Nhân danh quốc tế, Trung Quốc dọa Izumo xuống Biển Đông (Đất Việt, 26/03/2017)
Trước kế hoạch tàu Izumo xuống Biển Đông, Trung Quốc nhân danh các quốc gia quanh Biển Đông cảnh báo sẽ không để Nhật khiến khu vực dậy sóng.
Kế hoạch
Tuyên bố được phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đưa ra, nước này sẽ có những biện pháp đáp trả cần thiết nếu Nhật Bản triển khai chiếc tàu chiến lớn nhất của họ, tàu sân bay chở trực thăng Izumo, xuống Biển Đông.
Bà Hoa cáo buộc, Nhật Bản đã và đang tạo nên nhiều vấn đề và gây chia rẽ tại Biển Đông, "gây phản ứng giận dữ từ công chúng Trung Quốc". Tokyo nỗ lực hiện diện quân sự tại Biển Đông đã biểu lộ một mối đe dọa đối với lợi ích của Trung Quốc và gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Vị quan chức ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, các quốc gia ngoài khu vực phải tôn trọng "nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông của Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực", đồng thời đe dọa sẽ có những biện pháp đáp trả sự việc này.
Chiếc tàu Uzumo đầu tiên của Nhật Bản.
Hồi giữa tháng 3/2017, trong lễ tiếp nhận chiếc tàu lớp Izumo thứ mang tên Kaga, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, lực lượng phòng vệ trên biển của nước này có kế hoạch sẽ triển khai chiếc tàu sân bay chở trực thăng Izumo hoạt động dài ngày trên biển trong thời gian 3 tháng ở khu vực Biển Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Theo kế hoạch, chiếc tàu chiến lớn nhất của hải quân Nhật Bản sẽ có các điểm dừng chân tại các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông là Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka để kiểm tra khả năng của tàu trước khi tham gia cuộc diễn tập hải quân chung Malabar với Mỹ và Ấn Độ.
Tàu khu trục chở trực thăng (tàu sân bay trực thăng) lớp Izumo là chiến hạm tác chiến viễn dương đa năng hiện đại, có lượng giãn nước lớn hơn tàu sân bay trực thăng HMS Ocean của Anh. Tuy là tàu đổ bộ trực thăng nhưng lớp tàu này được thiết kế theo mô hình hiện đại của tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ.
Tàu sân bay trực thăng này có đầy đủ tính năng tổng hợp của tàu đổ bộ, tàu chống ngầm, tàu chỉ huy, tàu bổ trợ hậu cần và tàu bệnh viện, khả năng tác chiến nổi trội của nó là năng lực chống ngầm, chống tàu mặt nước, phòng không và năng lực đổ bộ, khiến năng lực tác chiến của Lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản được nâng lên một tầm cao mới.
Cách dùng của Nhật Bản
Theo nhận định của một số chuyên gia, nguyên nhân khiến Trung Quốc phản ứng mạnh trước kế hoạch tàu Izumo xuống Biển Đông xuất phát bởi sức mạnh hiếm có của bản thân chiếc tàu này và mục đích sử dụng chúng của Nhật Bản chưa thực sữ rõ ràng đang khiến Trung Quốc lo lắng.
Nhật Bản có thể sử dụng Izumo làm phương tiện chuyên chở máy bay trực thăng vận chuyển hải quân đánh bộ, đổ bộ tấn công tầm xa. Các đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đều có diện tích rất nhỏ, không tiện triển khai mô hình đổ bộ tấn công quy mô lớn, sử dụng nó làm phương tiện vận chuyển trực thăng, sẽ nâng cao hiệu quả của phương thức đổ bộ vuông góc hoặc đổ bộ lập thể.
Tuy nhiên, sử dụng Izumo theo cách này chỉ áp dụng với những đối thủ yếu hơn, không có khả năng tấn công đáp trả, còn gặp những đối thủ mạnh như Trung Quốc, các máy bay chiến đấu và tàu chiến của họ sẽ dễ dàng đối phó với trực thăng đổ bộ và "làm thịt" tàu sân bay này.
Ngoài ra, Nhật Bản có thể sử dụng theo mô hình tàu đổ bộ tấn công, mang theo máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ. Cách sử dụng này được một số chuyên gia quân sự ưa chuộng bởi biên chế kiểu này sẽ tăng cường khả năng tấn công vào lục địa của đối phương và kiểm soát không phận trên biển, có vai trò cực kỳ quan trọng tác chiến đổ bộ quy mô lớn.
Hiện nay, Nhật Bản cũng có các tàu đổ bộ trực thăng cỡ lớn lớp Hyuga có khả năng mang theo các máy bay vận tải đổ bộ hạng nặng như MV-22 Osprey, nếu DDH-183 Izumo được sử dụng theo cách thứ nhất sẽ lãng phí chức năng tấn công của một tàu đổ bộ mặt boong phẳng hiện đại.
Căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa Bộ Quốc phòng Nhật và chính phủ Mỹ, lô máy bay F-35 đầu tiên sẽ được bàn gia cho Nhật vào năm 2017, nếu Nhật trang bị phiên bản F-35B trên tàu sân bay này, năng lực tác chiến thống nhất không - hải, của lực lượng phòng vệ Nhật sẽ được nâng lên rất mạnh.
Các phương tiện truyền thông Nhật Bản và Trung Quốc đều cho rằng, trong tương lai DDH-183 Izumo sẽ được trang bị F-35B, có tính năng vượt trội so với tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc. Do đó, mỗi tàu lớp Izumo đều có khả năng tấn công cao gấp đôi so với tàu sân bay Trung Quốc.
Vì vậy, sử dụng Izumo theo hướng thứ 2 là hợp lý và cực kỳ hiệu quả, vì hiện nay Nhật chưa có phương tiện mang máy bay tác chiến tầm xa. Nếu các tàu đổ bộ lớp Izumo được sử dụng theo hướng này sẽ là cánh tay nối dài của máy bay Nhật Bản, khống chế toàn bộ không phận biển Hoa Đông.
Trước đây, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cũng đã từng bày tỏ sự quan ngại khi Nhật bản biên chế tàu DDH-183 Izumo và trang bị F-35B. Ông này cho rằng, đây là mô hình tác chiến mà Trung Quốc quan ngại nhất, Izumo sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện tranh chấp ở Hoa Đông và những vùng biển lân cận.
Tuấn Hưng
********************
Thủ tướng Lý Hiển Long : TPP không phải là tất cả (VOA, 26/03/2017)
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) phát biểu trong buổi họp báo chung với người đồng cấp bên phía Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
"Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) quan trọng, nhưng nó không phải là cách duy nhất để tăng cường tự do thương mại", ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore phát biểu trong buổi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Trả lời báo chí hôm 24/03 vào lúc kết thúc chuyến công du 4 ngày tới thăm Việt Nam, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông "khuyến khích" Việt Nam hãy có hướng tiếp cận "nhìn tới phía trước" đối với RCEP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực đang được bàn thảo giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Nhà lãnh đạo Singapore cho biết nước ông sẽ thông qua TPP bất chấp việc Hoa Kỳ đã rút ra khỏi danh sách 12 nước tham gia Hiệp định này. Phía Việt Nam đã hoãn việc thông qua TPP, nhưng đang theo dõi sát các động thái của các bên liên quan, ông Lý nói.
Thủ tướng Singapore và người đồng cấp bên phía Việt Nam cũng mong muốn tăng cường kết nối hàng không giữa hai quốc gia. Mỗi năm có khoảng 400.000 lượt du khách Việt đến thăm Singapore và 250.000 người Singapore sang Việt Nam. Ông Lý Hiển Long cho rằng việc dỡ bỏ các rào cản về du hành cũng như kinh doanh sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước.
Theo thống kê của Singapore, thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 giảm 8,6% so với năm 2015, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm tới 16,1%.
Vấn đề Biển Đông, tuy không nằm cao trong nghị trình, nhưng cũng được đưa ra thảo luận. Cả hai phía Việt Nam, Singapore đều cam kết sẽ củng cố đoàn kết trong nội bộ khối ASEAN, xây dựng khả năng cho các quốc gia thành viên để giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Singapore không nằm trong các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông, nhưng xung đột, nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đảo quốc vốn phụ thuộc nhiều vào tuyến hàng hải quan trọng này.