Báo động núi lửa ở Bali lên mức cao nhất (BBC, 27/11/2017)
Lo ngại về đợt phun trào lớn của núi lửa Agung ở Bali gia tăng và khu vực di tản quanh núi lửa được mở rộng.
Giới chức nói núi lửa đang tuôn "những cuộn tro bụi liên tục"
Nhà chức trách Indonesia đã nâng lên mức báo động cao nhất.
Sân bay tại đảo đóng cửa khiến nhiều người bị mắc kẹt tại điểm du lịch nổi tiếng này.
Cơ quan Kiểm soát Thiên tai cho biết đã nghe những tiếng nổ từ khoảng cách 12km từ đỉnh núi.
"Các tia lửa được nhìn thấy ngày càng nhiều hơn vào ban đêm, cho thấy khả năng một vụ phun trào lớn hơn sắp xảy ra", trang Facebook của cơ quan viết.
Tro bụi núi lửa đổ xuống Bali
Nhà chức trách phân phát mặt nạ cho cư dân địa phương và mở rộng phạm vi buộc sơ tán thêm 10km quanh khu vực núi lửa hoạt động.
Các khu resorts chính Kuta và Seminyak cách vị trí núi lửa khoảng 70km.
Giới chức địa phương và các nhà nghiên cứu xác nhận phát hiện đá magma gần bề mặt núi lửa.
Cũng có ghi nhận mưa tro bụi đã đổ xuống Lombok, thành phố Mataram.
Khoảng 25.000 người được cho là vẫn ở trong nhà tạm trú sau khi hơn 140.000 người di tản trong những tháng gần đây.
Nhiều khách du lịch mắc kẹt tại Bali do sân bay đóng cửa.
Theo ước tính, ngành du lịch tại hòn đảo nghỉ mát này thiệt hại ít nhất 110 triệu đôla.
Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa bao quanh vòng lòng chảo Thái Bình Dương.
Đây là nơi có hơn 130 núi lửa đang hoạt động. Lần cuối cùng núi Agung hoạt động là vào năm 1963 khiến hơn 1.000 người chết.
**********************
Núi lửa phun trào ở Bali, Việt Nam giải cứu công dân (VOA, 27/11/2017)
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết đã giải cứu 7 người Việt Nam mắc kẹt tại đảo Bali khi ngọn núi lửa Agung phun trào.
Núi lửa Agung, Bali, Indonesia, ngày 27/11/2017.
Theo truyền thông Việt Nam, chiều ngày 27/11, ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, cho hay rằng sứ quán đã giải cứu gấp 7 công dân Việt Nam mắc kẹt tại đảo Bali khi núi lửa phun trào và các du khách Việt này đã tới thủ đô Jakarta an toàn.
Báo điện tửZing đưa tin rằng trước đó, 7 hành khách này đã phải lái xe suốt 13 tiếng xuyên đêm để chạy ra khỏi vùng núi lửa.
Còn báo Người Lao động cho biết rằng nhóm du khách này bị mắc kẹt tại Bali do sân bay Depansar đóng cửa vì núi lửa Agung có dấu hiệu hoạt động.
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã phát đi cảnh báo trên Facebook đối với du khách Việt có ý định tới Bali và kêu gọi những du khách đang có mặt tại đây cần nhanh chóng sử dụng các dịch vụ giao thông đường bộ đi về phía Tây đảo Bali, tới thành phố Surabaya để rời khỏi khu vực bằng máy bay.
Chính quyền Indonesia ước tính khoảng 100.000 người phải sơ tán khỏi khu vực quanh núi lửa Agung khi ngọn núi đang tiếp tục phun ra những cột tro bụi khổng lồ cao tới 3km.
Núi Agung dù cách khu du lịch Kuta tới 75 km, nhưng những cột khói cao đã làm tê liệt hoàn toàn sân bay khu vực.
Facebook Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia nói núi lửa Agung hiện đang hoạt động mạnh trở lại. Nhà chức trách Indonesia đã nâng lên mức báo động cao nhất là báo động đỏ. Khói đen được nhìn thấy bốc lên cao tới 3.400m từ đỉnh núi. Cơ quan Kiểm soát Thiên tai cho biết đã nghe những tiếng nổ từ khoảng cách 12km từ núi lửa.
Nhà chức trách Indonesia đã phân phát mặt nạ cho cư dân địa phương sống quanh khu vực núi lửa và mở rộng phạm vi buộc sơ tán quanh khu vực núi lửa hoạt động. Nhiều hãng hàng không hủy chuyến bay và đại sứ quán Việt Nam đề nghị du khách Việt hạn chế du lịch Balai trong thời điểm này.
Giới chức Indonesia cũng lưu ý về nguy cơ lũ bùn. Người dân được khuyến cáo tránh xa sông ngòi vì lũ bùn có thể di chuyển rất nhanh và thường là nguyên nhân gây chết người vào mỗi đợt núi lửa phun trào.
Khu vực sơ tán hiện tại dựa trên lần phun mạnh cuối cùng của Agung vào năm 1963 khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và phá hủy nhiều nhà cửa.
Indonesia nằm trên "Vành đai Lửa Thái Bình Dương", nơi các tầng địa chất va chạm và gây ra 90% các trận động đất trên thế giới. Nước này hiện có 130 núi lửa đang hoạt động, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.