Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Magnésium : Châu Âu lệ thuộc Trung Quốc

Trung Quốc chiếm 87% sản lượng magnésium trên thế giới, 93% lượng tiêu thụ của Châu Âu. Giá magnésium tăng gấp 5 lần chỉ trong năm qua, và đến cuối tháng 11, Châu Âu không còn dự trữ.

magne1

Magnésium dạng cuộn và dạng thỏi dùng cho sản xuất công nghiệp.  © Wikipedia

Trang Ý kiến của Le Figaro đặt vấn đề "Magnésium : Khi Châu Âu lệ thuộc vào Trung Quốc". Sau đỉnh dịch, tất cả đều thiếu. Nhân công một số đã chuyển nghề khác, hoặc vẫn chưa quay lại thị trường lao động. Nguyên vật liệu được lùng sục sau thời gian ít được đầu tư. Vận chuyển chậm lại do ảnh hưởng của chuỗi hậu cần cung ứng toàn cầu. Chất bán dẫn là mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất, nằm trong tay một số ít nhà sản xuất. Và một mặt hàng mới kéo dài thêm danh sách khiếm hụt đang đe dọa sự hồi phục kinh tế, mang số 12 trong bảng tuần hoàn Mendeleiev : đó là magnésium.

Tình trạng đáng lo ngại đến nỗi chủ đề này đã được nêu ra trong cuộc họp các nhà lãnh đạo Châu Âu thứ Sáu tuần trước tại Bruxelles. Giá magnésium từ 2.000 đô la/tấn đã vọt lên trên 10.000 đô la chỉ trong một năm, và đến cuối tháng 11, Châu Âu không còn dự trữ. Chất này cần thiết để sản xuất nhôm và các hợp kim khác cho ngành bao bì, xe hơi và hàng không. Sản lượng magnésium cho kỹ nghệ hiện đang tập trung tại Trung Quốc, đặc biệt tại Ngọc Lâm (Yulin) thuộc tỉnh Quảng Tây. Trung Quốc chiếm 87% sản lượng magnésium trên thế giới, 93% lượng tiêu thụ của Châu Âu.

Sự lệ thuộc vào Trung Quốc không phải do tình cờ : sản xuất magnésium dùng cho kỹ nghệ cần rất nhiều năng lượng. Nhờ giá năng lượng rẻ, Bắc Kinh đã hất cẳng các nước : nhà sản xuất cuối cùng của Châu Âu tại Na Uy đã bỏ cuộc cách đây 10 năm, còn nhà sản xuất cuối của Pháp rời cuộc chơi từ 15 năm trước. Magnésium không trữ được lâu (bị oxy hóa, dễ cháy), nên hai nhà máy nhôm lớn nhất nước Pháp chỉ có thể cầm cự đến giữa tháng 12. Châu Âu chỉ còn cách "ngoại giao" để Bắc Kinh nới lỏng hạn chế quota khí thải cho Ngọc Lâm.

China Telecom bị cấm hoạt động tại Mỹ

Cũng về Trung Quốc, Les Echos cho biết Hoa Kỳ hôm 26/10/2021 rút giấy phép của chi nhánh China Telecom vì lý do an ninh quốc gia. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc có 60 ngày để chấm dứt hoạt động trên lãnh thổ nước Mỹ.

Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC) nhận định "việc China Telecom America được chính quyền Trung Quốc nắm giữ và kiểm soát gây ra rủi ro đáng kể cho an ninh quốc gia và thực thi luật pháp". Phía Trung Quốc có thể "xâm nhập, lưu trữ, cắt ngang hoặc chuyển hướng cuộc gọi ở Mỹ, và như vậy có thể tiến hành các hoạt động tình báo hoặc những hành động khác có hại cho Hoa Kỳ".

Loan báo trên đã làm thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm sút sáng nay, và có thể làm tăng thêm căng thẳng Mỹ-Trung. China Telecom, công ty điện thoại cố định lớn nhất Trung Quốc đã phải rời Wall Street hồi tháng Giêng cùng với các đồng hương cạnh tranh China Mobile và China Unicom, do sắc lệnh của tổng thống Donald Trump cấm công dân Mỹ đầu tư vào các công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc. Sự kiện ông Joe Biden đắc cử không làm căng thẳng này giảm bớt.

ASEAN loại Miến Điện khỏi hội nghị thượng đỉnh vào phút chót

Tại Đông Nam Á, "Miến Điện chìm sâu vào nội chiến", đó là nhận xét của thông tín viên Le Figaro, trong khi tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu tập đoàn quân sự bị loại khỏi cuộc họp thượng đỉnh mở rộng trực tuyến của ASEAN khai mạc hôm nay.

Vị tướng và những ngôi sao trên cầu vai không xuất hiện trên màn hình, trong cuộc họp có sự tham dự của tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Theo giáo sư Chong Jia Ian ở Singapore, khối ASEAN cho đến phút cuối mới có quyết định này, vì không thể mất mặt với một tấm ảnh của tướng Hlaing bên cạnh ông Biden và các nhà lãnh đạo khác.

Bị chạm tự ái, Miến Điện tẩy chay hội nghị, từ chối lời mời một nhà ngoại giao nước này tham dự. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Christine Schraner Burgener cho rằng để có được đối thoại thật sự, cần thay thế tướng Min Aung Hlaing bằng một người khác thiện chí hơn. Hiện thời nhân vật quyền lực số 1 Miến Điện tiếp tục điều hành trong một đất nước bị phong tỏa với lý do đại dịch. Ông muốn sử dụng lại giải pháp quân sự, trước 200 nhóm kháng chiến vũ trang tập trung dưới lá cờ Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) và các nhóm thiểu số nổi dậy.

Miến Điện lún sâu vào ngõ cụt nội chiến 

Tập đoàn quân sự chuẩn bị phản công ở mặt trận tây bắc tại bang Chin, và vùng Sagaing, Magway, nhân mùa mưa sắp kết thúc ; để tránh hình thành một vòng cung kháng chiến từ bang Rakhine đến Vân Nam. Chính quyền cần có được chiến thắng để lên dây cót tinh thần cho quân đội trong lúc tình hình kinh tế u ám.

Năng lực phe đối lập còn kém, nhưng họ không còn ngần ngại trực tiếp đối đầu với quân đội. Bên cạnh đó là các vụ tấn công bằng chất nổ, ám sát các quân nhân viên chức, thậm chí vào tổng hành dinh cảnh sát thủ đô hoặc nhắm đến các ăng-ten của công ty viễn thông Mytel. Theo phía đối lập, các vụ tấn công này đã làm trên 1.500 quân nhân bị thiệt mạng từ tháng Sáu đến tháng Bảy, và quân đội cũng giết chết số người chống đối tương tự và bỏ tù 7.000 người từ sau đảo chính.

Cuộc xung đột đẫm máu kéo dài khiến việc hòa giải của tân đặc sứ Liên Hiệp Quốc người Singapore, Noeleen Heyzer, khó thể thành công. Báo cáo mới đây của tổ chức ICG nhận định, Miến Điện đang lún sâu vào "ngõ cụt nguy hiểm". Mỗi bên đều quyết tâm chiến thắng bằng mọi giá, nhưng không bên nào có khả năng tung ra cú đấm quyết định.

Chín nước phương Tây hợp sức tấn công dark web

Le Figaronói về "Chiến dịch ngoạn mục đánh vào trung tâm dark web : 150 tin tặc bị bắt". Hiến binh và cảnh sát Pháp dưới sự chỉ huy của Europol đã tham gia chiến dịch với kết quả là tịch thu được trên 26,7 triệu euro bằng tiền mặt và tiền ảo, 45 khẩu súng, 234 ký ma túy.

Sau nhiều tháng theo dõi hết sức bí mật trên toàn cầu, cảnh sát và hiến binh của 9 quốc gia đã thu được một mẻ lưới lớn ngay trong trái tim dark web, vực sâu của mạng internet, nơi bọn buôn lậu ngỡ rằng có thể ẩn danh để làm giàu.

Chiến dịch được đặt tên "Dark HunTOR" có sự tham dự của FBI, cơ quan chống tội phạm Anh, Ý, Đức, Pháp… diễn ra sau đợt tấn công đầu tiên vào tin tặc, dẫn đến việc phá vỡ "DarkMarket" hồi tháng Giêng. Đây là thị trường đen lớn nhất trong góc tối của thế giới mạng, chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng. Nền tảng dùng để mua bán ma túy, giấy tờ giả, tiền giả có khoảng 2.400 người bán và 500.000 người sử dụng, với khoảng 20 máy chủ hầu hết đặt tại Moldavia.

Với sự hỗ trợ của Europol, Đức bắt được nghi can được cho là điều hành nền tảng này tại biên giới Đức-Đan Mạch, một người Úc 34 tuổi. Hàng loạt chỉ dấu và hướng khai thác mở ra cho các nhà điều tra khắp thế giới. Từ tổng hành dinh cảnh sát Châu Âu ở La Haye, trung tâm chống tội phạm mạng (EC3) hoạt động tối đa. Đơn vị này có khoảng 100 nhân viên, trong đó có những chuyên gia giải mật hoặc tiền ảo thuộc loại giỏi nhất thế giới.

"Dark web" ngày càng bớt "dark"

Tướng Jean-Philippe Lecouffe, phó giám đốc điều hành Europol cho biết đã gởi đến lực lượng an ninh từng nước liên quan ít nhất 380 "gói" thông tin quan trọng. Cứ mỗi vụ bắt giữ, cảnh sát lại khám nhà, tịch thu máy móc và có được những dữ liệu làm phong phú thêm lượng thông tin.

Các tay buôn lậu lần lượt rụng như sung. Đã có 65 người bán và khách hàng của dark web bị bắt tại Mỹ, 47 ở Đức, 24 ở Anh… Tất cả đều được Europol coi là "mục tiêu có giá trị gia tăng cao" về lượng hàng, vị trí trong mạng lưới tội phạm. Những ai mua một lô súng tự động Glock hoặc nhiều ký lô cocain đều trở thành mục tiêu ưu tiên. Riêng cảnh sát Ý phá vỡ được hai nền tảng chợ đen, trong đó có mạng "DeepSea and Berlusconi" từng khoe đã đăng trên 100.000 lời rao.

Tướng Jean-Philippe Lecouffe khẳng định, "dark web ngày càng bớt âm u". Nhờ những cuộc tuần tra trên mạng, các nhân viên trà trộn, giải mã hoặc tập hợp thông tin, nhà chức trách có thể tóm được những tên tội phạm ẩn trốn ở những góc tối tăm nhất. Về phía tư pháp cũng phải tăng tốc : tham gia thị trường chợ đen dark web dẫn đến tù tội tại đa số nước phương Tây.

Facebook vượt khỏi tầm kiểm soát các nhà quản lý

Cũng về thế giới mạng, bài xã luận của Le Monde nói về việc tái lập kiểm soát Facebook. Tạo vật đã thoát khỏi tầm tay người sáng tạo ? Đọc xong nhiều trăm trang tài liệu nội bộ Facebook, có thể nghĩ rằng mạng xã hội này không thể đấu tranh một cách hiệu quả để chống lại nạn bóp méo thông tin và bạo lực trên internet.

"Facebook Files", được một nguồn từ Quốc hội Mỹ chuyển cho nhóm truyền thông điều tra trong đó có Le Monde, đã kéo lên tấm màn che khía cạnh tối tăm của công ty được Mark Zuckerberg lập ra, bị cáo buộc là ưu tiên cho lợi nhuận thay vì trách nhiệm xã hội và dân chủ. Các tài liệu này mang lại những thông tin mới về vai trò Facebook trong vụ tấn công điện Capitol hôm 06/01/2020, và sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát những lời kêu gọi bạo lực, biểu tình tại những nước có nguy cơ cao như Ấn Độ, Afghanistan hay Miến Điện.

Facebook bị tố cáo thiếu minh bạch, và cơ chế quá phức tạp để tăng cao tương tác giữa những người sử dụng nhằm kéo được tối đa quảng cáo. Khi trộn lẫn việc cá nhân hóa nội dung và tầm vóc mở rộng của thuật toán, Facebook tạo ra hậu quả trái với mong muốn, mà ngay những người hoạch định cũng không kiểm soát được. Cố gắng giải quyết vấn đề này lại nảy sinh ra các vấn đề khác.

Với 3 tỉ người sử dụng thường xuyên, rõ ràng Facebook không còn có thể đối mặt với trách nhiệm vốn đã cao hơn so với một nền tảng đơn thuần cho các nội dung. Theo Le Monde, mạng xã hội này cần phải xem lại hoạt động của các thuật toán, để cho người dùng chọn lựa những ưu tiên của mình thay vì giao phó cho trí tuệ nhân tạo.

Mạng xã hội của ông Trump mê hoặc Wall Street 

Cũng liên quan đến mạng xã hội, chuyên trang kinh tế của Le Figaroghi nhận "Mạng xã hội của ông Trump mê hoặc Wall Street". Trong khi chờ đợi những người sử dụng đầu tiên, mạng xã hội tương lai Truth Social của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump thu hút hàng loạt nhà đầu tư.

Từ khi loan báo dự tính sáp nhập với công ty mới của ông Trump là Trump Media and Technology Group (TMTG), cổ phiếu của một SPAC mang tên Digital World Acquisition Corp (DWAC) tăng vọt 740%, sau hai đợt giao dịch sôi động vào cuối tuần qua. Chưa bao giờ một SPAC (Special Purpose Acquisition Company), tức một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán chỉ với mục đích duy nhất là nhằm hợp lại với một công ty khác, lại được đổ xô mua bán cổ phiếu đến thế.

Lên sàn Nasdaq từ cuối tháng Chín, công ty được đặt biệt danh là "Trump SPAC" nay có giá trị lên đến trên 8 tỉ đô la ! Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, DWAC đã trở thành cái tên được nêu nhiều nhất trên diễn đàn WallStreetBets của trang Reddit. Những người chơi chứng khoán tài tử muốn kiếm lời nhanh đã bổ sung vào khối lượng người ủng hộ Donald Trump và các quỹ đầu cơ ngay từ giờ đầu, tạo nên lượng cầu khổng lồ. Một người viết trên Reddit : "Cám ơn Donald Trump, tôi kiếm được 17.000 đô la hôm qua".

Thụy My

Published in Châu Á