Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc muốn giảm tỷ lệ phá thai để thúc đẩy tỷ lệ sinh con

Phan Minh, RFI, 12/02/2022

Cơ quan Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc muốn thúc đẩy tỷ lệ sinh con ở nước này bằng cách giảm số ca nạo phá thai. Họ dự tính sẽ "can thiệp" để thuyết phục những phụ nữ chưa kết hôn và các thiếu nữ sau này đừng phá thai.

tq1

Lo ngại về tỷ lệ sinh con giảm, chi Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tỉnh Sơn Đông nay đảm nhiệm cả vai trò mai mối, ngày 17/10/2021. AFP - NOEL CELIS

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

Chúng ta vẫn chưa biết cơ quan kế hoạch hóa gia đình có ý định "can thiệp" như thế nào, nhưng hiện tại Trung Quốc vẫn chưa ra luật cấm phá thai. Theo kế hoạch được công bố vào cuối tháng Giêng, mục tiêu là "cải thiện sức khỏe sinh sản" và giảm thiểu số ca mang thai ngoài ý muốn thông qua các chiến dịch giáo dục và tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân Trung Quốc sinh thêm con.

Lý do là vì trong vài năm qua, Trung Quốc phải đối mặt với cơn "địa chấn dân số". Theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia, Trung Quốc ghi nhận gần 11 triệu ca sinh trong năm 2021 và gần 9 triệu trường hợp nạo phá thai, trong đó có 4 triệu, tức 40% là trong lứa tuổi thiếu niên. Đối tượng của chiến dịch "can thiệp" này là những phụ nữ trẻ "không kết hôn", như các phương tiện truyền thông chính thức vẫn gọi. Kế hoạch này sẽ nhấn mạnh vào "các giá trị truyền thống của gia đình" và tăng cường các buổi giáo dục giới tính trong trường học.

Trước tình hình tỷ lệ sinh tụt dốc, các cơ quan chức năng đã cho phép người dân sinh con thứ ba, ra quy định là các cặp vợ chồng phải chờ 30 ngày trước khi có thể ly hôn và kéo dài thời gian nghỉ thai sản đối với các bà mẹ mới sinh, nhưng những biện pháp trên vẫn chưa đem lại hiệu quả.

Đối với các nhà hoạt động nữ quyền, những biện pháp này không nên khiến cho các thiếu nữ muốn phá thai cảm thấy bị kỳ thị hơn.

Phan Minh

***********************

Ủy ban ILO bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Tân Cương

Phan Minh, RFI, 12/02/2022

Trong một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được hãng tin AFP trích dẫn hôm 11/02/2022, một nhóm các chuyên gia hàng đầu về luật lao động bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về cách Trung Quốc đối xử với các cộng đồng thiểu số sắc tộc và tôn giáo, đặc biệt ở Tân Cương, và kêu gọi Bắc Kinh thay đổi chính sách.

tq2

Một nông dân hái bông trên cánh đồng ở Hami, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, ngày 1 tháng 11 năm 2012.  © Reuters Marketplace - Reuters Foundation Online Report

Đây là báo cáo thường niên tổng kết về việc tuân thủ các công ước của ILO ở từng nước. Ủy ban này, gồm 20 chuyên gia độc lập đặc trách đánh giá việc áp dụng các công ước của ILO, bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về các định hướng của những chính sách được liệt kê trong nhiều văn bản chính thức của Trung Quốc.

Ủy ban của ILO cũng yêu cầu chính quyền Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về những chính sách đã được thực hiện để tuân thủ các cam kết quốc tế về đối xử bình đẳng tại các trung tâm dạy nghề ở Tân Cương.

Trong phản hồi chi tiết đính kèm báo cáo, Bắc Kinh một lần nữa bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc nói trên, đặc biệt là cáo buộc về lao động cưỡng bức do Tổng liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC) đưa ra trong nhiều tài liệu được các tổ chức phi chính phủ chứng thực. Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh rằng đây là những cáo buộc "sai trái và mang tính chính trị".

Theo các tổ chức nhân quyền, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người sắc tộc thiểu số nói tiếng Thổ, chủ yếu là người Hồi giáo, đã hoặc đang bị giam giữ trong các trại tập trung ở miền tây bắc Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn khẳng định đó chỉ là những trung tâm dạy nghề nhằm giúp họ tránh xa chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai.

Phan Minh

Published in Châu Á