Libération hôm 28/01/2021 nói về Tạ Chí Lạc (Tse Chi Lop) được mệnh danh là "El Chapo Châu Á", bị bắt hôm thứ Hai 25/01 tại Amsterdam. Ông trùm này đứng đầu một mạng lưới ma túy xuyên quốc gia, nổi tiếng với tính linh hoạt và "dịch vụ hậu mãi" chu đáo.
"Tam ca" : Từ Hồng vệ binh thành trùm ma túy
Được cho là thủ lãnh của "Tam Ca" (Anh Ba), mạng lưới rộng lớn nhất thế giới về ma túy tổng hợp (méthamphétamine, MDMA và kétamine), Tạ Chí Lạc đã xây dựng được một tập đoàn xuyên quốc gia bí mật, hoạt động từ Miến Điện đến New Zealand, có doanh số tối thiểu 15 tỉ euro một năm. Hắn ta không bao giờ di chuyển mà không có các cận vệ là võ sư boxe Thái đi kèm. Việc bắt giữ ông trùm tại sân bay Schipol đã kết thúc một trong những cuộc săn lùng ráo riết nhất trong những năm gần đây, huy động lực lượng cảnh sát của 20 quốc gia.
Tạ Chí Lạc, tức Tam ca (Sam Gor), sinh năm 1963 ở Quảng Đông. Sau thời niên thiếu là tiểu tướng Hồng vệ binh, họ Tạ tham gia một băng nhóm lúc ở tù, sang Hồng Kông trong thập niên 80 rồi Canada, chuyên nhập heroin từ Tam giác vàng (Thái, Lào, Miến). Bị bắt ở New York năm 1998, anh ta có nguy cơ lãnh án chung thân, nhưng đã van lạy các thẩm phán nương tay vì còn cha mẹ già sắp chết, hứa sẽ mở một tiệm ăn để hoàn lương, tỏ ra rất ăn năn. Tạ Chí Lạc chỉ bị 9 năm tù, và khi ra trại năm 2006, anh ta hoạt động y như cũ.
Đương sự lập ra một mạng lưới quy mô với các xưởng bào chế méthamphétamine ở Miến Điện do những người Đài Loan điều hành. Có hai dạng : ma túy đá đắt tiền, và những viên thuốc màu đỏ trộn với caféine dành cho giới bình dân, nhất là tài xế đường dài và công nhân cao su. Nếu méthamphétamine là sản phẩm chủ lực, thì kétamine – chất gây mê dành cho những con thú lớn – ngày càng được buôn bán nhiều hơn, ngoài ra có một ít MDMA và heroin.
Thua bạc 60 triệu euro chỉ trong một đêm
Trong thập niên 90, việc sản xuất méthamphétamine được dời sang các khu vực thiểu số Miến Điện do dân quân kiểm soát. Do không cần nhân công và đất đai để trồng trọt, loại ma túy này rất dễ sản xuất và vận chuyển, mang lại số lời khủng khiếp. Theo Liên Hiệp Quốc, một ký lô méthamphétamine có giá thành 1.500 euro, bán sang Thái 60.000 euro/ký và đến Nhật có giá trên 500.000 euro.
Nhờ lãi lớn, Tạ Chí Lạc áp dụng phương thức ít thấy trong giới tội phạm : ông trùm bảo đảm việc giao hàng và trả tiền lại nếu bị bắt. Dịch vụ hậu mãi này mang lại thành công lớn, nhưng cũng vì vậy mà đường dây bị phát hiện.
Năm 2011, cảnh sát Úc theo dõi một nhóm buôn ma túy ở Melbourne. Những chuyến hàng liên tiếp bị bắt, và bọn buôn lậu đòi mạng lưới hoàn tiền. Năm 2013, một cuộc họp được tổ chức ở Hồng Kông để làm rõ, và nhờ đó mà các nhà điều tra khám phá ra Tạ Chí Lạc, với mái tóc rẽ ngôi giữa, bình thường như mọi ông chủ gia đình, khác hẳn với giới anh chị Nam Mỹ như Escobar hay El Chapo. Trừ thói quen xa xỉ : họ Tạ từng thua trên 60 triệu euro chỉ trong một đêm ở sòng bạc Macao.
Có cả người Việt trong nhóm đầu não
Vai trò của Tạ Chí Lạc vẫn chưa rõ, đến khi một phó tướng của ông trùm là Thái Chính Trạch (Cai Jeng Ze) bị bắt tại sân bay Rangoon năm 2016. Trong điện thoại của nghi can, có hàng trăm tấm ảnh về việc vận chuyển hàng, những điểm hẹn trên biển để các tàu mẹ giao hàng, và nhất là về ông trùm.
Một năm sau, một người gây chú ý cho cảnh sát khi mua một tàu cá bằng 250.000 euro tiền mặt, nhưng không có giấy phép đánh cá và đặt những câu hỏi về thuốc chống say sóng. Các nhà điều tra theo chân nghi can đến một tàu Đài Loan tên Thuận Đắc Mãn (Shun De Man) 66, và sau đó người này gặp Tạ Chí Lạc và các tay anh chị khác trong mạng lưới ở Bangkok.
Cảnh sát hết sức ngạc nhiên trước tính kỷ luật và sự tinh tế của một mạng lưới toàn cầu, mà dường như ít có những vụ thanh toán như Nam Mỹ, phối hợp nhiều nhóm mafia hoàn toàn khác biệt về văn hóa : yakuza Nhật, các băng đảng người Hoa, Liban… Trong số các thủ lãnh có người Canada, Malaysia, Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc. Nhờ đâu mà bắt được Tạ Chí Lạc thì cảnh sát vẫn giữ bí mật. Bị Hà Lan bắt theo yêu cầu của Úc, ông trùm sắp được dẫn giải sang Canada và Úc sẽ đòi hỏi dẫn độ.
Apple tiếp tục dịch chuyển khỏi Trung Quốc, Việt Nam được lợi
Cũng tại Châu Á, Les Echos nhận thấy "Apple tiếp tục giữ khoảng cách với Trung Quốc". Theo báo Nhật Nikkei, tuy hy vọng việc ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng sẽ giảm bớt căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng nhãn hiệu quả táo nổi tiếng vẫn tiếp tục dịch chuyển sản xuất khỏi Hoa lục.
Nước được hưởng lợi nhiều nhất là Việt Nam : kể từ giữa năm nay iPad sẽ bắt đầu sản xuất tại Việt Nam, và một phần MacBook cũng có thể được chuyển từ Trung Quốc sang. Bằng chứng cho thấy Việt Nam được chú trọng là Apple cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp địa phương gia tăng năng lực sản xuất HomePod mini và AirPod. Về phía Foxconn, nhà cung cấp Đài Loan của Apple, đã đầu tư ít nhất 270 triệu để lập ra một chi nhánh tại chỗ. Ngoài Việt Nam, Ấn Độ cũng được chọn để bắt đầu sản xuất iPhone 12, còn Malaysia thì nhận được một phần dây chuyền sản xuất Mac Mini loại mới nhất.
Navalny, nhà đối lập dám thách thức Putin
Về Châu Âu, tựa trang nhất của Le Figaro được dành cho "Alexei Navalny, người thách thức Vladimir Putin". Bị tống giam ngay từ khi trở về Nga, nhà hoạt động chống tham nhũng đã huy động được đông đảo người biểu tình, và trở thành nhà đối lập chính với ông chủ điện Kremlin.
Navalny là đối thủ đặc biệt khó chịu của ông Putin. Sống sót sau khi bị đầu độc bằng Novitchok, nhà đối lập công bố tên, địa chỉ, hình ảnh của tám điệp viên FSB đã theo dõi anh trong nhiều tháng, lại còn đóng vai thủ trưởng để gài bẫy được một nhân viên FSB, khiến người này thú nhận vụ mưu sát trong băng ghi âm dài 50 phút. Quay lại Moskva hôm 17/01 bất chấp đe dọa bỏ tù, Navalny đã vượt qua một ngưỡng mới khi tung video phơi bày ra ánh sáng cung điện nguy nga của ông Putin, nằm trên vùng đất rộng gấp 39 lần Monaco, đến nay đã được xem 100 triệu lần !
Giờ đây khi đã chứng tỏ khả năng huy động biểu tình quy mô trên toàn quốc, vị Sa hoàng mới có những chọn lựa khó khăn : trả tự do và chịu đựng những tố cáo tham nhũng từ Navalny, giam giữ để rồi biến Navalny thành thánh tử đạo, hoặc sát hại ông, phô ra bộ mặt thảm hại của chế độ.
Joe Biden lập kỷ lục về việc xóa bỏ di sản Donald Trump
Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro mô tả "Tuần lễ khi Biden xóa bỏ di sản của Trump".Ngay khi bước vào Nhà Trắng, Joe Biden đã lập kỷ lục khi chỉ trong vòng 7 ngày đã ký khoảng 40 sắc lệnh hành pháp, chỉ thị và bản ghi nhớ.
Một số nhằm hủy bỏ những quyết định trước đây của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, nhất là về nhập cư và môi trường ; số khác để thực hiện những lời hứa tranh cử như trợ cấp cho các gia đình, chống biến đổi khí hậu, chống kỳ thị chủng tộc và giới tính. Đại dịch chiếm khoảng hơn một chục biện pháp, từ gia tăng nhịp độ tiêm chủng đến việc buộc mang khẩu trang ở cấp liên bang. Nhiều chủ trương của tổng thống tiền nhiệm về nhập cư bị hủy. Việc xây tường biên giới với Mêhicô bị đình chỉ, bỏ lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh, tạo điều kiện nhập quốc tịch đối với một số di dân bất hợp pháp.
Nhưng nguy hiểm nhất về mặt chính trị đối với ông Biden là chính sách "New Deal xanh" với mục tiêu loại trừ ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch từ nay đến 2050. Cho dù khẳng định đầu tư vào năng lượng "sạch" sẽ tạo ra hàng triệu việc làm, quyết định này vấp phải sự chống đối dữ dội của kỹ nghệ dầu khí và nhiều dân biểu nghị sĩ Cộng hòa, kể cả một số thuộc phe Dân chủ. Việc ông Biden ngay trong ngày đầu nhậm chức đã cho ngưng dự án ống dẫn dầu Keystone XL bị chỉ trích vì sẽ làm hàng ngàn người Mỹ mất việc.
Pháp : Để chống đại dịch, tránh đổ dầu vào lửa
Về đại dịch Covid, Le Monde nhận xét vào cuối năm ngoái, sau nhiều tháng trời chịu đựng, sự hiện diện của vac-xin sau chưa đầy một năm nghiên cứu khiến người ta ngỡ rằng đã thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm. Nhưng mọi người nhanh chóng thất vọng vì con virus biến thể, tốc độ lây nhiễm và độc tính của nó tăng lên.
Không ai có thể dự báo được đến bao giờ nhân loại mới thoát khỏi con virus xuất phát từ Vũ Hán, và trong tình trạng như thế nào. Khi không thấy được viễn cảnh, sức nặng của thách thức càng tăng. Ở Pháp đã có trên 74.000 người tử vong vì Covid, nhiều lãnh vực kinh tế bị đình trệ, giới trẻ cảm thấy bị đánh cắp thanh xuân, người già lo sợ sẽ chết đi trước khi được quay trở lại cuộc sống bình thường. Chính trong bối cảnh này mà tổng thống Pháp phải quyết định việc tái phong tỏa, được giới y tế cho là không thể tránh khỏi.
Có thể thông cảm được sự do dự của ông Emmanuel Macron. Dư luận ủng hộ việc phong tỏa từ 85% hồi tháng Ba nay chỉ còn 40%, nguy cơ bất tuân dân sự hiện hữu, chưa kể cái giá phải trả về kinh tế. Le Monde cho rằng trước hết phải tránh đổ dầu vào lửa, như tổng thống đã than phiền về "một đất nước có 66 triệu công tố viên", hay phe đối lập luôn miệng chỉ trích việc tiêm chủng chậm trễ trong khi đây là vấn đề của cả Châu Âu. Tờ báo nêu ra lời kêu gọi "đoàn kết quốc gia" lúc gần đây, là yếu tố quyết định về khả năng của một nền dân chủ để vượt qua thử thách.
Vac-xin, tiêu chuẩn mới của quyền lực
Về mặt địa chính trị, Le Monde cho rằng "Vac-xin, tiêu chuẩn mới của quyền lực". Một đối tượng phân tích mới, một công cụ mới : Một năm sau khi đại dịch khởi đầu tại Vũ Hán, vac-xin là vũ khí chính trị được tranh chấp nhiều nhất.
Chiến dịch thần tốc Ward Speed của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, hợp tác giữa công và tư đã cho ra đời vac-xin chống Covid chỉ trong 10 tháng thay vì 5 đến 10 năm. Khi bơm nhiều tỉ đô la cho nghiên cứu và triển khai của nhiều hãng dược, chính quyền liên bang Hoa Kỳ đã mở đường cho việc sản xuất vac-xin nhanh chưa từng thấy trong lịch sử.
Thủ tướng Đức Angela Merkel không muốn để nước Mỹ của ông Trump độc quyền vinh dự này, hôm 26/01 nhắc nhở rằng vac-xin có sự hợp tác của một start-up Đức. Tuy nhiên không phải các nước đã sáng chế ra vac-xin ghi điểm, mà là những nước đã tổ chức tốt chiến dịch tiêm chủng. Ba nước gây ấn tượng khi tung ra chiến dịch chích ngừa hàng loạt là Israel, Anh và Mỹ. Điều nghịch lý : đó cũng là những nước quản lý dịch bệnh tệ hại nhất.
Châu Âu muốn kiểm soát việc xuất khẩu vac-xin sản xuất tại EU để tránh thiếu hụt. Trong khi đó Trung Quốc tặng hai loại vac-xin cho những nước láng giềng nghèo để gây ảnh hưởng, tuy chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.
Cuộc chiến hãy còn dài, như tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã nói : "Một khi tất cả mọi người chưa được chích ngừa, thì không ai an toàn cả". Còn ai thắng ai bại trong cuộc chiến này thì chưa thể vội xác định : một trong những bài học của đại dịch là người chiến thắng hôm qua có thể trở thành kẻ bại trận hôm nay, và ngược lại.
Thụy My