Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

LHQ đòi đẩy mạnh việc trừng phạt quân đội Miến Điện về kinh tế (RFI, 05/08/2019)

Theo AFP, các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc hôm nay, 05/08/2019, kêu gọi trừng phạt quân đội Miến Điện về kinh tế. Theo họ, quân đội Miến Điện rất giàu có, với cả một hệ thống công ty, tập đoàn với những khoản lợi kếch xù góp phần tài trợ cho hành vi bạo lực và tội ác. Giới điều tra còn cảnh cáo những công ty nước ngoài làm việc với quân đội Miến Điện sẽ bị xem là đồng lõa.

myanmar1

Trưởng đoàn điều tra về Miến Điện, ông Marzuki Darusman, họp báo tại tại văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Jakarta, Indonesia, ngày 05/08/2019. Reuters/Sekar Nasly

Phát biểu tại Jakarta nhân dịp công bố báo cáo về tình hình Miến Điện, trưởng đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc, ông Marzuki Darusman, cho rằng việc "cắt đứt quan hệ kinh tế sẽ làm giảm khả năng quân đội Miến Điện tiến hành các chiến dịch và như thế sẽ giảm những vụ vi phạm nhân quyền".

Theo các nhà điều tra, hiện nay, bên cạnh những đối tác lớn tại chỗ, còn có ít nhất 15 công ty nước ngoài có liên doanh với quân đội Miến Điện, trong lúc có 44 công ty ngoại quốc khác có liên hệ thương mại. Theo nhà điều tra Christopher Sidoti, số công ty đó chỉ là phần nổi của tảng băng.

Hai tập đoàn lớn của quân đội Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL) và Myanmar Economic Corporation (MEC), với nhiều chi nhánh và công ty "cùng bè", hoạt động hầu như trong mọi lãnh vực, từ địa ốc, đá quý, cẩm thạch đến mỏ rubi, du lịch… Quân đội cũng nắm hai ngân hàng lớn. Các tập đoàn, công ty này không công bố toàn bộ kết quả hoạt động để tránh bị nhòm ngó.

Giới điều tra cho rằng "đế quốc kinh doanh" của quân đội Miến Điện cho phép họ thoát mọi sự kiểm tra và trốn tránh được trách nhiệm.

Báo cáo dầy 111 trang còn nêu chi tiết hàng chục công ty tư nhân đã chi hơn 10 triệu đô la cho quân đội trong lúc diễn ra cuộc trấn áp người Rohingya, sau đó tiếp tục tài trợ cho những dự án phát triển, hỗ trợ cho quân đội trong chiến dịch "xóa bỏ chứng cứ về việc người Rohingya thuộc về Miến Điện".

Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc yêu cầu mở điều tra hình sự về các công ty này vì họ không thể nào nói là không biết gì.

Giới hoạt động bảo vệ nhân quyền cho là sau báo cáo của các nhà điều tra Liên Hiên Hiệp Quốc, các công ty nào có liên hệ với một công ty của quân đội Miến Điện không thể biện minh là họ không biết.

Mai Vân

******************

Miến Điện : Biểu tình phản đối Mỹ trừng phạt các tướng lãnh cao cấp (RFI, 04/08/2018)

Tại Rangoon hôm qua 03/08/2019, cả ngàn người tuần hành để phản đối việc Hoa Kỳ trừng phạt tổng tư lệnh quân đội Miến Điện và nhiều tướng lãnh. Hôm 16/7, Washington ra lệnh cấm các nhân vật trên nhập cảnh vì vai trò của họ trong việc "thanh lọc chủng tộc" đối với người thiểu số Rohingya.

myanmar2

Biểu tình ủng hộ quân đội tại Rangoon ngày 03/08/2019, phản đối Mỹ trừng phạt tổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing. Reuters/Ann Wang

Thông tín viên Sarah Bakaloglou tường trình từ Rangoon :

"Hai bức chân dung của tổng tư lệnh quân đội đối diện với đám đông. "Mỹ hãy tránh ra !" - người biểu tình hô vang. Tại đất nước này, người thiểu số Hồi giáo Rohingya ít được cảm tình.

Một sinh viên 19 tuổi đến ủng hộ giới quân nhân, nói : "Tôi không muốn Hoa Kỳ can thiệp vào chính trị Miến Điện, và những gì họ nói là sai. Quân đội là thành lũy của đất nước, không thể nào sống mà không có quân đội".

Đám đông còn phản đối mọi tu chính Hiến pháp, cũng để ủng hộ giới quân nhân. Bà Aung San Suu Kyi muốn sửa đổi bản Hiến pháp năm 2008, chủ yếu nhằm làm giảm quyền lực của quân đội.

Một người biểu tình khoảng 60 tuổi phản đối việc này, ông nói : "Chúng tôi cần có sự hiện diện của các quân nhân trong Quốc hội, vì Miến Điện chỉ mới khởi đầu thời kỳ chuyển đổi dân chủ. Bà Aung San Suu Kyi muốn sửa đổi điều khoản trong Hiến pháp đã ngăn trở bà lên làm tổng thống, vì các con bà mang quốc tịch nước ngoài. Tôi không thể chấp nhận được điều này".

Trong những tháng gần đây, các cuộc biểu tình dân tộc chủ nghĩa nhằm ủng hộ giới quân nhân liên tục diễn ra trên cả nước, được tổng tư lệnh quân đội Miến Điện khuyến khích".

Thụy My

Published in Châu Á