Hôm 22/7, cảnh sát Hong Kong bị chỉ trích vì không bảo vệ người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ khỏi bị tấn công tại một nhà ga, trong một vụ việc mà các chính trị gia đối lập nghi ngờ rằng do các thành viên băng đảng gây ra, theo Reuters.
Vụ hành hung xảy ra hôm 21/7 trong một đêm bạo lực leo thang, làm trầm trọng cuộc khủng hoảng chính trị ở Hong Kong quanh việc dân chúng phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc để xét xử.
Trước đó, người biểu tình đã bao vây văn phòng đại diện chính của Bắc Kinh ở Hong Kong, phá hoại các bức tường, biển báo và đụng độ với cảnh sát.
Bà Carrie Lam, lãnh đạo thành phố được Bắc Kinh hậu thuẫn, đã lên án vụ tấn công nhằm vào văn phòng chính của Trung Quốc tại thành phố, Văn phòng Liên lạc Chính phủ Trung ương, và nói rằng đó là một "thách thức" đối với chủ quyền quốc gia.
Bà lên án hành vi bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào và cho biết bà đã bị sốc bởi các vụ đụng độ tại nhà ga. Bà nói thêm rằng cảnh sát sẽ điều tra toàn diện vụ này.
Bà Lam nói : "Bạo lực sẽ chỉ sinh ra thêm nhiều bạo lực hơn".
Vào tối 21/7, nhiều người đàn ông mặc áo thun trắng, một số mang theo gậy, đã tràn vào nhà ga Yuen Long rồi xông vào một đoàn tàu và tấn công hành khách, theo băng ghi hình.
Các nhân chứng, trong có có cả nhà lập pháp Dân chủ Lam Cheuk-ting, cho biết, những người đàn ông này dường như nhắm vào những hành khách mặc áo đen, vốn trước đó đã có mặt trong cuộc tuần hành chống chính phủ.
Chính Dân biểu Lâm cũng bị thương ở mặt và phải nhập viện. Ông cho biết cảnh sát đã phớt lờ lời kêu cứu của ông, cầu xin họ can thiệp để ngăn chặn vụ đổ máu.
Ông nói với Reuters : "Họ cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những cuộc tấn công nhằm vào những thường dân". Ông cho biết sàn nhà ga dính đầy máu.
Hãng tin này dẫn lời giới hữu trách bệnh viện nói rằng có 45 người bị thương trong vụ bạo lực tại nhà ga, trong đó có một người đang trong tình trạng nguy kịch.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói : "Một số hành vi phản kháng cực đoan đã vi phạm điểm trọng yếu của chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ.’ Chúng tôi không thể dung thứ điều này".
*****************
Chính quyền cộng sản dùng côn đồ để trấn áp đối lập ! (RFA, 22/07/2019)
Vụ người dân Hong Kong trở về sau cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, bị tấn công tối hôm 22 tháng 7 khiến nhiều người liên tưởng những vụ tấn công xảy ra ở Việt Nam.
Những người mặc áo trắng mang khẩu trang sau khi tấn công người biểu tình dự luật chống dẫn độ, tại một nhà ga ở Hong Kong tối 22/7/2019. Reuters
Nhiều điểm tương đồng
Theo những video clip được mạng xã hội cũng như các hãng thông tấn quốc tế lớn loan tải, người ta thấy hàng chục người mặc áo trắng, đeo khẩu trang bịt mặt, dùng hung khí tấn công những người biểu tình Hong Kong tại một ga tàu điện, khi những người này trở về sau cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ trước đó. Vụ tấn công khiến hàng chục người bị thương. Hình ảnh quay lại được cho thấy một số nghi phạm mặc áo trắng rời hiện trường bằng những xe ô tô mang biển số đại lục.
Tại Việt Nam, chỉ trong khoảng 5 năm qua đã có hàng chục vụ những người bất đồng chính kiến bị côn đồ đánh đổ máu.
Báo cáo của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch công bố hồi đầu năm nay, trong phần Việt Nam nêu rõ : "Các nhà hoạt động và bloggers thường xuyên phải đối mặt với các vụ hành hung của nhân viên công quyền hoặc côn đồ có liên quan đến chính quyền, mà những kẻ thủ ác không bị trừng trị về những hành vi này".
Ngày 6/12/2015, sau khi có cuộc nói chuyện về quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam tại giáo xứ Vạn Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài trở về Hà Nội bằng xe taxi cùng hai nhà hoạt động khác là Lý Quang Sơn và Vũ Văn Minh, thì bị một nhóm khoảng hơn chục người mặc thường phục và đeo khẩu trang che mặt chặn lại, lôi họ ra khỏi xe đánh đập tàn nhẫn.
Tối 10/7/2016, ông Lã Việt Dũng, một nhà hoạt động nhân quyền tại Hà Nội, thành viên của câu lạc bộ bóng đá No-U đã bị những kẻ lạ mặt đi theo và tấn công tàn bạo bằng gạch đá vào đầu khi ông đang lưu thông trên đoạn đường Lê Đức Thọ (Hà Nội).
Trao đổi với RFA liên quan đến vụ việc người biểu tình Hong Kong bị hành hung, ông Lã Việt Dũng nhận định nó khá là giống những vụ hành hung xảy ra ở Việt Nam :
"Tôi thấy sự việc được báo chí mô tả và trên facebook thì nó khá là giống nhau theo cùng một cách. Đó là sau khi người biểu tình có đụng độ với cảnh sát thì sẽ bị một đám côn đồ có thể bịt mặt có thể không tấn công sau đó ở chỗ vắng. Việc tấn công này gần như được sự thả lỏng của cảnh sát. Những lần tôi bị tấn công đều là những quãng đường vắng, rất an toàn cho họ. Vụ tấn công người biểu tình ở Hongkong hoàn toàn vắng bóng an ninh, cảnh sát. Đây là hành động được sắp xếp, có sự cài cắm".
Rất nhiều các bloggers và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng từng là nạn nhân bị hành hung bởi lực lượng mà người ta cho rằng do công an thuê hoặc công an giả dạng côn đồ tấn công, như các nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Vi, Trần Bang, Lê Quốc Quyết, Dương Thị Tân, Ngô Duy Quyền, Phạm Lê Vương Các, Huỳnh Thục Vy… hay các cựu tù nhân chính trị Huỳnh Ngọc Tuấn, Lê Quốc Quân, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Bá Hải, Lê Thị Công Nhân, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh…
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền (Defend the Defenders) lên tiếng với RFA rằng hình ảnh những kẻ mặc áo trắng, bịt mặt đánh đập người biểu tình nó chỉ mới ở Hong Kong chứ nó rất quen thuộc ở Việt Nam và Trung Quốc.
Chính quyền Việt Nam thường dùng lực lượng mật vụ hoặc côn đồ tấn công người biểu tình hay người bất đồng chính kiến để tránh tiếng đàn áp người dân. Ông nói :
"Sự việc xảy ra ở Hong Kong nó tương tự như những sự việc xảy ra những năm qua ở Việt Nam. Mật vụ đánh đập cá nhân, nhóm người nhỏ hay nhóm hàng chục người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Điển hình là vụ tấn công nhóm hơn 20 người hoạt động xã hội và gia đình tù nhân lương tâm gần trại 6 Nghệ An vừa qua".
Chiều 12/7/2019, một nhóm hơn 20 nhà hoạt động xã hội đồng hành cùng thân nhân tù chính trị đến Trại 6, Thanh Chương, Nghệ An đã bị khoảng 50 người mặc thường phục dùng gậy và mũ bảo hiểm tấn công đánh đập trước sự chứng kiến của công an, cách cổng trại giam khoảng vài trăm mét. Ông Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những người bị đánh đập nặng nhất liên tưởng sự việc này với sự việc những người biểu tình Hong Kong bị tấn công hôm 22/7 :
"Vừa rồi ở trại 6 Nghệ An, dù chúng đông hơn tôi vẫn chống trả. Đến cuối cùng khi bị chúng đánh lén sau lưng mới gục. Điều ngạc nhiên là tại sao dân biểu tình Hong Kong đông hơn bọn côn đồ và không bị công an khống chế lại để chúng nó hành hung mà không chống cự lại ?
Có yếu tố Trung Quốc ?
Đối với vụ tấn công tại Hong Kong vào tối ngày 22 tháng 7, video clip được AFP đăng tải cho thấy một vài người bị đánh cho biết họ quá bất ngờ và trong tay không có thứ vũ khí nào, trong khi nhóm tấn công có hung khí nên họ không thể làm được gì.
Một số những người trong giới đấu tranh ở Việt Nam mà RFA tiếp xúc đều cho rằng vụ tấn công có sự chỉ đạo từ Trung Quốc, bởi người Hong Kong biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ về Trung Quốc.
Nếu dự luật này dược thông qua thì bất cứ người nào ở Hong Kong cũng dễ dàng bị giới chức Trung Quốc bắt giữ vì lý do chính trị hoặc những sai phạm kinh doanh khó tránh và làm nguy hại đến hệ thống luật pháp bán tự trị của Hong Kong.
Hôm 10/6/2019, một ngày sau khi người Hong Kong bắt đầu đổ ra đường phản đối dự luật, tờ China Daily của chính phủ Trung Quốc có bài xã luận cho rằng các thế lực nước ngoài đã kích động người dân Hong Kong biểu tình. Ông Vũ Quốc Ngữ nêu nhận định của mình :
"Những người Hong Kong họ sống trong một xã hội dân chủ lâu năm nên tôi không nghĩ họ ác độc như thế. Tôi nghi những kẻ tấn công này từ Trung hoa Đại lục sang. Vụ tấn công này họ đã dàn dựng rất kỹ và tôi không nghĩ đây đơn thuần là côn đồ mà đây là mật vụ Trung Quốc tổ chức và trực tiếp thi hành".
Ông Lã Việt Dũng nhận xét, những người biểu tình ở Hong Kong bị tấn công nhưng xung quanh không có bóng dáng cảnh sát, điều này rất giống những gì xảy ra ở Việt Nam trong đa số các vụ tấn công người biểu tình. Ông Dũng phân tích, cảnh sát Hong Kong họ sống trong một xã hội sẵn có nền dân chủ, và quyền lợi của họ gắn chặt với người dân. Còn cảnh sát Việt Nam thì quyền lợi của họ gắn chặt với đảng. Họ sinh ra để bảo vệ đảng chứ không phải bảo vệ dân. Chính khẩu hiệu của họ là "còn đảng còn mình". Mâu thuẫn giữa chính quyền cộng sản với người dân thì cũng chính là mâu thuẫn giữa cảnh sát Việt Nam với người dân. Ông kết luận vụ tấn công có "bàn tay" Trung Quốc :
"Theo tôi tìm hiểu về cảnh sát gốc người Hongkong cũng như văn hóa của người Hong Kong thì tôi tin rằng việc đòi các quyền tự do, tự lập tốt cho mọi người kể cả cảnh sát. Tôi cho rằng những người Hong Kong họ không có động lực làm những chuyện xấu như thế, mà đây có bàn tay của chính quyền Trung Quốc. Nhiều khả năng là những người này được mang từ bên Trung hoa Đại lục sang".
Sau vụ tấn công, những nhà lập pháp Hong Kong tổ chức một cuộc họp báo tố cáo lãnh đạo Hong Kong thân Trung Quốc, làm ngơ để những kẻ thủ ác ra tay tấn công người biểu tình ủng hộ dân chủ, tự do và phản đối chính quyền đặc khu.
*********************
Phẫn nộ dâng lên sau khi xảy ra vụ côn đồ tấn công người biểu tình Hong Kong (RFA, 22/07/2019)
Phẫn nộ trong dân chúng được ghi nhận tại Hong Kong trong ngày thứ hai, 22 tháng 7, sau khi xảy ra vụ những thành phần bị mặt mặc áo trắng sử dụng gậy gộc tấn công những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong vào tối ngày 21 tháng 7.
Nhân viên y tế giúp một người biểu tình bị hơi cay từ cảnh sát hôm 21/7/2019 - Hình minh họa (AP)
AFP loan tin ngày 22 tháng 7 cho biết những thủ phạm bị nghi là thành viên của những băng nhóm ‘tam hoàng’ khiến hằng chục người biểu tình bị thương.
Đây được cho là một leo thang mới trong đợt biểu tình chống dự luật dẫn độ cũng như đòi hỏi tôn trọng dân chủ, tự do tại đặc khu được Anh trao trả lại cho Trung Quốc từ năm 1997.
Những hình ảnh được truyền trực tiếp trên mạng xã hội Facebook cho thấy những nạn nhân kêu gào khi bị đánh. Giới chức bệnh viện xác nhận có 45 người bị thương, một người trong số họ trong tình trạng nguy kịch, 5 người khác bị thương nặng.
Cảnh sát Hong Kong bị lên án vì cả tiếng đồng hồ sau mới đến hiện trường nơi xả ra các vụ tấn công như vừa nêu và không bắt giữ được những kẻ thủ ác. Ngoài ra những kẻ tấn công người biểu tình chống chính phủ vẫn có mặt trên đường quanh nhà ga mà họ ra tay cho đến sáng ngày thứ hai 22 tháng 7.
Hình ảnh quay lại được cho thấy một số nghi phạm mặc áo trắng rời hiện trường bằng những xe ô tô mang biển số đại lục.
Những nhà lập pháp Hong Kong vào ngày thứ hai tổ chức một cuộc họp báo tố cáo lãnh đạo Hong Kong thân Trung Quốc về việc làm ngơ để những kẻ thủ ác ra tay tấn công người biểu tình ủng hộ dân chủ, tự do và phản đối chính quyền đặc khu.
*******************
Hồng Kông lại ồ ạt biểu tình chống dự luật dẫn độ và bạo lực cảnh sát (RFI, 21/07/2019)
Khoảng 430.000 người dân Hồng Kông một lần nữa lại xuống đường ngày Chủ nhật 21/07/2019, và đòi hỏi của họ là phải mở điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát. Trong khi đó chính quyền cho rằng một cuộc điều tra trong nội bộ ngành cảnh sát là đã đủ. Về phần mình, cảnh sát lo sợ người biểu tình sẽ đi quá trớn, nhất là sau khi phát hiện chất nổ tại một căn hộ nơi những người đấu tranh đòi độc lập trú ngụ.
Người biểu tình tháo gỡ các hàng rào bên ngoài Văn phòng liên lạc Trung Quốc, sau khi tuần hành kêu gọi cải cách dân chủ ở Hồng Kông ngày 21/07/2019. Reuters/Tyrone Siu
Đây là Chủ nhật biểu tình lần thứ bảy tại đặc khu chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Thông tín viên Florence de Changy ở Hồng Kông cho biết thêm chi tiết :
"Tối thứ Sáu 19/7, cảnh sát tìm thấy hai ký lô TATP, một loại chất nổ rất mạnh đã từng được sử dụng trong vụ khủng bố ở Luân Đôn năm 2005. Ngoài ra còn có bom xăng tự tạo, những chai a-xít và một loạt đồ vật có thể dùng làm vũ khí…tất cả những thứ này cho đến nay chưa hề nhìn thấy trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Tại cùng một địa điểm, cảnh sát còn tịch thu được những chiếc loa cầm tay, nón bảo hộ lao động màu vàng – cùng một loại với những chiếc nón mà các thanh niên biểu tình đã đội. Những tài liệu của một đảng chủ trương độc lập là đảng Quốc Gia Hồng Kông cũng được tìm thấy.
Thế nên cảnh sát đã sử dụng một loạt những biện pháp đề phòng, mà trước hết là huy động hàng ngàn nhân viên cùng với lực lượng đặc biệt. Những tòa nhà từng là đích nhắm của người biểu tình như trụ sở cảnh sát, Nghị Viện, trụ sở chính quyền đều được bảo vệ bằng những hàng rào đồ sộ cao hơn hai mét, chứa đầy nước, có nghĩa là không thể xê dịch nổi. Đó cũng là những "tường thành" từng được dựng lên trong chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc cách đây hai năm, được giữ an ninh cực kỳ nghiêm ngặt.
Những hàng rào bảo vệ người đi bộ dọc theo lề đường đã bị gỡ đi, thay vào đó là những dải băng của cảnh sát. Tương tự đối với những thùng rác và tất cả những vật gì có thể dùng đến trong các vụ đụng độ trước đây. Cảnh sát cũng buộc phải đi theo một lộ trình ngắn nhất, và cuộc biểu tình phải kết thúc sớm hơn. Tuy nhiên không có gì chắc chắn rằng người biểu tình sẽ tuân thủ những hạn chế này".
Ném trứng vào Văn phòng liên lạc Trung Quốc
Đúng như lo ngại, tuy lộ trình ngắn hơn, nhưng sau đó hàng ngàn người biểu tình tiếp tục tuần hành đến tận Văn phòng liên lạc Trung Quốc, đại diện cho chính quyền Bắc Kinh. Tòa nhà hoành tránh được bảo vệ bằng nhiều vòng rào, trở thành mục tiêu bị ném trứng và các vật khác, mặt tiền bị vẽ graffiti.
AFP mô tả, một người đeo khẩu trang đen đọc danh sách các yêu sách trên loa phóng thanh. "Không có người biểu tình bạo động hay kẻ nổi dậy, chỉ có các bạo chúa. Chúng tôi bảo vệ Tổ quốc bằng tất cả mọi phương tiện. Chúng tôi kêu gọi chính quyền chấm dứt đưa Hồng Kông đến chỗ hủy diệt".
Đến tối, cảnh sát chống bạo động xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán người biểu tình. Tại một nhà ga ở quận Nguyên Lãng (Yuen Long) gần biên giới Trung Quốc, xuất hiện những người bịt mặt mặc đồ màu trắng dùng gậy tấn công người biểu tình. Đặc biệt một nhà báo đang truyền hình trực tiếp sự kiện đã bị hành hung.
Theo thông tin của South China Morning Post, Bắc Kinh có vẻ càng ủng hộ trưởng đặc khu và cảnh sát thay vì tìm cách xoa dịu sự phẫn nộ của những người phản kháng. Steve Vickers, chuyên gia về an ninh nhận định tình hình có nguy cơ sẽ xấu đi trong những tuần lễ tới.
Thụy My