Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chính phủ Nhật thông qua tăng ngân sách quốc phòng 2018 (RFI, 22/12/2017)

Hôm 22/12/2017, chính phủ Nhật đã thông qua dự chi ngân sách trong năm tài khóa 2018/2019, trong đó chi tiêu quân sự tiếp tục tăng, chủ yếu dành trang bị hệ thống chống tên lửa để đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên.

donga1

Chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe dự trù ngân sách của Nhật trong năm 2018 sẽ là 51.100 tỷ yên. Reuters/Jorge Silva

Chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe dự trù ngân sách của Nhật trong năm tới sẽ là 51.100 tỷ yên (40 tỷ euro), mức tăng cao nhất từ năm 1991. Trong đó, ngân sách cho quốc phòng sẽ chiếm 38,6 tỷ euro, tăng 1,3%. Đây là năm tài khóa thứ 6 liên tục Tokyo tăng chi phí quân sự.

Một phần quan trọng của ngân sách quốc phòng trên được dùng để tăng cường hệ thống phòng thủ của đất nước trước mối đe dọa về tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên.

Tokyo đã lên kế hoạch mua một hệ thống bắn chặn tên lửa tầm xa, loại SM-3 Block IIA và tiến hành hiện đại hóa các dàn tên lửa Patriot, xây dựng các trạm ra đa phòng không Aegis.

Ngoài ra, chi tiêu quốc phòng của Nhật cũng dự trù một ngân khoản quan trọng để trang bị các loại tên lửa tầm trung có khả năng bắn tới Bắc Triều Tiên.

Trong chuyến thăm chính thức Nhật hối đầu tháng 11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc giục Nhật trang bị vũ khí để tự bảo vệ mình và ông cũng gợi ý Tokyo nên mua thiết bị quân sự của Mỹ. Đầu tuần, chính phủ Nhật cũng đã thông qua quyết định mua các loại vũ khí mới nói trên của tập đoàn Mỹ Lockheed Martin.

Tuy nhiên, quyết định mua sắm vũ khí tấn công có thể sẽ làm dấy lên các tranh cãi ở Nhật vì theo bản Hiến Pháp chủ hòa, Nhật không được phép dùng chiến tranh để giải quyết các bất đồng quốc tế.

Dự trù ngân sách của chính phủ Nhật sẽ còn phải được trình lên Quốc Hội bàn thảo và thông qua.

Anh Vũ

************************

Bắc Triều Tiên : HĐBA dự kiến siết lượng dầu nhập khẩu còn 10% (RFI, 22/12/2017)

Ngày 22/12/2017, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu dự thảo nghị quyết mới, siết chặt trừng phạt Bắc Triều Tiên, nhằm gia tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Các sản phẩm dầu mỏ là một trong các đích ngắm chính của dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo.

donga2

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin vụ thử tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên ngày 29/12/2017, Seoul. Reuters/Kim Hong-Ji

Theo bản dự thảo nghị quyết, mà hãng tin Reuters có được hôm 21/12, Bắc Triều Tiên chỉ được phép nhập khẩu lượng dầu tinh chế tương đương 500.000 baril, khoảng gần 10% nhu cầu của nước này. Lượng dầu thô được phép xuất vào Bắc Triều Tiên tối đa là bốn triệu baril.

Dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An cũng dự kiến cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu nhiều hàng hóa thực phẩm, đồ điện tử, gỗ, tàu thuyền, máy công cụ hay các loại quặng, như magnesit, một phụ gia được dùng nhiều trong các ngành xây dựng, chế tạo xe hơi, sản xuất phân bón. Dự thảo của Mỹ đề nghị cấm xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên nhiều vật liệu công nghiệp, máy công cụ, phương tiện vận tải hay kim loại công nghiệp.

Cũng theo dự thảo này, 19 quan chức Bắc Triều Tiên, trong đó có bộ trưởng Quốc Phòng, sẽ bị phong tỏa tài khoản ở nước ngoài và cấm xuất ngoại. Hàng chục ngàn lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên buộc phải hồi hương.

Nếu dự thảo này được thông qua, đây sẽ là loạt trừng phạt thứ 9 của Hội Đồng Bảo An đối với Bắc Triều Tiên, kể từ năm 2006. Hiện tại, chưa biết Trung Quốc sẽ bỏ phiếu ủng hộ hay không. Văn bản nói trên đã được phân phát cho 15 thành viên Hội Đồng Bảo An. Theo thông lệ trong vấn đề này, một dự thảo nghị quyết sẽ không được phát cho toàn bộ các thành viên, một khi Washington và Bắc Kinh chưa đạt đồng thuận.

Dự thảo được Mỹ quyết định chuẩn bị sau vụ Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo mới, ngày 29/11. Tên lửa được bắn lên độ cao hơn 4.000 km.

Cũng như các nghị quyết trước, dự thảo lần này khẳng định lập trường của Hội Đồng Bảo An, ủng hộ việc trở lại bàn đàm phán Sáu bên, nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đàm phán - bao gồm sáu nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên - bị gián đoạn từ năm 2008.

Bắc Triều Tiên lên án "tài liệu tội ác" của Mỹ

Trong lúc một nghị quyết trừng phạt mới được chuẩn bị tại Hội Đồng Bảo An, cũng ngày 21/12, theo hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un khẳng định quốc gia này đang "nhanh chóng trở thành""mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng với Hoa Kỳ". Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng lên án Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới, mà chính quyền Mỹ công bố hôm thứ Hai, 18/12, là một "tài liệu tội ác", có mục tiêu "bắt toàn thế giới đi theo lợi ích của nước Mỹ".

Đe dọa hạt nhân quân sự Bắc Triều Tiên là một thách thức lớn được nhấn mạnh trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới của Mỹ.

Về các trừng phạt của Bắc Kinh đối với Bắc Triều Tiên, theo AFP, hàng loạt các doanh nghiệp Bắc Triều Tiên hoạt động tại Trung Quốc trong ngành xuất nhập khẩu và khách sạn sẽ phải đóng cửa trước ngày 09/01/2018.

Trọng Thành

*********************

Rohingya : Mỹ trừng phạt một lãnh đạo quân đội Miến Điện (RFI, 22/12/2017)

Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng áp lực lên các lãnh đạo quân sự Miến Điện. Ngày hôm qua 21/12/2017, bộ Tài Chính Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt nhắm vào ông Maung Maung Soe, lãnh đạo quân đội Miến Điện.

donga3

Thảm cảnh người Rohingya Miến Điện vượt sông sang Bangladesh tị nạn (Ảnh chụp tại Cox's Bazar, biên giới Bangladesh ngày 11/11/2017) Reuters/Navesh Chitrakar

Theo AFP, trong một thông cáo, bộ Tài Chính Mỹ cáo buộc vị cựu chỉ huy quân đội phía tây đã giám sát trực tiếp các chiến dịch quân sự chống lại thường dân Rohingya, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền.

Hoa Kỳ khẳng định có những bằng chứng đáng tin cậy về các hoạt động của ông Maung Maung Soe cũng như các bằng chứng liên quan đến lực lượng an ninh Miến Điện trong việc hành quyết thường dân trái phép, xâm hại tình dục và bắt giữ tùy tiện hay phóng hỏa đốt nhà cửa.

Thông báo này được đưa ra trong khuôn khổ đạo luật "Global Magnitski Act" nhắm vào các cá nhân có trọng trách vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Đạo luật này cho phép phong tỏa tài sản của những nhân vật có tên trong danh sách tại Hoa Kỳ và cấm mọi công dân Mỹ có quan hệ làm ăn với những người cá nhân đó.

Miến Điện xét xử hai phóng viên Reuters

Thông báo trừng phạt lãnh đạo quân đội Miến Điện đưa ra cùng lúc hai phóng viên người Miến Điện của hãng tin Reuters bị đưa ra xét xử và bị giam tù với cáo buộc "chiếm dụng thông tin bất hợp pháp với dụng ý chia sẻ những nguồn tin này cho truyền thông nước ngoài".

Trang mạng tạp chí Irrawaddy dẫn một số nguồn tin thân cận với cơ quan tình báo quân sự cho hay hai phóng viên này có lẽ đã chuyển cho Liên Hiệp Quốc các hình ảnh về các cuộc bạo động tại bang Rakhine.

Liên Hiệp Quốc và Reuters đã lên tiếng phủ nhận đã nhận các thông tin từ hai phóng viên trên, đồng thời yêu cầu chính quyền Miến Điện trả tự do cho hai phóng viên. Hoa Kỳ, Canada và Anh Quốc đã đồng loạt lên tiếng phản đối vụ bắt giữ này.

Minh Anh

Published in Châu Á