Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đài Loan tố cáo Trung Quốc xâm nhập phá hoại chế độ dân chủ (RFI, 26/11/2019)

Bị Trung Quốc gọi là tỉnh phản nghịch, Đài Loan chuẩn bị bầu cử tổng thống và Quốc hội vào ngày 11/01/2020 trong bối cảnh có nhiều tin đồn Bắc Kinh can thiệp vào nội tình chính trị của hải đảo mà tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc. Hư thực ra sao và chiến lược của Bắc Kinh như thế nào ?

tq1

Người biểu tình Đài Loan chống truyền thông thân Trung Quốc trước Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc. Ảnh chụp ngày 23/06/2019. HSU Tsun-hsu / AFP

Đài Loan, Hồng Kông và Úc là ba mục tiêu tấn công của Trung Quốc bằng cách xâm nhập, mua chuộc, cài người vào giới giáo sư đại học, chính trị gia và báo chí. Lời tố giác này của Vương Lập Cường, một công dân Hoa lục 25 tuổi, tự xưng là điệp viên Trung Quốc, cùng vợ con xin tị nạn tại Úc, đã gây một làn sóng cảnh giác trong chính phủ Đài Bắc và Canberra.

Đặc biệt là tại Đài Loan, thông tin trên được xem là có cơ sở cho dù chưa có gì xác nhận Vương Lập Cường là điệp viên thật sự, hay chỉ là một "doanh nhân lừa đảo" như Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc cáo buộc.

Ngày 25/11, hai doanh nhân nằm trong danh sách đen của Vương Lập Cường, đã bị bắt tại phi trường Đào Viên vào lúc chuẩn bị trở về Hồng Kông. Đó là ông Hướng Tâm (Xiang Xin), giám đốc điều hành công ty China Innovation Investment và nữ phụ tá giám đốc Cung Thanh. Hai nhân vật này nằm trong "chiến dịch tình báo phối hợp với đảng viên của Đảng cộng sản Trung Quốc xâm nhập phá hoại phong trào dân chủ tại Hồng Kông".

Điều tra

Trong giới chính trị Đài Loan, chủ tịch đảng Dân Tiến cầm quyền Trác Vinh Thái, thuộc xu hướng Đài Loan độc lập, kêu gọi cần phải mở rộng điều tra vì có nhiều tin giả từ Hoa lục phá hoại bầu cử Đài Loan. Trong cuộc họp báo tại Đài Bắc, chủ tịch đảng Dân Tiến gọi Trung Quốc là "kẻ thù của nền dân chủ, là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất".

Những lời tố cáo của điệp viên Trung Quốc đào tị "đang được điều tra đến nơi đến chốn", tổng thống Thái Anh Văn cho biết như thế và kêu gọi khoan vội kết luận.

Theo Vương Lập Cường, một trong những chiến thuật của Bắc Kinh là định hướng truyền thông vào một số chính trị gia Đài Loan, đối thủ của tổng thống Thái AnhVăn, cụ thể là ứng cử viên Hàn Quốc Du, thuộc Quốc Dân đảng. Hàn Quốc Du hiện nay là thị trưởng thành phố cảng Cao Hùng, có lập trường công khai thân Hoa lục.

Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Quốc Dân đảng tố cáo chính phủ khai thác "tin đồn thất thiệt" để tác động lên cử tri. Về phần ứng cử viên Hàn Quốc Du, ông tuyên bố sẽ rút lui nếu có chứng cớ ông nhận tiền của Bắc Kinh.

Hư hư thực thực

Trong một bài phân tích về chiến lược đánh phá Đài Loan (tháng 04/2019) , giáo sư chính trị Minh Cư Chính (Ming Chu Cheng) cho biết không có tổ chức chính trị nào ở Đài Loan được Bắc Kinh xem là bạn cả. Trước tiên, Đảng cộng sản Trung Quốc chia rẽ Dân Tiến đảng với Quốc Dân đảng. Tiếp theo là xâm nhập Quốc Dân đảng để đánh phong trào Sinh thái. Mục đích là để nội tình Đài Loan suy yếu, các phe đánh nhau chí tử , không thể đoàn kết chống Bắc Kinh.

Đảng cộng sản Trung Quốc đã có hàng nửa thế kỷ kinh nghiệm với chiến thuật "mặt trận thống nhất", kết đoàn với đối phương để gây bất đồng nội bộ. Trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật, Mao và Tưởng liên kết. Chiêu bài "mặt trận thống nhất" giúp cho Đảng cộng sản mua chuộc được nhiều cán bộ cao cấp của Quốc Dân đảng và cả người dân bình thường.

Kết cục thế nào vào năm 1949, mọi người đều biết, giáo sư chính trị Minh Cư Chính kết luận.

Theo Reuters, ba nguồn tin ngoại giao và an ninh ở Đài Loan, mà hãng thông tấn đặt câu hỏi kiểm chứng, đều nghi ngờ Vương Lập Cường không phải là điệp viên thực sự, nhưng những lời ông cáo buộc Trung Quốc "là có cơ sở".

*****************

Bắc Kinh lập cơ quan giải quyết khủng hoảng Hồng Kông tại Hoa lục (RFI, 26/11/2019)

Bối rối trước diễn biến tình hình tại Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát đặc khu hành chính. Từ nhiều tháng trước bầu cử, Bắc kinh đã thành lập một trung tâm bí mật xử lý tình thế, trong một căn biệt thự ở Thâm Quyến, bên kia biên giới Hồng Kông, theo tin của hãng Reuters hôm nay, 26/11/2019.

tq2

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) họp báo sau cuộc bầu cử cấp quận, ngày 26/11/2019. Reuters/Marko Djurica

Reuters cho biết, khi các cuộc biểu tình phản kháng tại Hồng Kông trở nên quyết liệt, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã điều nghiên và chỉ đạo phương án đối phó từ một căn biệt thự ở ngoại ô Thâm Quyến. Lẽ ra, nhiệm vụ này là của Vương Trí Dân và Văn phòng Liên lạc của chính phủ trung ương đặt tại Hồng Kông.

Bắc Kinh cũng đã dự kiến thay thế giám đốc Vương Trí Dân, cán bộ cao cấp nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông. Theo hai nhân vật thạo tin, ông Vương Trí Dân bị chê trách là thiếu "nhạy bén", cơ quan liên lạc của ông do chỉ "liên lạc" với người giàu, nên không nắm được tình hình thực tế.

Trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 24/11, phe thân Bắc kinh bị thất bại nặng nề. Hơn 80% ghế ủy viên Hội đồng Quận lọt vào tay phong trào dân chủ.

Công nhận thất bại, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhìn nhận "các sai sót của chính quyền đã gây làn sóng phẫn nộ trong dân chúng". Nhân vật bị coi là người của Bắc Kinh cam kết "lắng nghe và cải tiến" cách điều hành của chính quyền địa phương, nhưng từ chối thỏa mãn các yêu sách của phong trào phản kháng.

Trong khi đó, báo chí Hoa lục hôm nay hoàn toàn không nói một câu về chiến thắng áp đảo của đối lập Hồng Kông, mặc dù 48 giờ trước truyền thông nhà nước cổ vũ cử tri đi bầu cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh.

Còn tại Bắc Kinh, một trong những sự việc được ghi nhận sau chiến thắng của đối lập Hồng Kông là đại sứ Mỹ Terry Branstad bị bộ Ngoại Giao triệu mời để nghe "phản đối mạnh mẽ", theo tin trên mạng của bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Nghị quyết của Quốc hội Mỹ ủng hộ phong trào dân chủ bị coi là một "hành động can thiệp trắng trợn vào chuyện nội bộ Trung Quốc, hỗ trợ cho tội ác và bạo lực, cho lực lượng chống Trung Quốc gây bạo loạn tại Hồng Kông".

Trái lại, chiến thắng của phong trào dân chủ Hồng Kông được họa sĩ tranh biếm họa ly khai Badiucao nhiệt liệt chúc mừng. Nhân dịp triển lãm tranh tại Berlin, nhà ly khai Trung Quốc khen ngợi "tinh thần cao thượng" của phong trào dân chủ Hồng Kông, vừa đấu tranh cho dân chủ, vừa thực hành dân chủ, xem họ là nguồn hy vọng cho cả Trung Quốc.

Tú Anh

Published in Châu Á