Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc chuẩn bị các cuộc tập trận xa bờ
RFA, 09/04/2021
Lực lượng tác chiến trên tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu các cuộc huấn luyện xa bờ trong năm nay. Trang tin South China Morning Post dẫn nguồn thạo tin trong hải quân Trung Quốc cho biết như vậy hôm 9/4.
Trung Quốc sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở Hong Kong hôm 11/7/2017 - Reuters
South China Morning Post trích dẫn các phỏng vấn của các chuyên gia Trung Quốc cho biết đợt huấn luyện xa bờ sắp tới của tàu Sơn Đông sẽ được tiến hành trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc Sơn Đông là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc do nước này tự làm, sau tàu sân bay Liêu Ninh là tàu Trung Quốc mua từ Ukraine và sửa sang lại trước khi đưa vào sử dụng. Theo phân tích của chuyên gia quân sự Trung Quốc được South China Morning Post trích dẫn, toàn bộ hệ thống và các trang thiết bị trên tàu này cần được thử nghiệm kỹ lưỡng trong khoảng ít nhất 18 tháng để có thể đạt tiêu chuẩn hoạt động hiệu quả và tác chiến tốt.
**********************
Thêm nhóm tàu đổ bộ Mỹ vào Biển Đông liên thủ cùng tàu sân bay Theodore Roosevelt
RFA, 09/04/2021
Ba tàu đổ bộ trong Nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island của Hoa Kỳ hôm 9/4/2021 đã tiến hành tập trận chung cùng nhóm tác chiếc hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt ở vùng biển quốc tế trong khu vực Biển Đông.
Tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island (LHD 8) đã tiến vào vùng biển quốc tế trong khu vực Biển Đông
Trang DVIDS của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết thông tin này cùng với các hình ảnh và video về các hoạt động chung.
Nhóm tàu tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island của Hoa Kỳ có 3 tàu gồm : tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island (LHD 8), hải vận hạm USS Somerset (LPD 25) và hải vận hạm USS San Diego (LPD 22) chuyên chở thuỷ quân lục chiến cùng thiết bị.
Phó đề đốc Stewart Bateshansky thuộc Hải đội đổ bộ số 3 khẳng định, sự có mặt của nhóm tàu tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island cùng các đơn vị viễn chính là để "ứng phó với mọi tình huống bất trắc, ngăn chặn hành động xâm lược".
Trung tá Hải quân Stewart Bateshansky khẳng định :
"Nhóm Sẵn sàng Đổ bộ Đảo Makin, Đơn vị Viễn chinh Thủy quân Lục chiến số 15, và nhóm tấn công tàu sân bay là một ví dụ điển hình về giá trị mà một lực lượng viễn chinh hải quân được triển khai mang lại cho bộ chỉ huy tác chiến và các đối tác chung trong khu vực.
Lực lượng tấn công viễn chinh này thể hiện đầy đủ rằng chúng tôi duy trì một lực lượng đáng tin cậy trong chiến đấu, có khả năng ứng phó với mọi tình huống bất trắc, ngăn chặn hành động xâm lược, đồng thời cung cấp an ninh và ổn định trong khu vực để ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Trong khi liên thủ ở Biển Đông, Lực lượng Tấn công Viễn chinh đã tham gia vào các hoạt động bao gồm cơ động chiến thuật và thiết lập thông tin liên lạc chỉ huy và kiểm soát chung.
Thêm sự hiện diện của nhóm tàu tác chiến đổ bộ tấn công của Mỹ tới Biển Đông có thể là thông điệp tới phía Trung Quốc liên quan tới các căng thẳng ở quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát và 200 tàu dân binh của Bắc Kinh ở Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngoài nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và nhóm tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island, còn có Khu trục hạm USS Rafael Peralta (DDG 115) cũng đang hoạt động ở Biển Đông trong một nhiệm vụ chưa được hải quân Mỹ thông báo.
************************
Máy bay không người lái của Trung Quốc hoạt động gần đảo của Đài Loan
RFA, 08/04/2021
Đài Loan hôm 8/4 cho biết, nước này sẵn sàng bắn hạ các thiết bị drone (hay còn gọi là máy bay không người lái - UAV) của Trung Quốc đã và đang bay gần vùng đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát trong khu vực Biển Đông. Theo giới phân tích, đây được xem là phản ứng của nước này trước các áp lực mới nhất từ Bắc Kinh.
Một cảnh sát biển Đài Loan điều kiển súng máy tại một pháo đài trên quần đảo Đông Sa ở biển Đông - ảnh chụp tháng 1/2000. Ảnh : Reuteurs
Ông Lee Chung-wei, Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Đại dương nói với cơ quan lập pháp Đài Loan rằng Lực lượng Cảnh sát biển Đài Loan gần đây đã phát hiện được các thiết bị bay không người lái của Trung Quốc đang hoạt động gần đảo Đông Sa, cách Hồng Kông khoảng 170 hải lý về phía Đông Nam.
Ông Lee cho biết các lực lượng của Đài Loan sẽ nổ súng vào các thiết bị bay không người lái bay trên vùng đảo này – nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
"Nếu chúng tôi cần nổ súng, chúng tôi sẽ nổ súng" – ông Lee nói và cho biết các máy bay không người lái này cho đến nay mới bay vòng quanh trên quần đảo Đông Sa và chưa phát hiện thấy có hành động tương tự ở gần đảo Ba Bình – căn cứ quân sự của Đài Loan thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Lee không nói cụ thể Trung Quốc đang đưa thiết bị không người lái loại nào đến Đông Sa.
Ông Lee mô tả những chuyến bay của các thiết bị không người lái này là một dạng hoạt động "vùng xám", diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường gây áp lực đối với Đài Loan.
Như RFA đã đưa tin trong tháng 2 , máy bay của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành nhiều chuyến bay thường xuyên qua khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong nhiều tháng liên tục, trong đó có cả việc bay qua phía Tây Nam của khu vực nhận diện phòng không này gần Đông Sa.
Bộ Quốc phòng Đài Loan thông tin về con số kỷ lục 20 máy bay của PLA đi vào khu vực nhận diện phòng không của Đài Loan vào ngày 26/2.
Jessica Drun, một nghiên cứu viên thuộc Học viện Dự án 2049 nói với RFA rằng "các hoạt động vùng xám này là một nỗ lực làm Đài Loan mệt mỏi về mặt tâm lý và cả từ góc độ nguồn lực".
"Điều này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Đài đang ở mức độ sâu sắc nhất từ trước tới nay, người dân trong nước Đài Loan ít nhiều đang phản đối quan điểm và kế hoạch của Trung Quốc về mối quan hệ Trung – Đài và một Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên thế giới" – bà Drun nói.
Mặc dù Đài Loan là một quốc gia dân chủ tự chủ, Bắc Kinh vẫn thường tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và sẽ thôn tính bằng vũ lực nếu thấy cần thiết.
Mặc dù nhiều khả năng, các thiết bị drone đang hoạt động gần quần đảo Đông Sa được sử dụng phục vụ việc do thám hoặc kiểm tra quyết tâm của Đài Loan, các nhà nghiên cứu của PLA đã từng viết về khả năng Trung Quốc sử dụng các hệ thống vũ khí không người lái trong các kịch bản chiến đấu có liên quan tới Đài Loan.
Ví dụ, gần đây các nghiên cứu viên PLA đã xuất bản các nghiên cứu về sử dụng những tàu không người lái, nhiều đoàn các máy bay không người lái và các vật thể bay không người lái giống máy bay trực thăng trong các chiến dịch đổ bộ như những nỗ lực xâm chiếm Đài Loan hoặc tịch thu các quần đảo nhỏ như Đông Sa và đảo Ba Bình.
Đảo Đông Sa. Bản đồ của RFA
Michael Mazza, một học giả đang nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cho rằng đảo Đông Sa có thể là một "mục tiêu hấp dẫn" đối với Trung Quốc.
"Một ngày nào đó Trung Quốc có thể muốn chiếm những đảo này. Đây có thể như một bước tấn công Đài Loan, một biện pháp để ép buộc Đài Loan phải thống nhất, một cách để kiểm tra phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc tấn công vào một trong những đảo ngoài khơi của Đài Loan hoặc có thể là một phần của nỗ lực tăng cường kiểm soát trên biển Đông"’ – nhà nghiên cứu này nói.
Đài Loan và Trung Quốc là hai trong số các quốc gia tuyên bố chủ quyền trong khu vực biển Đông đang có tranh chấp. Các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Cùng lúc Trung Quốc đang gây căng thẳng để khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên diện rộng ở biển Đông và gây áp lực đối với Đài Loan, các quốc gia khác cũng tăng cường hiện diện quân sự của họ ở đây.
Thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ cho biết một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ đã tiến hành một cuộc diễn tập quân sự song phương với Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) ở biển Đông vào thứ Ba và thứ Tư tuần này.
"Hai ngày diễn tập nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ song phương và ngoại giao quân sự" - Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia tuyên bố và cho biết các hoạt động diễn tập giúp "tăng cường khả năng tương tác và hợp tác tổng thể giữa hai lực lượng".
***********************
Đài Loan triển khai tên lửa ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa
RFA, 08/04/2021
Đài Loan đã triển khai 292 quả tên lửa chống giáp Kestrel ra quần đảo Đông Sa và đảo Ba Bình - hòn đảo lớn nhất do Đài Loan kiểm soát ở quần đảo Trường Sa. Taiwan News loan tin này hôm 7/4.
444444444444444444444444
Trung Quốc đổ bộ cùng các tàu lưỡng cư trong cuộc tập trận Hán Quang của Đài Loan hôm 25/5/2017 - Reuters
Thông tin này được đưa ra vào khi có những căng thẳng trong quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Đài Loan thời gian gần đây đã lên tiếng tố cáo Bắc Kinh điều máy bay xâm nhập gần như hàng ngày vào khu vực nhận dạng phòng không gần quần đảo Đông Sa của Đài Loan.
Trung Quốc mới đây cho biết, tàu sân bay của nước này cũng đang tập trận gần Đài Loan.
Theo Taiwan News, kể từ năm 2000, Cục Cảnh sát biển Đài Loan đã được giao nhiệm vụ bảo vệ Đông Sa và Ba Bình.
Theo Liberty Times, hiện có hơn 200 nhân viên Cảnh sát biển Đài Loan đang đóng quân tại một trong hai đảo này.
Với việc căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, Đài Loan không chỉ triển khai thủy quân lục chiến ra Đông Sa mà còn tìm cách tăng cường hỏa lực ở các đảo này.
Taiwan News trích thông tin từ một tài liệu của Hội đồng các vấn đề trên biển của Đài Loan cho biết, Cảnh sát biển Đài Loan đã triển khai 168 tên lửa Kestrel ra Đông Sa và 124 quả khác ra Ba Bình. Các tên lửa này có mục đích phòng vệ và có thể sử dụng trong các hoạt động chống đổ bộ.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) hôm 7/4/2021 phát biểu trước báo giới rằng, nước này sẵn sàng chiến tranh và chiến đấu đến cùng nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo.