Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông trong bối cảnh các tranh chấp chưa hạ nhiệt

RFA, 23/07/2024

Cùng với đệ trình hồ sơ bổ sung về thềm lục địa mở rộng, trong cùng ngày 17/7/2024, Việt Nam cũng gửi công hàm phản đối đệ trình của Philippines ngày 14/6/2024. Trong công hàm này, Việt Nam cho rằng một phần trong đệ trình của Philippines đã xâm lấn vào thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam. Một số khu vực khác trong đệ trình của Philippines thì chống lấn với thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam đã đệ trình trong hồ sơ năm 2009 và chính hồ sơ ngày 17/7/2024. 

themlucdia1

Bản đồ thềm lục địa mở rộng Việt Nam đệ trình chung với Malaysia năm 2009 - CLCS

Hồ sơ cũng như công hàm nói trên của Việt Nam không nhắc tới Trung Quốc. Tuy vậy, dường như lập luận của nó cũng ngầm đối thoại với khái niệm "Nam Hải chư đảo" mà Trung Quốc nêu ra trong công hàm gửi Phippines. 

Chống lại khái niệm "Nam Hải chư đảo" của Trung Quốc ?

Trong công hàm phản đối đệ trình thềm lục địa mở rộng của Philippines hồi tháng 6, 2024, Trung Quốc cho rằng yêu sách của Philippines xâm phạm chủ quyền và vùng nước, vùng đáy biển xung quanh cái gọi là "Nanhai Zhudao". "Nanhai Zhudao" là cách Trung Quốc phiên âm bốn chữ "Nam Hải chư đảo" (nghĩa là "các đảo trên biển Đông"), chỉ các các quần đảo trên biển Đông trong cách gọi của họ là "Tây Sa", "Nam Sa", "Đông Sa" và "Trung Sa".

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, việc Việt Nam thể hiện hàm ý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có thực thể nào có hiệu lực của đảo cũng là một cách đáp trả khái niệm "Nanhai Zhudao" của Trung Quốc. 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt chỉ ra là trong đệ trình ngày 17/7/2024, Việt Nam có nói là sử dụng phương pháp "Hedberg formula", tức là cách tính dựa theo một đường được phân định bằng cách tham chiếu đến các điểm cố định cách chân dốc lục địa không quá 60 hải lý, quy định tại Khoản 4 Điều 76 của UNCLOS. Điều đó có nghĩa là Việt Nam không dựa vào sự chiếm hữu hay chủ quyền đối với bất kỳ thực thể nào ở Trường Sa và Hoàng Sa để đòi hỏi thềm lục địa mở rộng. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng điều đó cũng nhất quán với quan điểm của Việt Nam từ năm 2016. Năm 2014, Việt Nam có gửi công hàm cho Tòa PCA khẳng định quan điểm không có thực thể nào ở Hoàng Sa, Trường Sa có hiệu lực của đảo. Việt Nam do đó cũng không chấp nhận thực thể nào ở Hoàng Sa, Trường Sa có 200 hải lý thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Ông cho biết khái niệm "Nam Hải chư đảo" được Trung Quốc nhắc tới nhiều lần trong những năm gần đây. Sau phán quyết của tòa PCA năm 2016 chỉ ra tính phi pháp của đường lưỡi bò thì Trung Quốc không muốn nhắc tới khái niệm này nữa mà tìm một cách nói tương đương khác.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang, ở Quỹ Max Planck vì hòa bình quốc tế và pháp quyền, Đức, các đệ trình của Việt Nam lên CLCS đều phù hợp với các quy định của UNCLOS. Đó là một thực tiễn pháp lý, vì vậy, không nên giải thích các đòi hỏi này từ lăng kính chính trị. 

Giải quyết vùng chồng lấn thế nào ? 

themlucdia2

Vị trí hai khu vực thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý của Việt Nam và Malaysia (màu cam). Nguồn: Clive Schofield và Andi Arsana, (ANCORS)

Đệ trình của Việt Nam, Malaysia, Philippines có chồng lấn với nhau. Tuy nhiên, cả ba nước đều bày tỏ thai độ sẵn sàng đối thoại, thương lượng với nhau để giải quyết tranh chấp dựa theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc công bằng. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, có ba nguyên tắc để các nước thảo luận với nhau là nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, nguyên tắc công bằng cho các bên, và nguyên tắc bám sát thực tế để có thể thực thi được. Ông nói : 

"Dĩ nhiên phải cùng nhau thương lượng trên tinh thần tôn trọng luật pháp, công bằng, thực tế. Trước hết các bên đều có thể đòi hỏi tối đa theo đúng quy định của luật quốc tế, sau đó dùng giải pháp trung tuyến có tương nhượng đôi chút để dễ thực thi trên thực tế".

Giải pháp trung tuyến là giải pháp được UNCLOS quy định khi phân chia các vùng chồng lấn. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, những phần Philippines đòi hỏi thềm lục địa mở rộng lấn vào 200 hải lý thềm lục địa của Việt Nam thì khó có thể thương lượng được. Việt Nam đã nói là không chấp nhận vì điều đó vi phạm Luật biển quốc tế. Tuy nhiên, phần "thềm lục địa mở rộng" mà hai bên chồng lấn thì có thể tính toán để phân chia theo đường trung tuyến, tức là chia theo nguyên tắc công bằng. 

Sau khi Việt Nam đệ trình yêu sách thềm lục địa mở rộng của mình hôm 17/7/2024, cả Trung Quốc lục địa và Đài Loan đều phản đối. Điều đáng lưu ý là Trung Quốc và Đài Loan mới chỉ phản đối bằng các phát ngôn ngoại giao chứ chưa phản đối chính thức bằng công hàm gửi cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, cả Đài Loan và Trung Quốc đều có tham vọng độc chiếm biển Đông như đã thấy qua yêu sách đường lưỡi bò lập lờ, nên việc họ phản đối là chuyện "đương nhiên". Còn Philippines cũng như Việt Nam đều cùng phận nước nhỏ, bị Trung Quốc chèn ép, nên cần được sự hậu thuẫn, đồng tình với nhiều bên để đối phó với Trung Quốc. Do đó, việc Philippines chủ trương "thảo luận cởi mở" để có được một giải pháp công bằng, hợp lí hợp tình là điều dễ hiểu.

Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang cho rằng việc các quốc gia ven biển tin rằng việc mở rộng thềm lục địa của một quốc gia láng giềng chồng lấn với thềm lục địa của họ thì họ có nghĩa vụ phản đối đệ trình đó để các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ sẽ được bảo vệ theo Luật biển quốc tế. Do Biển Đông là một vùng biển tương đối nhỏ, việc Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam phản đối các yêu sách của nhau là điều dễ hiểu về mặt pháp lý. Công ước Luật Biển và một số án lệ trước tòa án quốc tế về phân định thềm lục địa chồng lấn đã cung cấp khuôn khổ pháp lý khá toàn diện để các quốc gia tranh chấp phân định các vùng biển của mình bằng đàm phán hoặc thông qua tòa án quốc tế. Do đó, theo nhà nghiên cứu Minh Trang, các quốc gia được tự do lựa chọn các phương thức giải quyết mà họ cho là phù hợp.

Nguồn : RFA, 24/07/2024

**************************

Tại sao Việt Nam đệ trình thêm hồ sơ thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông ?

RFA, 23/07/2024

Ngày 17/7/2024, Việt Nam đã đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc yêu sách của mình về thềm lục địa mở rộng đối với khu vực giữa Biển Đông. Yêu sách này được đưa ra căn cứ vào Khoản 8, Điều 76 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), quy định về giới hạn của thềm lục địa mở rộng, vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Điều đáng chú ý là Việt Nam đã có đệ trình yêu sách thềm lục địa mở rộng vào năm 2009. Tại sao Việt Nam cần đệ trình một hồ sơ mới ở thời điểm này ? 

themlucdia3

Bản đồ vùng thềm lục địa mở rộng do các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia đệ trình. Nhà nghiên cứu Phan Văn Song vẽ minh họa dựa trên Google Map và hồ sơ đệ trình của các nước nêu trên - Song Phan/Google Map

Tiếp nối hồ sơ 2009 

Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang ở Quỹ Max Planck vì hòa bình quốc tế và pháp quyền, Đức, cả ba đệ trình đều đề cập đến các phần khác nhau của thềm lục địa hợp pháp mà Việt Nam tuyên bố bằng cách áp dụng các biện pháp pháp lý khác nhau theo UNCLOS. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần lưu ý trang bìa hồ sơ của Việt Nam cũng ghi thời gian là năm 2009. Điều đó có nghĩa là Việt Nam coi hồ sơ 2024 là sự kéo dài hồ sơ 2009. Có thể nói, hồ sơ năm 2024 là để nói rõ hơn hồ sơ đã gửi trước đó. 

Tháng 5/ 2009, Việt Nam nộp hai hồ sơ. Một là hồ sơ riêng, một là hồ sơ chung với Malaysia. Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Phan Văn Song, một cộng tác viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, cho rằng trước hết, cần lưu ý rằng trong hai hồ sơ nộp tháng 5/2009 thì hồ sơ riêng của Việt Nam liên quan đến một phần thềm lục địa mở rộng của khu vực phía Bắc biển Đông (kí hiệu là VNM-N), còn hồ sơ nộp chung với Malaysia liên quan khu vực phía Nam, cụ thể là khu vực kí hiệu là "Defined Area" ("khu vực minh định"). Trong bản đồ, khu vực này có hình đa giác cong, được định vị với kí hiệu CDEQF. 

Nhà nghiên cứu Phan Văn Song chỉ ra là hồ sơ tháng 7 năm 2024 của Việt Nam liên quan đến khu vực Giữa biển Đông (được kí hiệu là VNM-C). Tuy nhiên các ranh giới của khu vực Giữa biển Đông này cũng đã được xác định trong hồ sơ nộp chung với Malaysia. Đặc biệt, ranh giới phía Bắc của khu vực này đã được điều chỉnh chút ít so hồ sơ trước. Cụ thể là dù vẫn được xác định bằng 78 điểm nhưng toạ độ các điểm lần này có sai khác toạ độ trước đây khoảng vài 1/10 000 của độ (khó thể nhận ra sự khác biệt với các bản đồ thông dụng). Như vậy, vẫn còn một phần của khu vực phía Bắc biển Đông, nằm gần quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam chưa nộp hồ sơ. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, điều đó có thể là do có nhiều rắc rối trong tranh chấp với Trung Quốc cho vùng chồng lấn.

Tại sao Việt Nam đệ trình vào thời điểm tháng 7 năm 2024 ? 

Đệ trình của Việt Nam được gửi cho Liên Hiệp quốc trong bối cảnh cách đây hơn một tháng, vào ngày vào ngày 14/6, Philippines đã đệ trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp quốc một phần của những yêu sách đối với "thềm lục địa mở rộng". 

Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, Việt Nam cần phải hoàn thành hồ sơ năm 2009, do bởi còn lại khu vực Giữa và phần cực Bắc của khu vực phía Bắc của biển Đông cần phải bổ sung. Trong đó, phần cực Bắc của khu vực phía Bắc có khả năng gặp rắc rối nhiều với Trung Quốc. Do đó, có thể nhân việc hồ sơ Malaysia nộp lại năm 2019 và hồ sơ Philippines vừa mới nộp 6/2024 đều có vấn đề nên Việt Nam đã nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng cho khu vực Giữa biển Đông để khẳng định quyền lợi hợp pháp của mình với Malaysia, Philippines và cũng có thể với Trung Quốc nữa. Cùng góc nhìn với ông Phan Văn Song, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng cho rằng đệ trình của Philippines hồi tháng 6/2024 là nguyên nhân chính thúc đẩy Việt Nam nộp thêm hồ sơ mới. Ông nói tiếp : 

"Theo tôi suy đoán, có lẽ phía Việt Nam muốn đáp lại đệ trình của Philippines ngày 15-16 tháng 6, 2024. Việt Nam phải bảo vệ lợi ích của mình. Đó là lý do Việt Nam phải gửi hồ sơ mới. Và cùng với hồ sơ đệ trình mới thì Việt Nam cũng gửi công hàm lên UN phản đối đệ trình của Philippines, trong đó cho rằng đệ trình của Philippines đã xâm lấn vào 200 hải lý thềm lục địa của Việt Nam".

Hiệu lực "đảo" của Hoàng Sa, Trường Sa ?

Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang, điều thứ nhất cần lưu ý là Việt Nam tuyên bố thềm lục địa mở rộng của mình tính từ đất liền, chứ không phải từ bất kỳ thực thể nào ở Biển Đông mà Việt Nam có yêu sách chủ quyền. Cách làm này phù hợp với Công hàm của Việt Nam gửi CLCS ngày 30 tháng 3 năm 2020 và Phán quyết về Biển Đông năm 2016. 

Thực vậy, các đệ trình của Việt Nam, bao gồm cả đệ trình năm 2024, thể hiện một hàm ý rõ ràng là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có thực thể nào có hiệu lực của đảo, theo quy định của UNCLOS. 

Nhà nghiên cứu Phan Văn Song nhận xét rằng các hồ sơ của Việt Nam năm 2009 (trước khi có phán quyết PCA 2016) và 2024 (sau khi có phán quyết) đều chỉ sử dụng hiệu lực của đất liền để tính thềm lục địa mở rộng, không sử dụng chủ quyền đối với các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ông cũng lưu ý rằng trong các hồ sơ/ công hàm kèm theo thường có câu dự phòng về việc sẽ nộp thêm hồ sơ đối với các vùng biển khác theo quy định. Từ sau khi có phán quyết của toà Trọng tài PCA 2016, qua các phát biểu phản đối Trung Quốc về các vụ việc quanh Hoàng Sa, có vẻ đúng là Việt Nam không coi Hoàng Sa và Trường Sa có hiệu lực của đảo. Và từ đó, có thể đoán rằng trong hồ sơ lần này, Việt Nam cũng có quan điểm như vậy.

Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc cho biết họ sẽ xem xét đệ trình của Việt Nam trong chương trình nghị sự của phiên họp thứ 63 của Ủy ban, từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2025.

Nguồn : RFA, 24/07/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Châu Á

Ngày 14/6/2024, Philippines đã đệ trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) của Liên Hiệp quốc một phần của những yêu sách đối với "thềm lục địa mở rộng". 

phi01

Bản đồ các đường yêu sách thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông - Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam

Điều 76, phần VI, của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định rằng quốc gia ven biển có thể có tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa. Thềm lục địa có thể mở rộng quá 200 hải lý, nếu nếu rìa lục địa tự nhiên kéo dài xa hơn khoảng cách đó. Tuy nhiên, "thềm lục địa mở rộng" không được kéo dài quá 350 hải lý. 

Khi Philippines đệ trình yêu sách đối với thềm lục địa mở rộng, phần mở rộng thềm lục địa ở khu vực đảo Luzon đã chồng lấn với phần thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam đệ trình từ 2009 cho phần phía bắc Biển Đông. 

Điều đáng chú ý là phần thềm lục địa mở rộng ở đảo Luzon của Philippines có thể đối mặt với một số câu hỏi về địa lý : có một máng sâu dưới đáy biển nằm chắn ngang đảo Luzon và Biển Đông. Điều này đặt ra câu hỏi là liệu thềm lục địa của Philippines có thể "mở rộng" hay không. Việt Nam nên đàm phán với Philppines như thế nào để các quốc gia có thể phân chia lợi ích trên Biển Đông một cách công bằng ?

Máng sâu Manila 

Theo Giáo sư Nguyễn Hồng Thao ở Học viện Ngoại giao Việt Nam, đệ trình của Philippines gặp phải nhiều "thách thức" . Thách thức đầu tiên là có máng sâu Palawan (Palawan Trench) nằm dưới đáy biển, chắn ngang đất liền Palawan và Biển Đông. Điều này làm cho phần đáy biển phía ngoài máng sâu Palawan không còn là "thềm lục địa" của Philippines theo Luật biển Quốc tế (UNCLOS.) 

Điều 76 UNCLOS quy định "thềm lục địa" là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mở rộng bên ngoài lãnh hải "theo sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền đến mép ngoài của rìa lục địa". Máng sâu Palawan làm cho vùng đáy biển này phía ngoài không phải là phần "kéo dài tự nhiên" của đất liền nữa.

Tuy nhiên, không chỉ ở khu vực phía ngoài đảo Palawan mà cả khu vực phía ngoài đảo Luzon, đảo lớn nhất của Philippines, cũng có một máng sâu là máng Manila (Manila Trench.) Phần thềm lục địa mở rộng này chồng lấn lên phần thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam đăng kí từ 2009. 

Máng Manila chắn ngang đảo Luzon và Biển Đông. Theo một nghiên cứu , "độ sâu của rãnh Manila là khoảng 4,8–4,9 km và điểm sâu nhất lên tới 5,4 km". 

Câu hỏi đặt ra là với sự tồn tại của máng sâu Manila, liệu việc đăng kí "thềm lục địa mở rộng" của Philippines có hợp lý ? Hà Nội có nên thương lượng với Manila về vấn đề này hay không ? Trao đổi với RFA về vấn đề này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét :

"Theo điều 76 của Luật biển quốc tế thì mỗi quốc gia có quyền đệ trình yêu sách về thềm lục địa mở rộng, nhưng có được phê chuẩn hay không là chuyện khác. Đệ trình đó phải được xem xét có hợp lý không, có cơ sở pháp lý, địa lý, địa chất không. Ngoài ra, còn vấn đề quan điểm của các quốc gia khác. Nếu đệ trình của một quốc gia bị nhiều nước phản đối thì Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc có thể xem xét lại".

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Việt Nam là một quốc gia lục địa, có đất liền, nên thềm lục địa kéo dài. Còn Philippines là quốc gia quần đảo, mảng lục địa của ở đó không phải là lục địa già và kéo dài. Philippines không nhắc tới máng sâu Manila nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia khác sẽ không nhắc tới. Do đó, đệ trình của Philippines có thể sẽ vấp phải nhiều trở ngại. 

Mục đích của Philippines : khơi dậy trở lại vấn đề pháp lý ? 

Sự tồn tại của máng sâu Manila và máng sâu Palawan làm cho đệ trình của Philippines suy yếu. Tuy nhiên, UNCLOS quy định nhiều cách khác nhau để tính toán thềm lục địa. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Philippines đã áp dụng một phương pháp tính toán đặc thù để xác định thềm lục địa mở rộng, tuy nhiên, mục đích của họ không phải là đòi hỏi thềm lục địa mà muốn dậy vấn đề pháp lý ở Biển Đông nhiều hơn. 

Điều 76 của UNCLOS có đưa ra nhiều cách tính toán thềm lục địa, trong đó có "cách nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý" (mục 4 của điều 76). Theo Giáo sư Nguyễn Hồng Thao , sự tồn tại của máng sâu Palawan (Palawan Trench) tạo ra đứt gãy, "có thể là lý do vì sao Philippines lựa chọn sử dụng phương pháp vòng cung không vượt quá 60 hải lý tính từ chân dốc thềm lục địa (FOS) theo điều 76 mục 4, thay cho phương pháp xác định ranh giới ngoài dựa trên bề dày trầm tích".

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cách tính toán của Philiipines không giúp hóa giải một cách căn bản những khó khăn về mặt pháp lý do sự tồn tại của hai máng sâu Palawan và Manila tạo ra cho nước này. Ông nói : 

"Tôi muốn nhấn mạnh một điều là dù tính toán theo cách nào đi nữa thì với sự tồn tại của máng sâu Manila, thì chắc chắc là đòi hỏi đó khó có tính thuyết phục. Tuy vậy, tại sao sau 15 năm họ mới tung ra đệ trình này ? Theo tôi, Philippines tung ra đệ trình này vào thời điểm này không với mục tiêu đòi hỏi thềm lục địa mở rộng mà là muốn khuấy động trở lại cuộc chiến pháp lý, như Malaysia đã làm hồi năm 2019. Điều đó phù hợp với chính sách công khai mọi thứ của Philippines. Có lẽ đó là mục tiêu lớn hơn mục tiêu đòi hỏi thềm lục địa mở rộng".

GS Nguyễn Hồng Thao cũng cho rằng đệ trình năm 2024 của Philippines về thềm lục địa mở rộng "có thể coi như tín hiệu bắt đầu của vòng ba cuộc chiến công hàm". 

Vòng một và vòng hai của cuộc chiến công hàm, đã từng xảy ra vào các năm 2009 và 2019, khi các nước xung quanh Biển Đông và bên ngoài khu vực liên tục gửi công hàm lên Liên Hiệp quốc bác bỏ các yêu sách quá mức của Trung Quốc trong đường lưỡi bò.

Điều đáng lưu ý là trong đệ trình của mình, Philippines thừa nhận rằng đệ trình của mình có thể chồng lấn với yêu sách của Việt Nam và Malaysia năm 2009, và tuyên bố sẵn sàng thảo luận với hai nước láng giềng Đông Nam Á. Đệ trình của Philippines đã không nhắc tới Trung Quốc. Trung Quốc là nước từ tháng 3 năm 2023 đến nay, đã phong tỏa bãi Cỏ Mây, ngăn cản Philippines tiếp tế cho một nhóm binh sỹ đồn trú trên một con tàu cũ ở đó. 

Phản hồi động thái của Philppines trong đệ trình nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói "Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước".

Nguồn : RFA, 06/07/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Châu Á