Trung Quốc lại biện minh cho các trại "huấn nghệ" ở Tân Cương (RFI, 09/12/2019)
Bị liên tiếp tố cáo vì chính sách giam giữ người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo ở Tân Cương trong các trại "lao cải", Trung Quốc vào hôm 09/12/2019 một lần nữa đã lên tiếng biện minh cho mạng lưới các trại được họ gọi là "huấn nghệ", và cho biết sẽ tiếp tục "đào tạo" cư dân tại chỗ.
Shohrat Zakir, phó bí thư Đảng đoàn, chủ tịch khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 09/12/2019 - Reuters/Jason Lee
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ông Shohrat Zakir, chủ tịch Chính quyền Nhân dân vùng tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đã bác bỏ thông tin từ các chuyên gia ngoại quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền theo đó đã có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác bị chính quyền Trung Quốc cầm giữ trong các trại cải tạo lao động.
Tuy nhiên, nhân vật này không hề cung cấp bất kỳ số liệu nào về số người ở trong những trại mà Bắc Kinh gọi là "trung tâm huấn nghệ", mà chỉ cho rằng "các học viên... với sự giúp đỡ của chính phủ đã có được việc làm ổn định (và) cải thiện được chất lượng cuộc sống".
Theo lời ông Zakir, những người trong trung tâm đã "hoàn tất các khóa học" và các nơi này luôn có "người ra, người vào".
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong những ngày gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền để biện minh cho chính sách đàn áp nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ sau vụ rò rỉ tài liệu của chính phủ nêu bật chi tiết về các chương trình giám sát và kiểm soát cư dân người Duy Ngô Nhĩ, và sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật đòi trừng phạt các quan chức liên quan đến chính sách Tân Cương.
Ông Zakir vào hôm nay đã tố cáo dự luật về người Duy Ngô Nhĩ của Hạ viện Mỹ, coi đấy là một "hành vi bá quyền trắng trợn".
Cũng hôm thứ Hai, ông Từ Hải Vinh (Xu Hairong), bí thư thành ủy Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, đã đả kích việc nhật báo Mỹ New York Times và ủy ban điều tra của báo chí quốc tế ICIJ tiết lộ tài liệu mật, cho đấy là hành động nhằm "xuyên tạc và bôi nhọ" các trại trong khu vực cũng như chính sách chống khủng bố của Trung Quốc
Trọng Nghĩa
*******************
Bắc Kinh bắt các công sở phải thay thế máy tính và phần mềm nước ngoài (BBC, 09/12/2019)
Bắc Kinh vừa ra lệnh cho tất cả các văn phòng chính phủ và các tổ chức công phải loại bỏ các máy tính và phần mềm do nước ngoài sản xuất trong vòng ba năm, theo FT.
Tất cả các văn phòng chính phủ và các tổ chức công của Trung Quốc phải loại bỏ các máy tính và phần mềm do nước ngoài sản xuất trong vòng ba năm
Động thái này được xem là một cú đánh rất mạnh vào doanh thu của các công ty như HP, Dell và Microsoft.
Chỉ thị này là hướng dẫn công khai đầu tiên đưa ra các mục tiêu cụ thể yêu cầu người mua Trung Quốc phải chuyển sang các nhà cung cấp công nghệ quốc nội, và đáp trả nỗ lực của chính quyền Trump trong việc hạn chế sử dụng công nghệ Trung Quốc tại Mỹ và các nước đồng minh.
Đây là một phần trong chiến dịch rộng lớn nhằm tăng cường sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ sản xuất trong nước, và có khả năng gây ra mối lo ngại là chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bị cắt đứt.
Đầu năm nay, Washington đã cấm các công ty Mỹ làm ăn với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei thay vào đó tìm cách dồn tiền để mua hàng cho các đối thủ Châu Âu của Huawei.
Gần đây, Hoa Kỳ đề xuất rằng việc bán công nghệ vào Hoa Kỳ từ các "đối thủ nước ngoài" sẽ được xem xét kỹ vì lý do an ninh quốc gia, cũng như đã gây áp lực buộc các đồng minh Châu Âu loại Huawei ra khỏi các dự án cơ sở hạ tầng 5G.
Các nhà phân tích tại China Securities ước tính rằng khoảng 20 đến 30 triệu máy tính sẽ cần phải được hoán đổi do chỉ thị của Trung Quốc, với sự thay thế quy mô lớn bắt đầu vào năm tới.
Họ nói thêm rằng sự thay thế sẽ diễn ra với tốc độ 30% vào năm 2020, 50% vào năm 2021 và 20% vào năm sau đó, khiến cho chính sách này có biệt danh "3-5-2".
Mặc dù tài liệu chính sách của Văn phòng Trung ương được giữ bí mật, các nhân viên của hai công ty an ninh mạng đã nói với Financial Times là khách hàng chính phủ của họ cũng đã mô tả chính sách này. Các nhân viên được yêu cầu giấu tên vì thông tin nhạy cảm về mặt chính trị.
Các nhà phân tích tại công tư tài chánh Jefferies ước tính rằng các công ty công nghệ Hoa Kỳ có số doanh thu 150 tỷ đôla một năm từ Trung Quốc, mặc dù phần lớn trong số này đến từ những người mua tư nhân.
Tốc độ thay thế được giới quan sát cho là quá tham vọng. Các văn phòng chính phủ đã có xu hướng sử dụng máy tính để bàn Lenovo, sau khi công ty này mua lại bộ phận máy tính cá nhân khổng lồ IBM của Mỹ.
Nhưng giới phân tích nói rằng sẽ rất khó để thay thế phần mềm với lựa chọn trong nước, vì hầu hết các nhà cung cấp phần mềm đều phát triển sản phẩm cho các hệ điều hành phổ biến do Mỹ sản xuất như Windows của Microsoft, và Mac của Apple.
Mặc dù Microsoft đã sản xuất một "phiên bản Chính phủ Trung Quốc", cho Windows 10 vào năm 2017 với liên doanh của công ty này ở Trung Quốc, các công ty an ninh mạng Trung Quốc hiện cho biết khách hàng của chính phủ phải chuyển sang các hệ điều hành hoàn toàn do Trung Quốc sản xuất.
Các hệ điều hành tự chế của Trung Quốc, như Kylin OS, có một hệ sinh thái nhỏ hơn của các nhà phát triển sản xuất phần mềm tương thích nhiều.
Việc xác định "sản phẩm nội địa" cũng là một thách thức. Mặc dù Lenovo là một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc chuyên lắp ráp nhiều sản phẩm tại Trung Quốc, chip xử lý máy tính của họ được sản xuất bởi Intel và ổ cứng do Samsung sản suất.
Ảnh hưởng của Tác động của chính sách 3-5-2 có thể sẽ rất đáng kể vì chính phủ có thể kiểm soát việc mua sắm cho các cơ quan bị chi phối bởi chính sách này, một nhà phân tích an ninh mạng khác cho biết.
Hiện chưa biết các công ty tư nhân có bị ảnh hưởng không. Nhưng chắc chắn là cho đến khi chính phủ ra chính sách, những công ty này sẽ không chủ động thay thế, vì khoản đầu tư này rất cao, nhà phân tích nói thêm.