Ngoại trưởng Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc tác động lên dòng Mekong (RFA, 01/08/2019)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 1/8 lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc cho xây các đập thủy điện ở sông Mekong gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước hạ nguồn sông. Ngoại trưởng Mỹ phát biểu điều này tại cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Bangkok, Thái Lan.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Hội nghị Sáng kiến Hạ nguồn Mekong cấp Bộ trưởng ở Bangkok, Thái Lan hôm 1/8/2019 AFP
"Mực nước của con sông đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, một vấn đề có liên quan đến quyết định đóng nước từ thượng nguồn của Trung Quốc", Ngoại trưởng Pompeo nói.
Hôm 22/7, tổ chức Mekong Freedom Network của Thái Lan công bố báo cáo cho biết 8 đập thủy điện của Trung Quốc chặn 40 tỷ mét khối nước sông Mekong, khiến mực nước sông đã xuống thấp tới mức kỷ lục. Thậm chí, theo đánh giá của một số chuyên gia, mực nước sông Mekong trong tháng 7 đã xuống đến mức thấp nhất trong khoảng 1 thế kỷ qua.
Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp Sáng kiến hạ nguồn Mekong cấp Bộ trưởng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nói đến việc Trung Quốc cho nổ mìn, nạo vét lòng sông, tuần tra dòng sông bên ngoài khu vực thuộc Trung Quốc, tìm cách áp đặt các luật lệ lên việc quản lý dòng sông, và do đó làm yếu đi vai trò của Ủy ban sông Mekong.
Ngoại trưởng Pompeo cũng nói đến cam kết của Hoa Kỳ và Nhật Bản trong việc hợp tác với các nước thuộc lưu vực sông Mekong để đối phó với những khó khăn.
Đối tác năng lượng Mekong Nhật Bản – Hoa Kỳ (JUMP) được Ngoại trưởng Pompeo cho biết sẽ xây dựng các mạng lưới dẫn điện trong khu vực, và Hoa Kỳ cam kết đóng góp hơn 29 triệu đô la.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng thông báo chính phủ Mỹ đang làm việc với Quốc hội để cung cấp một khoản trợ giúp trị giá 14 triệu đô la cho các nước sông Mekong đối phó với tội phạm xuyên quốc gia, buôn người, ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã, đối phó với sự lan rộng của việc buôn lậu thuốc phiện từ khu vực Tam Giác Vàng.
*****************
Mỹ lên án Trung Quốc xây đập, gây gián đoạn sông Mekong (VOA, 01/08/2019)
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 1/8 bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc xây đập, nạo vét sông Mekong, nói rằng các hoạt động của Bắc Kinh trên dòng sông này cho thấy một "xu hướng đáng lo ngại".
Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải), gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Bangkok, Thái Lan, ngày thứ Năm 1/8/2019.
Hãng tin AP trích lời Ngoại Trưởng Mỹ lên tiếng tại Bangkok hôm thứ Năm 1/8, trong một cuộc họp với các vị đồng cấp đến từ các nước ven sông Mekong gồm : Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Bộ trưởng ngoại giao của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã tụ tập tại thủ đô của Thái Lan để dự hội nghị thường niên các Ngoại Trưởng ASEAN diễn ra trong tuần này ở Bangkok.
"Chúng ta đã thấy một loạt công trình xây đập ở thượng nguồn, thâu tóm quyền kiểm soát dòng chảy ở hạ lưu sông", ông Pompeo nói. "Mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất tính từ một thập kỷ- một vấn đề gây ra bởi quyết định của Trung Quốc, chặn nước lại tại các đập ở thượng nguồn. Trung Quốc còn có kế hoạch đặt mìn và nạo vét lòng sông, đồng thời tiến hành các cuộc tuần tra sông ngoài phạm vi lãnh thổ của họ".
Ngoại trưởng Mike Pompeo còn cảnh báo về "một nỗ lực nhằm xây dựng các quy tắc mới do Bắc Kinh chỉ đạo để quản lý sông Mekong", mà nếu không bị cản trở, sẽ giúp Bắc Kinh chiếm đoạt vai trò của Ủy hội Sông Mê Kông.
Tháng 9/2002, bên chân con đập Mạn Loan / Manwan 1.500 MW, con đập dòng chính đầu tiên trên thượng nguồn Sông Lancang-Mekong Vân Nam, Trung Quốc. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Theo AP, Trung Quốc đã xây 10 con đập ở thượng lưu sông Mekong, dọc theo một đoạn sông dài trên lãnh thổ Trung Quốc mà họ gọi là Lan Thương giang. Tại đây, Trung Quốc đang tìm cách nạo vét sông và san bằng các ghềnh thác để các tàu chở hàng lớn có thể qua lại.
Giới chỉ trích từ lâu đã cảnh giác rằng những hành động như vậy có thể gây gián đoạn và tác động tai hại tới môi trường sinh thái và kinh tế của các nước hạ nguồn.
Dài gần 3.000 km, thứ 12 trên thế giới, Sông Mê Kông là một dòng sông thiết yếu cho Đông Nam Á, nơi hơn 60 triệu người lệ thuộc vào dòng sông và các nhánh sông này để sinh kế. Sông Mekong xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng chảy qua nhiều nước Đông Nam Á trước khi đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.
Gần đây, dòng sông trở thành một nguồn gây căng thẳng trong khu vực do những lo ngại về số lượng các dự án thủy điện ngày càng tăng đang làm thay đổi dòng chảy của sông, đe dọa hệ sinh thái và kế sinh nhai của người dân ở hạ nguồn.
******************
Theo số liệu thống kê từ các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long được đăng tải trên truyền thông trong nước, từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù đang là mùa khô nhưng tình trạng sạt lở đất ven bờ sông tại Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp đã làm sụp đổ nhiều căn nhà, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại lên tới nhiều tỷ đồng.
Một khu vực sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh minh họa) Courtesy of cantho.gov.vn
Vụ mới nhất diễn ra hôm 29/7 tại Cần Thơ, năm căn nhà cặp sông Cái Sắn, ven quốc lộ 80 huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ bị sạt lở hư hỏng nặng nề và hai căn nhà đã bị cuốn trôi ước tính thiệt hại gần tỷ đồng. Trước đó, ngày 28/7 xuất hiện tình trạng rạn nứt mặt đường trên quốc lộ 91, tuyến giao thông quan trọng từ Long Xuyên đi Châu Đốc sang Campuchia cũng có nguy cơ sạt lở xuống dòng sông Hậu.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long còn có nguy cơ đối diện với đợt hạn hán kỷ lục kể từ sau năm 2016.
Ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại một buổi hội thảo Nhận định mùa năm 2019 và công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin khí tượng - thủy văn- khí hậu phục vụ phòng chống thiên tai khẳng định rằng, những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng cao và ngày càng khó dự báo hơn trước, gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam bộ nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu của Đại học Cần Thơ cho chúng tôi biết, có hai nguyên nhân làm cho tình trạng càng khó khăn hơn tại khu vực này.
"Cái này khẳng định thứ nhất là do thiên tai. Bởi vì vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng rất là nhạy cảm đối với sự thay đổi khí hậu thủy văn. Khi dòng chảy trên sông Mekong thay đổi do yếu tố như mưa hay do điều kiện đặc biệt khác thì nó ảnh hưởng đến hệ sinh thái rất là nhiều. Sau những tác động do biến cố khí hậu do nước biển dâng, vì khu vực đồng bằng này rất thấp và nó phẳng nữa và nằm cuối hạ lưu của một con sông lớn nữa và ngoài ra còn do tác động của con người như hình thành ra những công trình khai thác nguồn nước ở thượng nguồn, đập thủy điện hay tưới tiêu và một số hệ thống công trình ở đây làm cho tình trạng càng khó khăn hơn".
Đồng ý với điều này, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan nguyên phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ cho hay, tình hình thời tiết bất thường diễn ra ngày càng rõ rệt và nó ngày một nhiều ngay cả miền Bắc – Trung – Nam nhưng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là chịu thiệt hại nặng nề nhất. Những bất thường thời tiết như vậy không chỉ riêng do ông trời mà còn do con người nữa.
"Vai trò của con người trong vấn đề thiên tai như thế nào thì chúng ta cũng thấy, thứ nhất là do dân số chúng ta bây giờ quá đông thêm nữa là kinh tế phát triển có những cái bất cập, chính vì vậy nó làm cho những đô thị lớn như Cần Thơ và ngay cả thành phố Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác thì nó phát triển nhanh quá nên mức độ bê tông hóa nhanh và khi nhanh như vậy mà chúng ta không tính được vấn đề là thoát nước để cho nó chống ngập thì tình trạng ngày càng ngập hơn. Bên cạnh đó là sụt lún sạt lở rồi bê tông hóa nên nó làm cho thiên tai xảy ra một cách thường xuyên hơn như sạt lở chẳng hạn".
Theo các chuyên gia, mọi biến động thời tiết đều đã được dự đoán trước, mặc dù mức độ chính xác về thiệt hại không cao nhưng nếu Chính quyền, người dân "lưu tâm", có biện pháp phòng chống, thì sẽ không xảy ra nhiều hệ lụy đáng tiếc như vừa qua.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn lý giải "Kiểu như là thời tiết nắng nóng, hạn hán hay là xâm ngập mặn thì nó tác động đến sản xuất sinh kế của người dân. Nhưng để đánh giá một cách đầy đủ nó tác động đến mức nào thì rất là khó bởi vì nó tác động trước mắt hay tác động lâu dài nên nhiều chuyên gia tìm cách định lượng được nó nhưng rất là khó".
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan thì cho rằng, thiên tai do thời tiết thì việc kiểm soát hoàn toàn có thể làm được nhưng nếu do hoạt động của con người thì điều này thật sự khó. Bà giải thích.
Ảnh minh họa AFP
"Ví dụ như hoàn lưu khí quyển, khối không khí, thấy bão hoặc gió mùa thổi thì chúng ta dự đoán được những thiên tai còn những cái như sạt lở bờ sông thì cái này rất khó dự báo bởi vì thứ nhất một số nơi khai thác cát trong sông quá nhiều, thêm những dòng chảy mà những nước trên thượng nguồn họ chặn dòng nước lại để họ chạy thủy điện thì hạ lưu sẽ không có nước thì dòng sông sẽ có nước nhỏ gọi là mất khả năng phù sa đi và xảy ra sạt lở ".
Đối với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện một nhà nghiên cứu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, vấn đề sạt lở xảy ra có nhiều nguyên nhân, và vấn đề chính là tác động của thủy điện trong việc ngăn phù sa.
"Trong bối cảnh bình thường rừng ngập mặn có vai trò bảo vệ bờ biển rất lớn nhưng trong bối cảnh mới này là do thiếu phù sa thì dù rừng ngập mặn có dày bao nhiêu thì nó cũng không bảo vệ được bờ biển vẫn sạt lở như thường dù có rừng hay không có rừng".
Dư luận xã hội đặt vấn đề cho rằng, tại sao việc dự báo thời tiết thiên tai đã được lường trước nhưng các cơ quan chức năng vẫn phớt lờ với những cảnh báo để đến khi xảy ra sự việc gây nhiều thiệt hại về người và tài sản thì mới tìm cách "chống". Có phải là quá trễ ?
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan cho hay, nhà nước có văn phòng về phòng chống thiên tai và văn phòng này vẫn thường xuyên theo dõi cũng như đo đạc mọi dòng chảy, nước lũ và mật độ nước sông lên xuống ra sao, triều cường cao thấp gây sạt lở đều trong tầm kiểm soát được hết. Thế nhưng :
"Những công trình xây dựng không kiểm soát được hoặc những bờ đê bờ kè không đạt được chất lượng… thì dân khí tượng không thể biết được. Vấn đề khai thác cát trên các sông khi mình rút ruột dữ quá thì thiên nhiên sẽ có những phản ứng lại rất là mạnh mẽ, rồi khai thác nguồn nước ngầm thì nó không kiểm soát được nhà nào có đặt máy bơm để mà rút nước ngầm. Nước ngầm là lớp nước mà nó giữ cho cấu trúc của lớp võ trái đất bền vững giờ mình rút nước ngầm nhiều quá không có một quy hoạch, không kiểm soát được thì rất là nguy hiểm".
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, mọi thông tin, thời điểm, địa điểm nguy cơ sạt lở đều được cảnh báo với cơ quan chức năng nhưng mức độ lớn hay nhỏ là đều khó biết trước được.
"Cái này có cảnh báo cho người dân họ biết đừng ở đó hoặc là di dời, cũng như điều chỉnh vận tốc tàu bè đi ngang khu vực này hoặc không cho đậu".
Ngoài ra, tiến sĩ Tuấn còn cho biết thêm "Ngay cả nước Mỹ việc hạn hán cháy rừng cũng rất là khó khăn trong việc đối phó với chuyện đó. Trong điều kiện đất nước còn nghèo như Việt Nam mình thì tìm ra giải pháp để giảm nhẹ tác động của nó thôi chứ còn chống lại nó thì điều không thể".
Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, chính phủ đã nghe và đã biết, trong nghị quyết 120 của Chính phủ cũng đã đề ra nhiều giải pháp để cải thiện tình hình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng diễn ra chậm chạp. Giá mà mọi quy trình đều được khởi động nhanh hơn, để việc thực hiện nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn thì đâu đến nổi… Ông tỏ ra bi quan và đoán chắc rằng với sự trì trệ của bộ máy công quyền như hiện nay, việc thực thi một nghị quyết đến nơi đến chốn chắc phải tốn chừng 10 năm …