Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Miến Điện : Năm cầm quyền đầu tiên đầy khó khăn của Aung San Suu Kyi (RFI, 29/03/2017)

Sau một năm cầm quyền, chính phủ của cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chiến sự với các sắc tộc thiểu số tái diễn, các cải tổ kinh tế và xã hội dậm chân tại chỗ.

myanmar1

Bà Aung San Suu Kyi (G) trong một hội nghị về hòa giải dân tộc ở thủ đô Naypyitaw, Miến Điện, ngày 31/08/2016 - REUTERS/Soe Zeya Tun

Trong suốt nhiều thập niên, người dân Miến Điện đã phải sống dưới chế độ độc tài quân sự và vẫn mơ đến một nền dân chủ. Họ đã trông đợi rất nhiều vào cuộc tổng tuyển cử lịch sử tháng 11/2015, đưa bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà lên cầm quyền.

Do luật không cho phép bà lên làm tổng thống, nên ngày 01/04 năm ngoái, Aung San Suu Kyi đã nắm chức ngoại trưởng kiêm cố vấn đặc biệt của Nhà nước và phát ngôn viên tổng thống. Trong những cương vị này, cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện, trên thực tế, là người đứng đầu chính phủ từ một năm nay.

Sau một năm cầm quyền, bà Aung San Suu Kyi vẫn được đa số người dân Miến Điện ngưỡng mộ, thế nhưng ngày càng có nhiều người lên tiếng chỉ trích bà.

Nhưng theo ghi nhận của các nhà phân tích, hầu như không bao giờ họp báo, bà Aung San Suu Kyi nay là một nhân vật ngày càng xa cách. Vào đầu năm nay, bà đã kêu gọi người dân Miến Điện hãy kiên nhẫn, vì theo bà "đối với lịch sử một quốc gia, lịch sử một chính phủ, 10 tháng hay 1 năm chưa là bao". Cố vấn của tổng thống Miến Điện, ông Aung Tun Thet, cũng cho rằng "hãy còn quá sớm" để đánh giá là chính phủ của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã thành công hay thất bại.

Nhưng không người ít nay tỏ vẻ thất vọng về nhân vật từng được trao giải Nobel Hòa Bình, khi họ thấy tiến trình hòa bình ở Miến Điện vẫn bế tắc, triển vọng kinh tế chưa có gì sáng sủa. Tăng trưởng chậm lại, đầu tư ngoại quốc giảm lần đầu tiên từ 4 năm qua, trong khi vật giá leo thang do lạm phát tăng với tỷ lệ trên 10%.

Về các quyền tự do, sau các tướng lãnh vào thời chế độ quân sự, nay đến lượt các đảng viên của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đứng ra truy tố nhiều nhà báo, nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động về tội "vu khống". Ngay trong giới chính khách, nhiều người chỉ trích bà Aung San Suu Kyi nắm quá nhiều quyền hành trong tay.

Nhưng cũng cần phải thấy là chính phủ của cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện vẫn không được rộng tay để điều hành đất nước. Thứ nhất là bản Hiến Pháp có từ thời chế độ quân phiệt không cho phép bà Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống và thứ hai là quân đội vẫn nắm một phần tư số ghế ở Quốc hội. Mặt khác, quân đội Miến Điện vẫn giữ ba Bộ quan trọng : Quốc Phòng, Nội Vụ và Biên Giới, đồng thời vẫn kiểm soát nhiều khu vực kinh tế chủ chốt.

Bà Aung San Suu Kyi cũng bị chỉ trích là đã không biết cách hòa đàm với các lực lượng phiến quân sắc tộc thiểu số, nhất là trong những tháng gần đây, các trận giao tranh đã gia tăng cường độ lên đến mức chưa từng có từ nhiều năm qua. Đối với các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn, tình hình này có thể khiến đảng của bà Aung San Suu Kyi bị mất phiếu trong cuộc bầu cử bán phần ngày 01/04 tới.

Trên trường quốc tế, nhiều người rất bất bình khi thấy bà Aung San Suu Kyi không nói gì về khủng hoảng ở bang Rakhine, nơi mà quân đội Miến Điện bị Liên Hiệp Quốc tố cáo đã gây ra nhiều tội ác đối với thiểu số người Rohingya Hồi giáo.

Thanh Phương

**************************

Trung Quốc và phiến quân gốc Hoa ở Myanmar (BBC, 29/03/2017)

Bạo lực bùng phát tại vùng Kokang vì phiến quân gốc Hoa giao tranh với quân chính quyền Myanmar đặt lại câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong việc ổn định tình hình khu vực Tam Giác Vàng.

myanmar2

Lính chính phủ Myanmar đứng gác ở đường phố đầy chữ Hán của Laukkai, thủ phủ Kokang (2009)

Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi cũng đang gặp khó khăn khi quá trình đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang sắc tộc.

Cùng lúc, giới quan sát tin rằng Trung Quốc có thể tác động đến phiến quân Kokang nhưng đang theo đuổi tính toán chính trị riêng của mình.

Theo tin AFP 15/03/2017 từ Yangon, quân chính phủ Myanmar cho hay có 28 thường dân và cảnh sát bị giết, và chừng 45-46 phiến quân Kokang thuộc Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia (MNDDA) thiệt mạng.

Hàng nghìn dân Kokang nói tiếng Hoa, vốn có gốc từ Vân Nam sang sinh sống tại Myanmar từ nhiều năm trước, đã bỏ chạy về bên kia biên giới.

Trung Quốc yêu cầu các bên ngay lập tức ngưng bắn.

Theo tin Reuters 14/03/2017, các nhóm phiến quân Kokang đã đóng giả cảnh sát Myanmar để tấn công các trạm gác của quân chính phủ bằng súng B-40 và các loại vũ khí bộ binh.

Reuters cũng cho hay có bảy xe bọc thép chở quân Trung Quốc đi về phía Tây, dọc vùng đồi núi giáp Myanmar.

Đây là vụ giao tranh bùng nổ trở lại sau lần xảy ra năm 2015.

Hồi đó, bom đạn rơi sang đất Trung Quốc làm chết năm công dân nước này.

myanmar3

Quân Myanmar trưng bày vũ khí thu được hồi 2009 sau giao tranh với quân Kokang và Karen

Nhà quan sát Yun Sun tại Trung tâm Stimson ở Washington D.C. cho hay Bắc Kinh muốn đưa vấn đề Kokang vào đàm phán hòa bình với chính phủ Aung San Suu Kyi.

Tuy nhiên, phía quân đội Myanmar bác bỏ đề nghị đó và ra điều kiện các đơn vị Kokang chỉ có thể tham gia hội nghị hòa bình sau khi buông súng.

Theo bà Yun Sun, "Trung Quốc ngầm ủng hộ nhóm Kokang tham gia đàm phán nhưng không nói ra công khai".

Một số nhà quan sát khác, như ông Jacod Shapiro, cũng từ Mỹ, thì tin rằng Trung Quốc đang dùng nhóm Kokang để gây ra khó khăn cho sáng kiến hòa bình của bà Aung San Suu Kyi.

Theo ông, Trung Quốc không muốn can dự trực tiếp vào chính trị các nước Đông Nam Á nên thường dùng các tác nhân địa phương để "gây bất ổn chính trị nội bộ" của láng giềng.

Kokang đến từ đâu ?

Vùng Kokang thuộc bang Shan của Liên bang Myanmar có chừng 200 nghìn dân, trong đó 90% là người nói tiếng Hoa.

Trên thực tế, giới nghiên cứu cho rằng không hề có một sắc tộc nào gọi là Kokang mà đây chính là nhóm Hán (Han Chinese), từ Vân Nam chạy sang Myanmar từ cuối đời nhà Minh (thế kỷ 17).

myanmar4

Ngôn ngữ chính ở Kokang là tiếng Hoa và chữ Hán

Họ tự nhưng nhận là con cháu các chiến binh, những người Quả Cảm (Guogan) để phân biệt với các sắc tộc khác cũng từ Trung Quốc sang, và được người bản địa gọi là Kokang.

Sang thời thực dân Anh làm chủ Miến Điện, có khoảng 600 làng của người gốc Hoa ở cả vùng Kokang.

Đến thập niên 1950, tàn quân Quốc Dân Đảng chừng 1000 tay súng đã đóng lại ở đây, lập ra các nhóm vũ trang.

Sau đó, các nhóm khác từ Vân Nam xuống cùng làn sóng dân chúng bỏ nước Trung Quốc cộng sản đi sang Đông Nam Á khiến con số người Hoa ở Kokang và vùng Bắc Myanmar nói chung tăng lên cao.

Năm 1953, chính quyền Myanmar đã phải điều quân vào tấn công lực lượng trên 5000 tay súng Quốc Dân Đảng ở dọc sông Salween.

Các nhóm này sau đó tùy vào tình hình mà ký hòa ước với chính quyền nhưng vẫn kiểm soát địa bàn biên giới.

Nhà nước riêng ?

Tuy thế, theo Myint Myint Kyu trong một tài liệu mang tên 'Kokang - The rise of Chinese Minority : a New Neo-Liberal State' thì một số đông người ở Laukkai, thủ phủ của Kokang, đến từ Trung Quốc sau năm 1989.

Lợi dụng chính sách kiểm soát biên giới quá lỏng lẻo của Myanmar, những người này lập làng và mở hàng quán buôn bán tại vùng ven sông Salween.

Họ tiếp tục theo các phong tục Trung Quốc và dùng tiếng Trung trong giao tiếp hàng ngày và thu lợi từ các hoạt động casino, buôn lậu xuyên biên giới.

Cũng có các nhóm Kokang di cư ra khỏi khu vực này để sang Thái Lan hoặc xuống vùng Hạ lưu Myanmar.

Những cộng đồng ở lại tiếp tục duy trì văn hóa Hoa và chỉ gửi trẻ em đến các trường tiếng Hoa chứ không học tiếng Miến Điện.

Đã có các đài truyền hình địa phương và sách báo tiếng Hoa xuất bản tại đây, phục vụ cho cộng đồng dân cư không dùng tiếng Miến Điện của Liên bang Myanmar.

Myint Myint Kyu, một người gốc Kokang, đã thừa nhận rằng vùng đất này, trên thực tế là 'một nhà nước bên trong nhà nước' Myanmar.

myanmar5

Sòng bạc ở Kokang, Myanmar do các nhóm gốc Hoa kiểm soát

Quan hệ ngày càng chặt chẽ về buôn bán với Trung Quốc cũng đem lại tài lực cho các nhóm quyền lực địa phương,

Thủ lĩnh địa phương, Bành Gia Thanh (Peng Jiasheng, sinh năm 1931) từng là lãnh đạo của lực lượng vũ trang mang tên Quân đội Giải phóng Nhân dân Kokang.

Trong thập niên 1970, ông ta nhập nhóm này với Đảng Cộng sản Miến Điện để gia tăng thanh thế.

Nhưng đến năm 1989, nhóm của Bành Gia Thanh lại tách riêng ra và lấy tên là Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDDA) và hoàn toàn kiểm soát vùng Bắc của bang Shan.

Đàm phán với chính phủ trung ương để biến các đơn vị Kokang thành lực lượng biên phòng đã đổ vỡ năm 2009 và giao tranh lại rộ lên năm 2015.

Dù nhân vật Bành Gia Thanh, bị cáo buộc buôn ma tuý, đã trốn khỏi vùng này, xu hướng tự trị của Kokang vẫn còn.

Nhìn về lâu dài, chưa rõ cuộc xung đột Kokang sẽ diễn biến ra sao khi mà Trung Quốc vẫn không rõ ràng trong việc ủng hộ nhóm vũ trang tiếng Hoa, hay ủng hộ chính quyền Myanmar.

Published in Châu Á