Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tân Hoa Xã vào hôm 07/09/2022 cho biết thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi điện chúc mừng đến tân thủ tướng Anh Liz Truss vừa được bổ nhiệm trước đó một hôm. Thông điệp của phía Trung Quốc có phần khô khan, phản ánh mối ưu tư của Bắc Kinh trước khả năng quan hệ với Luân Đôn sẽ xấu đi thêm với một người nổi tiếng là "diều hâu", từng để lộ những quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc.

trunganh1

Tân thủ tướng Anh Liz Truss rời khỏi số 10 phố Downing, Luân Đôn, Anh Quốc, 08/09/2022. Reuters – Peter Nicholls

Nhận xét về tân thủ tướng Anh, hãng tin Anh Reuters (ngày 06/09) không ngần ngại đánh giá Liz Truss là "một trong những người chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ nhất" trên chính trường Anh hiện nay, coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vốn chi phối nền thương mại và ngoại giao sau Thế Chiến Thứ Hai, và tin tưởng rằng sứ mệnh của bà là xây dựng một bức tường thành chống lại mối đe dọa đó.

Kênh truyền hình Pháp France 24 (ngày 05/09) cũng cho rằng, so với người tiền nhiệm Boris Johnson, nữ thủ tướng Anh Liz Truss chủ trương một cách tiếp cận "diều hâu" hơn đối với Trung Quốc, và bà có thể công khai cho thấy điều đó với một quyết định mang tính biểu tượng : Chính thức tuyên bố Trung Quốc là một "mối đe dọa" (threat) đối với an ninh quốc gia Anh.

Giới thân cận với bà Truss đã tiết lộ với nhật báo Anh The Times (hôm 29/08) rằng bà sẽ làm điều này ngay sau khi lên làm thủ tướng, và giữa hai bên "sẽ không có thêm quan hệ đối tác kinh tế nào nữa".

Quan điểm cứng rắn của bà Truss đối với Trung Quốc thể hiện trên cả hai lĩnh vực, quân sự và kinh tế. Theo ghi nhận của France 24, tân thủ tướng Anh từng nhấn mạnh đến sự tương đồng giữa Nga và Trung Quốc, cũng như là giữa Ukraine và Đài Loan.

Bài học từ Ukraine đối với trường hợp Đài Loan

Tháng 6 vừa qua, trên một đài phát thanh, người sẽ trở thành nữ thủ tướng Anh cho rằng phương Tây cần "học những bài học của Ukraine", và lẽ ra nên "đảm bảo sao cho Ukraine có năng lực phòng thủ sớm hơn", để tạo ra được một "sức răn đe" đối với Nga. Do đó, theo bà Truss, "một cách tiếp cận tương tự" cần được thực hiện trong trường hợp Đài Loan.

Chuyên san Nhật Bản The Diplomat (ngày 05/09) nhắc lại, trong thời gian vận động tranh ghế lãnh đạo đảng Bảo Thủ, điều kiện cần thiết để lên làm thủ tướng Anh, bà Liz Truss đã nêu bật vấn đề Tân Cương và khẳng định rằng bà sẽ liệt những hành động tàn bạo của Trung Quốc ở Tân Cương là một tội ác diệt chủng.

Đối với The Diplomat, rất có thể đó chỉ là một chiêu bài vận động tranh cử, và đến khi lên làm lãnh đạo, bà Truss có thể sẽ không thực hiện được lời hứa này, vì lẽ tuyên bố có tội ác diệt chủng ở Tân Cương sẽ đặt Vương Quốc Anh vào tình thế tế nhị, do các quốc gia có nghĩa vụ trừng phạt tội ác diệt chủng khi nó được thực hiện, điều mà Luân Đôn khó có thể làm với Bắc Kinh.

Anh Quốc và cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Dẫu sao thì đối với The Diplomat, lập trường cứng rắn chống Trung Quốc của bà Liz Truss sẽ có hệ quả là Vương Quốc Anh năng nổ hơn trong việc can dự vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để hạn chế đà bành trướng của Bắc Kinh, thúc đẩy nhiều liên minh theo kiểu AUKUS hơn, hay là nỗ lực củng cố các nhóm khu vực có sẵn như Thỏa Thuận Phòng Thủ Ngũ Cường tập hợp 5 nước Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore.

Điều đó sẽ góp phần gia tăng sức ép trên Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh không mấy hài lòng, và chắc chắn sẽ tìm cách chống phá. Tờ báo diều hâu Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, đã cho thấy rõ điều này khi mô tả bà Truss là một người "dân túy cực đoan", và kêu gọi bà nên từ bỏ "tâm lý đế quốc lỗi thời". 

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á