Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quân cảng Ream ở Campuchia, theo ghi nhận từ dịch vụ vệ tinh Planet Labs đang ngày càng hoàn thiện, đủ sức cho tàu ngầm neo đậu đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu về an ninh khu vực. Cùng với đó, việc Trung Quốc chào bán tàu ngầm cho Indonesia và Thái Lan cũng khiến giới quan sát nghĩ đến một bức tranh rộng hơn trong chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng.

ream1

Phía nam căn cứ hải quân Ream đang dần hình thành những thiết bị cho phép tàu ngầm neo đậu. Hình chụp vệ tinh hồi tháng Sáu, 2024. Planet / RFA

Theo một số nhà nghiên cứu, các động thái này của Trung Quốc có hàm ý địa chính trị và quân sự không chỉ ở khu vực Vịnh Thái Lan, Đông Nam Á mà cả Đông Bắc Á mà tâm điểm là Đài Loan. 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sĩ về quân sự và an ninh tại Đại học Paris 2 Pantheon, cho rằng các nhà quan sát nên chú ý tới một khả năng khác là Trung Quốc chào bán tàu ngầm cho các nước Đông Nam Á không chỉ với mục tiêu tăng cường ảnh hưởng địa chính trị trong vùng mà còn với mục tiêu quân sự cụ thể. Ông nhắc lại vấn đề eo biển Đài Loan có độ sâu khá nông, không thuận lợi cho tác chiến tàu ngầm. Do đó, nếu Trung Quốc muốn đưa tàu ngầm vào tác chiến trong một chiến dịch tấn công Đài Loan trong tương lai, họ cần một khu vực biển nông tương tự để cho tàu ngầm luyện tập.   

Vì lý do đó, ông Trần Bằng cho rằng, nếu Trung Quốc phát triển được năng lực huấn luyện tác chiến ở vùng biển nông phía nam Biển Đông và vịnh Thái Lan thì tốt cho họ. Ngoài ra, nhắc lại việc Trung Quốc liên tục chào bán tàu ngầm cho Thái Lan, một nước ở Vịnh Thái Lan, rồi hiện nay, Trung Quốc lại chào bán cho Indonesia, một nước ở nam Biển Đông và cũng gần vịnh Thái Lan, nhà nghiên cứu Trần Bằng đặt ra giả thuyết, đó là Trung Quốc có thể ẩn giấu hoạt động huấn luyện cho hải quân của mình thông qua hoạt động huấn luyện cho các nước mua tàu ngầm của mình. Ông nói tiếp :   

"Vùng phía nam Biển Đông không sâu vì phù sa sông Mekong đổ ra đó. Ngay cả thời tiền sử thì có tài liệu nói vùng Indonesia ngày nay nối liền với Đông Nam Á lục địa, tức là sau này khi nước biển dâng lên thì nó vẫn là vùng biển nông. Khu vực rãnh biển giữa Biển Đông mới sâu chứ vùng phía nam Biển Đông và vịnh Thái Lan thì không sâu cho nên không dùng để tác chiến tàu ngầm được. Ngay cả khi Thái Lan trước đây định mua tàu ngầm Trung Quốc thì người Thái cũng có ý kiến đặt câu hỏi là Vịnh Thái Lan không dùng cho tàu ngầm được".

Tôi nghĩ rằng nếu có sử dụng tàu ngầm thì đó là một cách để cho Trung Quốc thực tập tàu ngầm tác chiến ở vùng biển nông. Họ muốn tránh bị soi mói, phát hiện. Họ muốn có một môi trường tương đối gần với eo biển Đài Loan để thực tập ở đó. Bây giờ giả sử Thái Lan, Indonesia, hay thậm chí Campuchia mua tàu ngầm Trung Quốc nhưng cho Trung Quốc thuê lại. Trung Quốc cứ thế sử dụng tàu ngầm với danh nghĩa tàu của Campuchia chẳng hạn. Họ sẽ tránh được sự soi mói việc Trung Quốc tập luyện tác chiến ở eo biển Đài Loan. Độ nông ở vịnh Thái Lan cũng tương đương eo biển Đài Loan. Mà ở đây thì Mỹ không đặt hệ thống theo dõi cảnh báo thường trực như ở Đài Loan, Hàn Quốc được". 

Về khả năng Trung Quốc bán tàu ngầm cho Indonesia rồi mượn tàu ngầm đó để tập trận trong khu vực biển nông như Vịnh Thái Lan hay eo biển Lompok của Indonesia, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khả năng đó là có, nhưng ít xảy ra vì rất khó thực hiện. Ông nói : 

"Điều đó có thể xảy ra nhưng không nhiều. Bây giờ những thông tin về vũ khí, quốc phòng, mua tàu của ai, mặc dù ai cũng muốn giữ kín nhưng khó bí mật. Ngay cả bộ trưởng quốc phòng Việt Nam cũng từng nói là mặc dù Việt Nam không công bố nhưng báo chí nước ngoài cũng đăng hết việc Việt Nam mua cái gì, như thế nào. Với Trung Quốc cũng vậy thôi. Nếu Trung Quốc bán tàu ngầm cho Thái Lan, Indonesia rồi sau đó sử dụng lại thì các quốc gia khác cũng nhanh chóng phát hiện ra chứ không dễ gì giữ bí mật được". 

Các nhà quan sát hiện nay đang chú ý tới giả thuyết tàu ngầm có thể hiện diện ở Vịnh Thái Lan với quân cảng Ream. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Sydney, một khi quân cảng Ream được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nguy cơ trước mắt chưa phải là tàu ngầm mà là sự hiện diện của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong khu vực Vịnh Thái Lan. Ông nói : 

"Về việc cái âu tàu có thể sử dụng cho tàu ngầm, ngoài điều nhà nghiên cứu Trần Bằng đã nói thì tôi muốn bổ sung một ý nữa là cái âu tàu đó bên cạnh dùng cho hải quân, nó có thể dùng cho tàu hải cảnh Trung Quốc. 

Trong thời điểm hiện tại, kịch bản chiến tranh tuy có nhưng hiện các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines lo ngại nhiều hơn là sự hiện diện của hải cảnh, tức là chấp pháp biển, chứ không phải hải quân. Quân cảng Ream giúp cho Trung Quốc đưa hải cảnh hiện diện nhiều hơn ở Vịnh Thái Lan và eo biển Malacca. 

Đối với Việt Nam thì hải cảnh là mối đe dọa nhãn tiền, hơn là việc tàu ngầm xuất hiện, ở thời điểm hiện tại". 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý với nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương về nguy cơ lực lượng chấp pháp biển của Trung Quốc sẽ hiện diện ở Vịnh Thái Lan trong tương lai, khi quân cảng Ream hoàn thiện. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng đặt vấn đề là hải cảnh Trung Quốc không đi một mình mà phải đi theo đội hình rộng lớn hơn thì mới gây sức ép thực sự lên các quốc gia láng giềng. Ông nói : 

"Về vấn đề hải cảnh Trung Quốc thì tôi chưa hiểu là họ xuống vùng Vịnh Thái Lan thì sẽ thế nào. Nếu Trung Quốc dùng chiến thuật vùng xám thì phải dùng ba lớp : tàu cá, hải cảnh và hải quân. Còn nếu chỉ một mình hải cảnh thì chưa phải là vấn đề".

Ông Hoàng Việt nhấn mạnh, quân cảng Ream với quy mô xây dựng như hiện nay đã đủ để tàu hải quân, hải cảnh, tàu ngầm đóng quân. Đương nhiên, tàu cá cũng có thể ở đó hoặc ở cảng Sihanoukville gần đó. Đối với khả năng Trung Quốc triển khai cả tàu cá xuống Vịnh Thái Lan để phối hợp với tàu hải quân, hải cảnh, ông Hoàng Việt cho rằng khả năng đó là có thể xảy ra trong tương lai. Bởi vì tàu cá Trung Quốc đã đi tới tận Nam Mỹ, Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nếu họ hiện diện ở Vịnh Thái Lan thì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực và sẽ bị phản đối. Việt Nam, Thái Lan thậm chí Campuchia cũng sẽ không dễ gì chấp nhận lợi ích của mình bị thiệt hại.    

Nguồn : RFA, 16/08/2024

Published in Châu Á

Theo RFA ghi nhận từ dịch vụ vệ tinh Planet Labs hồi tháng sáu, quân cảng Ream ở Campuchia xuất hiện một âu tàu dài khoảng 140 mét, cùng đường nối vào cảng, một cầu tàu dài 270 mét ở phía nam quân cảng. Ông Thomas Shugart, một cựu sĩ quan tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ và là chuyên gia an ninh ở Trung tâm An ninh Mỹ mới (Center for New American Security), cho biết "140 mét là quá ngắn cho các tàu lớn của hải quân Trung Quốc, nhưng đúng kích thước cho tàu ngầm".

ream1

Một âu tàu phù hợp cho tàu ngầm đang được hoàn thành ở quân cảng Ream của Campuchia, qua ảnh chụp vệ tinh hôm 14/6/2024 - Planet Labs / RFA

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sĩ về quân sự và an ninh tại Đại học Paris 2 Pantheon, và ông Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Sydney đều cho rằng ý tưởng của ông Thomas Shugart về cái âu tàu của Campuchia là rất quan trọng. 

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của World Fish Center, độ sâu trung bình của Vịnh Thái Lan chỉ là 58 mét, chỗ sâu nhất là 85 mét. Đây là độ sâu không phù hợp cho tàu ngầm. Do đó, theo hai nhà nghiên cứu Trần Bằng và Nguyễn Thế Phương, các nhà quan sát cần nhìn xa hơn Vịnh Thái Lan để phân tích mục tiêu của Trung Quốc. 

Dùng cho Campuchia hay Trung Quốc ?

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Trần Bằng cho biết âu tàu có chức năng phục vụ hậu cần, sửa chữa, neo đậu. Một quốc gia có hải quân buộc lòng phải có cơ sở hậu cần. Vấn đề cần đặt ra là cái âu tàu đó phục vụ cho cái gì. Theo ông Trần Bằng, đúng là cái âu tàu 140 mét quá ngắn để cho các tàu lớn của hải quân Trung Quốc, nhưng vẫn còn khả năng nó phục vụ cho các tàu nhỏ của Campuchia. Ông nói về hai kịch bản mà âu tàu có thể được sử dụng :

"Gần đây, truyền thông quốc tế nói về việc hai con tàu lớp 56 (Type 56) neo đậu dài ngày ở quân cảng Ream. Có quan chức Campuchia nói nước này dự định mua vài con tàu như vậy và Trung Quốc gửi tàu tới là để huấn luyện trước. Vì vậy tôi nghĩ có thể Campuchia cũng cần một hệ thống hậu cần dành cho tàu thật. 

Tuy nhiên, vẫn còn kịch bản thứ hai là quân cảng này cũng dùng cho cả Trung Quốc nữa. Nhìn cách Trung Quốc và Campuchia hợp tác quân sự thì không thể không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng quân cảng này. Nếu không phải căn cứ thì cũng là cơ sở lưu trú, tiếp liệu, phục vụ cho hoạt động dài ngày. 

Bây giờ mình xem xét các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông thì thấy chúng đang nằm theo trục dọc, tức là trục bắc nam. Nếu họ có thêm căn cứ theo trục đông tây thì tốt hơn cho họ".

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, đó chỉ là kế hoạch tương lai của Campuchia. Khả năng quân cảng Ream cùng các cơ sở thiết bị của nó được dùng cho các mục tiêu quân sự của Trung Quốc thì cao hơn nhiều. Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cũng nhận xét rằng quân cảng Ream cũng có thể không chỉ dùng cho Trung Quốc mà còn được dùng cho chính Campuchia. Campuchia có một kế hoạch hiện đại hóa hải quân rất tham vọng. Ông Nguyễn Thế Phương cho biết cách đây nhiều năm thì đã nhiều luồng thông tin cho biết Campuchia muốn mua một số tàu hải quân Type 56 của Trung Quốc. Và tàu hải quân Type 56 thì cũng phù hợp với âu tàu 140 mét đang được hoàn thiện ở quân cảng Ream mà ông Thomas Shugart nói đến. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Phương, các nhà quan sát sẽ không chỉ nhìn vào bản thân cái âu tàu mà đặt nó trong tổng thể cả quân cảng Ream. Khi đó, người ta lại thấy quân cảng này quá lớn so với nhu cầu của hải quân Campuchia. Ông nói tiếp : 

"Cái âu tàu của quân cảng đó là khoảng 140 mét. Nhưng vấn đề của cả cái quân cảng đó là gì ? Nếu chúng ta xét năng lực hải quân của Campuchia thì nhiều chuyên gia nói Campuchia chưa cần đến một quân cảng như vậy. Do đó, nhiều học giả cho rằng quân cảng đó được xây dựng cho nước khác chứ không phải cho một lực lượng hải quân còn yếu như Campuchia. Và nước khác đó ở đây là Trung Quốc. 

Vấn đề là người ta đã thấy hai tàu Trung Quốc đậu ở đó từ lâu rồi. Theo một số nguồn tin thì Mỹ và Nhật Bản đã từng yêu cầu được ghé qua Ream nhưng Campuchia từ chối. 

Việc Campuchia mở rộng quân cảng ream rõ ràng phục vụ cho một sự hợp tác sâu hơn giữa Campuchia và Trung Quốc. Trung Quốc sẽ sử dụng quân cảng này cho nhiều mục đích khác nhau. Campuchia cũng sẽ sử dụng nhưng năng lực của Campuchia không đủ để phải cần đến quân cảng lớn như vậy. Rõ ràng bên sử dụng nhiều nhất vẫn là Trung Quốc. Đó là điều bị nghi ngờ nhiều nhất". 

Vịnh Thái Lan không phù hợp cho tàu ngầm 

Nhà nghiên cứu Trần Bằng cho biết tàu ngầm có "một sức mạnh rất đáng kinh hãi" vì nó có thể tiếp cận đối phương bí mật. Nhưng nó cũng có điểm yếu là một khi đã bị phát hiện thì nó sẽ chết chứ khó mà sống sót. Vì tốc độ của tàu ngầm rất chậm. Tầu ngầm có thể di chuyển ở vùng nước nông như Vịnh Thái Lan, nhưng muốn sống sót, tàu ngầm cần di chuyển ở vùng nước sâu, để có thể lặn xuống nhanh, để tránh được các loại tên lửa, bom ngầm tấn công. Ông nói :

"Có một chuyên gia hải quân từng nói với tôi là đối với tàu ngầm thì chúng ta cứ căn cứ vào chiều dài của nó để xác định chiều sâu của vùng nước cần thiết. Nếu chiếc tàu ngầm dài 100 mét thì nó cũng cần 100 mét nước sâu để có thể di chuyển tốt. 

Không có một tài liệu chính thức nào nói một tàu ngầm dài bao nhiêu mét thì phải hoạt động ở vùng nước sâu bao nhiêu. Tuy nhiên, có hai vấn đề sau đây về độ sâu của nước đối với tàu ngầm. 

Trong những cuốn sách vỡ lòng về tàu ngầm thì họ nói rằng vùng nước nông gây nhiều khó khăn cho tàu ngầm. Vì vùng nước nông phức tạp về độ mặt, dòng chảy thay đổi lung tung, phản xạ âm thanh bị ảnh hưởng bởi đáy biển nên rất khó cho tàu ngầm bắt tín hiệu. 

Ngoài ra, ở vùng nước nông thì tàu khó di chuyển. Nếu lên cao quá thì dễ bị nổi, bị phát hiện, xuống sâu hơn thì dễ bị chạm đáy biển, cũng nguy hiểm cho tàu ngầm. Ngoài ra, đáy biển không phải là một mặt phẳng mà lồi lõm, có nhiều bùn, cát, nhiều loại sinh vật dây dợ, cho nên nếu bị dây dợ cuốn vào chân vịt tàu ngầm thì tàu gặp nguy hiểm ngay". 

Với các vấn đề về kỹ thuật và địa lý như trên, liệu tàu ngầm có thể tác chiến ở vùng biển nông như phía nam Biển Đông và Vịnh Thái Lan ? Nhà nghiên cứu Trần Bằng cho biết : 

"Có một tài liệu của Pháp đã nói rõ là khu vực phía nam Biển Đông thì gần như vô dụng với tàu ngầm. Gần đây có vụ Úc theo dõi một con tàu ngầm Trung Quốc đi qua eo biển Lumpox và Sunda của Indonesia. Đó là eo biển sâu, thuận tiện cho tàu ngầm đi qua. Tàu ngầm rất ít khi đi qua eo biển Malacca, vì tàu mặt nước quá nhiều, không tiện cho tàu ngầm. 

Còn vịnh Cam Ranh của Việt Nam thì rất thuận tiện cho tàu ngầm vì chiều sâu của nó khoảng 100 mét nhưng chỉ cần ra khỏi vịnh là gặp ngay vùng biển sâu, có chỗ lên đến hàng ngàn mét. 

Ở Vịnh Thái Lan thì tàu ngầm gần như hoặc là nằm sát dưới bụng biển, là nổi lập lờ gần mặt nước. Ngược lại, vịnh Cam Ranh giúp cho tàu ngầm có lợi thế là chỉ cần thoát ra khoảng 50 km là gặp vùng nước sâu, an toàn cho tàu ngầm".

Luyện binh cho eo biển Đài Loan ?

Trở lại vấn đề chiều sâu của Vịnh Thái Lan, cả hai ông Trần Bằng và Nguyễn Thế Phương cho rằng đây là một dấu hỏi lớn cho cái âu tàu vừa khít để phục vụ cho tàu ngầm đang được hoàn thiện ở quân cảng Ream. Cả hai đều đồng tình với phân tích của ông Thomas Shugart, một cựu sĩ quan tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ, về việc âu tàu mới này có thể phục vụ cho tàu ngầm. Tuy nhiên, Vịnh Thái Lan là vùng vịnh có chiều sâu khá nông, trung bình chỉ 58 mét, chỗ sâu nhất là 85 mét. Do đó, nó không phù hợp cho tác chiến tàu ngầm. 

Ông Trần Bằng đặt vấn đề tại sao quân cảng Ream lại cần đến âu tàu có thể phục vụ cho tàu ngầm, trong khi Vịnh Thái Lan lại nông như vậy ? Giả thuyết ông đặt ra là cần nhìn lại eo biển Đài Loan. Ông chỉ ra là eo biển Đài Loan cũng khá nông, độ sâu trung bình khoảng 59 - 60 mét, tương đương với Vịnh Thái Lan. Theo ông, đây chính là điểm mấu chốt để hiểu vì sao Trung Quốc xây dựng một âu tàu "đúng kích thước cho tàu ngầm" ở Ream, như ông Thomas Shugart đã chỉ ra. Trung Quốc nếu muốn đưa lực lượng tàu ngầm tham gia vào cuộc tấn công Đài Loan trong tương lai, ông Trần Bằng phân tích, họ cần cần một vùng nước nông tương tự eo biển Đài Loan và không bị giám sát, để có thể luyện quân. Ông nói :

"Bây giờ nếu mình đặt giả thuyết Trung Quốc có nhu cầu phải phát triển năng lực tác chiến hải quân ở vùng biển nông. Nếu xét về năng lực hoạt động hải quân ở vùng biển nông thì vùng eo biển Đài Loan và vùng phía nam Biển Đông là hai khu vực mà Trung Quốc cần tăng cường, củng cố. 

Nếu họ huấn luyện hải quân ở vùng eo biển Đài Loan thì rất dễ bị theo dõi. Còn nếu họ huấn luyện ở vùng phía nam biển Đông với các căn cứ ở Trường Sa và vịnh Thái Lan với căn cứ Ream của Campuchia thì họ dễ che mắt hơn. 

Ở eo biển Đài Loan và khu vực Đông Bắc Á, hệ thống giám sát biển của Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật thì rất mạnh. Trong khi đó, ở khu vực phía nam biển Đông và vịnh Thái Lan thì hệ thống giám sát của các nước Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam khá yếu. Mặt khác, vì các nước Đông Nam Á này không phải là đồng minh nên Mỹ không thể đặt hệ thống giám sát ở nam Biển Đông và vịnh Thái Lan như họ đặt ở Nhật, Hàn, Đài Loan và cả Philippines".

Năng lực chống ngầm yếu kém của Đông Nam Á 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cũng đồng ý với góc nhìn của ông Trần Bằng. Theo ông Nguyễn Thế Phương, có những tài liệu mô tả độ sâu của Vịnh Thái Lan thực tế chỉ sâu tầm 40 mét đến 50 mét. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể vẫn muốn đưa tàu ngầm đến đó. Ông Nguyễn Thế Phương giải thích : 

"Tàu ngầm về mặt lý thuyết có thể hoạt động ở vùng nước nông. Vấn đề là Hoa Kỳ có năng lực chống ngầm mạnh. Trong khi đó, các nước xung quanh vịnh Thái Lan không sở hữu năng lực phát hiện tàu ngầm và chống tàu ngầm mạnh. 

Đặc biệt, khu vực biển Việt Nam được định danh là Vùng 5 hải quân là khu vực yếu. Vùng 5 hải quân phụ trách bảo vệ các đảo từ Thổ Chu tới Phú Quốc. Hiện nay, các năng lực chống ngầm mạnh nhất của Việt Nam được bố trí ở khu vực Vùng 3 và Vùng 4 hải quân, là hai vùng đối mặt với Hoàng Sa và Trường Sa, chứ không phải Vùng 5". 

Theo hai nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương và Trần Bằng, khả năng Trung Quốc đưa tàu ngầm đến Ream mới chỉ là giả thuyết về tương lai. Tuy vậy, theo họ, những diễn biến mới ở quân cảng Ream làm cho các nước xung quanh Vịnh Thái Lan, đặc biệt là Việt Nam, cần tiếp tục theo dõi và đánh giá lại chiến lược an ninh nói chung cũng như bố trí quốc phòng nói riêng nếu cần thiết. 

Nguồn : RFA, 02/07/2024

Published in Châu Á

Liệu Việt Nam sẽ thúc đẩy tầm nhìn FOIP ?

Đinh Hoàng Thắng, RFA, 07/10/2020

Tháng 10 này có hai sự kiện ngoại giao nổi bật ở Đông Á và Đông Nam Á. Ngày 6/10 vừa qua, một cuộc họp cấp ngoại trưởng của nhóm "Bộ Tứ" đã diễn ra tại tại Tokyo. Ngày 28 và 29/10 sắp tới, "Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương" thường niên lần thứ 3 (IPBF-3) sẽ diễn ra tại Hà Nội, với sự đồng tổ chức của hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, đặc biệt là vào ngày 3/10 vừa qua, nguồn tin từ Nhật Bản xác nhận rằng chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ một dự án mở rộng cảng và phát triển một cơ sở sửa chữa tàu tại căn cứ Ream, Campuchia bên Vịnh Thái Lan. Mối hoài nghi lâu nay của giới chuyên gia, cho rằng Campuchia đang tiếp tay cho Trung Quốc để bao vây Việt Nam dường như đã trở thành hiện thực. Để thoát khỏi tình thế "tứ bề thọ địch" này, liệu Việt Nam có thúc đẩy sáng kiến xây dựng một cấu trúc an ninh tập thể trong khu vực, mà "Tầm nhìn Ấn Thái Dương tự do và rộng mở" (Free and Open Indo-Pacific Strategy- FOIP) là một mô thức được bàn thảo nhiều nhất trong những năm gần đây ?

foip1

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (thứ 2 bên phải), Cố vấn đặc biệt Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Tatsuo Terzawa (thứ 2 bên trái) và thứ trưởng phụ trách phát triển kinh tế, năng lượng và môi trưởng Mỹ Keith Krach (phải) bắt tay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Indo Pacific ở Bangkok hôm 4/11/2019 - AFP

Để đối phó với Trung Quốc

Cuộc họp đầu tiên cấp ngoại trưởng của nhóm "Bộ Tứ" được tổ chức tại New York, Mỹ vào tháng 9/2019. Lý do lúc bấy giờ được viện dẫn cho sự ra đời của cơ chế này sau khi chiến lược Ấn Thái Dương (Indo-Pacific) được công bố tại Đà Nẵng, Việt Nam (tháng 11/2018) là nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc thông qua việc kiềm chế chính sách đối ngoại và các hoạt động quân sự của Bắc Kinh trong khu vực. Những tuần, những tháng gần đây, giới nghiên cứu không nói nhiều về "cuộc chiến tranh Lạnh mới" hoặc "hậu-chiến tranh Lạnh" nữa, bởi vì nguy cơ một cuộc "chiến tranh nóng" trong khu vực ngày càng hiện hữu. Đài Loan và Biển Đông là hai địa danh được nhắc đến nhiều nhất. Những gì diễn ra từ nay đến cuối năm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ với các nước trong không gian Ấn Thái Dương được giới quan sát cho là sẽ ảnh hưởng đến "Trật tự Thế giới" trong vòng nhiều thập kỷ tới. Phải chăng vì thế mà Việt Nam, sau thời gian dài thận trọng xem xét, nay đang có các biểu hiện cụ thể hơn để hưởng ứng đối với hai trong số các trụ cột của chiến lược "Ấn Thái Dương tự do và rộng mở" (FOIP) – trụ cột an ninh và trụ cột kinh tế.

Cuộc họp "Bộ Tứ" lần này là vòng đàm phán thứ hai của Mỹ, Úc, Nhật và Ấn, diễn ra trong bối cảnh cả bốn nước đang tìm cách tạo lập mặt trận thống nhất để đối phó với một Trung Quốc ngày càng lấn lướt. Trước khi rời Hoa Kỳ, ông Pompeo đã không úp mở tuyên bố rằng cuộc gặp là "điều mà chúng tôi đã lên lịch để thực hiện bấy lâu nay". Quan hệ song phương Mỹ - Trung trong những tháng gần đây đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Điều này khiến Washington đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh trong khu vực. Nhóm "Bộ Tứ" gồm đại diện bởi các Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu của Nhật Bản, Marise Payne của Úc và Subrahmanyam Jaishankar của Ấn Độ được cho là đã thảo luận về các vấn đề bao gồm đại dịch Covid-19 và an ninh mạng. "Hy vọng sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác để thúc đẩy tầm nhìn chung của chúng ta về một ‘Ấn Thái Dương tự do và rông mở’ (FOIP), bao gồm các quốc gia độc lập, mạnh và thịnh vượng", ông Pompeo viết trên Twitter khi rời Hoa Kỳ.

foip2

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Úc Marise Payne, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi tại Tokyo trong cuộc họp Bộ Tứ hôm 6/10/2020 - Reuters

Tuy nhiên, khi Bắc Kinh phản đối chính thức về "Bộ Tứ", thì các thành viên lại cho biết, các "quan hệ đối tác chiến lược" của họ chỉ nhằm duy trì an ninh khu vực và không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. "Bộ Tứ" sau năm đầu bị mất đà và chỉ được tái nhóm trở lại gần đây. Tại sao "Bộ Tứ" tái ngộ vào lúc này ? Cuộc gặp lần thứ hai này diễn ra vào thời điểm Mỹ, Ấn và Úc đều nhận thấy căng thẳng gia tăng trong quan hệ của họ với Trung Quốc. Kể từ năm 2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có một cuộc chiến thương mại gay gắt và trong những tháng gần đây, họ đã xung đột về nhiều vấn đề bao gồm bắt giữ gián điệp, đại dịch Covid-19 và bác thị thực du học sinh Trung Quốc. Mối quan hệ của Úc với Trung Quốc cũng đang xấu đi. Vào tháng 9, hai phóng viên cuối cùng làm việc tại Trung Quốc cho truyền thông Úc đã phải sơ tán sau 5 ngày căng thẳng ngoại giao. Căng thẳng Trung Ấn xảy ra sau các đụng độ biên giới gần đây. Alexander Neill, một phân tích gia an ninh Châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Singapore cho rằng, mấu chốt thực sự cho động lực mới của "Bộ Tứ" lần này chính là việc Ấn Độ đồng ý tích cực tham gia.

"Diễn đàn doanh nghiệp" lần thứ 3

Một tháng trước đây, ngày 6/9/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo : "Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương" thường niên lần thứ 3 (IPBF-3) sẽ diễn ra tại Hà Nội vào các ngày 28 và 29/10 tới đây, dưới sự phối hợp tổ chức của chính phủ Mỹ, Chính phủ Việt Nam, Phòng Thương mại Mỹ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN. Theo thông báo từ Washington, Diễn đàn sẽ thúc đẩy tầm nhìn cho không gian Ấn Thái Dương như là một khu vực tự do và rộng mở đối với các quốc gia độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng. Diễn đàn được cho sẽ tiếp tục thúc đẩy các giá trị của đầu tư tiêu chuẩn cao, minh bạch, thượng tôn pháp luật và phát triển kinh tế dựa vào khu vực tư nhân. Tại diễn đàn thường niên lần thứ hai, IPBF-2 hồi 4/11/2019 ở Bangkok, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dẫn đầu đoàn doanh nghiệp của Hoa Kỳ tham dự với nhiệm vụ ủng hộ các mục tiêu của Tổng thống Trump trong việc đẩy mạnh hoạt động thương mại của Mỹ trong khu vực, thúc đẩy các cơ hội xuất khẩu tạo việc làm cho các công ty Mỹ và đáp ứng các nhu cầu về phát triển kinh tế. Còn IPBF-1 diễn ra ở Washington, DC ngày 30/7/2018, được xem là trụ cột kinh tế trong chiến lược của chính quyền Trump đối với khu vực đại diện hơn một nửa dân số thế giới và một nửa kinh tế toàn cầu, đồng thời là công cụ để mở rộng vai trò của Mỹ đối với khu vực này thông qua đầu tư và tăng cường xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của các công ty Mỹ.

Tại IPBF-3 tới đây, Hoa Kỳ sẽ công bố các sáng kiến và khoản đầu tư mới tại Ấn Thái Dương tại diễn đàn doanh nghiệp khu vực do Chính phủ Mỹ cùng hợp tác với Chính phủ Việt Nam tổ chức vào cuối tháng tới tại Hà Nội. Lãnh đạo chính phủ và các doanh nghiệp của Mỹ, Việt Nam và trên toàn khu vực Ấn Thái Dương sẽ thảo luận các vấn đề như năng lượng và cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật số, kết nối thị trường, y tế và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, cũng như cơ hội xây dựng quan hệ đối tác và thương mại giữa Mỹ với khu vực Ấn Thái Dương, qua hình thức trực tuyến. Diễn đàn sẽ giới thiệu các khoản đầu tư có ảnh hưởng lớn của khu vực tư nhân và các nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ cạnh tranh thị trường, tăng trưởng việc làm và phát triển tiêu chuẩn cao vì sự thịnh vượng hơn nữa ở Ấn Thái Dương. Theo giới chuyên gia, "Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Thái Dương" do Mỹ khởi xướng nhằm để đối trọng với "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối ba Châu lục – gồm Châu Á, Châu Âu và Châu Phi – với quy mô khổng lồ.

Thế "gân gà" của Việt Nam

Theo Giám đốc Nhóm Nghiên cứu về Châu Á từ Đại học Temple, Nhật Bản Jeff Kingston, sẽ có một số thách thức đối với "Bố Tứ" cũng như sáng kiến liên quan đến IPFB. Đối phó với các mối đe doạ của Trung Quốc không đồng nghĩa với việc các nước có chung quan điểm về những gì cần phải làm để có thể xây dựng "Bố Tứ" thành một cơ cấu như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy Mỹ và Úc chắc chắn ủng hộ ý tưởng này, nhưng Nhật Bản và Ấn Độ đang có một số bảo lưu. Riêng các nước ASEAN, trong đó có Việt nam, việc biến "Bố Tứ" thành một tổ chức an ninh tập thể để đối phó với Trung Quốc sẽ buộc các chính phủ phải chọn bên. Mà "chọn bên" là điều bất khả hiện nay, không chỉ đối với Việt Nam. Về phần mình, Trung Quốc đã chỉ trích "Bố Tứ" là một nỗ lực được che đậy nhằm kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui gọi nhóm này là một NATO thu nhỏ (mini NATO).

foip3

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu tại một hội nghị do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức ở Hà Nội hôm 8/11/2019 AFP

Vì những lẽ trên, các nhà quan sát dường như có phần bất ngờ khi Thiếu tướng Công an Đỗ Lê Chi – Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, thuộc Tổng cục Tình báo – đã trả lời công khai trên báo chí trong nước về khả năng hình thành một liên minh quân sự "NATO ở Đông Nam Á" và vai trò của Việt Nam trong liên minh khu vực ấy. Theo TS. Đỗ Lê Chi, vấn đề không phải là có nên tham gia hay là không, mà vấn đề là Việt Nam cần chủ động thúc đẩy việc hình thành một tổ chức an ninh đa phương, ràng buộc tại khu vực, vì lợi ích của tất cả các bên. Chúng ta lâu nay vẫn luôn có chủ trương chủ động hội nhập, nhưng có những lúc ta còn bị động. Các nước lớn triển khai chính sách mà mình cứ phải cân đong đo đếm là có tham gia hay là không. Điều đó cho thấy vai trò chủ động của chúng ta chưa phải là cao. Theo ông Cục trưởng, việc hình thành các hiệp ước, khối an ninh hay thỏa thuận quân sự có tính đa phương và ràng buộc xuất phát từ nhu cầu bảo đảm lợi ích kinh tế, chính trị của các quốc gia. Nếu nhìn vào lịch sử thì sự ra đời của NATO hay một số tổ chức an ninh, quân sự đa phương đều có những lý do để kiểm soát tình hình ở những điểm nóng.

Vì vậy, tướng Đỗ Lê Chi cho rằng, trước sau gì thì một tổ chức an ninh đa phương của khu vực, có tính ràng buộc sẽ phải ra đời và đó chính là lợi ích quốc gia của Việt Nam, của ASEAN và chúng ta cần phải sớm tính toán cách thức phù hợp để thúc đẩy nó. Nhưng liệu chính sách của Chính phủ Việt Nam có thực sự thúc đẩy tầm nhìn FOIP ? Về trụ cột kinh tế, câu trả lời có thể là "yes". Diễn đàn IPFB lần 3 là minh chứng rõ ràng. Nhưng về trụ cột an ninh, nhất là trong chiều kích "ngăn chặn" (containtment) Trung Quốc, câu trả lời nhiều khả năng sẽ là "no" hoặc "not yet". Trong khi đó "Bộ Tứ" khuyến khích Việt Nam trở thành thành viên "theo sát" của FOIP (shadow member). Hơn nữa, giữa các trụ cột của FOIP, ranh giới không phải lúc nào cũng rạch ròi. Mùa hè vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố Mỹ đang thúc đẩy xây dựng một "Mạng lưới thịnh vượng kinh tế", với sự tham gia của Việt Nam. Mạng lưới này được hình thành trên nền tảng "Bộ Tứ", được Washington xem như điểm nhấn quan trọng trong chính sách thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu thời hậu Covid-19. Vậy làm thế nào để hoá giải thế "gân gà" của Việt Nam ? Câu trả lời đành mượn từ "Tam quốc diễn nghĩa" : Xem hồi sau sẽ rõ.

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : RFA, 07/10/2020

***********************

Cam Bốt mở rộng căn cứ Ream cho Hải Quân Trung Quốc sử dụng ?

Trọng Nghĩa, RFI, 06/10/2020

Phải chăng nỗi lo ngại của Mỹ về khả năng Cam Bốt cho quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream nhìn ra Vịnh Thái Lan đang biến thành hiện thực. Trước mắt chính quyền Phnom Penh tiếp tục phủ nhận việc sẽ cho Bắc Kinh dùng cơ sở đó, nhưng theo điều tra của tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review, thì Cam Bốt đang chuẩn bị mở rộng căn cứ Ream, đặc biệt với sự trợ lực của Trung Quốc.

foip4

Ảnh tư liệu chụp ngày 26/07/2019 : Chiến hạm Cam Bốt neo đậu tại Căn Cứ Hải Quân Ream, gần Sihanoukville, miền tây nam Cam Bốt.  AP - Heng Sinith

Trong một bài viết ngày 03/10/2020, tạp chí Nhật Bản đã trích lời một sĩ quan hàng đầu của Hải Quân Cam Bốt hôm thứ Bảy 03/10 vừa qua xác nhận rằng chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ một dự án mở rộng cảng và phát triển một cơ sở sửa chữa tàu tại căn cứ Ream bên Vịnh Thái Lan.

Bắc Kinh sẽ xây dựng một cảng nước sâu tại căn cứ Ream

Theo phó đô đốc Vann Bunlieng, phó tư lệnh kiêm tổng tham mưu trưởng lực lượng Hải Quân Cam Bốt, trong dự án, có kế hoạch nạo vét để làm sâu thêm vùng biển xung quanh căn cứ, nơi hiện chỉ có thể tiếp nhận các loại tàu nhỏ. Bắc Kinh sẽ giúp Phnom Penh xây dựng một hải cảng và một cơ sở sửa chữa các loại tàu của Cam Bốt.

Đối với ông Bunlieng, các cơ sở mới sẽ giúp Cam Bốt tiết kiệm chi phí sửa chữa tàu nếu nước này mua được các loại tàu lớn hơn. Nhân vật này cho biết các cơ sở mới cũng có thể được sử dụng để phục vụ tàu tư nhân nhằm tạo ra doanh thu.

Tổng tham mưu trưởng Hải Quân Cam Bốt một lần nữa đã lên tiếng bác bỏ các thông tin báo chí theo đó căn cứ Hải Quân Ream sẽ được quân đội Trung Quốc sử dụng. Trước đó, cả thủ tướng Cam Bốt Hun Sen lẫn các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận thông tin này.

Giấu đầu lòi đuôi

Theo Nikkei Asian Review, kế hoạch nâng cấp căn cứ Ream với sự giúp đỡ của Trung Quốc đã từng được Tập đoàn Luyện Kim Trung Quốc, một doanh nghiệp Nhà nước trụ sở ở Bắc Kinh, công bố trên trang web của họ.

Bản kế hoạch này sau đó đã bị gỡ xuống nhưng dựa theo phiên bản được lưu trữ trong bộ nhớ cache, tập đoàn này cho biết là vào tháng 6 năm 2016 họ đã ký một "thỏa thuận khung về hợp tác" với các cơ quan quốc phòng Cam Bốt cho một "Dự án mở rộng cảng".

Đi sâu vào chi tiết, dự án mở rộng "căn cứ quân sự hải quân" này bao gồm việc bổ sung một ụ tàu khô 5.000 tấn và đường trượt cơ khí bên hông 1.500 tấn, cùng với việc xây dựng một cầu tàu, một xưởng sửa chữa và bồi đắp thêm 7,4 ha đất.

Tình trạng hiện thời của thỏa thuận này chưa được biết, và phó đô đốc Bunlieng đã từ chối cho biết công ty nào có liên quan đến dự án mà chuyển câu hỏi lên bộ Quốc Phòng. Cả bộ trưởng Quốc Phòng Tea Banh và phát ngôn viên của bộ này trước mắt chưa thấy trả lời.

Đuổi Mỹ để đón Trung Quốc ?

Tin tức về việc Trung Quốc đứng ra "giúp đỡ" Cam Bốt mở rộng căn cứ Hải Quân Ream xuất hiện đúng vào lúc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington công bố một số ảnh vệ tinh mới cho thấy một tòa nhà trong căn cứ Ream do Mỹ tài trợ để xây dựng cho Hải Quân Cam Bốt đã bị phá hủy vào tháng 9.

Trong bài phân tích kèm theo các bức ảnh công bố hôm 02/10, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc CSIS ghi nhận : "Tòa nhà là một trong số các cơ sở do Hoa Kỳ tài trợ nằm bên trong căn cứ được cho là sẽ bị dời đi nơi khác sau khi Cam Bốt ký một thỏa thuận bí mật với Bắc Kinh để cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream. Việc phá hủy tòa nhà gần đây dường như xác nhận rằng các thay đổi đang được tiến hành tại căn cứ hải quân và một lần nữa làm dấy lên trở lại thông tin được đồn đại về quyền tiếp cận dành cho Trung Quốc".

AMTI đã nhắc lại thông tin do nhật báo Mỹ The Wall Street Journal tiết lộ vào tháng 7 năm 2019 theo đó Cam Bốt đã ký với Trung Quốc một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc sử dụng Ream để đổi lại việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới tại căn cứ này. Bài báo trích dẫn các quan chức Mỹ xin giấu tên đã được đọc bản thảo đầu tiên của thỏa thuận cho phép Trung Quốc đưa quân đội, vũ khí và tàu vào căn cứ này trong vòng 30 năm, sau đó sẽ tự động triển hạn thêm, mỗi lần 10 năm.

Theo WSJ, thái độ nghi ngờ của Washington về ý đồ của Phnom Penh càng tăng cao sau khi Cam Bốt từ chối tài trợ của Hoa Kỳ để sửa chữa các cơ sở do Mỹ xây dựng tại Ream, đáp ứng yêu cầu của Cam Bốt.

Theo CSIS, tòa nhà bị phá hủy nguyên là Tổng Hành Dinh Chiến Thuật của Ủy Ban An Ninh Hàng Hải Quốc Gia Cam Bốt, vốn đã được dời hoàn toàn ra khỏi căn cứ, đến một nơi cách Ream khoảng 20km về phía bắc. Còn một cơ sở khác cũng do Mỹ tài trợ ở gần đó vẫn còn nguyên vì là nơi chứa các tàu tuần tra nhỏ mà Mỹ tặng cho Hải Quân Cam Bốt.

Tập đoàn Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt tham gia dự án Ream

Trong bài phân tích, AMTI cũng ghi nhận là nhiều khu đất rộng lớn xung quanh căn cứ đã được các công ty Trung Quốc thuê, trên danh nghĩa để làm các khu nghỉ dưỡng.

Đáng chú ý là Tập Đoàn Phát Triển khu Canopy Sands ở Vịnh Ream chỉ cách căn cứ hải quân khoảng 5 km về phía bắc. Ảnh vệ tinh cho thấy là tập đoàn đã bắt đầu công việc nạo vét và cải tạo đất trong khu vực kể từ tháng Hai vừa qua, và đến nay đã cải tạo được khoảng 100 mẫu.

Theo Nikkei Asian Review, công việc cải tạo đất của dự án tại Vịnh Ream do China Harbour, một công ty con của Tập Đoàn Xây Dựng Truyền Thông Trung Quốc CCCC, mới đây đã bị Mỹ trừng phạt vì đã tham gia việc bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Chính quyền Cam Bốt tiếp tục phủ nhận việc cho Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream. Trả lời hãng tin Pháp AFP ngày 04/10/5020, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh cho rằng việc Trung Quốc tài trợ cho dự án mở rộng căn cứ hải quân của Cam Bốt không có nghĩa là Bắc Kinh có quyền tiếp cận căn cứ một cách rộng rãi hơn.

Cam Bốt tiếp tay cho Trung Quốc để bao vây Việt Nam ?

Giới phân tích vẫn hoài nghi về các lời phủ nhận này. Trong một tin nhắn Twitter ngày 04/10, chuyên gia Singapore Collin Koh cho rằng quy mô hạn chế của Hải Quân Cam Bốt hiện nay đâu có cần đến những công trình đồ sộ như ụ tàu khô 5000 tấn trong kế hoạch ban đầu vào năm 2016 ? Còn trong một bài viết ngày 05/10, báo mạng Hồng Kông Asia Times nói thẳng "Cam Bốt mở đường cho sự hiện diện của Hải Quân Trung Quốc" tại nước này.

Chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 17/09 đã nhận định : "Việc cho Trung Quốc quyền tiếp cận căn cứ trên bờ biển phía nam Cam Bốt sẽ kéo theo một thay đổi cơ bản về mặt địa chính trị". Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc bao vây – trên bộ ở phía bắc và trên biển ở phía đông – sẽ thấy sườn phía nam của mình bị đe dọa.

Ngoài ra, căn cứ hải quân ở Cam Bốt bên bờ Vịnh Thái Lan cũng sẽ cho phép tàu Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn các đảo đá đang tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 06/10/2020

Published in Diễn đàn