Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biển Đông : Trung Quốc lên án B-52 Mỹ "khiêu khích" (RFI, 28/09/2018)

Ngày 27/09/2018, bộ quốc phòng Trung Quốc đã lên án oanh tạc cơ Hoa Kỳ B-52 bay qua Biển Đông, đồng thời cáo buộc Washington đang làm xấu đi quan hệ quân sự song phương.

bd1

Oanh tạc cơ B-52 của Mỹ. Reuters/Hankook Ilbo/Yonhap

Trong buổi họp báo hàng tháng, người phát ngôn bộ quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang) tuyên bố "kiên quyết phản đối hành động khiêu khích của máy bay quân sự Mỹ tại Biển Đông", và Bắc Kinh "sẽ tiếp tục có các biện pháp cần thiết để xử lý một cách hiệu quả". Theo Reuters, phát ngôn viên Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ "nhanh chóng sửa chữa sai lầm", "loại bỏ các trở ngại cản trở quan hệ song phương phát triển lành mạnh". Ông Nhậm Quốc Cường cũng để ngỏ khả năng chuyến công du dự kiến của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, từ nay đến cuối năm, có thể bị hủy bỏ.

Quân đội Trung Quốc có phản ứng nói trên, sau khi Không Quân Mỹ xác nhận oanh tạc cơ B-52 có khả năng mang bom hạt nhân đã hai lần bay qua Biển Đông vào đầu tuần này. Việc điều B-52 đến Biển Đông được quân đội Mỹ coi như một hoạt động thường kỳ, trong khuôn khổ các chiến dịch tuần tra "bảo vệ tự do hàng hải" (FONOP) cùng các đồng minh, tại Biển Đông, nơi Trung Quốc có yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển, và biến nhiều rạn san hô tranh chấp thành các tiền đồn quân sự. Đầu tuần này, bộ trưởng quốc phòng Mỹ một lần nữa lên án việc Trung Quốc tiếp tục củng cố các cơ sở quân sự ở khu vực này.

Cũng trong buổi họp báo này, phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc đã lên án "một số quốc gia ngoài khu vực, trong đó có Anh và Pháp", đưa phương tiện quân sự đến Biển Đông nhân danh bảo vệ tự do hàng hải, cố tình không thừa nhận tình hình tại đây đang trở nên ổn định hơn.

Chiến hạm Anh lại đi qua Biển Đông

Vẫn liên quan đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Reuters cho hay, sau cuộc tập trận với Nhật Bản hôm thứ Tư 26/09, một hộ tống hạm Anh sẽ đi tiếp về vùng biển xung quanh Nhật Bản, xuyên qua Biển Đông. Chiến hạm Anh HMS Argyll sẽ đồng thời làm nhiệm vụ theo dõi thực thi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên.

HMS Argyll là chiến hạm thứ ba của Anh tới các vùng biển Châu Á trong năm nay. Hồi tháng trước việc tàu đổ bộ Anh Albion, trọng tải 22.000 tấn, đi sát khu vực quần đảo Hoàng Sa trong một chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, đã khiến Bắc Kinh phản đối dữ dội.

Trọng Thành

*****************

Mỹ điều B-52 bay qua vùng Biển Đông có tranh chấp (RFI, 27/09/2018)

Bộ quốc phòng Mỹ ngày 26/09/2018 xác nhận đã điều oanh tạc cơ B-52 bay qua vùng Biển Đông có tranh chấp, nơi Trung Quốc xây dựng nhiều đảo nhân tạo và biến thành tiền đồn quân sự.

bd2

Ảnh minh họa : Oanh tạc cơ B-52 của Hoa KỳAFP PHOTO / JUNG YEON-JE

Trung tá David Eastburn, phát ngôn viên bộ quốc phòng Mỹ giải thích, nhiều chiếc B-52 đã bay qua khu vực này để "tham gia một hoạt động quân sự chung thường xuyên tại biển Hoa Đông" với Nhật Bản hôm thứ Ba 25/09. Những chiếc B-52 của Mỹ, được tiêm kích Nhật Bản hộ tống, đã bay trên không phận giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Hoạt động quân sự chung này được thực hiện trong khuôn khổ mà Hoa Kỳ gọi là "sự hiện diện liên tục của oanh tạc cơ" trong khu vực. Đó là những hành động nhằm xác quyết sự hiện diện của Mỹ tại vùng Thái Bình Dương, theo như giải thích của một quan chức Lầu Năm Góc, xin ẩn danh.

Vẫn theo trung tá David Eastburn, đầu tuần này, nhiều chiếc B-52 cũng đã "bay qua vùng không phận quốc tế ở Biển Đông" trở về căn cứ Diego Garcia tại Ấn Độ Dương.

Theo AFP, các hoạt động quân sự này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng vì xung đột thương mại. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis trấn an là các hoạt động quân sự vừa nêu không nhằm gây thêm căng thẳng với Trung Quốc.

Cũng trong lĩnh vực quân sự, chiếc Kaga - tầu chở trực thăng lớn nhất của Nhật Bản – ngày 26/09/2018, đã tiến hành một cuộc tập trận với tàu hải quân Anh HMS Argyll ở Ấn Độ Dương và sau đó, tiến về hướng Biển Đông và vùng biển Bắc Á.

Ông Kenji Sakaguchi, chỉ huy lực lượng tự vệ hải quân Nhật Bản (MSDF) khẳng định "Nhật Bản có mối quan hệ truyền thống với Anh Quốc và vì cả hai nước đều là đồng minh thân cận của Mỹ nên cuộc tập trận này là cơ hội để cả hai nước tăng cường hợp tác".

Minh Anh

Published in Châu Á