Báo Anh : Biển Đông đã trở thành ao nhà của Trung Quốc (RFI, 23/06/2018)
Tuần báo Anh The Economist số ghi ngày 23/06/2018, đã có một bài phân tích mang tựa đề không một chút mơ hồ : "Một cái ao nhà của Trung Quốc – A Chinese Lake", kèm theo nhận xét "Trung Quốc đã quân sự hóa Biển Đông mà không bị hề hấn gì". Theo tờ báo, Mỹ đã dọa là Trung Quốc sẽ phải lãnh "hậu quả", nhưng chưa rõ được hậu quả đó là gì.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016. Reuters/Stringer
Đối với The Economist chiến lược thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc bắt đầu bằng những lời nói dối công khai, sau đó là những lập luận đánh lừa dư luận, để rồi đến lúc này thì Bắc Kinh cảm thấy không cần phải ngụy biện nữa vì đã nắm chắc được Biển Đông trong tay.
Tập Cận Bình thản nhiên nói dối
Trước hết, The Economist đã trở ngược về thời điểm cách nay hơn ba năm, khi Tập Cận Bình đứng với Barack Obama trong Vườn Hồng ở Nhà Trắng và thản nhiên nói dối rằng Trung Quốc hoàn toàn không "có ý định theo đuổi việc quân sự hóa" các hòn đảo nhân tạo mà ảnh vệ tinh đã phát hiện là đang được rầm rộ bồi đắp.
Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu Steven Stashwick trong tạp chí The Diplomat, ngày càng có thêm bằng chứng là Bắc Kinh đã lắp đặt những thiết bị quân sự, thậm chí vũ khí, trên các đảo trong tay họ ở Trường Sa, kể cả tên lửa chống hạm và phòng không.
Còn chuyên gia Bill Hayton thuộc trung tâm tham vấn Anh Quốc Chatham House, thì bước cuối cùng trong chiến lược Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là việc triển khai máy bay tấn công ở quần đảo Trường Sa, chỉ còn là vấn đề thời gian sớm hay muộn mà thôi.
Trung Quốc thản nhiên ngụy biện
Các nước tranh chấp khác cũng tôn tạo củng cố các thực thể họ trấn giữ ở Biển Đông, nhưng quy mô thua xa những gì Trung Quốc đã làm với tổng diện tích cải tạo lên đến khoảng 1.300 ha riêng tại Trường Sa. Bắc Kinh đã tuyên bố là họ chỉ có công trình phục vụ lợi ích chung : như xây dựng các ngọn hải đăng chẳng hạn. Đối với The Economist, lời khẳng định đó hoàn toàn sai.
Trước hết, các công trình cải tạo mà Trung Quốc tiến hành là một thảm họa sinh thái, phá hủy các rạn san hô làm cho nguồn cá bị suy giảm nghiêm trọng.
Ngoài ra, các hành vi mới đây của Bắc Kinh đã phá hủy hoàn toàn các lập luận "vì mọi người" của Trung Quốc, đồng thời vẽ lại bản đồ chiến lược của khu vực. Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng "Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông Nam Trung Hoa trong mọi tình huống trừ trường hợp chiến tranh với Hoa Kỳ".
Cho đến nay, chiến thuật bành trướng của Trung Quốc là lấn lướt từ từ, tránh khiêu khích lộ liễu để khỏi gây nên phản ứng mạnh. Thủ đoạn được áp dụng là không dùng Hải Quân, mà chủ yếu viện đến lực lượng Hải Cảnh và "dân quân biển" để đe dọa các láng giềng.
Chuyên gia Andrew Erickson thuộc Trường Hải Chiến Mỹ cho rằng chính chiến thuật đó đã giúp Trung Quốc thành công mà ít bị phản ứng nhất. Vấn đề là kể từ nay, có lẽ Bắc Kinh đã nghĩ rằng họ không cần đến cái vỏ bán quân sự đó nữa.
Philippines, Việt Nam có thể làm gì ?
Theo The Economist, cản bước Trung Quốc hiện nay chỉ có ba nước Philippines, Việt Nam và Hoa Kỳ.
Philippines là nước đã kiện Trung Quốc ra trước một tòa án của Liên Hiệp Quốc tại La Haye và đã thắng kiện. Thế nhưng, khi lên làm tổng thống, ông Rodrigo Duterte đã nói rõ rằng ông gác phán quyết qua một bên để tranh thủ đầu tư Trung Quốc. Duterte thậm chí còn xem xét việc đồng khai thác dầu khí với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp. Các mỏ khí hiện có của Philippines có thể cạn kiệt vào giữa những năm 2020.
So với Philippines, Việt Nam có lực lượng vũ trang mạnh hơn nhiều, và có thể dùng dân quân của mình chống lại dân quân Trung Quốc. Khi Bắc Kinh kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Việt Nam cuối cùng đã tìm cách buộc được giàn khoan rút đi. Trước công chúng, Việt Nam là nước có lập trường cứng rắn hơn chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những lập trường công khai kể trên, theo The Economist, che khuất các cuộc thảo luận trong hậu trường, kể cả vấn đề đồng phát triển. Trung Quốc là một nước lớn, các láng giềng có ít lựa chọn nào khác hơn là thuận theo Trung Quốc.
Thế nhưng thuận theo Trung Quốc cũng hàm chứa những rủi ro chính trị. Các cuộc biểu tình đẫm máu đã nổ ra ở Việt Nam khi xẩy ra cuộc đọ sức với Bắc Kinh vào năm 2014, với sự phẫn nộ của người dân không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn nhắm vào cả giới cầm quyền tại Việt Nam. Đầu tháng Sáu này cũng có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam.
Tại Philippines, ngày 12/06/2018, đúng vào lễ Độc Lập của nước này, ông Duterte đã bị bất ngờ trước những cuộc biểu tình phản đối việc Trung Quốc tịch thu cá của các tàu Philippines đánh bắt gần bãi Scarborough. Vào năm 2012, Trung Quốc đã nuốt lời hứa rút khỏi rạn san hô này, nằm trên thềm lục địa Philippines. Ông Duterte cho là ông đã được Trung Quốc thỏa thuận về việc để cho ngư dân Philippines trở lại đánh bắt ở đấy.
Phía Trung Quốc đã nhượng bộ, cho rằng việc tịch thu là một sai lầm. Tuy nhiên, theo ông Jay Batongbacal thuộc Đại Học Philippines, nếu ông Duterte không thể cho thấy nhiều lợi ích hơn từ chính sách ủng hộ Trung Quốc của ông, cái giá mà ông sẽ phải trả về chính trị sẽ tăng lên.
Mỹ có dấu hiệu phản ứng mạnh hơn trước
Về phần Mỹ, chính quyền của tổng thống Donald Trump dường như có một chiến lược gây sức ép trên Trung Quốc trên một số mặt trận, bao gồm thương mại và hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Đài Loan.
Washington đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân thường kỳ ngoài khơi Hawaii, trong khi lại mời Việt Nam thay vào đó. Mỹ cũng gia tăng các chiến dịch "tự do hàng hải" ở Biển Đông (cho tàu đến gần các đảo mới của Trung Quốc) và thuyết phục Pháp và Anh cùng tham gia. Có lẽ là làn ranh đỏ mà ông Obama đặt ra - Trung Quốc không được xây dựng của trên bãi Scarborough - vẫn còn được duy trì.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã dọa rằng Trung Quốc sẽ bị những "hậu quả lớn hơn" nếu không thay đổi hành động. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, rất có thể là ông Tập Cận Bình đã cảm thấy rằng ông đã hoàn thành được nhiều rồi.
Ông ta đã nắm được yết hầu của một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới, và chiếm lĩnh được một vị trí tốt để đòi chủ quyền trên các nguồn cá và dầu khí. Ông đã đạt được lợi thế chiến lược trong bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan tới Đài Loan. Và nhờ chiếm hữu thực tế, ông ta đã củng cố những tuyên bố chủ quyền lịch sử rỗng tuếch của Trung Quốc đối với Biển Đông...
Trọng Nghĩa
*********************
Nhiều tổ chức nhân quyền tố cáo chính quyền Thái Lan "quân sự hóa xã hội" (RFI, 23/06/2018)
Ngày 22/06/2018, lãnh đạo chính quyền quân sự Thái Lan Prayuth Chan-Ocha bắt đầu chuyến công du Pháp kéo dài 4 ngày. Dự kiến ông sẽ có cuộc tiếp kiến tổng thống Pháp Emanuel Macron ngày 25/06. Tướng Prayuth lên nắm quyền bằng cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của bà Yingluck Shinawatre cách đây 4 năm. Từ đó đến nay, đời sống chính trị xã hội Thái Lan bị nằm trong vòng kiểm soát hà khắc của quân đội.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha tại Bangkok năm 2017. Reuters
Nhân dịp này, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Thái Lan đã lên tiếng tố cáo mạnh mẽ chính quyền quân sự đang bóp nghẹt các quyền tự do của người dân, "quân sự hóa" xã hội Thái.
Thông tín viên RFI tại Bangkok Arnaud Dubus :
Báo cáo của tổ chức các luật sư bảo vệ nhân quyền Thái Lan công bố quả là nặng nề. Bắt bớ, hăm dọa sách nhiễu các nhà hoạt động dân chủ hay cả những tiếng nói phê phán đơn thuần của công dân. Điều đó chứng tỏ chính quyền quân sự không muốn khoan nhượng bất kỳ quan điểm ly khai nào trong dân chúng.
Bà Sirikan Charoensiri, luật sư của tổ chức thậm chí còn nhìn nhận xa hơn, đó là một ý đồ quân sự hóa xã hội Thái Lan.
Bà Sirikan Charoensiri nói : "Từ sau cuộc đảo chính năm 2014, chính phủ quân sự đã quân sự hóa nhiều mặt của đời sống xã hội Thái Lan. Chúng tôi có thể nhận thấy dân thường đã trở thành các mục tiêu quân sự.
Giới quân nhân cho rằng nhằm vào thường dân có chính kiến khác với chính quyền sẽ làm lan truyền tâm lý sợ hãi và ngăn chặn những người khác làm tương tự".
Tổ chức các luật sư bảo vệ nhân quyền còn nói đến việc có nhiều sĩ quan quân đội được cài vào trong cơ quan chính quyền dân sự. Theo tổ chức này, đó là cách duy trì sự kiểm soát đất nước của giới quân nhân, ngay cả sau khi chính phủ mới được bầu ra.
RFI tiếng Việt