Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Eo biển Đài Loan : Bắc Kinh lên án Mỹ khiêu khích

Tú Anh, RFI, 20/12/2020

Chiến đấu cơ và tàu chiến Trung Quốc "theo dõi và giám sát" một khu trục hạm Mỹ hôm 19/12/2020, lúc đi ngang eo biển Đài Loan. Washington gọi đây là một chuyến hải hành bình thường nhưng Bắc Kinh lên án Mỹ khiêu khích.

eobien1

Khu trục hạm USS Mustin của Hải quân Hoa Kỳ ghé cảng Cam Ranh vào trung tuần tháng 12/2016.  Nguồn : usindopacom

Theo Reuters, khu trục hạm Mỹ USS Mustin đi ngang qua eo biển Đài Loan ngày 19/12/2020. Thông báo tin này, Hải quân Mỹ gọi đây là một cuộc di chuyển bình thường trong eo biển Đài Loan "theo luật quốc tế và chứng minh lời cam kết của Mỹ ủng hộ một vùng Ấn độ- Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Đây là lần thứ 12 trong năm nay, chiến hạm Mỹ sử dụng eo biển Đài Loan để ra vào Biển Đông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh tố cáo Washington khiêu khích và đã cho tàu chiến, máy bay quân sự theo dõi khu trục hạm Mỹ. Thông cáo của Quân Đội Trung Quốc lên án Mỹ "cố tình làm vấn đề Đài Loan nóng lên và bắn tiếng khuyến khích thành phần chủ trương độc lập Đài Loan, đe dọa hòa bình khu vực".

Tại Đài Bắc, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết cũng theo dõi các động thái của khu trục hạm Mustin nhưng thấy "tình hình bình thường".

Theo giới phân tích, xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Asia News trích dẫn nhận dịnh của giáo sư Graham Allison, Đại Học Harvard.

Truyền hình Hoa Lục liên tục quảng cáo sức mạnh quân đội và các cuộc tập trận thiết giáp đổ bộ.

Lầu Năm Góc loan báo chiến lược mới, tăng cường hải thuyền tại Biển Đông, Đài Loan đóng thêm 8 tàu ngầm và một chục chiến hạm đa năng, Nhật Bản, hôm 18/12, thông báo phát triển tên lửa mới diệt hạm có khả năng đánh trúng mục tiêu thật xa.

Tú Anh

*************************

Biển Đông : Mỹ và Philippines tiếp tục khẳng định giá trị phán quyết quốc tế 2016

Trọng Nghĩa, RFI, 19/12/2020

Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Philippines vào hôm qua, 18/12/2020, đã đàm phán về cách tăng cường liên minh giữa hai quốc gia, trong đó có cách thức duy trì phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, vốn đã bác bỏ các yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

eobien2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte gặp nhau bên lề Hội nghị của ASEAN tại Manila, ngày 13/11/2017.  AP - Andrew Harnik

Trong một thông cáo, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Cale Brown cho biết : Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, và đồng nhiệm Philippines Teodoro Locsin Jr. đã nói chuyện qua điện thoại và đã khẳng định hợp tác song phương về phán quyết của tòa trọng tài.

Thông cáo nói rõ là hai ngoại trưởng "đã thảo luận về các cơ hội củng cố hơn nữa liên minh Mỹ-Philippines và tính chất ràng buộc của phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016 đối với tất cả các bên có liên quan ở Biển Đông".

Thông cáo còn cho biết thêm : "Hai ngoại trưởng cũng thảo luận về các quan hệ kinh tế, an ninh, dân chủ và giao lưu nhân dân tạo nên mối quan hệ bền chặt giữa hai nước".

Hoa Kỳ đã lên tiếng khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp, Trung Quốc vẫn khẳng định quyền sở hữu đối với gần như toàn bộ vùng biển, trong khi Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan tuyên bố một phần chủ quyền.

Mỹ cũng ủng hộ quyền của các quốc gia Đông Nam Á trong việc phát triển dầu khí trong các vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông, đả kích Trung Quốc về các hành vi áp đặt các "yêu sách hàng hải phi pháp" bằng cách bắt nạt các nước láng giềng.

Về phần tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã xác định với các lãnh đạo Đông Nam Á gần đây rằng không ai có quyền giảm bớt giá trị hay phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 bác bỏ các yêu sách rộng khắp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Theo ông Duterte, phán quyết năm 2016 được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, dựa trên Công ước Liên Hiêp Quốc về Luật Biển, đã trở thành "một phần của luật pháp quốc tế".

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Thượng đỉnh ASEAN nhấn mạnh đến đe dọa thánh chiến và thương mại (RFI, 28/04/2018)

Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 diễn ra ngày 28/04/2018 tại Singapore. Trong bài diễn văn khai mạc, thủ tướng nước chủ tịch luân phiên Lý Hiển Long nhấn mạnh đến mối đe dọa thật sự của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo mà Đông Nam Á đang phải đối mặt, dù lực lượng thánh chiến này thất bại ở Trung Đông.

asean11

Thượng đỉnh lần thứ 32 của ASEAN. Ảnh tại Singapore, ngày 28/04/2018. Reuters

Trước lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN, thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu : "Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, nhưng những mối đe dọa này là có thực. Chúng ta vừa phải kháng cự những mối đe dọa truyền thống, vừa phải đối phó những mối đe dọa không theo quy ước như khủng bố và tấn công mạng".

Chính vì vậy, trong bữa tối 27/04, trước phiên khai mạc chính thức, lãnh đạo của ASEAN đã quyết định tăng cường phối hợp trong lĩnh vực tấn công mạng. Theo AFP, lo ngại về các vụ tấn công tin học ngày càng tăng tại khu vực có nền kinh tế phát triển và công nghệ số tác động không ngừng trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thực hiện những vụ khủng bố đầu tiên tại Đông Nam Á vào năm 2016 bằng loạt tấn công ở Jakarta (4 người chết). Năm 2017, quân đội Philippines phải đối đầu với lực lượng thánh chiến thề trung thành với Daech ở Marawi.

Thủ tướng Singapore cũng cảnh báo về những rủi ro của bảo hộ mậu dịch và đánh giá căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là "đáng quan ngại". Vì vậy, theo ông Lý Hiển Long, ASEAN phải tăng cường hội nhập nền kinh tế của các nước thành viên và gia tăng hợp tác vì "nếu hành động đơn lẻ, các nước ASEAN sẽ khó có nhiều ảnh hưởng. Nhưng khi có tiếng nói chung, chúng ta có thể sẽ hiệu quả hơn".

Thu Hằng

**********************

Tổng thống Philippines khẳng định không hề từ bỏ phán quyết quốc tế về Biển Đông (RFI, 28/04/2018)

Bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN tại Singapore, chiều hôm qua, 27/04/2018, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp xúc song phương với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ngoài các vấn đề song phương, hồ sơ Biển Đông đã được hai bên đề cập đến.

asean12

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (t) và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội ngày 29/09/2016. Ảnh tư liệu. Reuters/Hoang Dinh Nam

Báo chí tại Philippines đã đặc biệt chú ý đến sự kiện hai lãnh đạo Việt Nam và Philippines đã đề cập đến phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Đây là văn kiện quốc tế, phủ nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và có lợi cho Philippines, nhưng đã bị ông Duterte gác qua một bên để tạo điều kiện làm ăn với Bắc Kinh.

Theo phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, Harry Roque, chính phía Việt Nam đã gợi đến phán quyết đó trong cuộc họp, và tổng thống Duterte đã xác định với lãnh đạo Việt Nam rằng Manila công nhận giá trị của phán quyết, và sẽ viện đến văn kiện đó vào thời điểm thích hợp.

Phát biểu với các phóng viên ở Singapore, nơi đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ông Roque nhấn mạnh rằng đối với tổng thống Philippines, điều đó có nghĩa là ông Duterte không hề "từ bỏ, không đếm xỉa tới hoặc gác sang một bên" một phán quyết mang tính bước ngoặt.

Tuyên bố của phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines là nhằm phản bác những lời chỉ trích nhắm vào ông Duterte, cho là ông đã bỏ qua vấn đề chủ quyền của đất nước để mưu cầu các lợi ích kinh tế từ phía Trung Quốc.

Phát ngôn viên của ông Duterte cho rằng việc tổng thống Philippines khẳng định trước một lãnh đạo ngoại quốc là ông không từ bỏ phán quyết về Biển Đông, điều đó chứng tỏ rằng ông rất quan tâm đến phán quyết đó.

Trọng Nghĩa

 

Published in Châu Á