Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhà đấu tranh dân chủ Hong Kong được đề cử Nobel Hòa Bình (BBC, 03/02/2018)

Các nhà lập pháp Hoa kỳ vừa đề cử các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong, gồm lãnh đạo sinh viên 21 tuổi Hoàng Chi Phong cho giải Nobel hòa bình.

nobel1

 (Từ trái) Châu Vĩnh Khang, La Quán Thông và Hoàng Chi Phong vừa được Hoa Kỳ nêu tên đề cử cho giải Nobel Hòa Bình

Anh được đề cử cùng với La Quán Thông, 24 tuổi, và Châu Vĩnh Khang, 27 tuổi, vì "nỗ lực hòa bình để đem lại cải cách chính trị và quyền tự quyết cho Hong Kong".

Khoản một chục thành viên của Quốc hội - gồm cả đảng Cộng hòa và Dân chủ - đã ký một lá thư đề cử.

Động thái này của các nhà lập pháp Hoa Kỳ có thể sẽ làm Bắc Kinh phẫn nộ.

Hong Kong, một thuộc địa cũ của Anh, đã trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc từ năm 1997. Nó được điều hành theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" và có mức độ tự chủ cao.

nobel2

La Quán Thông và Hoàng Chi Phong bên ngoài sở cảnh sát ở Western District, Hong Kong, tháng 7/2015

Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đều mong muốn Hong Kong độc lập tự chủ hơn với mức độ cực đoan khác nhau.

Họ trở nên nổi tiếng sau khi "Phong trào Dù vàng" khiến nhiều khu vực của Hong Kong tê liệt gần ba tháng vào giữa năm 2014. Phong trào có cái tên trên sau khi những người biểu tình đã sử dụng ô dù để tự bảo vệ mình khỏi hơi cay từ cảnh sát.

"Hoàng, La, và Châu (họ của ba lãnh đạo sinh viên) và toàn bộ phong trào ô dù thể hiện những nguyện vọng hòa bình của người dân Hong Kong, những người khao khát được tự do và cách sống của mình được bảo vệ và nguyện vọng dân chủ của họ được thực hiện," lá thư đề cử của Hoa Kỳ viết.

nobel3

Hình ảnh những chiếc dù đã trở thành một biểu tượng cho phong trào

Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch đảng Cộng hòa và đồng Chủ tịch Ủy ban giám sát nhân quyền Trung Quốc - nằm trong số những người ký tên.

Ông Rubio viết : "Việc đề cử này không thể kịp thời hơn khi sự tự trị của Hong Kong tiếp tục bị xói mòn".

Ông Smith nói rằng các nhà hoạt động đã theo truyền thống của những khôi nguyên Nobel Hòa Bình, và "là một tấm gương phản chiếu cho sự xấu xí của chế độ độc tài".

Vào giữa tháng Một, Hoàng Chi Phong nhận được bản án ba tháng tù vì các cuộc biểu tình. Anh đã được bảo lãnh khi đang kháng án một bản án 6 tháng tù giam khác.

La Quán Thông và Châu Vĩnh Khang cũng bị kết tội - và cả ba đều bị cấm hoạt động chính trị.

La Quán Thông đã giành được ghế trong Hội đồng Lập pháp Hong Kong trong cuộc bầu cử năm 2016, đại diện Đảng Demosisto do Quán Thông và Chi Thông xây dựng, trở thành nhà lập pháp trẻ nhất ở Hong Kong khi 23 tuổi.

Tuy nhiên sau đó, anh bị truất quyền tài phán cùng với các nhà hoạt động vì dân chủ khác biểu tình chống lại Bắc Kinh.

Hoàng Chi Phong nói với hãng tin Reuters rằng anh hy vọng việc đề cử giải hòa bình sẽ cho phép nhóm của anh có thêm quyền lực hơn để thỏa thuận với chính phủ đại lục.

"Tôi tin rằng đề cử sẽ cho cộng đồng quốc tế và [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình thấy rằng thế hệ trẻ sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ như thế nào, ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với án tù hoặc lệnh cấm hoạt động chính trị vĩnh viễn," anh nói.

Trong thư nhắn gửi thủ tướng Anh Theresa May trên báo điện tử The Guardian (31/01/2018), Hoàng Chi Phong kết luận "Theresa May phải cùng với "Hoàng đế Đặng" ủng hộ quyền của Hong Kong trước khi quá muộn".

******************

Trung Quốc sắp cho mở sòng bạc trên đảo Hải Nam ? (RFI, 03/02/2018)

Hãng tin Bloomberg ngày 02/02/2018 trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết Bắc Kinh đang nghiên cứu khả năng biến đảo Hải Nam thành một xứ sở của cờ bạc, cá cược, sổ số, giống như Macao hiện nay.

nobel4

Liệu Hải Nam có cạnh tranh nổi với Macao, thiên đường của bài bạc ? Reuters

Nếu như tin trên được kiểm chứng thì đây là lần đầu tiên tư pháp Trung Quốc cho phép mở các hoạt động giải trí kiểu này tại Hoa Lục. Tin trên gây bất ngờ, do từ nhiều năm nay Bắc Kinh mở chiến dịch bài trừ tham nhũng, tấn công vào các hoạt động rửa tiền.

Bloomberg cho biết nhiều cơ quan nhà nước Trung Quốc đang được đặt dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình để xem xét khả năng cho mở các sòng bạc ở Hải Nam. Tuy nhiên, trước mắt dự án mới chỉ trong vòng thảo luận.

Mục tiêu chính của Bắc Kinh nhằm thu hút thêm du khách đến hòn đảo ở cực nam của lãnh thổ Trung Quốc. Đây cũng là nơi Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng, chủ yếu phục vụ cho ngành du lịch. Một khi dự án nói trên được thực hiện, Hải Nam sẽ trực tiếp cạnh tranh với Macao, nguyên là một thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Viễn Đông.

Macao nổi tiếng là sòng bạc của thế giới, với tầm cỡ hoạt động quy mô hơn nhiều so với Las Vegas của Mỹ.

Từ khi ông Tập Cận Bình khởi động chiến dịch bài trừ tham nhũng "đả hổ diệt ruồi", con số các đại gia và quan chức giàu có của Trung Quốc lui tới các sòng bài ở Macao giảm mạnh và thế là khu vực nổi tiếng ăn chơi này ở Châu Á phải chuyển hướng làm ăn, để nhắm vào một tầng lớp du khách "bình dân hơn", đa dạng hóa các thú tiêu khiển. Nhờ thích nghi với tình thế, thu nhập của Macao trong năm 2017 tăng 19 %, vượt ngưỡng 33 tỷ đô la.

Trong trường hợp Hải Nam cũng trở thành một sòng bài của Trung Quốc, hãng tin Mỹ Bloomberg dự báo Macao và Hải Nam sẽ lao vào một cuộc chạy đua quyết liệt.

Bằng chứng cụ thể là sau khi tin trên được tiết lộ, trong phiên giao dịch ngày 02/02/2018, cổ phiếu của các tập đoàn quản lý sòng bạc ở Macao như Sands China, MGM China hay Wynn Macao tuột dốc mạnh, mất giá hơn 6 % trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Thanh Hà

Published in Châu Á