Donbass, khiến Kiev bị sa lầy. Hôm 26/01, tức cùng ngày cuộc họp theo Công thức Normandie tìm giải pháp cho khủng hoảng tại Paris, đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất tại Hạ Viện Nga đã yêu cầu tổng thống Putin trang bị vũ khí cho các lực lượng vũ trang thuộc hai nước cộng hòa tự phong ở vùng Donbass. Theo thông tin viên RFI Jean Cassey từ Moskva, việc tăng cường vũ trang cho vùng Donbass không phải là để bảo vệ Donbass, mà chủ yếu để buộc Ukraine tập trung lực lượng tối đa vào khu vực này.

Album vinh danh Goldman lặng lẽ ra mắt với dàn nghệ sĩ ít tên tuổi

Nhân vật được người Pháp thích nhất sau tu sĩ Pierre, nghệ sĩ Jean-Jacques Goldman tái xuất với album nhạc "Héritage Goldman / Di sản Goldman" ra mắt hôm 21/01, nhân dịp nghệ sĩ 70 tuổi. Sự trở lại của Goldman nhìn chung được báo giới Pháp ghi nhận là nhẹ nhàng, đằm thắm, không đình đám. "Ecouter Goldman sans Jean-Jacques pour mieux l’entendre / Nghe Goldman không Jean-Jacques để thấm hơn" là tựa đề một bài giới thiệu trên Le Monde (31/01/2022).

Mười ba nhạc phẩm trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của nghệ sĩ trong album thứ nhất của "Héritage Goldman" được trình bày bởi dàn nhạc là các ca sĩ rất ít tiếng tăm. "Âm nhạc và ca từ hơn là các sao" là chủ trương của Erick Benzi, nhà sản xuất tuyển tập này, cũng là người cộng sự số một của Jean-Jacques Goldman trong thời sáng tạo đỉnh cao của nghệ sĩ. "Il suffira d'un signe", "Je te donne", "Là-bas", "Pas toi"… nằm trong số 13 tác phẩm của tuyển tập "Héritage Goldman" thứ nhất.

Âm hưởng gospel xuyên suốt trong tập nhạc đầu tiên do hầu hết các ca khúc được thu với dàn đồng ca Phúc âm (Choeur Gospel de Paris). Trả lời AFP, ông Didier Varrod, giám đốc âm nhạc của Radio France nhận xét, "album kể lại khá đúng về Goldman, một nghệ sĩ khởi đầu sự nghiệp nơi vũ trường, ông yêu thích tất cả những gì thuộc về ca đoàn, gospel, mang âm hưởng của dòng nhạc rock progressif (một tiểu loại nhạc rock bắt nguồn từ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) và dòng nhạc celtic (nhạc dân gian cổ xưa của người Celtic ở Tây Âu)". Tuyển tập 2 với âm hưởng celtic sẽ ra mắt mùa thu năm nay. 

Jean-Jacques Goldman - đã chính thức giã từ sàn diễn từ mươi năm nay - hoàn toàn không tham gia vào album này, do đó mà có câu "Nghe Goldman không Jean-Jacques để thấm hơn". Nữ ca sĩ Marina Kaye, 23 tuổi, được mời trình diễn ca khác "Pas toi", chia sẻ với nhật báo Công giáo La Croix cảm nhận của cô về Goldman : "Điều chính yếu, vượt xa khỏi câu chuyện âm nhạc, đó là sự khiêm nhường. Đó là điều gây ấn tượng ở Goldman, khiến ông khác hằn các nghệ sĩ khác. Chính vì vậy ông là người được người Pháp yêu mến nhất, không thể bị hạ bệ, không bao giờ lạc mốt".

Bài viết Le Monde ghi nhận, gần nửa thế kỷ trôi qua, về mặt chính trị, nước Pháp đang ngả mạnh sang hữu, thậm chí là cực hữu, nếu tin vào các thăm dò dư luận, nhưng Goldman cùng Sophie Marceau vẫn còn đó, vẫn là người được dân Pháp yêu quý nhất. Bởi đó là một ca sĩ của tình người, của sự tôn trọng những gì khác biệt giữa con người với con người, những giá trị mà cho đến nay vẫn bị nhiều người chế giễu là "cao đạo" ("bien-pensance").

Trọng Thành

Nguồn : Tạp chí đặc biệt, 05/02/2022

 

Published in Châu Á