Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ân xá Quốc tế : Thái Lan vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận (RFA, 13/04/2017)

Tổ chức Ân xá Quốc tế-Amnesty International chỉ trích chính quyền quân sự Thái Lan trong việc ban hành lệnh cấm sử dụng internet để trao đổi với ba người có những chỉ trích đối với Hoàng gia Thái. Theo Ân xá Quốc tế biện pháp kiểm soát của chính phủ đối với tự do ngôn luận đến mức tệ hại nhất.

asean1

Học giả Somsak Jeamteerasakul. AFP photo

Tin này được AFP loan đi ngày 13 tháng tư.

Lệnh cấm vừa ban hành quy định bất lỳ sự trao đổi, tương tác nào với ba nhà phê bình, bao gồm liên lạc, theo dõi trang mạng xã hội hay chia sẻ những bình luận của họ đều có thể bị buộc tội theo Luật Tội phạm Máy tính của chính phủ nước này ban hành.

Ba nhà phê bình mà Chính phủ Thái ban hành lệnh cấm không cho liên lạc qua internet là hai học giả Somsak Jeamteerasakul và Pavin Chachavanpongpun cùng với cựu phóng viên Andrew MacGregor Marshall.

Phó Giám đốc, đặc trách khu vực Đông Nam Á của Amnesty International, ông Josef Benedict vào hôm thứ Tư 12 tháng tư, nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng Chính quyền Thái Lan đã tuột dốc trầm trọng trong việc hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân qua lệnh cấm vừa ban hành.

Một giới chức cao cấp của Bộ Kỹ thuật Kinh tế Thái Lan bác bỏ chỉ trích của tổ chức Ân xá Quốc tế.

**********************

Lính Bangladesh bắn người Rohingya (RFA, 13/04/2017)

Biên phòng Bangladesh hôm thứ năm 13 tháng tư nổ súng vào một tàu chở người Rohingya đến từ Myanmar khiến một người phụ nữ tử vong và 4 người khác bị thương.

asean2

Dân tộc thiểu số Rohingya bên trong trại tạm trú Leda Rohingya tại Bangladesh hôm 15 tháng 2 năm 2017. AFP photo

Cảnh sát nước này cho biết biên phòng Bangladesh bị tấn công và đã bắn lại hai tàu cá trên con sông nằm giữa hai nước Bangladesh và Myanmar. Sau đó biên phòng Bangladesh đã tìm thấy một chiếc tàu đậu tại một đảo nhỏ trên sông, một phụ nữ bị bắn chết và 4 người bị thương. Ngoài ra cảnh sát cũng tìm thấy 28,000 viên thuốc gây nghiện methamphetamine trên tàu.

Người đứng đầu bệnh viện chính phủ ở Teknaf nói với hãng tin AFP rằng thân thể người phụ nữ bị dính đầy đạn khi bà này được đưa vào viện, còn 4 người đàn ông bị thương là người Rohingya.

Khoảng 75.000 người tị nạn Rohingya đã vào Bangladesh từ tháng 10 năm ngoái khi quân của chính phủ Myanmar tiến hành chiến dịch đàn áp nhắm vào người thiểu số Hồi Giáo Rohingya ở Myanmar. Chính phủ Myanmar từ chối không cấp quốc tịch cho nhưng người Rohingya bất chấp thực tế là họ đã sống trên đất Miến nhiều đời.

****************

Thượng đỉnh ASEAN ở Manila thảo luận về Biển Đông (RFI, 13/04/2017)

Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 29/04/2017, tại Manila, Philippines, quốc gia chủ tịch luân phiên. Ngoài việc thảo luận tăng cường hợp tác để xây dựng và nâng cao ý thức cộng đồng nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, các vấn đề an ninh khu vực như các tranh chấp ở Biển Đông và tình hình bán đảo Triều Tiên nằm trong chương trình nghị sự.

asean3

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (T) nhận quyền chủ tịch ASEAN 2017 từ tay thủ tướng Lào tại phiên bế mạc Thượng Đỉnh ASEAN ở Vientiane (Lào) ngày 08/09/2016.Ảnh : asean.org

Báo Thái Lan The Nation, ngày 12/04/2017, trích lời phó tổng vụ trưởng vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Thái Lan Suriya Jindawong, cho biết, cuộc họp thượng đỉnh ASEAN năm nay mang chủ đề : "Tăng trưởng dựa vào dân và cải tiến công nghệ, phát triển một ASEAN bền vững".

Tuy nhiên, cuộc họp thượng đỉnh cũng sẽ đề cập đến Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông COC, mang tính ràng buộc về pháp lý, do ASEAN và Trung Quốc cùng soạn thảo để kiểm soát hành vi của các quốc gia tại khu vực có tranh chấp chủ quyền lãnh hải.

Philippines và một số thành viên khác của khối như Việt Nam, Malaysia đang có những tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

Năm 2002, khối ASEAN đã ký bản Tuyên Bố Về Ứng Xử Các Bên tại Biển Đông (DOC). Thế nhưng văn kiện không mang tính ràng buộc này đã thất bại trong việc ngăn ngừa tình hình căng thẳng thêm tồi tệ.

Theo phó tổng vụ trưởng vụ ASEAN Bộ Ngoại giao Thái Lan, thì hiện nay, chuyên gia và quan chức của ASEAN và Trung Quốc đang xây dựng một bộ khung cho Bộ Quy Tắc – COC và dự kiến kết thúc vào giữa năm nay. Một khi bộ khung được thông qua, các bên sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về nội dung Bộ Quy Tắc Ứng Xử.

Minh Anh

*******************

Tổng thống Philippines hủy thăm đảo Thị Tứ, vì Trung Quốc phản đối (RFI, 13/04/2017)

Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố hôm nay, 13/04/2017, sẽ không đến cắm cờ Philippines trên một nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, sau khi Trung Quốc phản đối.

asean4

Máy bay vận tải quân đội Philippines trên đảo Thị Tứ, Trường Sa, Biển Đông - Ảnh tư liệu : paf.mil.ph

Theo CNN Philippines, trong chuyến công du Ả Rập Xê Út, trước hơn 2.000 công dân Philippines tại thủ đô Ryad, ông Duterte cho biết Trung Quốc đã yêu cầu ông không đến thăm nhóm đảo Kalayaan, thuộc tỉnh Palawan của Philippines, nằm trong quần đảo Trường Sa và không cắm cờ trong khu vực này.

Vì vậy, ông quyết định : "Vì tình hữu nghị với Trung Quốc, và vì chúng ta đề cao tình hữu nghị này, tôi sẽ không đến cắm cờ Philippines nữa. Tôi sẽ không đến bất kỳ hòn đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa". Tuy nhiên, AFP cho biết tổng thống Duterte có thể cử con trai đến, "chỉ để chứng minh rằng những đòi hỏi chủ quyền của chúng ta có giá trị với mọi thế hệ người Philippines".

Ngày 06/04, tổng thống Duterte tuyên bố sẽ làm lễ thượng cờ trên đảo Thị Tứ (Philippines gọi là Pag-asa), nhân dịp quốc khánh Philippines ngày 12/06. Ông Duterte còn muốn tăng cường an ninh bằng việc xây một số lán trại cho các hòn đảo không có người ở trong quần đảo Trường Sa, mà Philippines đòi chủ quyền, nhưng có tranh chấp với một số nước khác như Việt Nam, Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, những tuyên bố trên của tổng thống Philippines có nguy cơ khiến Bắc Kinh phật lòng. Thực vậy, trong buổi họp báo ngày 07/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, đã bày tỏ " quan ngại" về tuyên bố của tổng thống Rodrigo Duterte.

Sau đó vài hôm, thứ Hai 10/04, tổng thống Philippines đã có lời lẽ hòa hoãn hơn với Trung Quốc. Ông trấn an Bắc Kinh là không thực hiện chính sách hung hăng tại Biển Đông và cũng không cho triển khai vũ khí có khả năng đe dọa đến an ninh của Trung Quốc tại vùng biển này.

Thị Tứ là đảo lớn nhất trong số 9 đảo và đá tại Biển Đông mà Philippines đòi chủ quyền, và là đảo duy nhất có dân Philippines sinh sống. Trên đảo Thị Tứ có một đường băng do quân đội Philippines kiểm soát. 

Đảo Thị Tứ nằm gần đá Xubi (Subi Reef), một trong bẩy đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc bị cáo buộc quân sự hóa.

Thu Hằng

Published in Châu Á