Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhiều người dân Thái Lan và tổ chức xã hội đã tổ chức biểu tình phản đối việc Trung Quốc phá nổ trên sông Mekong.

"Mekong không phải để bán"

Tờ Bangkok Post của Thái Lan ngày 3/5 cho biết, kế hoạch thăm dò các thác ghềnh dọc sông Mekong trên địa phận Thái Lan của Trung Quốc nhằm dọn đường cho giao thông trên sông đang vấp phải phản đối quyết liệt từ người dân địa phương.

Người dân Thái Lan cho rằng kế hoạch trên không những hủy hoại môi trường sinh thái mà sẽ chỉ mang lại lợi nhuận thương mại cho Trung Quốc.

thai1

Đội nghiên cứu của Trung Quốc trên phần sông Mekong chảy qua địa phận Thái Lan

Ông Niwat Roykaew, Chủ tịch nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong tại Thái Lan cảnh báo sông Mekong sẽ "chết" và không thể phục hồi nếu Trung Quốc tiếp tục tham vọng thực hiện dự án "Một vành đai, một con đường" nhằm xây dựng con đường tơ lụa xuyên từ Châu Á đến Châu Âu.

"Đây sẽ là cái chết của sông Mekong. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể phục hồi nó", ông Niwat lo ngại.

Ông Niwat cũng cho rằng việc Trung Quốc nổ mìn trên sông Mekong sẽ phá hủy các cơ sở nuôi cá, ảnh hưởng tới các loài chim di cư đồng thời làm tăng lưu lượng nước dẫn tới hiện tượng xói mòn vùng đất ven sông.

Nhóm của ông Niwat đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch trên của Trung Quốc với khẩu hiệu "Mekong không phải để bán".

"Ở thời điểm hiện tại, họ chỉ nghĩ đến những con số tăng trưởng kinh tế mà không cân nhắc giá trị không thể tưởng tượng nổi của hệ thống sinh thái dành cho con người", ông Niwat nhấn mạnh.

thai2

Người dân Thái Lan biểu tình phản đối kế hoạch mở rộng sông Mekong của Trung Quốc

Trước đó, Second Harbour Consultants (SHC), công ty con của Tập đoàn Xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC) cho biết họ đang khảo sát sông Mekong trong bối cảnh Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan đang cân nhắc việc có đánh thuốc nổ để mở rộng dòng chảy hay không.

SHC trong một e-mail gửi đi cũng cho biết, họ đã tổ chức một số cuộc họp với người dân địa phương để "trao đổi, xây dựng sự tin tưởng và xóa bỏ nghi ngờ" về những nguy cơ có thể xảy ra khi tiến hành dự án.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không đưa ra bất cứ bình luận gì khi được hỏi về dự án này.

Kế hoạch Trung Quốc không dễ thực hiện

Cuối năm 2016, Trung Quốc đã phê duyệt Kế hoạch phát triển Giao thông quốc tế trên dòng Mekong - Lan thương đến năm 2025. Trong đó đề cập đến việc sử dụng chất nổ để giúp các thuyền có trọng tải 500 tấn đi lại được trên sông, từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đến Luang Prabang ở bắc Lào.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu trên, ngày 18/4, một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc đã bắt đầu cuộc khảo sát kéo dài 50 ngày với các thác ghềnh Khon Pi Long, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan, nằm trên sông Mekong.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xem xét 15 khu vực của các thác ghềnh, chiếm gần 100 km ở sông Mekong, bắt đầu từ Tam giác vàng, điểm nối biên giới của Thái Lan, Myanmar và Lào, tới Kaeng Pha Dai thuộc huyện Wiang Kaen, tỉnh Chiang Rai.

thai3

Người dân Thái Lan cho rằng kế hoạch của Trung Quốc sẽ gây ra nhiều tác động nguy hiểm về môi trường, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên

Ngay lập tức, 20 mạng lưới bảo vệ dòng Mekong đã ra tuyên bố nhằm ngăn chặn dự án của Trung Quốc.

Những đơn vị này lo ngại các vụ nổ mà Bắc Kinh dự định tiến hành có thể tác động xấu đến nguồn cá, đe doạ các loài quý hiếm và gây ra nhiều tác động tiêu cực khác.

Thậm chí ông Jeerasak Inthayos, điều phối viên của Nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong, còn tuyên bố nhóm này cùng các đối tác và người dân địa phương sẽ tổ chức biểu tình phản đối vào 28/4.

Theo quy định của chính phủ Thái Lan không được tụ tập nhóm từ 5 người trở lên tuy nhiên ông Narongsak Osotthanakorn, tỉnh trưởng Chiang Rai, vẫn cho phép người dân nơi đây có thể biểu tình tự do nhằm chống lại kế hoạch nổ mìn trên sông Mekong của Trung Quốc.

Ông Narongsak khẳng định, cuộc khảo sát trên mới ở giai đoạn đầu và còn cần phải có nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường đồng thời thông báo rộng rãi trước công chúng.

Ngoài ra, để thực hiện kế hoạch trên cần phải có các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar và Lào.

Trung Dũng

Published in Châu Á