Anh Vũ, RFI, 29/03/2022
Theo AFP, hôm 29/03/2022, thủ tướng Salomon, Manasseh Sogavare khẳng định, một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc đã "sẵn sàng để ký", đồng thời ông cũng bác bỏ thông tin cho rằng đã bị Bắc Kinh gây sức ép để xây dựng một căn cứ hải quân tại quần đảo nhỏ nằm sát nước Úc.
Thủ tướng quần đảo Salomon Manasseh Sogavare trong chuyến công du Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 09/10/2019. AP - Parker Song
Phát biểu trước Quốc Hội, lãnh đạo chính phủ Salomon, ông Manasseh Sogavare đã cho biết một số chi tiết về bản thỏa thuận nhưng quả quyết rằng chính phủ "không hề có ý định đề nghị Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự tại quần đảo Salomon".
Những ngày qua, truyền thông Úc khẳng định chính quyền Salomon đã bị Trung Quốc gây sức ép để được xây dựng một căn cứ quân sự tại quần đảo. Thủ tướng Sogavare đã phủ nhận : "Chúng tôi không hề chịu áp lực nào từ phía những người bạn mới".
Được hỏi về tiến triển của thỏa thuận với Bắc Kinh, ông Sogavare khẳng định : "Chúng tôi sắp hoàn tất. Văn kiện đã sẵn sàng để ký".
Tuần trước, một phần dự thảo thỏa thuận an ninh ký giữa Salomon và Trung Quốc đã lọt ra ngoài khiến cho Canberra hết sức lo ngại vì văn kiện có nội dung cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân tại quần đảo Nam Thái Bình Dương này. Ngoại trưởng Úc đã tuyên bố : "Chúng tôi lo ngại mọi hành động gây mất ổn định an ninh trong vùng".
Hoa Kỳ và Úc, từ lâu nay vẫn lo lắng về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân trong vùng Nam Thái Bình Dương nhằm mở rộng tầm hoạt động của hải quân Trung Quốc.
Thủ tướng Salomon cam đoan là các thỏa thuận an ninh giữa Úc và quần đảo vẫn không thay đổi và ông giải thích văn kiện ký với Bắc Kinh là nhằm đáp ứng nhu cầu về an ninh nhằm đa dạng hóa quan hệ với các nước khác.
Quần đảo Salomon nằm gần nước Úc, chỉ có 800 nghìn dân, gần đây đang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Năm 2019, quốc gia này đã bất ngờ cắt đứt quan hệ đã có từ khá lâu với Đài Loan.
Anh Vũ
***********************
Phan Minh, RFI, 25/03/2022
Quần đảo Salomon hôm 25/03/2022 xác nhận đang thiết lập quan hệ đối tác với Trung Quốc để ứng phó với các mối đe dọa an ninh và bảo đảm an toàn cho việc đầu tư như một phần của quá trình đa dạng hóa quan hệ an ninh của mình.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (t), và thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare duyệt qua hàng quân danh dự nhân lễ đón tiếp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 09/10/2019. AP - Mark Schiefelbein
Hiệp ước an ninh với quốc đảo Thái Bình Dương sẽ là một bước tiến lớn đối với Trung Quốc trong một khu vực mà Úc và New Zealand trong nhiều thập kỷ qua coi là "sân sau" của mình.
Theo Reuters, Úc và New Zealand đã bày tỏ quan ngại về tác động đối với an ninh khu vực do hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Quần đảo Salomon sau khi một dự thảo văn bản hợp tác bị rò rỉ trong tuần này.
Tài liệu nêu rõ "quân nhân Trung Quốc có thể được huy động để bảo vệ các dự án lớn cũng như đảm bảo an toàn cho người Trung Quốc" trên quần đảo Salomon. Về phần mình, chính phủ Salomon cũng có thể yêu cầu Bắc Kinh triển khai lực lượng cảnh sát, quân đội và các đơn vị thực thi luật pháp khác tại quần đảo để thực hiện các sứ mệnh nhân đạo và an ninh.
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay cũng đã bình luận về vấn đề này khi nói rằng Úc và New Zealand là một phần của "gia đình Thái Bình Dương" và có lịch sử cung cấp hỗ trợ về mặt an ninh và ứng phó với các cuộc khủng hoảng.
Ông nói thêm với các phóng viên rằng : "Có những quốc gia được cho là tìm cách gây ảnh hưởng và có thể tìm cách hiện diện trong khu vực và chúng tôi rất hiểu điều đó".
Phan Minh