Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thủ tướng Malaysia đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân trong vùng, đặc biệt là ở Biển Đông, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Scott Morrison ngày 18/09/2021 khi đề cập đến thỏa thuận tầu ngầm hạt nhân Úc-Mỹ. Cùng ngày, Indonesia cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại về việc Canberra thay đổi lập trường, đi ngược lại với mong muốn duy trì một khu vực không vũ khí hạt nhân.

taungam1

Tầu ngầm USS Missouri (SSN 780) xuất phát từ Căn cứ Pearl Harbor-Hickam theo chương trình triển khai đến Hạm Đội 7 của Hải quân Mỹ, ngày 01/09/2021.  AP - Chief Petty Officer Amanda Gray

Thông tín viên Gabrielle Maréchaux tại Kuala Lumpur cho biết thêm chi tiết :

"Nỗi lo từ xưa lại trỗi dậy trong tuần này ở Đông Nam Á, khu vực trở thành sân chơi cho sự cạnh tranh Trung - Mỹ, ngoài mong muốn của các nước trong vùng. Vào thời tổng thống Donald Trump, động lực của cuộc chiến tập trung chủ yếu vào kinh tế, đến thời Biden thì có lẽ đề cao an ninh hơn, nhất là sau hợp đồng vũ khí giữa Hoa Kỳ và Úc.

Khi trao đổi với đồng nhiệm Úc, thủ tướng Malaysia đã nhấn mạnh lo ngại rằng liên minh mới giữa Úc và Mỹ chỉ cổ vũ thêm cho những cường quốc khác phản ứng hiếu chiến hơn ở trong vùng, ý muốn nói đến Bắc Kinh.

Nếu như từ "hạt nhân" hiện giờ gây lo lắng, đó là do đi ngược lại với lập trường của ASEAN kể từ hiệp định Bangkok năm 1995 với cam kết biến Đông Nam Á thành khu vực không có vũ khí hạt nhân. Cho đến giờ dường như Úc đi theo đường lối này, theo như thông cáo của chính quyền Indonesia khi nêu hiệp ước hữu nghị và hợp tác, cũng như cam kết của Úc vì an ninh trong vùng.

Việc chính quyền Canberra thiếu minh bạch và thiếu thông tin có vẻ khiến Indonesia rất tức giận. Thông cáo của chính quyền Jakarta nhắc lại những tiền lệ ngoại giao trước đó, như việc mở một căn cứ quân sự ở Darwin năm 2011 cũng đặt Indonesia vào thế "sự đã rồi" và làm phật lòng các nhà lãnh đạo Indonesia".

Thu Hằng

Published in Châu Á