Tại các hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa bế mạc hôm 15/11/2018 tại Singapore, nhân vật được cho là có ảnh hưởng nhiều nhất đến các diễn biến trong khu vực lại là lãnh đạo duy nhất vắng mặt : tổng thống Mỹ Donald Trump, đã để cho người phó của mình là Mike Pence đi thay. Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù không hiện diện bằng xương bằng thịt, bóng dáng ông Trump đã chi phối hội nghị Singapore.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (P), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (G) và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh ngày 15/11/2018. Reuters/Edgar Su
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, một vị thủ tướng đã cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể gây ra một "hiệu ứng domino" của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong khu vực. Một lãnh đạo khác thì lo ngại trước khả năng trật tự thế giới lại bị chia rẽ thành hai khối đối nghịch nhau như thời chiến tranh lạnh trước đây. Tất cả những điều đó đều bắt nguồn từ các chính sách của đương kim tổng thống Mỹ, người đã khởi động cuộc đọ sức thương mại gay gắt với Trung Quốc.
Theo ông Malcolm Cook, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore, điều oái oăm ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này là "người lãnh đạo quan trọng nhất và được nói đến nhiều nhất… - tức là tổng thống Trump - lại là người duy nhất không hiện diện".
Thế nhưng ảnh hưởng tổng thống Mỹ lại được thấy trong rất nhiều động thái của các nước còn lại, mà nổi bật nhất là sự kiện các nước quốc gia từ Nam Á đến Đông Á đã đẩy nhanh tốc độ hình thành các mối quan hệ đa phương về thương mại và đầu tư giữa các nước với nhau.
Trung Quốc, nước bị Mỹ coi là đối thủ chủ chốt, đã góp phần thúc đẩy chiều hướng này, một cách để đối phó với Mỹ.
Đối với ông Simon Tay, chủ tịch Viện Quan Hệ Quốc Tế Singapore, khi không đến Singapore, tổng thống Mỹ Donald Trump đã vô tình giúp các quốc gia Châu Á gắn kết lại với nhau một cách dễ dàng hơn.
Theo chuyên gia kỳ cựu này, vào lúc các chính sách của ông Trump có khuynh hướng phá vỡ trật tự tự nhiên mà Châu Á phụ thuộc, việc ông Trump có biểu hiện lơ là Châu Á, không có mặt tại chỗ để trấn an, đã tạo ra tâm lý bất an trong vùng và các nước Châu Á đã phải "cố tìm ra những phương cách hoạt động mà không dựa vào Mỹ quá nhiều".
Cũng như đối với hội nghị ASEAN ở Singapore vừa kết thúc, tổng thống Trump cũng sẽ bỏ qua Thượng Đỉnh APEC tại Papua New Guinea vào cuối tuần.
Vào năm 2017, ông Trump đã tham dự cả hai cuộc họp ASEAN và APEC, nhưng quyết định không đến Châu Á của ông năm nay, đã làm dấy lên hoài nghi về chiến lược khu vực của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.
Phó tổng thống Mike Pence, người đại diện cho tổng thống Trump tại Singapore, đã liên tục khẳng định rằng cam kết của Hoa Kỳ đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rất "kiên định và bền bỉ".
Tuy nhiên, trong tư cách là phó tổng thống, những tuyên bố trấn an của ông Pence được cho là chỉ có sức nặng tương đối mà thôi.
Trọng Nghĩa
*******************
Một hôm sau khi chỉ trích đích danh Trung Quốc về những hành vi bành trướng và quân sự hóa Biển Đông, phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 16/11/2018 tiếp tục công kích ý đồ của Bắc Kinh muốn chiếm trọn vùng biển Đông Nam Á.
Phó tổng thống Mỹ, Mike Pence (trái) họp báo chung với thủ tướng Lý Hiển Long tại Singapore. Ảnh ngày 16/11/2018. Reuters
Ông Pence tuyên bố, vùng Biển Đông không thuộc quyền sở hữu riêng của bất kỳ nước nào.
Phát biểu với thủ tướng Singpore Lý Hiển Long trong khuôn khổ một chuyến thăm chính thức quốc gia Đông Nam Á này, phó tổng thống Mỹ đã nói nguyên văn như sau : "Biển Đông không thuộc về bất kỳ một quốc gia duy nhất nào và quý vị có thể chắc chắn rằng : Hoa Kỳ sẽ tiếp tục triển khai tàu thuyền và máy bay đến bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và lợi ích của Mỹ đòi hỏi".
Theo hãng tin Anh Reuters, lời khẳng định của ông Mike Pence là một thách thức nhắm vào Trung Quốc, nước tự nhận mình là chủ của hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, cùng với Đài Loan.
Hôm 15/11/2018, tại thượng đỉnh Đông Á EAS, trong đó có thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, phó tổng thống Mỹ đã cảnh cáo là trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, hoàn toàn "không có chỗ cho bất kỳ đế chế và hành vi xâm lược nào".
Đối với Reuters, tuyên bố này có thể được xem là nhắm vào sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thậm chí ông Mike Pence còn không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc ra để đả kích khi nói cụ thể về Biển Đông :"Việc Trung Quốc quân sự hóa và bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông là những hành vi phi pháp và nguy hiểm… đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia và gây nguy hiểm cho sự thịnh vượng của thế giới".
Các tuyên bố trên đây của phó tổng thống Mỹ đi theo chiều hướng cứng rắn đã từng được ông Pence nêu bật trong một bài phát biểu về chính sách vào tháng 10/2018. Trong đó ông Pence cáo buộc Trung Quốc có những hành động quân sự thô bạo và liều lĩnh ở Biển Đông.
Ngoài ra, lời tái khẳng định quyết tâm của Mỹ là sẽ tiếp tục dấn thân vào Biển Đông được đưa ra sau một tuyên bố bị cho là chủ bại của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua. Tổng thống Duterte cho rằng "Trung Quốc đã khống chế Biển Đông", do đó tại sao Mỹ và các nước khác lại phải tập trận trong vùng để gây "hiềm khích" với Trung Quốc và làm cho nước này phản ứng. Theo nhật báo Singapore The Strait Times, ông Duterte đã phát biểu như trên với báo chí bên lề thượng đỉnh ASEAN tại Singapore.
Về phần Singapore, trong diễn văn bế mạc các hội nghị thượng đỉnh ASEAN, thủ tướng Lý Hiển Long đã không ngần ngại cảnh báo là các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ có lúc bị buộc phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng ông hy vọng là "điều đó sẽ không tới sớm".
Trọng Nghĩa
**********************
Phó Tổng thống Mỹ : Biển Đông không của riêng nước nào (RFA, 16/11/2018)
"Biển Đông không thuộc về bất kỳ quốc gia nào, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tham dự các cuộc họp của khối những nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN hôm 15 tháng 11 tại Singapore. AFP
Reuters dẫn lời Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence phát biểu vào ngày 16 tháng 11 khi đến Singapore tham dự các cuộc họp của khối những nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN.
Phó Tổng thống Pence cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều hành động nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng việc tiến hành một loạt các cuộc tuần tra "tự do hàng hải" trên vùng biển tranh chấp.
Theo Reuters Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan, tất cả đều có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nơi có khoảng 3 ngàn tỷ đô la hàng hóa thương mại qua lại mỗi năm.
Trước đó vào ngày 15 tháng 11, Phó Tổng thống Pence cũng đã phát biểu trước các lãnh đạo các nước ASEAN rằng không có chỗ cho "sự kiểm soát hoàn toàn và gây hấn" ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều này có khả năng được hiểu nhằm ám chỉ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Phát biểu trước một hội nghị thượng đỉnh khu vực, ông Pence đã trực tiếp chỉ trích hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, ông nêu rõ Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng lãnh thổ ở Biển Đông là bất hợp pháp và nguy hiểm. Việc này đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia và gây nguy hiểm cho sự thịnh vượng của thế giới.
Tại Bắc Kinh, phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết không có quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ, đã từng đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về vấn đề tự do hàng hải hoặc hàng không ở Biển Đông.
Theo bà Hoa Xuân Oánh, Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS). Bà nói rõ, nếu Hoa Kỳ có thể sớm chấp thuận và tuân thủ UNCLOS, thì điều này sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho việc bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông.
Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence vào tháng 10 vừa qua cũng có những tuyên bố cứng rắn về Biển Đông lên án những hành động của Bắc Kinh mà ông này cho là liều lĩnh.
****************
Các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33, dưới sự chủ tọa của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã kết thúc ngày 15/11/2018, tại Singapore, với cuộc họp thượng đỉnh Đông Á, quy tụ lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á và 8 quốc gia đối tác của ASEAN (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Nga).
Lãnh đạo các nước tham gia thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13 chụp ảnh chung tại Singapore, ngày 15/11/2018. Reuters/Edgar Su
Từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế Suntec, Singapore, đặc phái viên Thanh Phương tường trình :
Năm nay, nước Nga lần đầu tiên dự thượng đỉnh Đông Á ở cấp nguyên thủ quốc gia, với sự hiện diện của tổng thống Vladimir Putin. Do vắng mặt tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Putin coi như nắm vai trò đầu đàn.
Điều đáng chú ý là khi chụp hình chung với các lãnh đạo 18 quốc gia khi kết thúc thượng đỉnh, tổng thống Nga đứng kế bên thủ tướng Lý Hiển Long. Và cũng mang tính biểu tượng không kém, ngay sát bên ông Putin lại là thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Như thể là hai cường quốc này đang đẩy Hoa Kỳ xuống hàng thứ yếu trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương.
Thượng đỉnh Đông Á đã đề cập đến những hồ sơ quốc tế nổi cộm hiện nay : căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, hạt nhân Bắc Triều Tiên, tranh chấp Biển Đông, khủng hoảng người tị nạn Rohingya, Miến Điện.
Các lãnh đạo dự thượng đỉnh Đông Á cũng đã thông qua một số tuyên bố như Tuyên bố về việc sử dụng, tàng trữ và chuyên chở các vật liệu hạt nhân và các chất phóng xạ khác một cách an toàn, Tuyên bố về tăng cường hợp tác về an ninh mạng, Tuyên bố về các thành phố thông minh của ASEAN.
Trong cuộc họp báo kết thúc các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, thủ tướng Lý Hiển Long đã hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong cuộc đàm phán nhằm tiến tới ký kết (dự kiến vào năm 2019) hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership-RCEP), sẽ quy tụ 10 nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand.
Về cấu trúc mới cho khu vực, thủ tướng Lý Hiển Long cho biết đã có nhiều đề nghị cho việc thiết lập một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhưng ASEAN sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng những đề nghị đó, dựa trên những nguyên tắc : tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm toàn bộ các nước trong khu vực…
Riêng về Biển Đông, ông Lý Hiển Long nhắc lại là ASEAN và Trung Quốc vào năm 2019 sẽ hoàn tất Bản dự thảo sơ bộ, làm cơ sở cho các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC. Nhưng theo thủ tướng Singapore, còn rất nhiều việc phải làm trước khi hoàn tất các cuộc đàm phán, mà thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định là sẽ kết thúc trong vòng 3 năm.
Trong lễ bế mạc thượng đỉnh vào cuối chiều 15/11, thủ tướng Singapore đã chuyển giao chức chủ tịch ASEAN 2019 cho thủ tướng Prayut Chan-o-cha của Thái Lan, một trong những quốc gia sáng lập Hiệp Hội.
Thanh Phương